Chứng khoán với những phiên giao dịch kỷ lục trên 10.000 tỉ đồng; Việt Nam khiếu nại WTO về việc Mỹ áp thuế cá phi lê; Rút tiền mặt ở nước ngoài không được quá 30 triệu VND; 2018: Đất nền sẽ tiếp tục tăng giá
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-01-2018
- Cập nhật : 14/01/2018
Chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy khai thác dầu khí ngoài khơi
Ngày 4/1, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố một kế hoạch đề xuất cho khoan thăm dò dầu khí ở hầu hết các vùng biển của Mỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP/TTXVN.
Đề xuất này lập tức vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường và một số nhân vật phe Cộng hòa.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Mỹ, kế hoạch của chính phủ đề xuất chào thầu 47 lô thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi - số lượng nhiều nhất trong lịch sử Mỹ, với thời hạn 5 năm; đồng thời cho khai thác 98% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở các vùng biển thuộc quản lý của chính quyền liên bang.
Trong số 47 lô thăm dò nói trên có 19 lô ngoài khơi Alaska, 7 lô ở Thái Bình Dương và 12 lô tại Vịnh Mexico, 9 lô ở Đại Tây Dương. Con số này tăng đáng kể so với mức giới hạn mà chính quyền Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm đưa ra nhằm giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với hoạt động thăm dò dầu khí mới tại các vùng biển của Mỹ ở Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.
Kế hoạch trên nằm trong chủ trương của Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách năng lượng "Nước Mỹ trước tiên", theo đó dỡ bỏ hạn chế đối với ngành khai thác dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển và tạo nhiều việc làm.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cho rằng kế hoạch trên có thể đưa Mỹ trở thành "siêu cường mạnh nhất" trong ngành này. Ông cũng cho biết việc lấy ý kiến người dân về kế hoạch này sẽ được triển khai từ ngày 16/1 tới.
Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này được đánh giá là không dễ dàng do sự phản đối của nhiều bang, trong đó có cả những bang chủ nhà của phe Cộng hòa, do lo ngại tác hại đối với môi trường cũng như ảnh hưởng đối với ngành du lịch vốn quan trọng đối với nền kinh tế địa phương.
Thống đốc bang Florida Rick Scott ngay lập tức đã lên tiếng phản đối chính sách năng lượng của ông Trump, cho rằng việc khoan thăm dò dầu khí sẽ làm tổn hại nguồn tài nguyên thiên nhiên của bang này.
Thống đốc bang Maryland là Larry Hogan và Thống đốc bang South Carolina là Henry McMaster - cũng thuộc phe Cộng hòa - không mặn mà với dự án khai thác dầu ngoài khơi.
Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi bị xem là điều cấm kỵ về chính trị tại California, thành trì của phe Dân chủ, và các bang miền Đông Bắc. Một số bang khác như Texas và Lousiana lại coi ngành công nghiệp này là nguồn tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế.
Kế hoạch trên được công bố sau khi Tổng thống Trump hồi tuần trước ban hành các quy định mới, theo đó nới lỏng những hạn chế về khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi mà cựu Tổng thống Obama đã ban hành sau khi xảy ra vụ nổ ở giàn khoan Deepwater Horizon trên Vịnh Mexico hồi năm 2010 dẫn đến thảm họa tràn dầu ở khu vực này.(Vietnam+)
-------------------------------
Giảm gần 10.000 ô tô du lịch nhập khẩu năm 2017
Kết quả thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan đã đưa ra những thông tin cụ thể về kết quả nhập khẩu ô tô của cả nước trong năm 2017, với thông tin đáng chú ý cả lượng và trị giá đều giảm so với năm 2016.
Biểu đồ số lượng, kim ngạch, mức giá trung bình nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi năm 2016 và 2017. Biểu đồ: T.Bình.
Theo đó, năm 2017, cả nước nhập khẩu 97.213 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 2,237 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2016, tổng số lượng ô tô nhập khẩu trong năm 2017 giảm 13,6%, trong khi trị giá kim ngạch giảm 6,1%.
Đặc biệt, trong năm 2017 đã chứng kiến sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm số lượng của dòng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi. Cả năm, chỉ có 38.832 xe được nhập khẩu về Việt Nam, với trị giá kim ngạch đật gần 718 triệu USD.
So với năm 2016, số lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi giảm tới 9.916 xe, tuy nhiên trị giá kim ngạch lại tăng thêm khoảng 30 triệu USD. Như vậy, bình quân năm 2017, một xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có giá gần 18.500 USD/xe (chưa tính các khoản thuế), trong khi năm 2016 mức giá bình quân chỉ trên 14.100 USD/xe.
Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2016, trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,01 tỷ USD, tăng 21,2% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2017 thặng dư 2,91 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với con số xuất siêu của năm 2016 (gần 1,78 tỷ USD ).(Baohaiquan)
-------------------------
Giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu cao
Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, Chính phủ tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ xấu cao hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng chất vấn về 2 vấn đề:
1- Chính phủ có những giải pháp gì để giải quyết căn cơ tình trạng nợ công và nợ xấu cao, mất cân đối ngân sách Nhà nước?
2- Nhiều DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng. Nếu ngân hàng, trong đó có ngân hàng nước ngoài xiết nợ thì Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào?
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Thủ tướng Chính phủ trả lời đối với từng vấn đề.
Về giải pháp để giải quyết tình trạng nợ công và nợ xấu cao, mất cân đối ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đối với nợ công, trước thực trạng cơ cấu ngân sách và nợ công và yêu cầu bảo đảm an ninh tài chính trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đồng thời đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Quốc hội đã quyết định các chỉ tiêu giới hạn về nợ công, bội chi trong trung hạn (bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn không quá 3,9% GDP, đến năm 2020 không quá 3,5%GDP; nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP). Để triển khai các mục tiêu này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công.
Cụ thể: Tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên 26,2% năm 2018, kế hoạch giai đoạn 2018-2020 trên 26%; tỷ trọng dự toán chi thường xuyên đã giảm từ mức 64,9% năm 2017 xuống 64,1% năm 2018, đến năm 2020 dự kiến xuống dưới 64%; tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14 nói trên, trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của chính quyền địa phương, bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước.. thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát thu hẹp diện miễn, giảm thuế, nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách Nhà nước.
Về xử lý nợ xấu, trong giai đoạn 2011-2015, xác định xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách nhằm bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, khơi thông tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” (ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012), Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” (ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013).
Qua 04 năm triển khai các Đề án nêu trên, việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, thanh khoản của hệ thống các TCTD được đảm bảo, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được đẩy lùi, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; mặt bằng lãi suất giảm mạnh, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý.
Kết quả này đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của các giải pháp xử lý nợ xấu trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Lũy kế từ 2012 đến cuối tháng 9/2017, tổng số nợ xấu được xử lý đạt 685,3 nghìn tỷ đồng, đưa nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9/2017 còn 158,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,34%. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách thận trọng, giá trị nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn (ước tính khoảng 558,0 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,62% tổng dư nợ tín dụng, giảm so với mức 10,08% của cuối năm 2016), tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, giúp xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017) với nhiều giải pháp mang tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của TCTD, tổ chức mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Ngay sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ chỉ đạo các TCTD, VAMC và các đơn vị trong ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Nghị quyết, thường xuyên báo cáo Chính phủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, để tiếp tục xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của hệ thống TCTD, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017).
Trong 6 nhóm giải pháp nêu tại Đề án, có nhóm giải pháp về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu. Để tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án này, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
Với phương châm Chính phủ kiến tạo phát triển, quyết liệt hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, quán triệt và thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật và đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.
Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo tích cực triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế...
Các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế đã góp phần kiềm chế nợ xấu mới phát sinh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, trả nợ ngân hàng, từng bước xử lý có hiệu quả nợ xấu.
Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện nêu trên, Chính phủ tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm được tình trạng nợ xấu cao hiện nay. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các giải pháp xử lý nợ xấu đột phá trên đây đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Từ 15/8/2017 đến 30/9/2017 (sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 42), tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý khoảng 14,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó nợ xấu được các TCTD tự xử lý thông qua vận dụng các quy định tại Nghị quyết 42 và các văn bản pháp quy hiện hành chiếm 99,94%, nợ xấu bán cho VAMC chỉ chiếm 0,06%.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt NHNN và các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nêu tại Nghị quyết 42, Chỉ thị 32 và Đề án 1058 nhằm xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Xiết nợ sẽ do tổ chức tín dụng tự chủ thực hiện
Về xử lý nợ của DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Trong quá trình xây dựng Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá toàn diện thực trạng nợ xấu của hệ thống TCTD.
Theo đó, nợ xấu của các DNNN và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (gọi chung là DNNN) mặc dù đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn còn khá lớn (khoảng 10 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2015 và 9,3 nghìn tỷ đồng đến thời điểm 30/09/2017).
Trước thực trạng đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đưa ra các giải pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu của DNNN. Cụ thể: Đại diện chủ sở hữu DNNN có trách nhiệm xác định định hướng hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó:
(i) Xử lý dứt điểm tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); (ii) Trường hợp tiếp tục duy trì hoạt động thì cho phép TCTD chuyển nợ thành vốn góp hoặc bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp để có nguồn trả nợ TCTD; (iii) Cho phá sản doanh nghiệp để TCTD thu hồi khoản nợ liên quan.
Sau khi Đề án được phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của các DNNN đã nêu tại Đề án và kịp thời báo cáo Chính phủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình triển khai đạt hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.
Đảng, Nhà nước đã xác định định hướng hoạt động của DNNN tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII như sau: “DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN.”; “Quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và DNNN, nhất là các quyền và nghĩa vụ phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường”; “Xoá bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế,...”.
Theo đó, DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng, cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng… tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, không còn các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN.
Theo các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thì chủ sở hữu nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn điều lệ (đối với DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ) và số vốn góp (đối với DNNN nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ).
Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Như vậy, trong trường hợp DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng thì việc ngân hàng thực hiện thu nợ/xiết nợ sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có các giải pháp xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp, bổ sung nguồn vốn để có nguồn trả nợ TCTD, phá sản doanh nghiệp… như Đề án 1058 đã nêu. Hoạt động thu nợ/xiết nợ sẽ do DNNN, tổ chức tín dụng (trong đó có ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam) tự chủ thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.(TBNH)
----------------------
Kênh bán lẻ online Lelfair nhận được đầu tư 3 triệu USD
Đây là khoản đầu tư lớn gấp 03 lần so với khoản đầu tư pre-series A công ty công bố trước đó vào tháng 12/2016.
Lelfair – kênh mua sắm hàng hiệu trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam vừa chính thức công bố vòng gọi vốn mới nhất trị giá 3 triệu USD từ Capital Managemant Group, nâng tổng số vốn đầu tư của công ty tới thời điểm hiện tại lên 5 triệu USD.
Đây là khoản đầu tư lớn gấp 03 lần so với khoản đầu tư pre-series A công ty công bố trước đó vào tháng 12/2016.
Lelfair được thành lập vào tháng 12/2015, kênh bán hàng online này theo đuổi mô hình flash-sale (hàng hiệu giảm giá) đã rất thành công tại Châu Âu với tên miền Vente-privee.com và tại Trung Quốc là Vip.com. Kênh online hàng hiệu mang đến cho khách hàng các ưu đãi giảm giá lên tới 70% trong khoảng thời gian có hạn.
Sau 02 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Lelfair có mức tăng trưởng nhanh với doanh thu và lượng khách hàng trung thành tăng gấp 02 lần mỗi năm.
Hiện nay, 75% khách hàng của Lelfair là phụ nữ độ tuổi 25-45, sống ở các thành phố loại 1 và loại 2.
Theo ông Loic Gautier, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Lelfair, đối tượng khách hàng mua hàng hiệu online trên mạng của Lelfair đông nhất và thường xuyên nhất không phải là các thành phố loại 1 như Hà Nội, TP.HCM mà là thành phố loại 2 như: Hải Phòng, Đà Nẵng…
Loic Gautier cho biết thêm sức mua tại thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng cung ứng thương hiệu mới đến từ các nhà phân phối và bán lẻ.
Capital Managemant Group là một Quỹ đầu tư có trụ sở chính đặt tại Mahe, Seychelles, được thành lập năm 2006 bởi ông Mukesh Valabhji.
Capital Managemant Group hiện đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, đầu tư mạo hiểm và góp vốn tư nhân. Danh mục đầu tư của công ty này nằm rải rác khắp Đông Á, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.(Bizlive)