tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 25-07-2017

  • Cập nhật : 25/07/2017

Các ngân hàng trung ương sẽ gây suy thoái kinh tế thế giới?

'Vua trái phiếu' Bill Gross đang cảnh báo về việc tăng lãi suất và thiệt hại mà các ngân hàng trung ương có thể gây ra cho kinh tế thế giới vốn đang nặng nợ.

vua trai phieu bill gross anh: reuters

Vua trái phiếu Bill Gross ẢNH: REUTERS

Theo CNBC, trong báo cáo triển vọng nhà đầu tư được công bố hằng quý, nhà quản lý quỹ Janus Henderson Advisors cho biết quá trình các ngân hàng trung ương thế giới hướng đến việc thắt chặt chính sách có thể gây nguy hiểm cho đợt phục hồi kinh tế. Lãi suất tăng sẽ đẩy cao chi phí nợ ngắn hạn mà nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang gánh.

Chỉ riêng ở Mỹ, nợ hộ gia đình đạt 14.900 tỉ USD. Nợ doanh nghiệp thì đạt 13.700 tỉ USD, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Gross cho hay: “Trong khi nhiều chính phủ và Bộ Tài chính Mỹ có đủ khả năng xoay sở chi phí tăng, trong nhiều trường hợp, không ít doanh nghiệp và cá nhân phụ thuộc đòn bẩy không thể”.

Fed đang trên đà tăng lãi suất từ từ và thị trường tài chính dự báo họ sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương khác cũng đang hạn chế chương trình mua trái phiếu và thanh khoản khác, vốn đặt mục tiêu bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Ông Gross cho rằng quy tắc mà các ngân hàng trung ương áp dụng khi họ thắt chặt chính sách sẽ để lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế trong tương lai.

Bill Gross nổi tiếng với tư cách là nhà sáng lập Pimco, hãng từng quản lý quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới. Ông Gross sau đó rời Pimco và hiện quản lý quỹ trái phiếu Janus Henderson Global Unconstrained 2,1 tỉ USD. Dù vậy, quỹ này đang thể hiện kém trong năm nay khi có tỷ lệ lợi nhuận chỉ 1,93%, thấp hơn so với mức 2,71% của chỉ số trái phiếu Bloomberg Barclays U.S. Aggregate Bond.

Trong khi chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng 10,5% từ đầu năm đến nay, ông Gross cảnh báo giới đầu tư nên tránh xa trái phiếu và cổ phiếu, thay vào đó là đổ tiền vào tài sản thực. Ông cũng đã và đang lưu ý về môi trường kinh tế hiện thời, đặc biệt là việc thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương. (Thanhnien)
---------------------

Ông chủ Tencent trở thành tỉ phú giàu thứ hai Trung Quốc

Nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Tencent Holdings Ma Huateng vừa vượt tỉ phú Vương Kiện Lâm, trở thành người giàu thứ nhì Trung Quốc.

tai san cua ong chu tencent tang vot trong khi cua ti phu tung muon soan ngoi disney thi giam dananh: bloomberg

Tài sản của ông chủ Tencent tăng vọt trong khi của tỉ phú từng muốn soán ngôi Disney thì giảm dầnẢNH: BLOOMBERG

Theo Bloomberg, ông Ma Huateng có thêm 10 tỉ USD trong năm nay khi cổ phiếu ông lớn công nghệ Tencent tăng 57% nhờ doanh số kỷ lục và lợi nhuận vượt kỳ vọng. Hiện ông Ma Huateng sở hữu 30,7 tỉ USD.

Ngược lại, tài sản của tỉ phú Vương hạ xuống còn 30,5 tỉ USD vì tập đoàn Dalian Wanda của ông chịu nhiều áp lực từ giới chức Đại lục.

Người giàu nhất Trung Quốc hiện vẫn là Jack Ma với tổng giá trị tài sản là 43,2 tỉ USD.(Thanhnien)
-------------------------

Hàng loạt doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ cát

Lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá quyền khai thác 5 mỏ cát trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, với hàng loạt doanh nghiệp tham gia.

viec tinh quang ngai to chuc dau gia se tao su minh bach trong cap giay phep khai thac khoang san anh: hien cu

Việc tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu giá sẽ tạo sự minh bạch trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản ẢNH: HIỂN CỪ

Sáng 22.7, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi, cho biết việc đấu giá quyền khai thác 5 mỏ cát trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, gồm: mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm; mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Lâm; mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng; mỏ cát thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận; mỏ cát tổ dân phố Vạn Mỹ, TT.Sông Vệ. 5 mỏ cát này có tổng diện tích hơn 25,6 ha, trữ lượng khai thác trên 355.575 mét khối, sẽ được tổ chức đấu giá vào ngày 26.7 tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Ngãi (Sở Tư pháp Quảng Ngãi).

“Việc đấu giá khắc phục tình trạng “xin-cho” trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản nói chung và cát, sỏi lòng sông nói riêng như lâu nay, chống cơ hội đầu cơ xin cấp mỏ, găm mỏ chờ cơ hội chuyển nhượng để trục lợi, tạo sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách”, ông Hải nói và cho biết thêm: có hàng loạt doanh nghiệp đăng ký đấu giá, trong đó có nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại các tỉnh, TP như: Lào Cai, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Hà Nội. Thậm chí, một số doanh nghiệp có giấy đăng ký kinh doanh không có ngành nghề khai thác khoáng sản cũng nộp hồ sơ đăng ký đấu giá nhưng đã bị loại bỏ.

Cũng theo ông Hải, Sở TN-MT Quảng Ngãi đã xét chọn và công khai hồ sơ các doanh nghiệp được tham gia phiên đấu giá trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị và Trung tâm công báo - tin học tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, mỗi mỏ cát ở địa bàn huyện Tư Nghĩa được đưa ra đấu giá sắp tới đều có từ 11-17 doanh nghiệp được xét chọn tham gia đấu giá theo mức giá sàn do cơ quan chức năng quy định.

Ngoài những mỏ cát có trữ lượng khai thác lớn do tỉnh quản lý sẽ được đưa ra đấu giá trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ngãi ủy quyền cho UBND các huyện, TP tổ chức đấu giá công khai các điểm bồi tụ cát, sỏi trên sông có diện tích dưới 1 ha. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép bằng phương pháp thủ công, Sở TN-MT Quảng Ngãi phối hợp với Sở Xây dựng và địa phương liên quan kiểm tra thực địa, khoanh định, đồng thời tham mưu trình UBND tỉnh giao các khu vực khoanh định khai thác cát thủ công về cho địa phương quản lý, cấp phép khai thác cho các tổ (đội) chuyên sinh sống bằng nghề khai thác cát, sỏi bằng phương pháp thủ công nhằm giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho lao động địa phương.(Thanhnien)
-------------------------

Đồng hồ Thụy Sĩ nâng tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu lên 60%

Năm 2017, sau hơn 10 năm vận động hành lang và làm nóng nghị trường quốc hội Thụy Sĩ bằng các cuộc thảo luận, các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã có thêm một công cụ để bảo vệ danh tiếng của mình khi tỷ lệ nội địa hóa của đồng hồ Swiss made nay sẽ là tối thiểu 60%.

 

thuy si nang cao tieu chuan voi cac dong ho "swiss made".

Thụy Sĩ nâng cao tiêu chuẩn với các đồng hồ "Swiss made".

 

Từ lâu, thương hiệu Swiss made có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố uy tín, vị thế của các hãng sản xuất đồng hồ tại Thụy Sĩ. Jean-Daniel Pasche - Chủ tịch của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ (FH) là người hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của điều này. 

Ông Pasche đã dành hơn 20 năm qua để bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Với sự hậu thuẫn của các hãng đồng hồ, Pasche đã triển khai thành công chiến dịch vận động hành lang nâng cao tiêu chuẩn của một chiếc đồng hồ được phép ghi chữ Swiss made. 

Theo đó, các đồng hồ từ nay sẽ cần có tối thiểu 60% giá trị là các linh kiện của Thụy Sĩ để có thể được phép ghi nguồn gốc sản xuất là tại Thụy Sĩ. Trước đây, tỷ lệ này là 50% giá trị của chiếc đồng hồ và chỉ áp dụng với phần động cơ - bộ phận quan trọng nhất của chiếc đồng hồ. 

Pasche cho biết để đưa được điều khoản này vào trong luật, nhiều người đã phải nỗ lực trong nhiều năm trong khuôn khổ một dự án nhằm nâng cao chất lượng của các đồng hồ Swiss made. “Đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với ngành công nghiệp đồng hồ, bởi đạo luật mới sẽ giúp nâng cao sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm đồng hồ Thụy Sĩ”, Pasche nhấn mạnh. 

Chủ tịch Pasche lưu ý riêng chữ Swiss made đã làm gia tăng tới 20% giá trị cho một chiếc đồng hồ, và do đó sẽ mang lại hàng tỉ Franc mỗi năm cho toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Một thắng lợi đồng thời cũng là nghĩa vụ quan trọng của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đó là phải đảm bảo rằng việc lắp ráp, chế tạo các động cơ đồng hồ sẽ hoàn toàn được làm tại Thụy Sĩ. 

Thực ra, tham vọng ban đầu của các nhà vận động hành lang là nâng tỷ lệ nội địa hóa của đồng hồ Thụy Sĩ lên 80%. Song sau 10 năm đấu tranh, thỏa thuận tốt nhất mà giới sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ có được chỉ là 60%. Tuy nhiên, theo một số nhà lập pháp Thụy Sĩ, việc áp đặt tỷ lệ 80% có thể bị xem là một biện pháp tạo ra rào cản theo luật pháp thương mại quốc tế và có nguy cơ vi phạm các thỏa thuận thương mại tự do mà Thụy Sĩ ký với các nước. 

Tuy vậy, không phải tất cả các hãng đồng hồ đều ủng hộ chủ trương này. Hãng sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới Swatch Group phản đối việc áp đặt thêm các tiêu chí mới, cao hơn đối với đồng hồ mang thương hiệu Swiss made. Swatch là hãng đồng hồ nổi tiếng với các sản phẩm đồng hồ giá bình dân, sản xuất với quy mô đại trà và hãng này cho rằng đã đáp ứng hầu hết các yêu cầu của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. 

Pasche thì cho rằng hiện nay trên thị trường thế giới, rất dễ để tìm thấy các đồng hồ ghi Swiss made song lại có tỷ trọng giá trị sản phẩm thấp hơn rất nhiều quy định 50% giá trị mà luật pháp Thụy Sĩ cho phép. “Khi một khách hàng mua đồng hồ Thụy Sĩ ở nước ngoài, họ thường có ấn tượng rằng đồng hồ ghi Swiss made được sản xuất hoàn toàn tại Thụy Sĩ”, điều này là không đúng, do vậy, “ít nhất cần đảm bảo rằng chiếc đồng hồ ghi Swiss made phải mang phần lớn các giá trị của Thụy Sĩ”, Pasche nói. Đó là lý do tại sao cần phải nâng tỷ trọng giá trị lên ít nhất 60% 

Thụy Sĩ đang không chỉ tìm cách nâng cao chất lượng của những chiếc đồng hồ mang thương hiệu Swiss made. Các nhà lập pháp nước này còn tìm cách bảo vệ thương hiệu quốc gia với tất cả các sản phẩm được ghi “Sản xuất tại Thụy Sĩ”. Chẳng hạn, đầu năm 2017, Quốc hội nước này đã thông qua điều luật quy định các hàng hóa thực phẩm được ghi Swiss made chỉ khi 80% nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm này là có nguồn gốc Thụy Sĩ, trừ một số nguyên liệu mà Thụy Sĩ không sản xuất được như ca cao, cà phê… Còn với các mặt hàng như sữa, pho mát và các sản phẩm từ sữa tỷ lệ này phải là 100%.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục