tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-01-2018

  • Cập nhật : 11/01/2018

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Lần đầu tiên trong nhiều năm, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng với tất cả các khu vực nơi kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực, theo AFP trích dự báo mới nhất được công bố hôm 9.1.

ngan hang the gioi nang du bao tang truong kinh te toan cau

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng các nước phải đầu tư để cải thiện triển vọng tăng trưởng quốc gia và thời gian phù hợp để làm điều này là trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo xảy ra.

“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh hơn những gì chúng tôi dự đoán. Tất cả các dự báo hiện đều tốt hơn so với dự báo trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu hồi tháng 6.2017”, Ayhan Kose, nhà kinh tế học của WB, nói với AFP.

Ông Kose cũng ghi nhận rằng thế giới đang nhìn thấy sự mở rộng kinh tế mang tính “đồng bộ hóa” cao giữa các khu vực. Điều này bao gồm sự tăng trưởng vững chắc ở ba nền kinh tế lớn là Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản, cùng những cải tiến đáng kể tại các nền kinh tế mới nổi quan trọng trên thị trường. Ngoài ra, các nước xuất khẩu hàng hóa lớn như Nga và Brazil, vốn đã gặp phải khó khăn trong vài năm qua, cũng cho thấy đà hồi phục hồi trong năm ngoái.

Tăng trưởng cao hơn

Kể từ dự báo cuối tháng 6.2017, WB đã nâng triển vọng gần như với tất cả các dự báo, với tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 3,1% trong năm nay và 3% vào năm 2019. Trong đó, lợi ích lớn nhất nằm ở các nền kinh tế tiên tiến, được điều chỉnh tăng cho cả hai năm 2017 và 2018, với tỷ lệ phần trăm tương ứng lần lượt là 2,3% và 2,2%.

Giảm rủi ro

Theo ông Kose, nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc giữ lãi suất ở mức thấp đã giúp ổn định nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy sự hồi phục. Tuy nhiên, “các triển vọng tăng trưởng này vẫn có nguy cơ sụt giảm. Lịch sử sẽ lặp lại chính nó, và giống như tất cả sự hồi phục, sự mở rộng này sẽ kết thúc ở một điểm nào đó”, ông Kose cảnh báo.

Rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế bao gồm mức nợ gia tăng, việc các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất, đặc biệt động thái này có thể diễn ra nhanh hơn nếu phục hồi bắt đầu kích thích lạm phát. Và một nguy cơ khác có thể kể đến là “các lệnh cấm thương mại leo thang”. (Thanhnien)
--------------------------

Năm 2018, Hà Nội sẽ có thêm 11 triệu m2 sàn nhà ở

Năm 2018, Hà Nội đặt muc tiêu phát triển mới khoảng 11 triệu m2 sàn nhà ở, tập trung chủ yếu là nhà ở xã hội (430.000 m2), nhà ở tái định cư (348.000 m2) và nhà ở thương mại (2.145.000 m2).

Dự án nhà ở xã hội Đồng Mô - Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Để đảm bảo các chỉ tiêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn. Nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, rà soát công tác phát triển nhà ở để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. 

Đặc biệt, để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm các đối tượng ở nhà tái định cư chưa nộp tiền mua nhà. Cùng đó, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp và các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư đẩy nhanh tiến độ tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị theo quy định. 

Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức đấu giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư đối với những địa điểm trống chưa bố trí sử dụng; các diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 và diện tích khác thuộc các nhà chung cư thương mại phải bàn giao lại cho thành phố sau khi đã được xác lập sở hữu nhà nước. 

Đối với công tác quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc ký hợp đồng thuê tại các Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà và tại Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Thụ lý hồ sơ đề nghị thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở do đơn vị quản lý vận hành nhà lập. Hà Nội dự kiến năm 2018 bán nhà ở cũ khoảng 1.000 căn với số tiền nộp ngân sách 200 tỷ đồng. 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2017, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới của Hà Nội đạt khoảng 11.033.432 m2, trong đó, nhà ở xã hội đạt 60.688 m2, nhà ở tái định cư khoảng 164.640 m2, nhà ở thương mại hơn 2.500.000 m2, nhà do dân tự xây khoảng 8.300.000 m2. Theo đó, diện tích bình quân đạt 25,6 m2/người; phấn đấu đến năm 2020 là 26,3 m2/người. 

Theo ông Dũng, Hà Nội hoàn thành nhà ở tái định cư với 164.640 m2 sàn, tương đương 2.134 căn hộ. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng để phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Cụ thể, thành phố đã đặt hàng mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển nhà – Bộ Quốc phòng tại khu đất X2 Linh Đàm và 06 dự án khác. 
Hiện, Hà Nội đang xây dựng nhà ở xã hội tập trung tại 5 khu: Tiên Dương (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì), Cổ Nhuế 2 (nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an) và Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm). 

Đáng chú ý, năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã trình UBND thành phố Quyết định thu hồi, Quyết định cưỡng chế thu hồi 19 địa điểm tại tầng 1 nhà chung cư tái định cư do vi phạm trong quản lý, sử dụng; đã hoạch định bố trí diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng cho 126/179 tòa nhà chung cư, còn 53 tòa nhà chung cư sẽ tiếp tục bố trí. Đồng thời, xác lập sở hữu nhà nước diện tích kinh doanh dịch vụ tại 93/117 tòa có diện tích kinh doanh dịch vụ, 24 tòa còn lại đang hoàn tất các thủ tục. 

Hơn nữa, Hà Nội đã tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về kết quả rà soát các trường học, tiến độ xây dựng các dự án trường mầm non, trường phổ thông trong các khu đô thị cùng với việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.(TTXVN)
--------------------------

Cháy kho chứa 34.000 tấm pin Mặt Trời, thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Ngày 10/1, tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu vực chứa hàng nghìn tấm pin năng lượng Mặt Trời, chuẩn bị cho quá trình thi công xây dựng dự án điện Mặt Trời của Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Tuấn Ân, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp này.

Vụ hỏa hoạn xảy ra từ khoảng 7 giờ 30 phút, bước đầu hàng chục thanh niên xung kích thành phố Cam Ranh và lực lượng công an địa phương đã tham gia khống chế ngọn lửa, nhưng bất thành.

Nhận được tin báo, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh Khánh Hòa đã điều động hơn 10 xe chữa cháy với hàng trăm chiến sỹ tới hiện trường dập lửa.

Do xa nguồn nước cung cấp nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, phải đến 13 giờ cùng ngày đám cháy mới được dập tắt. Tuy nhiên, lực lượng chữa cháy vẫn tiếp tục phun nước tại nhiều khu vực để phòng ngừa ngọn lửa bùng phát trở lại.

Theo ước tính ban đầu, từ 60-70% trong tổng số hơn 34.000 tấm pin năng lượng Mặt Trời được nhà đầu tư đưa về đây đã bị thiêu rụi, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Dự án điện Mặt Trời của Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Tuấn Ân đang được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 10ha đất, với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng và công suất thiết kế 10MW.

Sáng cùng ngày, một vụ cháy khác đã xảy ra tại một ngôi nhà ở thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, khiến ông Nguyễn Ngọc Tâm (64 tuổi, trú tại tỉnh Đắk Lắk) thiệt mạng và con trai ông Tâm là Nguyễn Ngọc Anh Tú (47 tuổi) bị thương nặng, được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đang điều tra nguyên nhân hai vụ hỏa hoạn nói trên(Vietnam+)
--------------------------------

Người Việt chi tới 527 triệu USD nhập khẩu thịt ngoại

Trong năm 2017, người Việt đã chi gần 527 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm về thịt bao gồm: 11,07 triệu USD thịt lợn, 75,7 triệu USD thịt gia cầm và đặc biệt là hơn 415 triệu USD trâu bò sống và thịt trâu bò.

Người Việt chi tới 527 triệu USD nhập khẩu thịt ngoại

Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng thịt lợn đã nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2017 là 6 ngàn tấn, kim ngạch đạt xấp xỉ 10,15 triệu USD (tương đương giảm 35,5% về lượng và 24,2% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).

Tổng lượng thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam là 74.638 tấn, kim ngạch đạt trên 69,4 triệu USD (tương đương giảm 33,2% về lượng và 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).

Các sản phẩm thịt khác bao gồm: 240.461 con trâu, bò sống được nhập vào Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu trên 269,9 triệu USD (tương ứng giảm 19,6% về lượng và 13,2% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016). Ngoài ra, khối lượng nhập khẩu các loại thịt khác đạt trên 41,46 ngàn tấn (chủ yếu là thịt trâu bò có xương), kim ngạch nhập khẩu gần 145,78 triệu USD.

Như vậy, chỉ tính riêng giá trị nhập khẩu trâu bò đã lên tới 415,68 triệu USD, tương đương hơn 9.445 tỷ VNĐ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính trong cả năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 6.554 tấn thịt lợn các loại (giá trị nhập khẩu 11,07 triệu USD), hơn 81,4 ngàn tấn thịt gia cầm (giá trị nhập khẩu trên 75,7 triệu USD) và 262.321 con trâu bò sống (giá trị nhập khẩu là 294,45 triệu USD), khối lượng nhập khẩu các loại thịt khác đạt trên 41,46 ngàn tấn (chủ yếu là thịt trâu bò có xương), kim ngạch nhập khẩu gần 145,78 triệu USD.

Mặc dù, giá trị nhập khẩu các loại thịt về Việt Nam rất lớn nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam lại chưa cao. Cụ thể 11 tháng đầu năm 2017, sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu đều giảm mạnh cả về số lượng lẫn kim ngạch, duy nhất có sản phẩm sữa tươi giảm về sản lượng nhưng lại tăng về giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, thịt lợn sữa đông lạnh đạt gần 19.475,1 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 78,38 triệu USD (tương ứng giảm 54% về lượng và 22,7% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).

Trứng vịt muối đạt gần 17,69 triệu quả, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,52 triệu USD (tương ứng giảm 41,25% về lượng và 31,84% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).

Mật ong đạt trên 41.412,5 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 69,9 triệu USD (tương ứng giảm 27,15% về lượng và 20,5% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016).

Sữa tươi tiệt trùng đạt trên 10,8 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 26,2 triệu USD (tương ứng giảm 2,45% về lượng nhưng tăng 53,16% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2016).

Ước tính trong cả năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu đạt gần 40,72 ngàn tấn thịt lợn (giá trị kim ngạch đạt 163,87 triệu USD), gần 22,6 ngàn tấn sữa tươi và các sản phẩm từ sữa (giá trị kim ngạch đạt 54,8 triệu USD), gần 37 triệu quả trứng vịt muối (giá trị kim ngạch đạt 5,27 triệu USD), 86,6 ngàn tấn mật ong (giá trị kim ngạch đạt 144,46 triệu USD) và hơn 278,2 ngàn tấn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi (giá trị kim ngạch đạt 106,48 triệu USD). (Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục