Vốn FDI đổ mạnh vào bất động sàn TP.HCM; Chớ để “tiền mất tật mang” với Bitcoin; Có nên kỳ vọng vào sóng tỷ giá cuối năm?; Tín dụng mùa cuối năm: Cạnh tranh khốc liệt
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-11-2017
- Cập nhật : 04/11/2017
Thị trường đồ uống hút nhà đầu tư ngoại
Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng tăng trưởng của ngành thực phẩm – đồ uống là rất lớn, đồng thời cuộc cạnh tranh giành thị phần của các DN cũng vô cùng khốc liệt...
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tổ chức Business Monitor International (BMI) dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017 - 2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn.
Thống kê gần đây nhất của Tổng cục Thống kê, sản xuất, chế biến thực phẩm trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,6%, sản xuất đồ uống tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước sự tăng trưởng khả quan cùng thị trường rộng lớn, ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam đang thu hút rất nhiều các DN cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Đặc biệt đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có những dự án đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Nhiều DN chế biến thực phẩm trong nước gần đây đã bị các DN nước ngoài thâu tóm hoặc nắm cổ phần chi phối khiến cho cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự gia nhập của các thương hiệu đồ uống ngoại thông qua M&A sẽ khiến thị trường đồ uống sôi động hơn trong thời gian tới.
Có thể thấy, các DN ngoại hoạt động trong ngành thực phẩm đang đổ bộ mạnh tại thị trường Việt Nam. Các đơn vị nước ngoài không chỉ mua và nắm giữ cổ phần một số thương hiệu mạnh của DN chế biến thực phẩm lớn trong nước mà còn đầu tư vào rất nhiều các DN nhỏ có năng lực và tiềm năng. Trong thời gian tới đây, việc thoái vốn nhà nước ở một số DN đầu ngành thực phẩm – đồ uống như Vinamilk, Sabeco, Habeco… sẽ mở ra cơ hội cho các DN nước ngoài tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Gần đây nhất, sự gia nhập và lấn sân của người Thái ở nhiều DN với hướng sản xuất thực phẩm – đồ uống như sự hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu từ cổ phần SCIC thoái vốn tại Vinamilk... cũng dự báo trước một sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành có thể diễn ra trong một vài năm tới.
Trong bối cảnh hội nhập, việc các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mua bán, sáp nhập với DN trong nước là xu hướng tất yếu. Các DN trong nước cũng bắt tay với các DN ngoại thông qua hình thức M&A, hợp tác chiến lược… để nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Có thể kể đến một số thương vụ M&A ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng gần đây như Kido Group (của Việt Nam) mua 65% cổ phần của CTCP Dầu thực vật Tường An. Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của CTCP Á Mỹ Gia; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của CTCP Thực phẩm Đức Việt. Fraser & Neave Ltd. (F&N, đến từ Singapore) mua 5,4% cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk…
Mới đây, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã liên tục tăng hiện diện tại thị trường thực phẩm Việt Nam bằng cách mua lại cổ phần của các DN Việt. Theo đó, Tập đoàn CJ đã mua lại 64,9% vốn của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt với tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng. Năm 2016, CJ đã mua vào 4,18% cổ phần của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan).
Đầu năm 2017, CJ đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre lên 71,6%, và đổi tên công ty thực phẩm Việt thành CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre. Việc Tập đoàn CJ lên kế hoạch mua lại một công ty bán lẻ thực phẩm của Việt Nam nhằm mở rộng hoạt động tại thị trường Đông Nam Á.
Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng tăng trưởng của ngành thực phẩm – đồ uống là rất lớn, đồng thời cuộc cạnh tranh giành thị phần của các DN cũng vô cùng khốc liệt. Năng lực cạnh tranh của DN chế biến lương thực, thực phẩm trong nước thì hiện rất tốt nhưng vẫn chưa thể cân đối với DN nước ngoài, bởi họ có nhiều lợi thế về tiềm năng tài chính, công nghệ và kinh nghiệm.
Chính vì vậy, để DN chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam cạnh tranh tốt cần có những chính sách hỗ trợ của nhà nước về các giải pháp, chính sách... Bên cạnh đó, việc giữ vững và phát triển thương hiệu cũng như uy tín đòi hỏi DN cần có sự chủ động, dự đoán chính xác và có chiến lược phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó cải thiện hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong ngành.(TBNH)
--------------------------------
Cần lưu ý gì khi xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc?
Trung Quốc là thị trường NK cá tra lớn của Việt Nam, có kim ngạch XK ngày càng tăng, song muốn thúc đẩy XK, cần tạo dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam tại Trung Quốc, đồng thời lưu ý thường xuyên các vấn đề về quy định hải quan, kiểm dịch.
Hoạt động quảng bá sản phẩm cá tra của DN nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Thanh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK cá tra sang Trung Quốc có kim ngạch tăng đều từ năm 2010-2016. Cụ thể: Năm 2011, XK đạt 56 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,1% trong tổng giá trị XK mặt hàng này. Năm 2015, con số XK sang Trung Quốc đạt 162 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,3% và năm 2016, kim ngạch XK đạt mức 305 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17,8%.
Vẫn trên đà tăng trưởng đều đặn, 8 tháng đầu năm 2017, XK cá tra sang Trung Quốc ghi nhận giá trị 247 triệu USD, chiếm 21,3%, đứng đầu trong tỷ trọng XK cá tra Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá: Riêng trong năm nay, thị trường Trung Quốc có thể coi là “cứu cánh” cho XK cá tra Việt Nam bởi lượng gia tăng XK sang Trung Quốc khá lớn, bù đắp cho những khó khăn trong XK tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại thị trường Trung Quốc, chỉ có 15% nhà hàng có món ăn cá tra. Mặt hàng này cũng không có tiêu chuẩn của ngành, sản phẩm chủ yếu được NK theo đường tiểu ngạch. Tại Trung Quốc cũng không có hoạt động quảng bá thương hiệu cá tra, không có thương hiệu nổi tiếng về mặt hàng này. Sản phẩm phải thông qua nhiều kênh phân phối trung gian, lợi nhuận thấp, thông tin giữa người mua và người bán. Vì thế, khi thúc đẩy XK cá tra sang Trung Quốc, DN cá tra Việt Nam cần hợp tác với các đối tác tại Trung Quốc và tạo dựng thương hiệu cá tra Việt Nam tại thị trường này.
Trên thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nên nhu cầu về thủy sản của tăng cao với chất lượng đa dạng từ thấp đến cao. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển trong thời gian và quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động XK của DN. Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu ý, Trung Quốc là thị trường thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch thiếu minh bạch và hay thay đổi.
Một số chuyên gia đánh giá: Nếu 20 năm qua, Trung Quốc là nhà máy chế biến thủy sản hàng đầu thế giới thì trong 20 năm tới, quốc gia này sẽ lột xác thành người tiêu dùng khổng lồ. Hiện nay, Nauy đã thực hiện thành công chiến lược đưa cá hồi vào thị trường Trung Quốc và biến thị trường này thành nhà NK cá hồi lớn nhất thế giới. Bởi vậy, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo: Các DN thủy sản cần nắm được phân khúc thị trường mục tiêu và học hỏi kinh nghiệm của Nauy khi đưa sản phẩm thủy sản vào thị trường Trung Quốc để có được thành công.(Baohaiquan)
--------------------
Đặc khu cần chấp nhận "cách chơi" mới
Chúng ta không thể né được các cơ chế mở, nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được, TS. Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo sáng 3/11.
Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với chủ đề chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt.
Đã rất chậm
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nói chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã được bàn từ hơn 20 năm qua, đến lúc này đã là "chậm lắm rồi". Nếu tính từ thời thử nghiệm làm đặc khu Hòn Gai, Vũng Tàu - Côn Đảo trước đây thì tới nay cũng đã 30 năm. "Không thể chậm hơn được nữa" là quan điểm được ông Trung nhấn mạnh khi so với thế giới, nhiều nước đã làm đặc khu tới thế hệ thứ 2, thứ 3 rồi.
Trở về chủ đề của hội thảo, ông Trung cho biết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội là một trong bốn nhóm vấn đề lớn tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bên cạnh phạm vi điều chỉnh, mô hình chính quyền và các vấn đề về tư pháp.
Về nguyên tắc thì luật này phải nói rõ được sự đặc biệt của bốn vấn đề trên, ông Trung nhấn mạnh. Yêu cầu thì thể chế phải vượt trội, có khả năng cạnh tranh và tính đột phá, dễ thống nhất về nguyên tắc như vậy nhưng khi đi vào cụ thể thì không đơn giản, Thứ trưởng Trung nói.
Cũng liên quan đến sự vượt trội cho đặc khu, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Duy Đông cho biết, dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định kéo dài thời hạn sử dụng đất trong một số lĩnh vực đầu tư kinh doanh (dài tối đa 99 năm), cho phép người nước ngoài được tự do mua bán, sở hữu nhà tại đây. Sau nữa, chính sách ưu đãi về thuế sẽ tập trung áp dụng như những dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên của đặc khu kinh tế, với các ngành nghề khác thì chính sách áp dụng như tại các khu kinh tế bình thường khác.
Song, ông Đông cũng cho rằng, dự luật mới chỉ là tập hợp lại những chính sách ưu đãi đầu tư từ nhiều luật khác vào, cộng thêm một số ưu đãi khác nhưng so với những đặc khu xung quanh, cơ chế cần phải hấp dẫn hơn để đảm bảo sức thu hút, cạnh tranh.
Các ý kiến tại hội thảo cũng cho thấy sự không đơn giản từ yêu cầu đến luật hoá, mà ông Trung đề cập.
Góp ý về cơ chế, GS - TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Nhà nước thu hồi đất của dân thì cần theo đấu giá, cơ chế thị trường. Ông Võ cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, tác động đối với quá trình xây dựng cơ sở vật chất, chính sách huy động vốn nước ngoài và sử dụng đúng các nguồn lực trong nước.
"Có hai điểm mà tôi kiến nghị chính sách về đặc khu Việt Nam cần vượt lên đó là cơ chế thế chấp và quy định đấu giá đất thu hồi", ông Võ phát biểu.
Cụ thể, theo ông Võ, chúng ta cho phép người Việt Nam có đất được thế chấp đất đó để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta chưa nêu và cho phép người nước ngoài có sở hữu đất đai, người có quyền sử dụng đất được quyền thế chấp, vay vốn tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Như thế là chính sách chưa bình bẳng, đồng đều.
Ông Võ nhấn mạnh: Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu.
Về chính sách thuế, Việt Nam đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng theo ông Võ thì không phải tất cả giảm thì đã là tốt.
"Quan điểm tôi là sử dụng đất phải trả tiền, nếu sử dụng đất không mất tiền thì mất khả năng cạnh tranh, sử dụng đất không hiệu quả. Chúng ta có thể giảm thuế, cho thuê đất nhưng không phải tất cả giảm là tốt", ông Võ góp ý.
Vẫn ôm đồm
TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, mô hình đặc khu kinh tế hiện nay không còn mới trên thế giới, có thể nó mới đối với Việt Nam nhưng các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta đang vẫn còn ôm đồm, chưa xác định được đây là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế nên ảnh hưởng đến chính sách xây dựng và quy hoạch khi xây dựng Đặc khu", ông Thành nhận xét. Vị chuyên gia này nêu ví dụ: tại sao Trung Quốc xây dựng Đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công. Hiện nay nước này còn có thêm nhiều đặc khu con trong các đặc khu nữa, đây là nơi thể hiện thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới".
Theo ông Thành, các nước đã phát triển mô hình này trong nhiều năm vẫn đang thí điểm nhiều cơ chế mới nên Việt Nam cũng không thể né được các cơ chế mở. "Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát được", ông Thành góp ý.
Bên cạnh các chuyên gia trong nước, hội thảo còn nhận được góp ý từ chuyên gia ngoại. Đại diện của tập đoàn PWC Malaysia cho rằng, khung khổ pháp lý, chất lượng pháp chế, thể chế là điểm mấu chốt để có một đặc khu siêu hạng.
"Đây cũng là một cuộc đua marathon lâu dài mà các bạn cần xác định. Cứ phải nỗ lực thôi chứ không thể ngừng nghỉ được đâu. Triển vọng của các đặc khu ở Việt Nam khá tốt, có thể cạnh tranh ngang ngửa với Malaysia vào năm 2030" – đại diện PWC Malaysia nói.(Vneconomy)
----------------------------
CEO Credit Suisse: Bitcoin là định nghĩa rõ ràng nhất của một quả bong bóng
"Lý do duy nhất ngày nay người ta mua hoặc bán bitcoin là để kiếm tiền chênh lệch - định nghĩa rõ ràng nhất của đầu cơ và bong bóng", ông Thiam nói tại một buổi họp báo tổ chức ngày hôm qua tại Zurich.
Đầu cơ bitcoin là "định nghĩa rõ ràng nhất của một quả bong bóng", CEO Credit Suisse Group - Tidjane Thiam tuyên bố sau khi đồng tiền này phá mốc 7.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử.
"Lý do duy nhất ngày nay người ta mua hoặc bán bitcoin là để kiếm tiền chênh lệch - định nghĩa rõ ràng nhất của đầu cơ và bong bóng", ông Thiam nói tại một buổi họp báo tổ chức ngày hôm qua tại Zurich.
Ông cũng cho biết trong lịch sử ngành tài chính, kiểu đầu cơ như vậy "khó có một kết thúc tốt đẹp".
Nhờ hai thông tin tốt trong tuần đến từ CME Group - ông trùm các sàn giao dịch lớn nhất thế giới và Coinbase - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, đà tăng giá của bitcoin lại có thêm động lực phá đỉnh.
Phía CME dự kiến sẽ tung ra hợp đồng tương lai bitcoin vào cuối năm do nhu cầu gia tăng từ phía khách hàng. Trong khi Coinbase tuyên bố chấp nhận hỗ trợ phân tách bitcoin.
Đây không phải là lần đầu tiên một đại diện ngân hàng lên tiếng cảnh báo về tính nguy hiểm của bitcoin. CEO JPMorgan Chase - Jamie Dimon đã gọi bitcoin là "trò lừa đảo" cuối cùng sẽ nổ tung. Chủ tịch UBS - Axel Weber tháng trước tuyên bố bitcoin không có một giá trị nội tại nào bởi nó không được bảo đảm bởi một tài sản cơ sở.
Nhìn chung, các ngân hàng đều có ý muốn làm rõ quan điểm nói không với bitcoin vì lo sợ bọn tội phạm sẽ lợi dụng tính vô danh của bitcoin để che dấu hành vi sai trái, ông Thiam cho biết.
"Với bộ luật hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều không hoặc ít hào hứng tham gia vào một đồng tiền đang chứa đựng rất nhiều khó khăn trong việc chống rửa tiền", CEO Credit Suisse nói.
Trong khi bitcoin vẫn chưa có "cửa sống" nào trong ngành ngân hàng, các ngân hàng đang phải chạy đua phát triển blockchain - công nghệ nền tảng của bitcoin. Ông Thiam đánh giá công nghệ blockchain có thể có nhiều ứng dụng trong ngành ngân hàng. Credit Suisse là một trong số hơn 100 ngân hàng thuộc R3 - Hiệp hội ngân hàng toàn cầu tìm cách sử dụng blockchain để làm công cụ theo dõi giao dịch chuyển tiền và một số giao dịch khác. (NSKT)