Hội Môi giới Bất động sản: Giá đất nền Hà Nội tăng khoảng 10% năm 2017; Nhật sẽ buộc phải đón nhận ồ ạt lao động nước ngoài?; Thặng dư thương mại Trung - Mỹ cao chưa từng thấy; Hoa Kỳ kêu gọi chọn lựa Ấn Độ để thay thế thị trường Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-01-2018
- Cập nhật : 11/01/2018
Boeing đánh bại Airbus trong năm 2017
Hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing thông báo giao kỷ lục 763 tàu bay trong năm qua, có khả năng cao đã vượt qua đối thủ Pháp Airbus, giành danh hiệu nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Theo Reuters, Boeing cũng có thêm các đơn hàng đặt 912 tàu bay với tổng giá trị 134,8 tỉ USD theo giá niêm yết. Con số này lớn hơn so với mức 668 máy bay được đặt với tổng giá trị 94 tỉ USD trong năm 2016.
Tháng trước, Airbus cũng theo đúng tiến độ khi có hơn 1.000 đơn đặt hàng mới trong năm. Song con số này nhỏ hơn mức 1.053 đơn đặt hàng mà Boeing vừa công bố hôm 9.1. Cổ phiếu Boeing tăng 2,9% lên mức 319,16 USD hôm 9.1 tại Mỹ. Cổ phiếu hãng này tăng gần gấp đôi trong năm qua.
Theo nhiều nguồn tin trong ngành, Airbus sẽ công bố số đơn đặt hàng và số máy bay được giao trong năm qua vào ngày 15.1. Hãng này hoàn thành mục tiêu giao hơn 700 chiếc máy bay dù gặp sự cố với động cơ Pratt & Whitney Geared Turbofan. Tổng doanh số và số đơn hàng được giao của Airbus khó có thể vượt Boeing.
Boeing khẳng định khả năng tăng sản xuất của công ty qua số lượng đơn hàng được đặt và được giao. Hãng này có thể có thêm 350 triệu USD doanh thu. Công ty Mỹ cũng dự báo các hãng hàng không có thể cần thêm máy bay trong năm 2018, giúp mức sản xuất đi lên.(Thanhnien)
--------------------------------
Trồng hơn 4.600 ha sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Tu Mơ Rông
Để bảo tồn, phát triển nguồn sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 17/QĐ-UBND phê duyệt cho Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum triển khai thực hiện “Dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển cây dược liệu (sâm Ngọc Linh) dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông”.
Củ cây sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự án được triển khai trên diện tích hơn 4.600 ha tại Tiểu khu 218, 220 xã Măng Ri và tiểu khu 225, 226, 227, 229 xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, với tổng vốn đầu tư trên 4.933 tỷ đồng; trong đó, có gần 4.611 ha đất có rừng tự nhiên được trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.
Cùng với đó, công suất thiết kế 500 kg củ tươi/năm và thời gian kiến thiết cơ bản được triển khai từ năm 2018 đến 2026. Đặc biệt, đến năm 2027 đi vào vận hành sản xuất và kinh doanh.
Dự án được triển khai góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ tài nguyên rừng kết hợp bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; bảo tồn bền vững nguồnn gien quý hiếm của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam và tạo ra sản phẩm hàng hóa từ sâm Ngọc Linh cung cấp cho nhu cầu trong nước và thế giới.
Ngoài ra, dự án khi thực hiện sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, chủ yếu là người đồng bào dân tộc tại chỗ, góp phần tăng thu nhập, tiến tới xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. (TTXVN)
------------------------------------------
Luật sư đề nghị thu hồi 3.690 tỷ từ cha con ông Trần Quý Thanh
Sáng 10/1, luật sư Hà Hải (người bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) đề nghị thu hồi số tiền 11.000 tỷ đồng và yêu cầu Sacombank, BIDV, TPBank hoàn trả lại cho VNCB 563 tỷ (bao gồm tiền cấn trừ dư và lãi suất).
Đề nghị thu hồi 3.690 tỷ từ cha con ông Trần Quý Thanh
Vị luật sư cho rằng có những khoản tiền liên quan đến cha con ông Trần Quý Thanh chưa được xem xét, dù số tiền này đều từ hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Phạm Công Danh. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra, làm rõ và thu hồi toàn bộ số tiền nói trên để khắc phục hậu quả.
Tổng số tiền luật sư Hà Hải đề nghị thu hồi từ cha con ông Trần Quý Thanh là 3.690 tỷ đồng.
Cụ thể là khoản tiền 400 tỷ đồng rút trong khoản cho thuê mặt bằng của công ty Trung Dung chuyển cho ông Trần Quý Thanh. Khoản tiền 300 tỷ đồng vay sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích tại VNCB, đã được VNCB chứng minh, được đại diện VKS cấp cao thẩm tra và xác minh tại phiên tòa phúc thẩm.
Tại phiên xử tháng 1/2017, Phạm Công Danh cho rằng cha con ông Trần Quý Thanh là người hại mình. Ảnh: Tùng Tin.
Ngoài ra, Phạm Công Danh đã trả lãi cho nhóm Trần Qúy Thanh trong 3 năm từ 2012-2014 là 2.760 tỷ đồng.
Theo luật sư Hà Hải, có chứng từ đầy đủ chứng minh các cá nhân của nhóm Trần Ngọc Bích nhận tiền của Tập đoàn Thiên Thanh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu thập đầy đủ chứng cứ, nhưng chưa có kết luận và quyết định thu hồi.
Bên cạnh đó, còn có 183 tỷ đồng được Phạm Công Danh chuyển cho ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích. Khoản tiền 47 tỷ đồng được ông Danh trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích trong tổng số tiền hơn 63 tỷ đồng rút ra từ VNCB thông qua đề án nâng cấp hệ thống Core Banking.
Vì những liên quan đến đại án này, cha con ông Trần Quý Thanh và Trần Ngọc Bích đã được HĐXX triệu tập đến toà. Trong ngày xét xử đầu tiên (8/1), ông chủ Tân Hiệp Phát không có mặt mà chỉ cử người đại diện.
Trước đó, tại phiên toà diễn ra vào tháng 1/2017, khi luật sư của bà Trần Ngọc Bích cho rằng bà Bích chỉ là người bị hại trong vụ án này, ông Phạm Công Danh đã phản ứng mạnh và khẳng định hai cha con ông Thanh mới là người hại ông.
Đề nghị HĐXX buộc bà Hứa Thị Phấn bồi thường cho ông Phạm Công Danh
Luật sư Hà Hải cũng cho rằng HĐXX giai đoạn 1 chưa xem xét, thu hồi số tiền hơn 3.600 tỷ mà ông Phạm Công Danh đã rút ra từ các gói vi phạm để trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, để mua ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi hơn 900 tỷ đồng.
Phạm Công Danh tỏ ra mệt mỏi trong những ngày đầu phiên xử. Ảnh: Tùng Tin.
Ngoài ra, luật sư cũng liệt kê khoản tiền 30 tỷ đồng Phạm Công Danh ký séc tại ngân hàng ACB cho bà Hứa Thị Phấn thông qua cháu bà Phấn, với nội dung là hoàn trả tiền chăm sóc khách hàng. Đến nay số tiền này vẫn chưa được xem xét và thu hồi.
Ngoài thu hồi số tiền hàng nghìn tỷ đồng, luật sư cũng đề nghị HĐXX buộc bà Hứa Thị Phấn và những người liên quan phải bồi thường thiệt hại cho Phạm Công Danh.
Nữ đại gia Hứa Thị Phấn cũng vắng mặt tại phiên toà xử Phạm Công Danh. Trước đó, luật sư Trương Thị Minh Thơ và Nguyễn Thị Thanh Thảo (bào chữa cho bà Phấn) đã gửi kiến nghị xin cho bà Phấn vắng mặt vì lý do sức khoẻ.
Tại quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP.HCM, bà Phấn được xác định là người tham gia tố tụng với hai tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.
Theo quy định về sự có mặt của người làm chứng, bà Phấn phải tham gia phiên toà để làm sáng tỏ những tình tiết trong vụ án, đặc biệt trong vụ sai phạm tại 4 ngân hàng VNCB, Sacombank, TPbank, BIDV.
Tuy nhiên, luật sư kiến nghị rằng bà Hứa Thị Phấn đang trong tình trạng già yếu, bệnh tật, sức khoẻ chỉ còn 7%, không thể tham gia phiên toà. Hiện tại, bà Phấn do ảnh hưởng của bệnh tật, không đi lại được, phải ngồi xe lăn, mất khả năng tự phục vụ, mọi sinh hoạt thiết yếu hàng ngày đều phụ thuộc vào người khác.
Với tình trạng tiếp xúc ngày càng khó khăn, lúc mê lúc tỉnh, từ khi bị khởi tố liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm, cơ quan điều tra vẫn chưa lần nào lấy cung bà Phấn được.(ZingNews)
------------------------------
Chủ ngân hàng giàu nhất châu Á tránh xa tiền ảo
Gia đình của ông Uday Kotak, tỷ phú điều hành Kotak Mahindra Bank, đang thành lập văn phòng đầu tư vào các loại tài sản như cổ phần tư nhân, chứng khoán và bất động sản toàn cầu.
Ông Uday Kotak
Dù vậy, văn phòng này sẽ không đầu tư vào tiền thuật toán. Theo Bloomberg, Venkat Subramanian, người được chọn quản lý văn phòng gia đình của ông Kotak, cho hay: “Quỹ đầu tư sẽ được triển khai vào các loại tài sản ngoài nợ và tiền thuật toán. Chúng tôi cũng tránh các cơ hội đầu tư khiến chúng tôi phải cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng”.
Ông Subramanian không tiết lộ giá trị chính xác của quỹ đầu tư trên nhưng theo Bloomberg Billionaires, ông Kotak sở hữu khoảng 1,2 tỷ USD tiền mặt và các tài sản có thể đầu tư. Phần lớn số tiền Kotak có được là nhờ việc giảm bớt cổ phần nắm giữ của ông trong ngân hàng để đáp ứng luật định.
Kotak là chủ ngân hàng ở Mumbai, người có 10,3 tỷ USD giá trị tài sản và là nhân vật giàu thứ tám ở Ấn Độ. Ông là sếp ngân hàng giàu nhất châu Á, nắm giữ khoảng 30% cổ phần Kotak Mahindra Bank tính đến cuối tháng 9/2017. Số cổ phần trên trị giá 9 tỷ USD.
Theo Subramanian, đầu tư vào nợ sẽ khiến văn phòng riêng của gia đình ông Kotak vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với nhà băng. Trong khi đó, mua bán bitcoin ẩn chứa nhiều rủi ro.
Ông Subramanian nói: “Dù khái niệm tiền thuật toán hấp dẫn nhưng vì giá trị của nó không bị tác động bởi chính phủ bất cứ nước nào, văn phòng gia đình sẽ không xem xét đầu tư vào nó”.(Thanhnien)
-------------