tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-01-2018

  • Cập nhật : 12/01/2018

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% năm 2017

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây cho biết nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tăng trưởng khoảng 6,9% trong năm 2017, mức tăng trưởng tốt hơn so với các dự báo trước đây.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ hai tại Phnom Penh, Campuchia cho biết trong năm vừa qua, nền kinh tế nước này tăng trưởng ổn định và thuận lợi, toàn cảnh tình hình tài chính đều tốt hơn so với các dự báo. 

nguoi dan mua sam tai trung tam thuong mai o tham quyen. anh: afp/ttxvn

Người dân mua sắm tại trung tâm thương mại ở Thâm Quyến. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Lý Khắc Cường, điểm quan trọng giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt là do Trung Quốc kiên quyết không áp dụng hàng loạt chính sách kích thích kinh tế và thay vào đó tìm cách thúc đẩy các nguồn lực tăng trưởng mới. 

Số liệu do Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra cao hơn 0,1% so với dự báo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một cơ quan cố vấn hàng đầu của nước này. 

Trước đó, nhiều nhà phân tích nhận định chiến dịch lớn mà Trung Quốc tiến hành nhằm giảm ô nhiễm không khí vào mùa Đông với các biện pháp mạnh tay với các nhà máy sản xuất sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước này do sản lượng công nghiệp giảm. 

Năm 2016, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ giữ ở mức 6,7%, mức thấp nhất trong hơn 25 năm, tuy nhiên đến 2 quý đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế nước này phục hồi ở mức 6,9% và quý 3 đạt 6,8%.(TTXVN)
-------------------------

Tỷ phú Buffett cảnh báo kết cục thảm của Bitcoin và tiền ảo

Bitcoin cùng với những đồng tiền ảo khác như Ripple và Ethereum đều sẽ đi đến một kết cục thảm khốc, tỷ phú doanh nhân Warren Buffett cảnh báo.

Tỷ phú Buffett cảnh báo kết cục thảm của Bitcoin và tiền ảo

Ông Warren Buffett. Ảnh: Reuters

Phát biểu với kênh truyền hình CNBC, ông trùm Buffet cho rằng “cơn mê loạn” của tiền ảo chắc chắn sẽ kết thúc tồi tệ trong bối cảnh giá Bitcoin tiếp tục lao đốc.

Vị giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway nói: “Về các loại tiền ảo, nhìn chung, tôi có thể nói gần như chắc chắn rằng chúng sẽ đi đến một kết cục tồi tệ”. Mặc dù không nêu rõ khi nào bong bóng tiền ảo sẽ nổ tung nhưng tỷ phú 87 tuổi “chắc chắn” điều này sẽ xảy ra.

Ông Buffett khẳng định Berkshire Hathaway sẽ không đầu tư vào đồng Bitcoin trong tương lai. 

Theo trang CoinDesk, giá trị hiện nay của Bitcoin vào khoảng 14.437 USD/đồng, tăng 1.500% so với với thời điểm năm ngoái. Đồng tiền ảo này đã chạm mốc cao nhất xấp xỉ 20.000 USD trước dịp Giáng sinh.

Bitcoin là đồng tiền ảo không do chính quyền nào kiểm soát và có thể sử dụng để mua bán điện tử khắp nơi trên thế giới. Các “anh em” của nó là Ripple và Etherum cùng những loại tiền ảo khác cũng đang làm xáo động thị trường toàn cầu. Tuy nhiên mỗi nhà đầu tư tiềm năng lại chọn cho mình một loại tiền khác nhau để rót vốn.

Điển hình, trong tháng qua, Ripple đã trở thành một “ngôi sao” sau khi phi mã trên 1.000% giá trị kể từ tháng 12/2017, đạt khoảng 0.006 USD/đồng. 

Bên cạnh quan điểm trên của huyền thoại Buffett, các nhà đầu tư khác lại bày tỏ sự tự tin vào việc Bitcoin sẽ tiếp tục bứt phá. Tom Lee, đồng sáng lập Funstrat Global Advisors, cho rằng vẫn có những khía cạnh tươi sáng để Bitcoin tiếp tục phát triển và đạt ít nhất 20.000 USD vào giữa năm nay, thậm chí là tăng gấp đôi vào cuối năm. 

Nhà giao dịch tiền ảo Jehan Chu còn dự đoán Bitcoin sẽ chạm mốc 50.000 USD vào cuối năm 2018. (TTXVN)
------------------------------

Tỉ phú Thái đặt mục tiêu bán 2 tỉ lít bia Sài Gòn

Sau khi mua trọn 53,59% vốn điều lệ của bia Sài Gòn, VietBev, công ty của tỉ phú chủ sở hữu ThaiBev, đặt mục tiêu bán 2 tỉ lít bia trong thời gian tới.

Tỉ phú Thái đặt mục tiêu bán 2 tỉ lít bia Sài Gòn - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất bia tại một nhà máy của Sabeco - Ảnh: T.TÙNG

Mục tiêu này được "tiết lộ" vào ngày 10-1, tại buổi ra mắt sản phẩm mới của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ông Koh Poh Tiong - Chủ tịch hội đồng quản trị Beer Group (công ty đang sở hữu 49% công ty "mẹ" của Công ty TNHH VietBev - doanh nghiệp vừa mua 53,59% vốn điều lệ Sabeco ngày 18-12-2017) - kỳ vọng Sabeco sẽ tiêu thụ được 1,9-2 tỉ lít bia cho giai đoạn từ năm 2018 trở đi.

Theo đó đồng thời thị phần của Bia Sài Gòn cũng sẽ gia tăng từ mức 40% lên 50% trong thời gian tới.

Đây cũng là thông điệp chính thức đầu tiên mà "ông chủ mới" của Sabeco lên tiếng, kể từ khi thương vụ mua tỉ lệ cổ phần chi phối tại Sabeco trị giá gần 5 tỉ USD hoàn tất kể từ cuối năm 2017. 

Ông Koh Poh Tiong khẳng định: 

"Chúng tôi sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Sabeco thông qua việc mở rộng kênh phân phối tại thị trường Singapore và cả Thái Lan", ông Koh Poh Tiong khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị Sabeco, thách thức của Sabeco trong giai đoạn mới là "vô cùng khó khăn, khi đối thủ cạnh tranh không còn che giấu bất kỳ tham vọng nào, từ sản lượng đến thị phần thống lĩnh".

Năm 2017, Sabeco bán ra thị trường khoảng 1,75 tỉ lít bia. (Tuoitre)
---------------------------------------

Năm 2018, hội nhập kinh tế sẽ giữ vai trò trọng tâm

Phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế khẳng định: Năm 2018 sẽ có nhiều chuyển biến cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế; trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là chủ trương nhất quán và xuyên suốt đòi hỏi cần phải có một bước chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trong công tác hội nhập kể cả đàm phán, ký kết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Vì vậy, cần chuẩn bị tâm thế nhất là năng lực thực thi, hiện thực hóa các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bước sang năm 2018 trước những thách thức mới cần chuẩn bị tâm thế hội nhập quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa và ngành nghề. 

Cùng đó, hoàn thiện thể chế trong nước, chủ động thích ứng với hội nhập nhất là lĩnh vực có tính cạnh tranh khốc liệt như chăn nuôi, trồng trọt, mía đường… 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Hội nhập được lợi nhiều về thuế quan nhưng lại làm cho thu ngân sách giảm. Vì thế, việc điều chỉnh thuế nội địa là bắt buộc song phải có lộ trình, chống xói mòn cơ sở thuế, ưu tiên mở rộng thuế nội địa. 

Đặc biệt, hội nhập tạo lợi ích thuế nhưng hàng hóa vào nhiều, cản trở từ phi thuế quan đòi hỏi hài hòa thủ tục, phối kết hợp giữa các quốc gia với nhau và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. 

Những biến động thị trường quốc tế và thương mại dự báo gia tăng, một số đối tác thương mại lớn đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành chủ trì tăng cường nghiên cứu, dự báo vấn đề mới của FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch hợp tác của khu vực như ASEAN, WTO; trong đó sử dụng tối đa cơ chế nhóm hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia tư vấn. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh-Phó Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định: Năm 2017 đánh dấu nhiều thành công lớn với các kết quả quan trọng thông qua các sự kiện hội nhập trong nước và quốc tế. 

Trong bối cảnh kinh tế chính trị khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2017 của Việt Nam đã được triển khai với các điều kiện thuận lợi trong nước. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam tiếp tục quán triệt đường lối chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; trong đó hội nhập kinh tế quốc tế giữ vai trò trọng tâm. Việt Nam đang bước vào giai đoạn thực hiện hội nhập sâu hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu thực thi các biện pháp cụ thể của lộ trình cam kết đến năm 2025 với các tiêu chí giám sát và đánh giá thiết thực hơn. 

Năm 2017 đánh dấu chặng đường hợp tác 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Cùng đó, Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công năm APEC 2017 với hàng loạt các hội nghị lớn được tổ chức trong nước và các sáng kiến mới được đưa ra, góp phần quan trọng vào tiến trình mở rộng hợp tác và thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ngoài nước thông qua việc đàm phán và tham gia các chương trình hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng… 

Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương, với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản (VJEPA), với Hàn Quốc (KVFTA), với Chile (VCFTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEUFTA). Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong (Trung Quốc) vào tháng 11/2017. 

Cùng đó, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. 

Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm… 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu thực hiện đồng bộ và thực hiện hiệu quả các FTA, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả, Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận và tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các FTA. 

Năm 2018 là chuyển biến mạnh mẽ hội nhập và chuyển biến mạnh về điều phối này. Cần có sự phối hợp, tích hợp các mức thuế. 

Chia sẻ thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, gồm Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư. 

Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng riêng phần đầu tư chỉ bao gồm tự do hoá đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệp định này sẽ thuộc thẩm quyền ký kết của Uỷ ban châu Âu (EC) và thẩm quyền phê duyệt của Nghị viện châu Âu (EP). 

Với Hiệp định bảo hộ đầu tư (IP - bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư), sẽ phải được sự phê chuẩn của cả EP và Nghị viện các nước thành viên. 

Hiện nay hai bên đang tích cực thảo luận các vấn đề kỹ thuật của việc tách EVFTA thành 2 Hiệp định, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1 này để bắt tay vào dịch thuật, chuẩn bị cho việc ký chính thức. 

Để công tác hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế đề xuất các Bộ ngành cần tập trung phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đưa ra phương án hợp lý để sớm kết thúc đàm phán và ký kết các FTA còn lại. 

Mặt khác, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra nhằm chuẩn bị cho việc đánh giá 5 năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết về hội nhập quốc tế khi Việt Nam tham gia sâu đậm hơn trong các tổ chức quốc tế và các FTA. 

Ngoài ra, cần chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA mới. 

Không những thế cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 

Đặc biệt, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục