Ngân hàng vào “cuộc đua” giảm lãi suất cho vay; Sử dụng điện than trong 30 năm tới là khó khăn khi mà thế giới đang quay lưng; Chỉ bán rau, start-up Trung Quốc được định giá 2,8 tỷ USD; WHO tài trợ 21 triệu USD giúp Việt Nam phát triển y tế
Tin kinh tế đọc nhanh 13-01-2018
- Cập nhật : 13/01/2018
Năm 2017, thu ngân sách nhà nước vượt 5,9% dự toán
Năm 2017, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) với số thu cân đối ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so với dự toán.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác chỉ đạo thu NSNN ngay từ đầu năm 2017; Chú trọng khai thác nguồn thu và mở rộng cơ sở thuế; Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; Quyết liệt xử lý nợ đọng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, ban hành theo thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các cam kết hội nhập.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong thu ngân sách được Bộ Tài chính đẩy mạnh trong năm 2017. Ngành Tài chính đã mở rộng triển khai hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, kết nối trực tiếp dữ liệu người nộp thuế với cơ quan thuế, tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế; Tăng cường phối hợp thu với ngân hàng, đa dạng các kênh thu, nộp ngân sách không dùng tiền mặt... Từ đó, rút ngắn thời gian cho người nộp thuế và tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN.
Với những nỗ lực trên, đến hết ngày 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,9%) so với dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, đạt mức động viên 25,6% so với GDP.(TCTC)
---------------------------------
Thị trường Việt Nam, “mảnh đất màu mỡ” của thương hiệu nước ngoài
Thị trường Việt Nam được cho là “mảnh đất màu mỡ” của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài.
Theo dự đoán của Phòng nghiên cứu Colliers International tại Vietnam, số lượng người tiêu dùng trung và cao cấp sẽ gấp 1,7 lần vào năm 2020 và gia tăng nhanh chóng tại nhiều thành phố lớn. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường vô cùng hấp dẫn với các thương hiệu nước ngoài.
Hiện taị Việt Nam là thị trường đang phát triển nhanh và người tiêu dùng dễ chấp nhận sản phẩm mới, đó là lý do ngày càng nhiều thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu… đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường để hướng đến mô hình mua sắm hiện đại.
Nhất là khi càng có nhiều nhà bán lẻ quốc tế như H&M, Zara, 7-Eleven, Walmart, Ikea, Forever 21... dự định gia nhập thị trường nội địa. Hàng loạt các thương hiệu thực phẩm có tiếng trên thế giới đã “ồ ạt xâm nhập” thị trường Việt Nam. Cụ thể, tháng 10/2017 một đoàn doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống đến từ Jeju (Hàn Quốc) đã có buổi giao thương tại TP.HCM để tìm đường đưa sản phẩm tới Việt Nam thông qua các kênh phân phối/đại lý là doanh nghiệp Việt.
Cùng với các "tân binh", những thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã có mặt cũng làm mới mình và thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, hồi tháng 9/2017, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm Văn phòng phẩm B2S (business to school), tập trung vào nhóm mặt hàng phục vụ học sinh, sinh viên. Với thương hiệu bán lẻ mới này, Central Group Việt Nam lên kế hoạch mở khoảng 30 trung tâm tại Việt Nam trong 5 năm tới, và những điểm kinh doanh của B2S sẽ được đặt tại trung tâm các thành phố.
Không những thế các nhà bán lẻ nước ngoài còn đẩy mạnh kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Central Goup sau khi sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim, mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng đã mua lại mảng kinh doanh trực tuyến Zalora Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet (Đức) để đẩy mạnh kinh doanh online trong lĩnh vực thời trang. Chiến lược này còn nhằm kết hợp sức mạnh của bán hàng qua mạng (online) và bán hàng trực tiếp (offline) trong lĩnh vực bán lẻ mà tập đoàn này đang đầu tư mấy năm gần đây.
Ông Miyake Junya, Chủ tịch Sáng lập chuỗi bán lẻ Miniso ( Nhật Bản) cho biết: “Thị trường Việt Nam có vị trí chiến lược trong khu vực và trên thế giới, được xem như cầu nối để các nhà sản xuất thâm nhập thị trường Đông Nam Á”. Hiện tại ở Việt Nam, nhiều cửa hàng của nhãn hiệu bán lẻ Miniso đã có mặt tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành bán lẻ, hiện nay thị phần của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 50% kênh bán lẻ hiện đại và trong xu hướng ngày càng tăng. (Thuongtruong)
--------------------------------
Xuất khẩu và dấu ấn nông nghiệp
Một hiện tượng đáng chú ý của nền kinh tế năm 2017 là lần đầu trong lịch sử, giá trị xuất khẩu hàng hóa vượt qua mốc 200 tỷ USD với tổng giá trị 213,77 tỷ USD, tương ứng tăng 21% so với năm 2017. Năm 2018 được kỳ vọng một năm được mùa và đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra.
Thành tích xuất khẩu năm 2017 có thể nói rất đáng khích lệ bởi trong bối cảnh xuất khẩu khoáng sản và dầu thô còn gặp nhiều khó khăn thì sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực khác như điện thoại, linh kiện điện tử và đặc biệt là nông nghiệp đã bù đắp lại khoảng trống mà ngành khai khoáng để lại.
Điển hình như ngành hàng thủy sản đã trở lại ấn tượng khi mang về cho đất nước 8,4 tỷ USD (tăng 18,5% so với năm trước), gỗ và nội thất mang lại 7,6 tỷ USD (9,2%), gạo xuất được 2,6 tỷ USD (22,7%), hạt điều thu được 3,5 tỷ USD (23,9%). Nhưng đáng chú ý nhất là mặt hàng rau quả bất ngờ vượt qua “anh cả” dầu thô để đạt giá trị xuất khẩu lên đến 3,5 tỷ USD, tương ứng tăng đến 43,1%.
Đã đến lúc vị thế của ngành nông nghiệp cần được đầu tư nâng cao hơn nữa. Kết quả khả quan trong năm 2017 cho thấy, Việt Nam thực tế có đủ tiềm năng để phát triển một ngành nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao hơn và đóng góp nhiều hơn vào GDP của cả nước so với tỷ lệ còn khá khiêm tốn hiện nay.
Riêng đối với trái cây, kết quả đáng phấn khởi vừa qua đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành này tăng tốc phát triển, nhất là vào các thị trường Mỹ và châu Âu. Một thông tin đáng vui, kỳ vọng sau 10 năm đàm phán, lô hàng vú sữa đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đã được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp (DN), những người nông dân thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, lô hàng vú sữa được xuất vào Mỹ đã phải đáp ứng được tiêu chuẩn GAP và các bài kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Kiểm dịch thực động vật Hoa Kỳ (APHIS). Nhưng ngược lại, giá bán mỗi kg sản phẩm có chất lượng cao này lên đến 25-30 nghìn đồng và sẽ cao hơn gấp hai lần khi sang đến thị trường Hoa Kỳ.
Hiện rau quả của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Chi-lê, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mục tiêu mà phân khúc nông sản này đặt ra là thu được 4,5 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2020 và gần gấp đôi vào năm 2030.
Sự trở lại mạnh mẽ của con tôm, con cá cũng là hiện tượng đáng chú ý. Nếu như năm 2016, ngành hàng này gặp quá nhiều thách thức khi đối mặt với hiện tượng hạn hán nghiêm trọng, sự cố môi trường biển miền trung thì trong năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi hơn và quy trình sản xuất chặt chẽ hơn, ngành thủy sản đã mang lại thắng lợi lớn cho cả nước.
Đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu thủy sản là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21% khi giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, ngành hàng cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc... đạt gần 600 triệu USD, lần lượt tăng 16% và 42% so với năm 2016.
Đáng chú ý trong xuất khẩu thủy sản năm 2017 là việc Trung Quốc đã vượt Mỹ trong tốp thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Dự kiến thị trường liền kề Việt Nam này sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các năm tới khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản có chất lượng cao từ người dân nước này tăng mạnh nhờ thu nhập ngày càng cải thiện và khuynh hướng chuyển đổi sang một nền kinh tế tiêu dùng.
Sự lột xác ngoạn mục của ngành nông nghiệp trong năm 2017 nhìn chung là sự kiện rất quan trọng, để từ đó khuyến khích thêm nữa việc tham gia đầu tư của các tập đoàn hàng đầu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tất nhiên, trong bối cảnh một số thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu... có xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra... thì mục tiêu xuất khẩu trong năm nay chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, năm 2018 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của ngành với các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng ngành đạt khoảng 2,8 - 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 36-37 tỷ USD...
Đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các ban, ngành, lãnh đạo các địa phương trong việc xóa bỏ các rào cản kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động, tích cực quảng bá, tìm kiếm và đưa tin kịp thời về chính sách các thị trường mới để giúp các DN hạn chế bớt rủi ro. Một định hướng quan trọng khác là Nhà nước cần giữ ổn định hay giảm thêm lãi suất tín dụng để tăng cường năng lực tài chính cho các DN...
Về phần mình, các DN trong ngành phải chú trọng hơn nữa đến công tác xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại và hoàn thiện chuỗi sản xuất đến phân phối để cải thiện hiệu quả kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. (Nhandan)
------------------------
Việt Nam phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á
Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chính thức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2, chiều 11/1 với sự tham dự của khoảng gần 1.500 đại biểu là các học giả kinh tế hàng đầu quốc tế và Việt Nam.
Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội với chủ đề: "Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức và động lực mới". Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương dự Diễn đàn.
Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quy mô diễn đàn rất lớn, diễn ra vào đầu năm là rất ý nghĩa. Đây là diễn đàn hết sức quan trọng để những người làm chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng thẳng thắn trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm về diễn biến kinh tế vĩ mô và thực trạng kinh tế Việt Nam; đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ tháo gỡ những nút thắt và thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, gửi các bộ, ngành chức năng để nghiên cứu, phục vụ thực tiễn chỉ đạo điều hành. Chính phủ cần những đề xuất cụ thể để có thể đưa vào cuộc sống.
Thủ tướng cho biết, năm 2017, Việt Nam tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Trong đó một thách thức quan trọng là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, nhờ đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Khẳng định đã những thành tựu to lớn đạt được của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội sau hơn 30 năm đổi mới, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng: Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được; không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn.
Thủ tướng nêu vấn đề: “Câu hỏi rất hay và quan trọng là làm thế nào để Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế nhanh, vừa bền vững. Đây là hai mục tiêu có thể mâu thuẫn với nhau, một số nước xung quanh ta đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc… Vậy hỏi phải làm gì để đạt được cả hai mục tiêu có vẻ như mâu thuẫn này? Ở Việt Nam cần thực hiện hai mục tiêu này như thế nào?”
Đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đã chỉ ra cụ thể 3 đòn bẩy để Việt Nam đạt được hai mục tiêu quan trọng này, đó là năng lượng xanh và phát triển bền vững; cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro, đặc biệt trong tín dụng, thương mại và đầu tư, Thủ tướng khẳng định: Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Những kết quả đạt được trong năm 2017 là cơ sở để chúng ta có thể tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó tạo ra nền móng vững chãi hơn để nền kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.
“Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á”- Thủ tướng nói.
Sau phát biểu, Thủ tướng đã có cuộc đối thoại với các đại biểu. Chia sẻ tại đây, Thủ tướng nêu rõ, điều tâm đắc nhất của mình trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 đó là năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá tăng 5 bậc trong năm 2017. Môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc…
Thủ tướng cũng trả lời các câu hỏi về các giải pháp, quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài. (danhcongsan)