Mở rộng thần tốc, trung bình mỗi ngày lại có 3 cửa hàng VinMart mới 'mọc lên'; Hệ lụy từ dịch chuyển sản xuất của Trung Quốc; Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ xe máy; Thái Lan sẽ đăng ký chỉ dẫn địa lý hai nông sản Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-01-2018
- Cập nhật : 14/01/2018
Ngân hàng vào “cuộc đua” giảm lãi suất cho vay
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và định hướng điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển.
Theo thông cáo vừa phát đi, kể từ ngày 15/1/2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm.
Mức lãi suất cho vay mới này sẽ áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, trong đó chú trọng vào các khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các gói tín dụng cạnh tranh quy mô lớn với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề theo định hướng ưu tiên của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng thông báo thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển.
Cùng với đó, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng với các mức lãi suất cho vay đặc biệt ưu đãi đối với các DN có tình hình tài chính tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả, sử dụng toàn diện các sản phẩm dịch vụ của VietinBank.
Một “ông lớn” khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng ban hành chính sách lãi suất cho vay mới, áp dụng cho cả dư nợ cũ.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm về mức tối đa 6%/năm.
Đồng hưởng ứng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã quyết định hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nhóm khách hàng này chỉ còn tối đa 6%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu chỉ từ 7,5%/năm (giảm 0,5%/năm so với năm 2017).
Về phía ngân hàng vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng đã phát đi thông báo sẽ giảm lãi suất cho các DN vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên. Theo đó lãi suất sẽ giảm từ 0,5-1% từ ngày 11/1.
Dự đoán, sẽ có thêm nhiều ngân hàng lớn, vừa và nhỏ tiếp tục tham gia vào “cuộc đua” giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Đây là hành động của các ngân hàng nhằm bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ về việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô; đồng thời, các ngân hàng tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các DN vừa và nhỏ, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp DN giảm chi phí vốn đầu vào.(Baohaiquan)
---------------------------
Sử dụng điện than trong 30 năm tới là khó khăn khi mà thế giới đang quay lưng
Trước thực tế biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính đang diễn ra, các định chế tài chính đang ngày càng không đầu tư cho việc sản xuất điện từ than đá do không rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo. Việt Nam cần có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình phát triển năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể.
“Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” là chủ đề phiên hội thảo song song trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức với USAID, Konrad, các đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện “Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Trong bối cảnh, nguồn năng lượng hóa thạch có hạn, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng từ sinh khối, năng lượng sinh học… là một nhu cầu tất yếu.
Hiện nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát triển năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng… hướng tới việc phát triển nền kinh tế các-bon thấp, bền vững và thân thiện với môi trường.
“Năng lượng là yếu tố thiết yếu để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và cũng là một thành phần quan trọng trong phát triển bền vững”, ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu và cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cùng với các giải pháp chuyển đổi thay thế nhiên liệu để đem lại lợi ích kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện an ninh năng lượng quốc gia.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề cập đến một số vấn đề liên quan tới nhiệt điện than hiện nay theo 2 góc nhìn tích cực và hạn chế. Nêu vấn đề “Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá - Năng lượng tái tạo?”, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng “Sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang đặt sinh mạng chúng ta trong rủi ro”.
Theo vị Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie này, than đá không phải rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác so với điện than nếu tính đủ các mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Thậm chí, nếu tính đủ thì còn đắt hơn. Than đá đang là tác nhân lớn nhất cho rác thải hiệu ứng nhà kính, năng lượng “bẩn nhất”. Chính vì vậy, cam kết về nguồn lực cho đầu tư, sử dụng điện than trong 30 năm tới là khó khăn khi mà thế giới đang quay lưng.
Hiện Việt Nam đang gia tăng đầu tư, sử dụng điện than. Nhưng theo ông John Kerry: “Chúng ta không cần làm như thế”, mà có lựa chọn thông minh, hiệu quả hơn đó là đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện thông qua việc tạo ra thị trường này phát triển. Việt Nam cần có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể.
Chìa khóa cho vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, theo ông, là cách huy động đầu tư, cơ chế tài chính… đòi hỏi giải pháp cụ thể, thông minh. Không có giải pháp nào là hoàn hảo nhưng “nếu không chấp nhận rủi ro thì không được uống sâm panh”. Với Việt Nam, nếu có ý chí thì có con đường, giải pháp và Việt Nam cần nhận thấy thấy lợi ích để để tận dụng cơ hội sự dịch chuyển nhanh của công nghệ để phát triển trong tương lai.(TBNH)
-------------------------
Chỉ bán rau, start-up Trung Quốc được định giá 2,8 tỷ USD
Meicai - một công ty khởi nghiệp (start-up) Trung Quốc giúp nông dân bán thẳng rau cho các nhà hàng - vừa huy động được 450 triệu tiền vốn, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
Dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót vốn vào Meicai là Tiger Global Managemen, China Media Capital và Genesis Capital.
Đợt huy động vốn trên định giá Meicai, start-up có trụ sở Bắc Kinh, ở mức khoảng 2,8 tỷ USD. Cuộc gọi vốn diễn ra trong bối cảnh Meicai mở rộng hoạt động trên thị trường rau tươi.
Meicai, trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là "rau đẹp", được thành lập vào năm 2014 với mục tiêu tìm nguồn rau cho khoảng 10 triệu nhà hàng vừa và nhỏ ở Trung Quốc. Ứng dụng của Meicai trên điện thoại thông minh (smartphone) cho phép các nhà hàng đặt hàng trực tiếp các loại rau củ quả từ trang trại.
Với mô hình này, Meicai là doanh nghiệp mới nhất nổi lên nhằm gây gián đoạn mô hình bán lẻ truyền thống, thông qua cắt giảm các khâu trung gian.
Đợt gọi vốn trên của Meicai một lần nữa cho thấy mức định giá "khủng" mà các start-up Trung Quốc có thể đạt được trên thị trường dồi dào vốn hiện nay. Trong số 10 vụ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới trong năm 2017, thì một nửa là các vụ rót vốn vào các công ty Trung Quốc.
Cũng trong năm ngoái, các start-up Trung Quốc đã huy động được tổng cộng 65 tỷ USD tiền vốn - theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Preqin. Trong đó, vụ rót vốn lớn nhất thế giới là vụ 5,5 tỷ USD được rót vào công ty taxi công nghệ Trung Quốc Didi Chuxing.(Vneconomy)
-----------------------------
WHO tài trợ 21 triệu USD giúp Việt Nam phát triển y tế
Chương trình nhằm góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết có hiệu quả các vấn đề ưu tiên của hệ thống y tế và thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình hợp tác y tế với Tổ chức Y tế Thế giới, tài khóa 2018 - 2019” do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ.
Mục tiêu dài hạn của Chương trình là góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết có hiệu quả các vấn đề ưu tiên của hệ thống y tế và thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới giai đoạn 2016 - 2025”.
Kết quả của Chương trình là tăng cường pháp chế và nhân lực, tài chính y tế, dược phẩm và các sản phẩm cũng như cung cấp dịch vụ y tế nhằm đạt được mục đích giảm chi tiêu từ tiền túi của hộ gia đình trong tổng chi y tế và tăng tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ phục vụ.
Đồng thời tăng cường năng lực cốt lõi thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) và sẵn sàng ứng phó với tình huống y tế công cộng khẩn cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ của WHO cho Việt Nam góp phần nâng cao sức khoẻ của người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm, bao gồm HIV/AIDS và viêm gan, lao phổi, sốt rét và các bệnh do véc-tơ khác, các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin cũng như các bệnh không lây.
Cơ quan chủ quản của Chương trình là Bộ Y tế. Thời gian thực hiện từ 2018 - 2019.
Vốn ODA không hoàn lại của Chương trình là 21.104.164 USD, trong đó vốn có sẵn là 11.923.015 USD, vốn sẽ vận động là 9.181.149 USD. Vốn đối ứng tiền mặt là 6,5 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế thực hiện rà soát, đảm bảo việc thực hiện Chương trình không trùng lặp với các dự án sử dụng vốn nước ngoài và vốn ngân sách nhà nước khác; phối hợp với Nhà tài trợ xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình theo đúng các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng ODA.(Baodautu)