Người tiêu dùng đang vay mượn quá mức; Hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế VND; Thông tin định hình thế giới; Dự trữ ngoại hối 54,5 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước ráo riết cân tiền
Tin kinh tế đọc nhanh 12-01-2018
- Cập nhật : 12/01/2018
Chính phủ Hàn Quốc không cấm Bitcoin như tin đồn
Theo Forbes, cơ quan chức năng của Hàn Quốc đã cho biết thông tin nước này sẽ cấm hoạt động giao dịch Bitcoin là sai sự thật.
Ảnh minh họa.
Thông tin Hàn Quốc sẽ cấm giao dịch Bitcoin bắt đầu được lan truyền từ ngày 11/1, khi một trong những trang thông tin ở nước này dẫn lời một viên chức cho biết chính phủ Hàn Quốc đang xem xét việc cấm giao dịch Bitcoin.
Mục tiêu của lệnh cấm là xoa dịu cơn sốt tiền ảo đang diễn ra ở nước này.
Thế nhưng thông tin này đã bị hiểu lầm rằng một dự thảo về cấm giao dịch tiền ảo đang được thảo luận.
Trước đó, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon cũng từng kêu gọi thành lập một lực lượng đặc biệt để kiểm soát tiền ảo trước các hành vi đầu cơ và gian lận.
Cơ quan giám sát tài chính của chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết đang xem xét việc mở rộng các quy định thương mại hiện nay sang cả tiền ảo. Tuy nhiên việc mở rộng này cũng cần phải có cơ sở pháp lý.
Lúc này, chỉ có duy nhất lệnh cấm hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) là có hiệu lực. Nhưng việc giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc vẫn được quản lý bởi 6 quy định.
Các quy định này gồm xác nhận danh tính của nhà đầu tư, khai báo thu nhập từ hoạt động, cung cấp mã ví điện tử để phòng chống rửa tiền…
Việc đưa ra thêm các quy định sẽ giúp thị trường tiền ảo ở nước này giảm bớt các hành vi gian lận. Hàn Quốc mặc dù được biết đến là một trong những quốc gia có hoạt động giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới nhưng các nhà đầu tư tại đây lại đang gặp khá nhiều thiệt thòi.
Một tài khoản giao dịch ở nước này có thể chịu phí tới 3.500 USD, cao hơn nhiều các nước khác.
Lý do được giải thích cho tình trạng này là nhu cầu Bitcoin ở nước này quá cao, tính thanh khoản của đồng tiền này cũng hạn chế ngoài ra giá Bitcoin tại Hàn Quốc cũng cao hơn khoảng 20% các nước khác.
Riêng với Bitcoin, Hàn Quốc chỉ chiếm chưa tới 7% giao dịch trên toàn cầu.
Thông tin về việc Hàn Quốc cấm giao dịch Bitcoin có thể tác động lên giá đồng tiền này trên toàn cầu.
Minh chứng cho điều này chính là hồi đầu tuần, khi thông tin 6 ngân hàng tại Hàn Quốc bị điều tra do liên quan đến hoạt động rửa tiền qua tiền ảo, 3 sàn giao dịch tiền ảo lớn ngừng chấp nhận đăng ký mới, sàn cho vay tiền ảo BitConnect bị đình chỉ hoạt động đã kéo cả thị trường tiền ảo đi xuống.
Nhiều đồng tiền ảo đã mất tới 30% giá trị chỉ trong 1 ngày.(Bizlive)
--------------------------------------
VPBank giảm lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hôm nay thông báo sẽ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên.
Chương trình này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp SME nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung trong năm 2018.
Theo đó, lãi suất dành cho các doanh nghiệp SME hoạt động tốt trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ giảm từ 0,5% - 1%. Việc giảm lãi suất bắt đầu từ ngày 11.1.2018 cho tất cả các khách hàng mới hoạt động tốt trong những lĩnh vực được ưu tiên.
Quyết định giảm lãi suất của VPBank được đưa ra sau khi Chính phủ đề nghị các ngân hàng xem xét khả năng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp SME dễ tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn nữa trong năm 2018, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, vào tháng 7.2017, VPBank cũng đã giảm từ 0,5% - 1% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp SME. Với quyết định giảm lãi suất lần này, VPBank tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với nhu cầu khách hàng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu vào.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp vừa và nhỏ được VPBank xác định là một trong những phân khúc khách hàng chiến lược mà ngân hàng hướng tới phục vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ. Bên cạnh những sản phẩm cho vay có tài sản bảo đảm thông thường, VPBank đã đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp SME tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.
Nhờ đa dạng hóa các loại hình sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, doanh thu trong phân khúc khách hàng SME của VPBank đã tăng trưởng 30% trong năm 2017. Đặc biệt hơn, ở tiểu phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ, số lượng khách hàng hằng tháng tăng thêm khoảng 1.000 mỗi tháng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Cho tới nay, tổng số lượng khách hàng doanh nghiệp SME VPBank đang phục vụ đã lên tới hơn 63.000 doanh nghiệp. Để mở rộng độ bao phủ thị trường, trong năm 2017 VPBank cũng đã mở thêm 6 trung tâm SME và Hub bán trực tiếp tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) cũng như các tỉnh thành như Móng Cái, Cà Mau.(Thanhnien)
--------------------------
Kiến nghị xử lý 3.600 tỉ sai phạm của Tổng công ty Cảng Hàng không
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị xử lý nhiều sai phạm của Tổng Công ty Cảng hàng không VN (ACV) liên quan đến khoản tiền 3.600 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ nêu ACV thu phí ra vào sân bay thu sai 551 tỉ đồng nhưng đến nay đơn vị này vẫn khẳng định thu tiếp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các vi phạm này chủ yếu về quản lý đất đai, thu sai quy định phí ra vào ôtô gây thiệt hại cho hành khách và được cơ quan thanh tra kiến nghị với Bộ Giao thông - Vận tải và Chính phủ xử lý.
Vi phạm quản lý đất đai
Theo bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV, qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm của ACV trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất cũng như thu dịch vụ phi hàng không.
Theo đó, trong hai năm 2014-2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 mét vuông, tổng số tiền thu về 701,1 tỉ đồng. Tất cả đều qua chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.
Bên cạnh đó, từ khi ACV chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, Cảng vụ hàng không chưa hoàn thành thủ tục giao hơn 2.888 ha đất, chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích trên 197ha, dẫn đến thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước với số tiền trên 330 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính, theo Thanh tra Chính phủ, là do Cảng vụ hàng không thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để xác định ranh giới, tổ chức cắm và bảo vệ mốc giới…
Hiện nay còn 11 cảng hàng không chưa được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 7.225 ha, chưa làm thủ tục để giao, cho thuê đất đối với ACV với diện tích gần 3.100 ha...
Thanh tra Chính phủ phát hiện ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước cho thuê đất với tổng diện tích là 2,931ha.
Cụ thể, từ năm 2007 đến năm 2015, ACV chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định vào ngân sách nhà nước trên 326 tỉ đồng.
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài kê khai không đúng trên 64.200m2 từ đất phải thu tiền sử dụng đất sang loại đất giao không thu tiền sử dụng đất làm giảm thu ngân sách nhà nước số tiền hơn 17,9 tỉ đồng.
Cụ thể đó là các lô đất tại số 1A đường Hồng Hà và khu nhà điều hành tại 58 đường Trường Sơn (quận Tân Bình) các cơ quan chức năng và ACV chưa thực hiện đúng với quy định cấp phép xây dựng, chưa xác định đơn giá thuê đất theo quy định dẫn đến ACV chưa nộp đúng, đủ tiền thuê đất trong nhiều năm và chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa.
Hàng loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng bị phát hiện với số tiền sai phạm, không đúng quy định lên tới hàng trăm tỉ đồng.
ACV chưa dừng thu phí xe hơi ở sân bay
Bên cạnh đó sai phạm về đất đai, thoái vốn, đầu tư, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng ACV còn sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.
Hiện có tới 21 trong tổng số 22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các xe hơi đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ giữ xe, chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1-10-2012 đến 31-12-2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19-21 cảng hàng không là 551 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu này tuy mang lại lợi ích cho ACV và cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 11-1, một đại diện ACV cho biết đơn vị này đã làm báo cáo giải trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải và Văn phòng chính phủ về các nội dung được kết luận là sai phạm trên, nhưng từ chối cung cấp thông tin cụ thể.
Trả lời câu hỏi về thu phí bất hợp lý xe hơi ra vào sân, vị này cho biết hiện vẫn đang thu bình thường, dù Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận về sai phạm này đã ba tháng nay.
Văn phòng Chính phủ mới đây cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xử lý tình trạng thu phí xe hơi sai quy định 551 tỉ đồng và rà soát thủ tục liên quan đất đai tại các sân bay khi có kết luận thanh tra về ACV.
Theo văn bản này, Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý và báo cáo kết quả trong tháng 3-2018.(Tuoitre)
-------------------------------
Năm 2017, ngành hải quan thu ngân sách 287.000 tỉ
Ngày 11-1, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành hải quan.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2017, ngành đã thu đạt gần 300.000 tỉ đồng, bằng 104,24% dự toán, bằng 102,44% chỉ tiêu phấn đấu do Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự đảng Bộ Tài chính giao, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2018, trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định ATIGA sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%; Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc, Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản cũng có nhiều nhóm hàng sắt thép, điện tử, điện lạnh… bước vào giai đoạn cắt giảm thuế mạnh.
Việc thực hiện các hiệp định tạo thuận lợi thương mại đa phương và song phương nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của ngành hải quan...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của ngành hải quan trong năm qua. Bộ trưởng đặc biệt ghi nhận kết quả thu ngân sách của ngành hải quan và coi đây là thành tích rất xuất sắc, đóng góp quan trọng vào nguồn thu và đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018, bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Hải quan cần bám sát nhiệm vụ được giao và giải pháp tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ, chương trình hành động của Bộ Tài chính và triển khai nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018. Đồng thời, ngành hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Hải quan, phấn đấu hoàn thành vượt tối thiểu 3%-5% dự toán được giao,…(PLO)