Singapore muốn đầu tư lớn vào hàng hải, cảng biển Việt Nam
Fed đang triển khai chính sách tiền tệ "Made in China"?
Nội các Nhật Bản thông qua dự luật về TPP
Ấn Độ chính thức đệ đơn kiện lên WTO về phí visa của Mỹ
Giám đốc câu kết cán bộ ngân hàng chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-03-2016
- Cập nhật : 09/03/2016
Dấu hỏi lớn ở Nguyễn Kim: Sa sút sau cái bắt tay với người Thái?
Báo cáo thường niên năm 2015 năm nay của Thế giới di động cung cấp một con số lạ. Đó là thị phần điện máy chính hãng tại Việt Nam.
Theo đó, Điện máy Xanh cho rằng, hãng đang xếp thứ 2 thị trường điện máy với khoảng 8% thị phần. Xếp sau là điện máy Chợ lớn với 7,5% thị phần. Nguyễn Kim tiếp tục đứng ở vị trí dẫn đầu với 12%.
Những con số mà Thế giới di động công bố đặt ra nhiều dấu hỏi. Trong đó lớn nhất là thị phần của Nguyễn Kim. Năm 2015, Điện máy Xanh đạt doanh thu 4,4 nghìn tỉ đồng. Nếu con số này tương đương với 8% thị phần, có thể dễ dàng tính được doanh thu của Nguyễn Kim trong năm qua chỉ đạt khoảng 6,6 nghìn tỉ đồng.
Đây là con số quá thấp. Dù chưa từng chính thức công bố doanh thu, nhưng khi thương vụ giữa Power Buy (Thái Lan) và Nguyễn Kim diễn ra, thông tin từ các công ty chứng khoán Thái Lan cho thấy, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 8,4 nghìn tỉ đồng trong năm 2013.
Điện máy Nguyễn Kim đang cho thấy một bước lùi đáng kể sau khi bắt tay với người Thái?
Tất nhiên, báo cáo thị phần của một hãng điện máy đối thủ khó có thể xem là một khả tín.
Mặc dù vậy, dấu hỏi về tình hình hoạt động của Nguyễn Kim đã diễn ra từ lâu. Trước khi Power Buy mua lại 49% cổ phần, Nguyễn Kim cũng đã có thời gian phát triển chững lại. Sau khi thương vụ với Thái Lan diễn ra, Nguyễn Kim từng tuyên bố sẽ mở ra 50 siêu thị vào năm 2020.
Tuy nhiên, đại diện một chuỗi điện máy tại phía Bắc cho biết, từ sau khi thương vụ giữa Nguyễn Kim và Power Buy diễn ra, việc triển khai, mở rộng hệ thống siêu thị vẫn chưa được tiến hành như lời 2 bên tuyên bố ban đầu.
Trong hơn 1 năm từ đó đến nay, Nguyễn Kim vẫn chưa khai trương thêm một siêu thị nào mới. Trong khi cả ngành bán lẻ điện máy tăng tốc mở rộng trong năm qua, Nguyễn Kim vẫn dậm chân tại chỗ.
"Có thể đối tác Thái Lan muốn tiến hành tái cơ cấu để tối đa hóa khả năng hoạt động của từng trung tâm trước khi tiến hành mở rộng", chuyên gia trong ngành bán lẻ điện máy phân tích.
Trong khi đó, chia sẻ với chúng tôi, một nguồn tin thân cận với Central Group, công ty mẹ của Power Buy cho biết, thông tin Nguyễn Kim sụt giảm doanh thu là không chính xác. Từ chối đánh giá tình hình hoạt động của Nguyễn Kim, vị này cho biết:
"Năm tài chính của Nguyễn Kim kết thúc vào tháng 3 nên phải đến cuối tháng 3 chúng tôi mới có thể biết được chính xác kết quả".
Muốn lớn thật nhanh. Những doanh nghiệp này toan tính gì?
Không chỉ muốn lớn lên, nhiều doanh nghiệp đang muốn lớn lên thật nhanh, gấp 5-gấp 7- thậm chí gấp hơn chục lần quy mô hiện tại. Họ ấp ủ nhiều kế hoạch lớn và chờ sự đồng thuận của cổ đông trong kỳ đại hội cổ đông năm 2016 này.
Mùa đại hội cổ đông năm nay chưa đi vào guồng nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư bởi những kế hoạch bất ngờ của nhiều doanh nghiệp.
Bất ngờ nhất là nhiều doanh nghiệp lâu nay theo trường phái không chạy đua tăng vốn nay lại bất ngờ tăng vốn lớn, gấp 5, gấp 7 lần quy mô vốn hiện tại. Họ toan tính gì?
Như Cảng Đoạn Xá (mã chứng khoán: DXP), trong kế hoạch kinh doanh năm 2016 dự kiến đệ trình Đại hội cổ đông tới đây, công ty dự kiến tăng vốn “sốc” gấp 7 lần mức chưa đầy 80 tỷ đồng hiện tại. Đó là chưa kể đến phương án phát hành 500 tỷ đồng vốn trái phiếu không chuyển đổi kỳ hạn 5 năm.
Theo DXP, trong vòng 5 năm qua, Cảng Đoạn Xá không đầu tư phát triển mở rộng quy mô mà chỉ đẩy mạnh khai thác tối đa năng lực hiện có. Tuy nhiên, thực tế hoạt động 2015 cho thấy Cảng Đoạn Xá có nhiều lần rơi vào trạng thái quá tải, phải từ chối đơn hàng của chủ tàu, trong khi với kinh nghiệm và năng lực hiện có, Cảng Đoạn Xá hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả trên quy mô lớn hơn. Hơn nữa, do tình hình cạnh tranh giữa các cảng tàu trong khu vực ngày càng mạnh mẽ, việc mở rộng quy mô là yêu cầu tất yếu. Cụ thể, Cảng Đoạn Xá có kế hoạch sẽ tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động của cảng hiện tại và đầu tư phát triển cảng mới trong năm tới.
Còn về kế hoạch phát hành trái phiếu, công ty dự kiến sử dụng vốn để nâng cao năng lực tài chính của Công ty, thực hiện chiến lược đầu tư, mua lại, hợp nhất các công ty hoạt động trong ngành khai thác và kinh doanh cảng biển.
Một kế hoạch tăng vốn đầy bất ngờ của một doanh nghiệp “bé hạt tiêu” nhưng EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) luôn đạt tốp đầu của thị trường chứng khoán là của Công ty Cổ phần PIV (mã chứng khoán: PIV). Trước khi tăng vốn đầu năm 2016, PIV có vốn điều lệ vỏn vẹn 12 tỷ đồng và lợi nhuận năm 2015 đạt hơn 12 tỷ đồng. EPS năm 2015 lên đến hơn 10.000 đồng.
Đã nhiều năm liền kể từ khi niêm yết vào năm 2010 đến nay, PIV không hề tăng vốn. Việc trả cổ tức cũng không được thực hiện từ khi niêm yết dù năm 2014, 2015 đã có lãi trên vốn cao. 2 năm lãi cao giúp PIV tích lũy được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 18 tỷ đồng so với quy mô vốn chỉ 12 tỷ đồng.
Sống mãi trong cái “áo hẹp” 12 tỷ đồng vốn có lẽ khiến cơ thể đang lớn của PIV thấy ngột ngạt. Công ty lên kế hoạch tăng vốn đầy bất ngờ: Gấp 12,5 lần quy mô vốn cũ. Từ 12 tỷ đồng, nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch, quy mô vốn của PIV sẽ lên đến 150 tỷ đồng. Việc phát hành được thực hiện bằng cách chào bán 13,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:1.150 tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 1.150 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trong toan tính của PIV, công ty sẽ dùng 48 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Thương mại Trường Lưu Thủy, dùng 72 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Tiến Đại Phát và 18 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho công ty nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động.
Trong khi Cảng Đoạn Xá muốn mở rộng quy mô, PIV muốn “lớn nhanh” bằng đầu tư vào các doanh nghiệp khác thì Nước giải khát Khánh Hòa (Vikoda – mã chứng khoán VKD) lại muốn tăng vốn vọt từ 21,6 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:456, giá phát hành 10.000 đồng/cp.
Gần 100 tỷ đồng thu về nhờ phát hành tăng vốn sẽ được Vikoda sử dụng chủ yếu cho đầu tư tài sản cố định gồm máy móc, nhà cửa, vật kiến trúc. Một phần nhỏ vốn (28,4 tỷ đồng) được sử dụng để bổ sung vốn lưu động.
Địa ốc Đất Xanh(mã chứng khoán DXG) là một trong những công ty có tốc độ tăng vốn điều lệ khá nhanh. Sau nhiều đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của công ty chính thức cán mốc nghìn tỷ vào cuối năm 2014 và tiếp tục tăng đạt mức 1.168 tỷ đồng 7 tháng sau đó.
Năm 2016, Địa ốc Đất Xanh tiếp tục tăng vốn. DXG dự kiến huy động gần 1.200 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Vốn huy động từ đợt phát hành này dự kiến sẽ được tài trợ cho dự án thành phần thuộc Dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc tại An Phú, quận 2, TP.HCM (bao gồm cả nhận chuyển nhượng dự án).
Còn nhiều doanh nghiệp khác đã lộ kế hoạch tăng vốn điều lệ lớn trong năm 2016 nhưng chi tiết phát hành, sử dụng vốn chưa được công bố. Như Doanh nghiệp “bé hạt tiêu” quanh năm gần như không có giao dịch cổ phiếu với vốn hiện tại chỉ 15 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu (UpCOM-mã chứng khoán BTC) cũng có kế hoạch tăng vốn khá táo bạo từ 15 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng; Xi măng và Xây Dựng Quảng ninh (mã chứng khoán: QNC) đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng, lên mức 385 tỷ đồng, mức tăng hơn gấp đôi so với vốn điều lệ hiện tại....
Nhu cầu lớn thật nhanh đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Khá nhiều doanh nghiệp đã công bố rõ nhu cầu tăng vốn để làm gì ngay từ khi chốt quyền họp Đại hội cổ đông nhưng cũng có doanh nghiệp đang "ém" kỹ kế hoạch của mình. Doanh nghiệp sẽ lớn nhanh để vừa chiếc áo quá rộng mà họ mong muốn hay chỉ là cơ thể cũ trong chiếc áo mới còn chờ đợi cổ đông của họ phán xét, chấp thuận trong mùa đại hội năm nay.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng đột biến
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2016, tại TP.HCM đã có 3.606 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng kí trên 27.000 tỷ đồng.
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2016, tại TP.HCM đã có 3.606 doanh nghiệpthành lập mới, với số vốn đăng kí trên 27.000 tỷ đồng, 5.626 lượt doanh nghiệp đăng kí thay đổi nội dung đăng kí kinh doanh, vốn tăng gần 31.000 tỷ đồng. Cộng chung cả số vốn đăng kí và vốn bổ sung trên 58..000 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kì.
Qua việc lành lập mới của các DN cho thấy, môi trường đầu tư được cải thiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh- ông Sử Ngọc Anh nhận định
Hiện nay, có 266.471 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM, với tổng số vốn đăng kí trên 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm tỷ trọng cao nhất, trên 48%, với trên 128.000 doanh nghiệp; tiếp theo là công ty TNHH một hành viên chiếm trên 31%, với gần 84.000 doanh nghiệp; Công ty cổ phần chiếm trên 12%, với 32.524 doanh nghiệp…
Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2016, TP.HCM thu hút 90 dự án đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn 155,9 triệu USD, tăng 91% so với cùng kì; 25 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn tăng gần 79 triệu USD.
Google Việt Nam có nữ tướng mới
Sau thời gian dài tìm kiếm Giám đốc truyền thông tại Việt Nam, Google đã chọn bà Hà Lâm Tú Quỳnh, từng làm việc tại HSBC, vào vị trí này.
Sau khi nhận nhiệm vụ mới tại Google, bà Hà Lâm Tú Quỳnh sẽ đảm trách khâu hình ảnh của hãng tại Việt Nam, cũng như tổ chức những hoạt động hỗ trợ cho giới khởi nghiệp, giáo dục và văn hoá trong nước.
Trao đổi với PV, bà Quỳnh cho biết Google vẫn bám sát ba hướng hoạt động truyền thông tại Việt Nam nêu trên. Đó là lắng nghe và hỗ trợcộng đồng khởi nghiệp bằng những công cụ, giải pháp hiện có của Google. Hãng cũng sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng,... tổ chức những buổi tập huấn ngắn hạn về Adsense, Adword,.. và cấp chứng chỉ cho các học viên để họ có thêm lợi thế khi tham gia tuyển dụng. Về mặt văn hoá, YouTube sẽ là kênh được đẩy mạnh để mang hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, Giám đốc truyền thông của Google cũng sẽ là người phát ngôn với Báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Google tại Việt Nam.
Hà Lâm Tú Quỳnh không phải là "nữ tướng" người Việt đầu tiên của Google. Cuối tháng 9/2015, Google cũng giới thiệu nữ Giám đốc tiếp thị Nguyễn Phương Anh. Trước khi bà Hà Lâm Tú Quỳnh vào vị trí hiện tại, công việc này do bà Amy Kunrojpanya đảm nhận, nhưng kiêm nhiệm chung cho cả Việt Nam, Thái Lan và những thị trường mới nổi
Giá vàng trong nước rẻ hơn thế giới
Giá vàng trong nước sáng nay 8/3 tăng từ 70 – 100 nghìn đồng/lượng, nhưng vẫn đang thấp hơn thế giới khoảng 150 nghìn đồng mỗi lượng.
Cụ thể, công ty VBĐQ SJC niêm yết vàng miếng SJC ở mức 33,87 – 33,97 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 70 nghìn đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua. Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu niêm yết tại mức 33,97 – 34,04 triệu đồng/lượng, cũng tăng 70 nghìn đồng/lượng. Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết tại mức 33,95 – 34,05 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng.
Như vậy, chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào của các doanh nghiệp đang được co hẹp đáng kể, chỉ còn 100 nghìn đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên 7/3 lên sát mức cao nhất 13 tháng do đồng USD đi xuống trong khi lợi nhuận doanh nghiệp không tốt làm giảm đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất.
Cuối phiên giao dịch hôm qua, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.266,7 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 4/2016 trên sàn Comex lại giảm 6,7 USD, tương ứng 0,5%, xuống 1.264 USD/ounce.
Đầu phiên giá vàng kỳ hạn chạm 1.274,1 USD/ounce khi giới đầu cơ giá lên đồn đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ trong tuần này.
Trên thị trường châu Á, giá vàng sáng nay tiếp tục đi lên và hiện đang xoay quanh mức 1.272 USD/ounce. Quy đổi giá vàng thế giới lúc này tương đương 34,25 triệu đồng/lượng, như vậy hiện tại vàng trong nước đang thấp hơn thế giới khoảng 150 nghìn đồng/lượng.