Chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy khai thác dầu khí ngoài khơi; Giảm gần 10.000 ô tô du lịch nhập khẩu năm 2017; Giai đoạn 2016-2020 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng nợ xấu cao; Kênh bán lẻ online Lelfair nhận được đầu tư 3 triệu USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-01-2018
- Cập nhật : 12/01/2018
Hãng khởi nghiệp ô tô điện WM Motor muốn thành “Ford của Trung Quốc”
Ông Ran Zhang, giám đốc tài chính của WM Motor, nói rằng WM Motor muốn làm những gì mà Henry Ford đã làm cách đây nhiều năm đối với ngành ô tô Mỹ để phát triển các dòng xe điện mới của công ty.
Hãng khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc WM Motor có thể sẽ phải đối mặt với một sân chơi đông đúc, đầy cạnh tranh với hàng loạt công ty khởi nghiệp khác mới được thành lập, nhưng WM Motor dường như lại đang nuôi những tham vọng khác mọi đối thủ.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là sản xuất xe điện hàng loạt với giá cả phải chăng, dễ sử dụng cho hàng triệu hộ gia đình ở Trung Quốc, giống như những gì Henry Ford đã làm cách đây hàng trăm năm cho ngành ô tô Mỹ hoặc giống như những gì Bill Gates đã làm cách đây gần 50 năm cho những chiếc máy tính cá nhân”, ông Zhang nói với CNBC bên lề Hội nghị Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông Trung Quốc.
Bắc Kinh trong thời gian qua đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy phát triển sản xuất xe điện và các loại xe năng lượng mới, trong đó đáng chú ý nhất là việc chính phủ nước này đã phát trợ cấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng như các trạm sạc pin.
Theo The Wall Street Journal, trong khi hỗ trợ của nhà nước đối với các nhà sản xuất xe điện trong nước có phần giảm sút vào năm ngoái, doanh số bán hàng xe điện tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh vì dường như người tiêu dùng nước này đang “phát sốt” với những chiếc xe điện.
Với không gian thị trường rộng lớn, do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường xe điện Trung Quốc khá đông đúc bao gồm những cái tên nổi bật như Nio và BYD. Ngay cả Tesla cũng cố gắng để bước chân vào thị trường Đại lục, mặc dù hãng xe điện Mỹ không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc nhiều như các doanh nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Zhang, phân khúc được WM Motor nhắm mục tiêu là xe điện có giá trong khoảng từ 200.000 nhân dân tệ (khoảng 30.764 USD) đến 300.000 nhân dân tệ (khoảng 46.141 USD), dường như vẫn chưa thực sự phổ biến trên thị trường. Để so sánh, chiếc ES8 của đối thủ Nio có giá 448.000 nhân dân tệ (68.910 USD) và giá chiếc Model X của Tesla hồi tháng trước đã vào khoảng 836.000 nhân dân tệ (128.587 USD).
“Ngành công nghiệp ô tô không phải là ngành công nghiệp độc quyền, ngược lại nó có rất nhiều người chơi và chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ lấy đi “miếng pho mát” từ bất cứ ai khác. Chúng tôi sẽ giúp giới thiệu công nghệ mới và hy vọng các thương hiệu khác cũng làm điều tương tự để đem lại sản phẩm tốt nhất cho người dùng”, ông Zhang nói.(Thanhnien)
-----------------------
Trung Quốc liệu có ngừng cho Mỹ vay tiền?
Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều vào nợ chính phủ Mỹ, chính vì vậy, Trung Quốc cũng không thể nào dám liều để thị trường trái phiếu thế giới trở nên rối loạn.
Ảnh: NyTimes
Khi gói giảm thuế của Tổng thống Donald Trump được đưa vào thực tế, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ phải đối diện với thực tế Mỹ có thể khó vay tiền từ Trung Quốc hơn.
Phía chính phủ Trung Quốc đang thể hiện tâm lý lo lắng về khả năng nợ Mỹ sẽ tăng lên quá cao với gói giảm thuế mà Tổng thống Trump tính áp dụng
Theo Bloomberg, quan chức chính phủ Trung Quốc đang xem xét lại về cơ cấu dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, không ít người đã đề xuất về việc tạm thời giảm mua hoặc ngừng hẳn việc Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Giờ đây chưa thể chắc chắn liệu các cuộc đối thoại có dẫn đến thay đổi nào cụ thể, thế nhưng thông tin mới nhất cũng không khỏi khiến các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu lo lắng ở thời điểm trái phiếu chính phủ nhiều nước vốn đã đang bị bán mạnh. Nhiều Ngân hàng Trung ương thế giới đang bán trái phiếu sau nhiều năm mua vào.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong ngày thứ Tư đã tăng lên mức 2,58%, mức cao nhất trong 10 tháng.
Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, họ chắc chắn cần phải rất thận trọng. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump mới đây đã chấp nhận gói giảm thuế ước tính sẽ khiến ngân sách Mỹ thâm hụt thêm đến 1,5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
“Việc tìm được nguồn tiền bù vào thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ sẽ khó nếu Trung Quốc không còn liên quan nữa. Và kịch bản tồi tệ hơn sẽ đến nếu Trung Quốc cũng bán ra các tài sản mà họ đang nắm giữ”, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Jefferies LLC ở New York, ông Thomas Simons, nhận xét.
Hiện nay, Trung Quốc đang nắm khoảng 1,2 nghìn tỷ USD nợ chính phủ Mỹ, cao gấp đôi mức của cách đây khoảng 10 năm. Giới chức chính phủ Trung Quốc tin rằng thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đang ngày một trở nên kém hấp dẫn đối với các loại tài sản khác và căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ có thể khiến Trung Quốc chậm mua hoặc ngừng hẳn mua nợ Mỹ.
Tuy nhiên cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đã đầu tư quá nhiều vào nợ chính phủ Mỹ, chính vì vậy, Trung Quốc cũng không thể nào dám liều để thị trường trái phiếu thế giới trở nên rối loạn, chuyên gia kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income, ông Nathan Sheets, nhận định.
“Nếu Trung Quốc đưa ra bất kỳ chính sách nào gây ra bất ổn trên thị trường nợ chính phủ Mỹ trong khi chính Trung Quốc đang nắm giữ vô cùng nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, chắc chắn bản thân Trung Quốc cũng không có lợi gì”, ông Sheet phân tích. (Bizlive)
--------------------------
Hyundai tính mở nhà máy sản xuất ô tô ở Việt Nam vì căng thẳng Trung-Hàn?
Căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Seoul có thể là nguyên nhân khiến Hyundai đa dạng hóa thị trường và hoạt động.
Một công nhân chỉnh lại logo Hyundai tại một nhà máy của Hyundai Motor ở Asan, nam Seoul. Ảnh: REUTERS/Lee Jae-Won
Hãng chế tạo xe Hyundai Motor của Hàn Quốc cho biết đang xem xét xây dựng mở một nhà máy sản xuất ô tô ở khu vực Đông Nam Á, và Indonesia hoặc Việt Nam là hai phương án được lựa chọn, nhằm đối phó với tình trạng doanh số của hãng ở thị trường Trung Quốc sụt giảm, Reuters đưa tin.
Hiện tại, Hyundai chưa có nhà máy sản xuất ô tô nào ở Đông Nam Á, dù “ông lớn” này đã có một số cơ sở lắp ráp xe ở Indonesia và Việt Nam theo hình thức CKD.
Đầu năm ngoái, căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Seoul leo thang sau khi Hàn Quốc chấp thuận cho phép Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình. Tình hình này đã khiến các công ty Hàn, trong đó có Hyundai, vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chịu nhìn doanh số bán hàng lao dốc.
Tại triển lãm hàng điện tử tiêu dùng (CES) đang diễn ra ở Las Vegas, Mỹ, Phó chủ tịch Hyundai đồng thời là người thừa kế của hãng này, ông Chung Eui-sun, bày tỏ kỳ vọng doanh số của hãng tại Trung Quốc sẽ phục hồi so với 2017 và đạt mức khoảng 900.000 xe trong năm 2018.
Hãng vẫn chưa đưa ra con số ước tính về doanh số tại thị trường đông dân nhất thế giới trong năm ngoái. Tuy nhiên, mức dự báo trên thấp hơn nhiều so với công suất 1,65 triệu xe mà Hyundai có thể sản xuất tại Trung Quốc.
Với việc trình làng mẫu xe điện chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV) mới của hãng có tên NEXO tại CES, Hyundai cũng có kế hoạch nhảy vào thị trường xe FCEV của Trung Quốc, theo lời ông Chung Eui-un.
Chưa rõ kế hoạch mở nhà máy của Hyundai tại Việt Nam khả quan đến đâu, nhưng số liệu về số xe bán ra tại thị trường này trong năm qua không hẳn là tin vui đối với hãng xe đến từ Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) ngày 10/1, tính chung cả năm 2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 272.750 xe, giảm 10% so với năm 2016.
The Investor hồi tháng 11/2016 đưa tin Hyundai đã ký một bản ghi nhớ với Công ty Hyundai Thành Công để xây dựng một nhà máy lắp ráp ô tô với các linh kiện được nhập từ Hàn Quốc.
Nhà máy sẽ được đặt ở Ninh Bình và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Nhà máy này sẽ chủ yếu lắp ráp dòng xe hatchback Grand i10 với công suất ban đầu là 120.000 xe/năm và sẽ được nâng lên gấp đôi sau đó.(Bizlive)
----------------------
Đề xuất phương án mới cho chính quyền đặc khu
Thiết kế thế nào vẫn có nhược điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết về các phương án mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Báo cáo của ông Định được trình bày trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị, hành chính - kinh tế đặc biệt, sáng 11/1. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2017, với khá nhiều ý kiến trái chiều về nhiều vấn đề.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) là hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo luật.
Sau kỳ họp Thường trực Uỷ ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, dự kiến phương án tiếp thu chỉnh lý các nội dung này.
Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu.
Phương án 1:không tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.
Phương án 2:tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Tại kỳ họp thứ tư, đa số ý kiến đại biểu phát biểu tán thành với phương án 1, một số ý kiến tán thành với phương án 2, một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình.
Đề xuất phương án mới
Kết hợp các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của phương án 1 và phương án 2, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban đề xuất thiết kế phương án 3 về tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu.
Theo phương án 3, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân đặc khu, được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đặc khu cho chủ tịch ủy ban đặc khu.
Cụ thể, hội đồng đặc khu và ủy ban đặc khu được tổ chức tinh gọn theo hướng: hội đồng đặc khu có từ 12 đến 15 đại biểu, tất cả hoặc đa số đại biểu hoạt động chuyên trách, không tổ chức thường trực hội đồng đặc khu và các ban của hội đồng đặc khu.
Hội đồng đặc khu có cơ cấu, thành phần đại biểu phù hợp với đặc điểm của đặc khu (bao gồm đại diện cử tri ở các khu hành chính, các chuyên gia về pháp luật, kinh tế, tài chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn). Ủy ban đặc khu chỉ bao gồm chủ tịch và các phó chủ tịch. Chủ tịch do hội đồng đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Phương án này thì hội đồng đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan tới nhân sự chủ chốt, định hướng phát triển, ngân sách, một số vấn đề liên quan trực tiếp tới cộng đồng dân cư địa phương và tập trung thực hiện chức năng giám sát.
Ông Định thuyết minh, phương án này phân định rành mạch giữa nhiệm vụ, quyền hạn tập thể của ủy ban đặc khu và nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch ủy ban đặc khu, theo đó ủy ban đặc khu chủ yếu thảo luận, quyết định các vấn đề trình hội đồng đặc khu và tổ chức thực hiện các nghị quyết của hội đồng đặc khu.
Hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại đặc khu được tập trung cho chủ tịch ủy ban đặc khu để tăng tính chủ động, linh hoạt (tương tự các nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đặc khu theo phương án 1 do Chính phủ trình).
Phương án này cũng bổ sung một số quy định về cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại địa phương để tăng cường kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương tại đặc khu.
Các cơ chế giám sát, kiểm soát khác (giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân tỉnh, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; kiểm tra của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên) vẫn được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Xin ý kiến Bộ Chính trị
Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, phương án ba thực chất là phương án kết hợp nhiều ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và được hoàn thiện thêm để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.
Nếu thực hiện theo phương án này sẽ có các ưu điểm là: bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đặc khu. Thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân.
Có nhiều đổi mới mạnh mẽ phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính đặc khu, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị. Ưu điểm còn là không đòi hỏi phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phương án này cũng tiếp thu kinh nghiệm của một số nước có đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính (Thâm Quyến - Trung Quốc, Thành phố quốc tế tự do Jeju - Hàn Quốc) đều vẫn tổ chức chính quyền có cơ quan đại diện dân cử, ông Định phân tích.
So với phương án 1 do Chính phủ trình, phương án mới thiết lập cơ chế giám sát hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở đặc khu, tạo cơ chế chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân địa phương.
Tuy nhiên cũng có một số hạn chế so với phương án 1 là chưa thật sự tinh gọn bộ máy và đơn giản hóa trình tự, thủ tục do vẫn giữ cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương gồm các cơ quan có cơ chế làm việc tập thể. Một số nhiệm vụ được giao cho hội đồng đặc khu, ủy ban đặc khu quyết định nên không bảo đảm nhanh chóng, linh hoạt và nếu việc điều hành bộ máy không tốt có thể gây khó khăn, cản trở sự năng động của người đứng đầu cơ quan hành chính.
Phương án nào cũng có khuyết điểm, ông Định nhấn mạnh và cho biết Thường trực Uỷ ban đã biểu quyết về từng phương án. Kết quả có 3/12 thành viên tán thành phương án 1, không có thành viên nào tán thành phương án 2 và có 9/12 thành viên tán thành phương án 3.
Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung, kết cấu của dự thảo luật, vì vậy Thường trực uỷ ban và cơ quan soạn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đồng thời, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ông Định nhấn mạnh.(Vneconomy)