Thay cách cấp tin, ông chủ Facebook mất ngay 3,3 tỉ USD; Người Việt uống hơn 4 tỉ lít bia/năm; Thanh lý hàng loạt ôtô công giá chỉ từ 16 triệu đồng; Đầu năm giá tiêu rớt thảm, nông dân chờ thua lỗ
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 14-01-2018
- Cập nhật : 14/01/2018
Bốn ưu tiên để tăng trưởng bền vững
Thành tựu của năm 2017 là để ta tự tin hơn trong tái cơ cấu và tạo ra nền móng chặt chẽ hơn cho nền kinh tế phát triển cao hơn trong dài hạn.
“Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn, không được phép cho bộ máy phát triển dừng lại. Việt Nam cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ. Chúng ta phải coi thành tựu năm 2017 là cơ sở để tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững, tạo ra nền móng vững chãi hơn để kinh tế tăng trưởng cao và lâu dài”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy trong phiên thảo luận chính sách cấp cao với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế - triển vọng 2018” tại Diễn đàn Kinh tế 2018.
Năm 2017 là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 6,81%, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á và toàn cầu. Cải cách kinh tế được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cạnh tranh bình đẳng công bằng... củng cố lòng tin của nhà đầu tư và DN, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu được đánh giá là nền kinh tế hấp dẫn nhất thế giới. “Nhưng chúng ta không chủ quan với thành quả đã đạt được”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cần thẳng thắn thừa nhận kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức trong trung và dài hạn, trong đó làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là yêu cầu quan trọng nhất. Thời gian tới Việt Nam cần kiên trì mô hình tăng trưởng mới trên nền tảng năng suất sáng tạo, giảm bớt các yếu tố tăng trưởng dựa trên tài nguyên và lao động giá rẻ.
Dân số vàng của Việt Nam chỉ kéo dài thêm hai thập kỷ nữa và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt hơn. Vậy làm thế nào để Việt Nam đạt được hai mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa tăng trưởng bền vững như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã đạt được? Cách thức để đạt được mục tiêu này là dựa trên ba đòn bẩy của nền kinh tế: Phát triển năng lượng bền vững; cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh công nghiệp hóa và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thành tựu của năm 2017 là để ta tự tin hơn trong tái cơ cấu và tạo ra nền móng chặt chẽ hơn cho nền kinh tế phát triển cao hơn trong dài hạn.
Phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường, là cuộc đua maraton chứ không phải cuộc chạy đua nước rút, Thủ tướng phát biểu và kêu gọi: “Chúng ta cần biến khát vọng thịnh vượng cho dân tộc bằng hành động cụ thể, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
TSKH. Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã phát biểu rằng: “Người Việt Nam chúng ta có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Việc vượt qua nhiều thách thức để đạt tăng trưởng 6,81% trên một nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn với các chỉ báo kinh tế như lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách, cán cân thương mại, hiệu quả đầu tư đều được cải thiện, qua đó, không chỉ cho thấy những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam, mà còn giúp chúng ta thấy được đâu là những trụ đỡ, động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Người phương Tây có câu: “Người bi quan luôn tìm ra khó khăn trong mọi cơ hội. Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn”. Điểm tích cực là dân tộc Việt Nam luôn là một dân tộc lạc quan, chúng ta không bi quan, nhưng chúng ta phải thận trọng. Thận trọng đánh giá xem độ bền vững của những động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn là gì và thận trọng để xác định xem cần làm gì để củng cố những động lực đó trở thành những lợi thế bền vững trong dài hạn, thay vì phụ thuộc vào những lợi thế so sánh là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ hay tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Nền kinh tế vẫn tồn tại yếu kém cần tập trung giải quyết như chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, mức độ cải thiện của năng suất tổng hợp TFP có dấu hiệu giảm sút, năng suất lao động chưa cao.
Một trụ cột quan trọng khác để đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả là Việt Nam cần xây dựng một nền công nghiệp năng lượng bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý, đảm bảo môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua và chúng ta đang phải đối mặt với thách thức sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu sang một nước phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.
Bên cạnh đó là làm thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro thương mại và đầu tư. Các vấn đề trên đều là những lát cắt quan trọng của nền kinh tế cần tập trung tháo gỡ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Lạc quan và cải cách
Chia sẻ về vấn đề Việt Nam nên đặt ưu tiên gì trong phát triển sắp tới để tăng trưởng bền vững, cao, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên 4 điểm. Thứ nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vì đây là yếu tố cực kỳ quan trọng. Thứ hai là cải cách thể chế bởi đây là cơ hội tốt, yếu tố nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công, cùng với đó là đảm bảo để chính sách được thực thi. Thứ ba là tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Thứ tư là đầu tư nguồn nhân lực và điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm: Tôi đồng tình với ý kiến của ông Ousmane Dione và tôi khẳng định rằng, muốn tăng trưởng nhanh bền vững thì phải ổn định vĩ mô, trong đó là phải đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Muốn làm được thì phải xây dựng chính sách tài khóa vận hành nền tài chính theo hướng tích cực và lành mạnh tiến tới từng bước cân đối thu chi ngân sách, giảm bội chi và nợ công, nâng cao đầu tư công. Làm được những điều đó, hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh, bền vững trong 30 năm tới và nếu cứ tăng trưởng kinh tế trên 6% thì Việt Nam sẽ có thay đổi hết sức căn bản.(TBNH)
--------------------------
Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu đang đối mặt khó khăn
Mặc dù có nhiều nỗ lực song việc chuyển dịch cơ cấu hàng XK của Việt Nam theo định hướng đặt ra trong “Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030” đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Xung quanh câu chuyện làm thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển dịch này đạt hiệu quả tốt hơn, Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Năm 2017, XK hàng hóa thu về kết quả nổi bật với tổng giá trị đạt hơn 210 tỷ USD. Trên đà thắng lợi này, Bộ Công Thương nhận định như thế nào về tình hình XK hàng hóa trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?
Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 10/11/2017. Theo đó, Quốc hội đã đặt chỉ tiêu cho Chính phủ đối với tổng kim ngạch XK tăng 7%-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%.
Mặc dù đây không phải là các chỉ tiêu cao so với thành tích đã đạt được của năm 2017 (năm 2017, XK của Việt Nam ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016; tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch XK ước đạt 0,63%), tuy nhiên năm 2018 tình hình XNK của Việt Nam được nhận định vẫn còn những khó khăn, thách thức. Điều này bắt nguồn từ những diễn biến khó lường, bất ổn của tình hình quốc tế, cụ thể như: Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU,... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều; căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng như giảm nhu cầu NK các mặt hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguồn cung nông sản toàn cầu tiếp tục tăng trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK cũng như xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng,...
Theo “Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”, định hướng đặt ra là sẽ dần nâng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản trong XK. Theo Bộ trưởng, thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu hàng XK này đã và đang được triển khai ra sao?
Trong năm 2017 và những năm trước đó, cơ cấu các mặt hàng XK cơ bản đã và đang chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng đã được đặt ra tại ”Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030” là tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản.
Tuy nhiên, trong năm 2018, việc tiếp tục giữ vững và đẩy nhanh hơn nữa xu hướng này gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, nhóm nông thủy sản cơ bản nguồn cung đã đến ngưỡng, khó có thể tăng trưởng về lượng XK; sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK của một số mặt hàng cũng dẫn đến thiếu chủ động, tăng chi phí, phụ thuộc vào giá NK. Bên cạnh đó, tăng trưởng XK hai mặt hàng điện thoại và máy vi tính đã đóng góp cao vào tăng trưởng XK nhóm hàng công nghiệp trong năm 2017, tuy nhiên, kim ngạch XK của hai mặt hàng này đã ở mức rất cao và gần như chạm ngưỡng về tăng trưởng...
Như Bộ trưởng đã chia sẻ, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng XK trong năm 2018 phải đối mặt với khó khăn nhất định. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp gì để thúc đẩy quá trình chuyển dịch này đạt kết quả như mong đợi?
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả theo đúng mục tiêu, lộ trình về chuyển dịch cơ cấu XK và các chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra, một số giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành cùng triển khai thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo đó là:
Một là, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng XK: Tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng XK, kịp thời tháo gỡ khó khăn, sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho XK; phối hợp với Bộ NN&PTNT trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường NK.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính: Bãi bỏ quy định về cấp phép NK tự động đối với một số mặt hàng khác ngoài mặt hàng như phân bón, sắt thép; đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK; tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường dây nóng về thủ tục XNK để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa nhằm kịp thời giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, DN liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực XK. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh thực thi Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017- 2018 đối với 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh cần được cắt giảm.
Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa XK: Theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới; kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, XK, phát triển thị trường; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước NK, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa XK Việt Nam để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phát triển thị trường và xúc tiến thương mại: Lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến XK vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển XK theo hướng đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường XK mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác Hiệp định Thương mại tự do (FTA); phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về các FTA, hướng dẫn tận dụng và cách tận dụng các FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ; tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): Rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng việc thí điểm cấp C/O qua mạng Internet; tích cực tham gia hệ thống Cơ chế một cửa Quốc gia và triển khai thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN; tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho DN tham gia cơ chế này.
Năm là, tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa XK đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.(Baohaiquan)
------------------------
Năm 2018, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 40 tỷ USD
Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.
Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 37% và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới...
Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Đây là những chỉ tiêu quan trọng được Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra tại Nghị quyết số 431-NQ-BCSĐ, triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ.
Nghị quyết nên rõ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của cả nước và của ngành; bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức.
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2018, Nghị quyết nêu ra nhiều nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản (sửa đổi) và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Hoàn thành tốt các văn bản quy phạm pháp luật được giao.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tạo sự chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, trọng tâm là tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hải quan một cửa liên thông; tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác để thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giai đoạn 2017 - 2020… Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
Ngoài ra, huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; thực hiện kiểm tra tận gốc hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu tạo thuận lợi cho việc thông quan tại cửa khẩu và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trong giai đoạn thông quan.(TTXVN)
----------------------
Giá vàng SJC vọt tăng lên đỉnh 4 tháng
Đây là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của kim loại quý và là mức cao nhất kể từ hôm 11/9/2017.
Ảnh minh họa.
Khảo sát lúc 8h40 sáng nay (13/1), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đang được niêm yết ở mức 36,69 - 36,89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng tới 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá khảo sát sáng qua. Đây là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của kim loại quý và là mức cao nhất kể từ hôm 11/9/2017.
Tính từ đầu tuần, mỗi lượng vàng SJC được điều chỉnh tăng 230 nghìn đồng, tương đương 0,63% giá trị.
Tương tự, Tập đoàn Doji cũng điều chỉnh tăng 170 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 190 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, hiện đang niêm yết vàng miếng ở mức 36,73 - 36,83 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco
Cùng thời điểm, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang được niêm yết ở mức 1.337,4 USD/oz, tăng 15,5 USD, tương đương 1,17% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank sáng nay, hiện giá vàng trong nước chỉ còn đắt hơn thế giới 40 nghìn đồng/lượng, thu hẹp 180 nghìn đồng so với phiên trước.
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), giá vàng giao sau có tuần tăng thứ năm liên tiếp, chạm mốc cao nhất trong vòng 4 tháng, trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu.
Theo đó, giá vàng giao tháng 2 tăng 12,40 USD, tương đương 0,9%,lên 1.334,90 USD/ounce – mức cao nhất kể từ 11/9/2017, theo số liệu của FactSet.
Tính cả tuần, giá kim loại này tăng gần 1%, đánh dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 4/2017. Tính từ đầu tháng, giá vàng đã tăng 2,2%.(Bizlive)
----------------------------------