Đồng tiền tệ nhất châu Á “cất cánh” ngoạn mục
Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ đã giúp đồng ringgit của Malaysia trở thành đồng tiền có diễn biến tốt nhất trên thị trường châu Á, dù các chuyên gia phân tích cho rằng ringgit vẫn là đồng tiền kém hấp dẫn nhất.
Đồng ringgit của Malaysia trở thành đồng tiền có diễn biến tốt nhất trên thị trường châu Á.
Các nhà dự báo cho rằng trong năm 2016 ringgit sẽ giảm giá 8,4%, mạnh nhất trong khu vực. Thậm chí một số người còn nhận định đồng tiền này sẽ xuyên thủng đáy 17 năm. Từ cuối tháng 1, khi giới chức Thụy Sĩ tuyên bố điều tra tập đoàn nhà nước 1MDB và cho thấy 4 tỷ USD đã biến mất, triển vọng của ringgit càng u ám hơn.
Tuy nhiên, ringgit đã đáp trả những lời dự ám ảm đạm này bằng cách tăng tới 9,7% trong quý I, mức tăng mạnh nhất trong 43 năm.
Đồng ringgit không những đi ngược lại với dự báo mà còn tăng giá mạnh nhất ở châu Á trong quý I
Đà hồi phục của giá dầu là nguyên nhân lớn nhất: dầu chiếm 22% tổng thu ngân sách và đây cũng là nước lớn duy nhất ở châu Á xuất khẩu ròng. Ngoài ra Malaysia cũng mạnh tay cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Trong khi đó 1MDB đã lên kế hoạch bán các tài sản liên quan đến năng lượng và sẽ trả nợ 1,5 tỷ USD trong vài tuần tới.
Đồng ringgit và giá dầu thô biển Bắc biến động cùng chiều
Khi các đồng tiền mới nổi hướng đến tháng tăng tốt nhất trong 18 năm nhờ Fed, ringgit cũng chạm mốc cao nhất trong gần 8 tháng vào phiên hôm nay, lên 3,91 ringgit đổi 1 USD.
Theo dự báo của ngân hàng Standard Chartered, trong quý II đồng ringgit sẽ ở mức 4 ringgit đổi 1 USD, dựa trên kịch bản giá dầu thô biển Bắc vượt mốc 60 USD/thùng vào cuối năm nay và Fed sẽ không tăng lãi suất đột ngột.
Mira Baig, chuyên gia đến từ BNP Paribas, cũng đưa ra dự báo lạc quan cho ringgit. “Xét trên diện rộng thì có vẻ như giá dầu đã chạm đáy và đó là yếu tố then chốt. Ngoài ra dòng vốn cũng đang quay trở lại với các thị trường mới nổi”.
“Tam đại gia” dầu lửa Trung Quốc ồ ạt cắt giảm đầu tư
Sau khi cắt giảm chi tiêu tới 1/3 và đánh tụt giá trị tài sản hàng tỷ USD trong bối cảnh giá dầu giảm sâu khiến lợi nhuận sụt xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ, các công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc thậm chí còn có những cú cắt giảm sâu hơn nữa.
Lợi nhuận 2015 của PetroChina đã giảm 2/3, xuống mức thấp nhất kể từ khi công ty này bắt đầu lên sàn chứng khoán vào năm 2000.
Theo hãng tin Bloomberg, ba công ty PetroChina, CNOOC, và CNPC có tổng sản lượng dầu thô lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trong Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ngoại trừ Saudi Arabia. Theo dự kiến, ba công ty này sẽ giảm đầu tư cơ bản 8% trong năm 2016, tương đương giảm 29,5 tỷ Nhân dân tệ (4,6 tỷ USD).
Năm ngoái, ba công ty này giảm chi tiêu một khoản 174 tỷ Nhân dân tệ, tương đương mức cắt giảm 1/3.
“Các công ty dầu lửa Trung Quốc khổng lồ này sẽ tiếp tục cắt giảm”, ông Qiu Xiaofeng, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu khí của China Galaxy Securities, nhận định. “Nếu giá dầu có thể hồi phục lên gần 50 USD/thùng vào cuối năm nay, thì tôi nghĩ là họ sẽ không cần phải giảm đầu tư thêm trong năm 2017”.
Còn nếu giá dầu giữ ở ngưỡng khoảng 40 USD/thùng trong năm 2017, các công ty dầu khí Trung Quốc có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng sâu hơn - ông Qiu nói.
Theo ước tính mà công ty Wood Mackenzie đưa ra hồi tháng 1, trong năm ngoái, các công ty năng lượng trên toàn cầu đã cắt giảm số dự án lớn với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD, tương đương số thùng dầu khoảng 27 tỷ thùng.
16 công ty dầu lửa toàn cầu ngoài Trung Quốc dự kiến cắt giảm 22 tỷ USD vốn đầu tư cơ bản trong năm nay, theo số liệu của Bloomberg Intelligence.
Phát biểu tuần trước, ông Neil Atkinson, trưởng bộ phận công nghiệp dầu lửa và thị trường thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói việc cắt giảm đầu tư mang tính lịch sử đang diễn ra trong ngành năng lượng thế giới đang làm gia tăng khả năng dẫn tới những điều ngạc nhiên về an ninh dầu lửa trong tương lai không xa.
Lợi nhuận 2015 của PetroChina đã giảm 2/3, xuống mức thấp nhất kể từ khi công ty này bắt đầu lên sàn chứng khoán vào năm 2000. Lợi nhuận của CNOOC đã chạm đáy kể từ năm 2009.
CNPC “may mắn” hơn khi lợi nhuận chỉ giảm 30% nhờ được hỗ trợ bởi mảng lọc hóa dầu. Công ty này là nhà lọc hóa dầu lớn nhất khu vực châu Á.
Giảm đầu tư đang dẫn tới việc giảm sản lượng dầu của Trung Quốc, nước sản xuất dầu lớn thứ năm và tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới.
Theo ước tính của Nomura Holdings và Sanford C. Bernstein, sản lượng dầu của Trung Quốc năm 2016 sẽ giảm 5% so với mức ky lục 4,3 triệu thùng/ngày vào năm ngoái. Đây sẽ là năm đầu tiên sản lượng dầu của Trung Quốc đi xuống trong 7 năm, đồng thời là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1990.
Ấn Độ sẽ nhập khẩu dầu thô sản xuất dư của OPEC
Ấn Độ đang xây dựng nhiều kho dự trữ dầu và rất có thể các kho này sẽ được làm đầy với dầu thô bơm từ các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Theo CNN, tốc độ tăng trưởng cực nhanh của Ấn Độ thúc đẩy nhu cầu gia tăng đối với dầu thô, song quốc gia Nam Á lại không sản xuất đủ dầu để dùng và phải phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Ấn Độ thiếu dự trữ chiến lược dầu khí và cả kho dự trữ dầu khẩn cấp để bảo vệ họ trước những lúc bị gián đoạn nguồn cung.
Giờ đây, Ấn Độ đang cố gắng xây dựng một bộ đệm. Ngân sách mới của Ấn Độ cho phép các hãng dầu khí ngoại tránh thuế áp đặt lên dầu thô được trữ trong nước. Ấn Độ cũng đang tiến hành xây dựng các hầm ngầm rộng lớn được dùng để lưu trữ dầu mỏ. Đây là một chiến lược khôn ngoan trong thời điểm hiện tại, khi giá dầu đang ở mức thấp và dầu thô dư thừa hiện có sẵn từ các nước thuộc OPEC như Ả Rập Xê Út và Iraq.
“Bước chân vào các mối quan hệ với nhiều nhà sản xuất Trung Đông có ý nghĩa rất lớn với Ấn Độ khi nhu cầu tiêu thụ của nước này không ngừng đi lên và họ không có đủ dầu để đáp ứng nhu cầu”, giám đốc nghiên cứu hàng hóa Matthew Smith tại ClipperData, hãng chuyên theo dõi sự thay đổi của các thùng hàng dầu thô trên biển, nói.
Nhu cầu mạnh đã biến Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Đến năm 2035, quốc gia Nam Á sẽ phải nhập khẩu 92% lượng dầu thô, tăng từ mức 73% trong năm 2010, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Điều này khiến an ninh năng lượng trở thành vấn đề lớn. Nếu nguồn cung hạn chế, hậu quả để lại trên kinh tế Ấn Độ là rất lớn.
Một kho dự trữ dầu chiến lược tương tự như của Mỹ hay Trung Quốc sẽ giúp Ấn Độ tránh khỏi kịch bản tiêu cực. Một công ty quốc doanh Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng ba khu hầm với sức chứa 5,3 triệu tấn đủ dùng cho 12 ngày. Khu hầm đầu tiên ở Visakhapatnam đã hoàn tất và chứa đầy dầu thô. Hai khu hầm còn lại ở Mangalore và Padur dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ mùa xuân năm nay.
Ngoài ra, nhiều kế hoạch khác cũng được xây dựng để chứa 12,5 triệu tấn dầu dự trữ ở giai đoạn hai. Việc này sẽ giúp Ấn Độ có dầu thô đủ dùng cho thêm 28 ngày. Rất có thể, các hầm chứa dầu này sẽ được lấp đầy với dầu thô từ OPEC.
OPEC cung cấp 86% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Các nước dẫn đầu việc bơm dầu cho đất nước Nam Á là Ả Rập Xê Út, Iraq, Venezuela và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Ấn Độ đang hợp tác với UAE trong dự án Mangalore. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan gần đây cho hay họ đang tìm “các điều khoản thuận lợi” để doanh nghiệp Ấn có thể nhập khẩu dầu từ UAE. “UAE là ví dụ tuyệt vời về một quốc gia sản xuất dầu mà không thể tìm ra nơi bán dầu trong khi đang dần cạn chỗ chứa”, chuyên gia Smith cho biết.
Tháng trước, Thái tử của Abu Dhabi, thủ phủ UAE, dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp đến Ấn Độ nhằm thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước lên 60% trong vòng một thập niên. Quan chức UAE cho hay quốc gia Trung Đông muốn tìm hiểu thêm về khả năng tăng bán dầu cho Ấn Độ, đặc biệt là cho các kho dự trữ chiến lược.
Cuối cùng Sharp cũng đã “được mua” với giá rẻ hơn tới 1 tỷ USD
Thương vụ giữa Foxconn và Sharp đã được ấn định.
Sharp cho biết Foxconn đồng ý mua lại 2/3 số cổ phần của Sharp với mức giá 389 tỷ yen (tương đương khoảng 3,5 tỷ USD).
Hội đồng quản trị Foxconn đã chấp thuận kế hoạch mua lại Sharp với giá 389 tỷ yen (tương đương 3,5 tỷ USD). Như vậy, sau lần "bán hụt" do phía Foxconn phát hiện các khoản nợ khổng lồ của Sharp, giá trị của hãng điện tử Nhật Bản đã bị giảm đáng kể.
Cụ thể trong thông báo gửi đi, Sharp nói rằng Foxconn đồng ý mua lại 2/3 số cổ phần của Sharp với mức giá 389 tỷ yen (tương đương khoảng 3,5 tỷ USD). So với mức giá ban đầu mà Sharp đề nghị là 489 tỷ yen (tương đương 4,3 tỷ USD).
Ngoài ra, Foxconn sẽ mua cổ phiếu thường mới phát hành của Sharp với giá 88 yen/1 cổ phiếu, giảm so với mức giá đưa ra trước đó là 118 yen/1 cổ phiếu.
Thỏa thuận này được cho là chiến thắng đối với Foxconn bởi họ đang tìm cách mở rộng thị trường trong mảng sản xuất màn hình hiển thị - vốn trước nay đóng vai trò là nhà cung cấp màn hình điện thoại cho Apple.
Foxconn tin rằng việc mua Sharp có thể giúp họ có nền tảng vững chắc hơn trong mảng sản xuất màn hình điện thoại thông minh – bộ phận đắt nhất trong các thiết bị di động.
Việc Google chuyển mình thành Alphabet: Dấu hiệu xấu đầu tiên đã bộc lộ
Một loạt những báo cáo gần đây đã chỉ ra những yếu điểm cốt lõi trong hệ thống vận hành tại Alphabet, công ty mẹ của Google.
Khi đưa ra thông báo chính thức sắp xếp lại cơ cấu vận hành của công ty từng được biết đến dưới tên Google với một loạt những mảng kinh doanh và dự án mới vào năm ngoái, nhà sáng lập Larry Page có giải thích rằng mục đích chính của việc này là để những lãnh đạo cao cấp của công ty có thể tự do tập trung vào các mảng thế mạnh của họ.
Trong một bài viết của mình, Larry Page đã chia sẻ: “Sứ mệnh của Alphabet là tạo ra một đế chế kinh doanh phát đạt với các lãnh đạo tài năng và độc lập. Về tổng quan thì mô hình của chúng tôi là mỗi mảng kinh doanh có một CEO điều hành, còn Sergey Brin (nhà đồng sáng lập Google) và tôi sẽ giúp đỡ họ khi cần, cùng nhau điều phối ngân quỹ và đảm bảo các mảng kinh doanh đều hoạt động hiệu quả. Chúng tôi cũng chịu trách nhiệm tuyển lựa người phù hợp cho các vị trí lãnh đạo các mảng kinh doanh và quyết định mức đãi ngộ phù hợp cho họ”.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều báo cáo chỉ trích sự điều hành của một trong số các CEO trong công ty.
Hai vị CEO xuất hiện nhiều nhất trên mặt báo những ngày này là Tony Fadell, điều hành công ty thiết kế nhà thông minh Nest và Andy Conrad, quản lý mảng khoa học đời sống Verily.
Trong một bài viết trên The Information, Fadell được mô tả là một lãnh đạo khắc nghiệt, gây nhiều tranh cãi trong nội bộ công ty về những khó khăn trong việc bán sản phẩm năm vừa qua.
Một nguồn tin khác được tờ STAT’s Charles Piller khai thác cho biết Conrad là “một lãnh đạo bốc đồng và dễ gây bất hòa với những cơ chế khiến nhân tài muốn rũ áo ra đi, tạo thời cơ cho các đối thủ”.
Cả hai bài viết trên đều nhấn mạnh rằng 9 mảng kinh doanh chính của Alphabet sẽ có cơ cấu và cách thức vận hành riêng rẽ nhau. Và mỗi CEO đều có thể bị soi xét bởi những người tiền nhiệm, nhân viên hiện thời cũng như ban điều hành của tập đoàn.
Gần đây cũng có một thông tin rò rỉ cho biết Alphabet đang chuẩn bị bán công ty con Boston Dynamics và phân bổ lại các nhân viên đã gia nhập từ đợt hãng này mua lại mảng robot năm 2013. Andy Rubin, cựu sáng lập viên Android, đã điều phối một số thương vụ mua bán sáp nhập của Google và từ khi ông rời khỏi Boston Dynamics năm 2014, chưa hề có nỗ lực tìm kiếm một vị lãnh đạo phù hợp thay thế ông nào được thực hiện. Công ty con này dần mất định hướng và nay đang đứng trên bờ vực sụp đổ.
Tất cả các công ty con mới của Alphabet đều có nhiều quyền tự chủ hơn, nhưng về ngân sách hoạt động thì đều phụ thuộc vào Google. Hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin, những người đã có công đưa Google trở thành gã khổng lồ công nghệ như hiện nay đều đã lui về cánh gà theo dõi hoạt động của các công ty con này và giúp đỡ khi cần, nhưng cũng không thực sự gần gũi với lãnh đạo các công ty con này.
Larry Page từng nói vai trò hiện giờ của ông tại công ty là săn tìm nhân tài cho các vị trí cấp cao của tập đoàn. Và những bài chỉ trích dành cho Conrad và Fadell đã chỉ rõ tầm quan trọng của công việc này.
(
Tinkinhte
tổng hợp)