Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018; Thỏa thuận CPTPP: Cú đột phá chiến lược; Dừng thủ tục hải quan xuất khẩu cát trắng silica; Tầm nhìn mới trong hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC
Tin kinh tế đọc nhanh 12-11-2017
- Cập nhật : 12/11/2017
10 tháng, ngành Thuế tăng thu gần 14 nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra
Tổng cục Thuế cho biết, 10 tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 72.026 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 79,54% kế hoạch năm 2017, bằng 110,39% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này góp phần tăng thu là 13.972,37 tỷ đồng, bằng 134,64% so với cùng kỳ năm 2016.
10 tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 258 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết truy thu, truy hoàn và phạt 783,37 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã giảm khấu trừ 1.275,77 tỷ đồng, bằng 164,13% so với cùng kỳ năm 2016; giảm lỗ 24.367,54 tỷ đồng bằng 146,72% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách qua thanh tra, kiểm tra là 10.079,23 tỷ đồng, đạt 72,14% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 170,45% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Tổng cục Thuế, trong 10 tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 258 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết truy thu, truy hoàn và phạt 783,37 tỷ đồng; giảm lỗ 3.277,4 tỷ đồng; giảm khấu trừ 15,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.195,02 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT là 5.444 quyết định hoàn thuế trước, kiểm tra sau với giá trị đã hoàn là 23.975 tỷ đồng.
Trong đó, hoàn thuế phát sinh trước năm 2017 là 4.244 quyết định với giá trị là 17.172 tỷ đồng; hoàn thuế phát sinh năm 2017 đã thanh tra, kiểm tra là 1.200 quyết định với giá trị là 6.802 tỷ đồng; tổng số tiền phải thu hồi hoàn thuế, truy hoàn thuế và xử lý vi phạm hành chính là 212,6 tỷ đồng.
Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, ngành Thuế cũng thực hiện đôn đốc các khoản thu sau kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong các năm 2014, 2015.
Cụ thể, ngành Thuế đã thực hiện đôn đốc, thu nộp vào ngân sách là 7.036,36 tỷ đồng đối với năm 2014, đạt 89,93% số kiến nghị tăng thu; số còn phải thực hiện thu hồi là 787,6 tỷ đồng. Với năm 2015, ngành Thuế thực hiện đôn đốc, nộp vào ngân sách là 6.285 tỷ đồng, đạt 73,12% số kiến nghị tăng thu; số còn phải thực hiện là 2.284,3 tỷ đồng.
Liên quan đến hành vi trốn thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Tổng cục Thuế cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an 657 hồ sơ có hành vi trốn thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp. (TCTC)
-------------------------
Việt Nam đã tận dụng tốt các cam kết FTA
Các FTA đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay Việt Nam đã ký và đưa vào thực hiện 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Các FTA đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản nói riêng. Nhiều thị trường có FTA đã được khai thác tốt, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tích cực so với trước đó.
Cụ thể, xét trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010 với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hạt điều sang Úc tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm; hay hạt tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm, cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực năm 2010; hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3% năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực năm 2010; hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 52,8%, chè tăng 9,5% so với cùng kỳ sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực từ tháng 10/2016...
Tổng hợp đánh giá chung của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước. Trong đó, nhóm các thị trường tăng trưởng mạnh là Chi Lê (tăng gấp 3,7 lần sau 3 năm, tốc độ tăng bình quân 54,2%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 6,4 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 30,4%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 13,5 lần sau 10 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,8%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 7,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 18,4%/năm). Nhóm các thị trường có mức tăng thấp hơn là ASEAN - tính từ khi có ATIGA (tăng gấp 2 lần sau 7 năm, tốc độ tăng 10,7%/năm), Nhật Bản (tăng gấp 1,7 lần sau 8 năm, tốc độ tăng 7,1%/năm), Úc (tăng gấp 1,3 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 3,3%/năm). Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đã tận dụng được cơ hội do các FTA đem lại.
Trong đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình để đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO). Mặc dù gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường từ 5 - 7 năm/mặt hàng), tuy nhiên tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông - thủy sản.
Cụ thể, chúng ta đã kiện và đã thắng kiện Hoa Kỳ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam; đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải vào Hoa Kỳ; vải, xoài vào Úc; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand; các loại trái cây tươi vào ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu, Canada…
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang tích cực tiếp tục đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho tôm tươi nguyên con vào Úc; thịt lợn vào Trung Quốc, Philippines, Singapore; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Singapore; xoài, vú sữa vào Hoa Kỳ; măng cụt, bưởi, na vào Trung Quốc; nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Brazil, Ác-hen-ti-na...
Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức chủ động, linh hoạt để có thể ứng phó và tranh thủ cơ hội để bảo đảm lợi ích cho đất nước trong tình hình mới. Một loạt các vấn đề về TPP, về Hiệp định EVFTA và đàm phán FTA song phương với một số đối tác khác đã và đang được nghiên cứu, triển khai rất chủ động. “Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng cũng sẽ là cơ hội để chúng ta thể hiện vai trò và vị trí ngày càng cao trong quá trình hợp tác và hội nhập này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.(TBNH)
-----------------------------------
Cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể. Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, vì sao nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này?
Trên thực tế, một số DN Việt Nam cho biết, hàng hoá của họ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu nhưng với thị trường Trung Quốc thì vẫn… chờ cơ hội.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã, đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.
Cơ hội đã rõ hơn
Kim ngạch hai chiều luôn có những đột biến – nhiều lần vượt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. Với những điểm tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và đầy tiềm năng của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%, kim ngạch nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc là 49,93 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,9 tỷ USD, giảm 13,67% so với 2015.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường NK, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Thống kê của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, năm 2016, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới với tổng kim ngạch song phương Trung – Việt đạt 98,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với 2015.
Trong bối cảnh ngoại thương Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm từ đầu năm và chưa có dấu hiệu phục hồi, NK của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm (kim ngạch NK bình quân của Trung Quốc từ khối ASEAN giảm 1%) thì kim ngạch NK hàng hoá từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận ở mức hai con số.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhiều năm gần đây, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhiều người hay nêu vấn đề Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nhưng 2-3 năm gần đây, tỷ trọng nhập siêu giảm mạnh, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao.
Ông Sơn đánh giá, trước đây, chúng ta chỉ xuất khẩu được một số hàng khoáng sản, nông sản thô, gần đây, DN Việt đã xuất khẩu được hàng nông sản với giá trị chế biến cao, các mặt hàng công nghiệp nhẹ… Sự thay đổi cơ cấu này không chỉ góp phần thu hẹp nhập siêu mà còn là tiền đề để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc công ty TNHH chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex – La – Long An), cho biết ông có duyên làm việc với thị trường này từ năm 1992.
“Tôi nhận thấy Trung Quốc là thị trường rất lớn, giàu tiềm năng, có nhiều điều kiện thuận lợi đối với Việt Nam như địa lý, thủ tục thanh toán, giao hàng, đặc biệt người Trung Quốc thích ăn hàng nông thuỷ sản của Việt Nam”, ông Thanh nói.
Nhưng có dễ dàng?
Tiềm năng là vậy, song thực tế, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có dễ dàng? Thực tế, hết tháng 9/2017, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đạt 22,2 tỷ USD tăng 62,2%. Trong khi đó, chúng ta NK 41,7 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc (gần gấp đôi con số xuất khẩu), tăng 15,9%.
Từ kinh nghiệm làm ăn lâu năm với thị trường Trung Quốc, ông Thanh chia sẻ người Trung Quốc không kén chọn nhưng yêu cầu về chất lượng của họ rất cao. Nhiều người vẫn lầm tưởng xuất khẩu sang Trung Quốc không khắt khe về chất lượng, nhưng thực tế hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đôi khi chất lượng còn cao hơn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Trao đổi với phóng viên, ông Thanh cho rằng thị trường nào cũng có cái khó nhưng nói về thị trường Trung Quốc – cái đặc biệt là họ có nét tương đồng giống thị trường của mình, cùng với việc chính sách hay thay đổi, đặc biệt là các khoản thu như thuế, phí nên DN Việt cần cập nhật thông tin, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của mình.
Ông Thanh ví dụ: Thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc đối với hạt điều là 0% nhưng trong thị trường nội địa họ thu nhiều khoản như thuế giá trị gia tăng (VAT) là 17%.
Cùng với đó, do địa lý gần nhau nên thương lái Trung Quốc thường sang Việt Nam để trực tiếp mua hàng từ nông dân. Trong ngành điều, ông Thanh cho biết, hiện nay có nhiều DN, riêng đầu mối xuất khẩu điều có tới 300 DN, cả ngàn nhà máy chế biến xong nhưng không xuất được. Do vậy, việc các thương nhân người Hoa qua Việt Nam, kiểm và mua hàng tại nhà máy sẽ dẫn tới các DN nhỏ bị ép giá, bị mua giá thấp.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Thơm, Phụ trách Khối kinh doanh Quốc tế, công ty TNHH Agricare Việt Nam, cho biết hiện nay, DN này đã xuất khẩu nông sản trái cây sang Australia, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan. Song thị trường Trung Quốc, nằm ngay sát Việt Nam, DN vẫn đang tìm cách tiếp cận.
Theo bà Thơm, Trung Quốc là đối tác lâu năm NK hàng Việt Nam với sản lượng lớn, đặc biệt là hàng nông sản. Vì vậy, giống với nhiều DN Việt, DN này rất muốn tìm kiếm đối tác để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Thơm nhận định, khó khăn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai đất nước có địa phận giáp ranh với nhau, các DN Trung Quốc thường trực tiếp sang Việt Nam đặt vấn đề mua bán nông sản.
Do vậy, DN Việt khó tiếp cận được một số DN phân phối lớn của Trung Quốc. Dù Agricare đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sạch với nông dân, nhưng nhiều khi bà con lại bán cho thương lái Trung Quốc.(TBKD)
-----------------------------
Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vào top 30 thế giới
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100.
Như vậy, Chỉ số tiếp cận tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc. Chỉ số Tiếp cận tín dụng được đánh giá dựa trên các tiêu chí gồm: Độ mạnh của các quyền pháp lý (8/12 điểm), Độ sâu của thông tin tín dụng (7/8 điểm), Mức bao phủ của thông tin tín dụng công (51%) và Mức bao phủ của thông tin tín dụng tư nhân (19,7%).
Đặc biệt, hai tiêu chí Độ sâu của thông tin tín dụng (7/8 điểm) và Mức bao phủ của thông tin tín dụng công (51%) của Việt Nam tiếp tục đạt mức cao trong nhiều năm, cao hơn nhiều so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (4,2/8 điểm và 16%) và nhóm các nước thu nhập cao OECD (6,6/8 điểm và 18,3%).
So với các nước trong khu vực, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đứng sau Malaysia (thứ 20) và đứng trên các nước Indonesia (thứ 55), Lào (thứ 77), Philippines (thứ 142).
Về chấm điểm, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đạt 75/100 điểm, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm).
Theo đánh giá của WB, bên cạnh chấm điểm các tiêu chí truyền thống nêu trên, việc tăng hạng và điểm của chỉ số Tiếp cận Tín dụng năm 2018 là do những thay đổi tích cực trong Bộ luật Dân sự 2015 mới được Việt Nam áp dụng từ 1/1/2017. Cụ thể, Việt Nam đã đưa ra danh sách mở rộng hơn đối với phạm vi tài sản giao dịch đảm bảo trong Bộ luật này, qua đó đã hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Tín dụng là yếu tố cốt lõi của một doanh nghiệp. Chính sách tín dụng rộng mở và nhiều hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc cải thiện chỉ số Tiếp cận tín dụng diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.(Chinhphu)