Doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết nợ thuế; Bầu Đức đã chi bao nhiêu tiền thuê trực thăng trong vụ vỡ đập tại Lào?; Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng 'ngấm đòn' tỷ giá; Chủ công ty đào tiền ảo Sky Mining “biến mất” với hàng chục triệu USD?
Tin kinh tế đọc nhanh 28-07-2018
- Cập nhật : 28/07/2018
Những nghịch lý xi măng
Xuất khẩu hơn 15 triệu tấn xi măng trong 6 tháng đầu năm 2018 với giá chỉ bằng 50% các nước trong khu vực, nhưng giá xi măng trong nước cao hơn giá xuất trên 20 USD/tấn.
Xuất khẩu xi măng trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 15,42 triệu tấn, tăng 50% so cùng kỳ và đạt tới 85,6% chỉ tiêu xuất khẩu của cả năm. Đáng nói là chúng ta đang xuất bán xi măng với giá quá rẻ.
Cụ thể trong tháng 6, các nhà cung cấp vật liệu xây dựng ở TP.HCM báo giá xi măng (đã bao gồm 10% thuế VAT) dao động trong khoảng 77.000 - 85.000 đồng/bao (50 kg); tương đương 63 - 74 USD/tấn. Còn giá xi măng xuất khẩu trong tháng 6 là 48 - 50 USD/tấn tùy loại. Giá xi măng Thái Lan cùng thời điểm là 68 - 69 USD/tấn.
Tại cuộc làm việc với tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đầu tháng 4.2018, Tổng công ty xi măng VN (VICEM) cho biết giá xi măng xuất khẩu của VN hiện vào loại thấp nhất khu vực. Cụ thể, xi măng dân dụng VN giá khoảng 48 - 50 USD/tấn so với giá của Thái Lan là 65 USD/tấn, Indonesia 102 USD/tấn, Philippines cũng xấp xỉ 100 USD/tấn.
Tại cuộc họp này, TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư) đã phải thốt lên: “Chúng ta đang bán rẻ tài nguyên”. Còn TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN) nói: “Trong khi chiến lược các nước là đóng cửa dần nhà máy xi măng thì ở VN việc mở rộng lại được đánh giá cao, các nhà máy lại phát triển tưng bừng”.
Một điểm đáng chú ý khác là tỷ lệ xuất khẩu clinker (nguyên liệu thô để sản xuất xi măng) cao gần gấp đôi xi măng. Cụ thể: VICEM xuất khẩu xi măng chỉ đạt 7 triệu tấn/năm thì xuất khẩu clinker 13 triệu tấn/năm. Giá xuất khẩu clinker của VN chỉ trên dưới 30 USD/tấn, chưa bằng một nửa giá clinker xuất khẩu của Trung Quốc.
Xi măng là ngành thâm dụng tài nguyên và năng lượng nên không được khấu trừ thuế VAT đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Lấy lý do việc này khiến chi phí xuất khẩu xi măng tăng khoảng 7,5 USD/tấn, với clinker là khoảng 4,5 USD/tấn nên Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ cho phép khấu trừ thuế VAT đầu vào và giảm thuế xuất khẩu xuống mức thấp hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ngày 15.12.2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 100/2016, trong đó đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng. Nghị định có hiệu lực từ 1.2.2018, được cho là bước ngoặt của việc tăng xuất khẩu xi măng trong 6 tháng đầu năm nay. Năm nay, tiêu thụ xi măng toàn ngành tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, tương đương hơn 51 triệu tấn.
Như vậy, dù xuất khẩu giá thấp, nhưng sản lượng xuất xi măng tăng cao. Ngành xi măng lại có thêm nhiều dự án mới thời gian qua. Tất cả đã cảnh báo nghịch lý về cung cầu, về giá dẫn đến việc sản xuất ồ ạt mà bán rẻ tài nguyên. (Thanhnien)
----------------------
Ba thách thức lớn đến tăng trưởng kinh tế bền vững
Biến động tỷ giá, chiến tranh thương mại và phát huy nội lực khu vực tư nhân là những thách thức lớn đến tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong phiên thảo luận đầu tiên tại Diễn đàn Kinh doanh năm 2018 của Forbes Việt Nam chiều 26/7, các diễn giả đã có những chia sẻ những tác động từ chiến tranh thương mại, tỷ giá và động lực từ khu vực kinh tế tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân cần được cởi trói
Bàn về vai trò của khu vực tư nhân đối với phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet cho biết mỗi năm doanh nghiệp tư nhân tạo ra 1,2-1,3 triệu việc làm, đóng góp 50% GDP, đặc biệt khu vực dịch vụ đóng góp đến 85%.
Cho dù đã có thông điệp về Chính phủ kiến tạo nhưng thực tế thời gian qua mới nằm ở cấp Chính phủ, bà Thảo cho rằng cần khơi thông cho tinh thần này được lan tỏa theo chiều sâu và chiều rộng.
Các diễn giả tại Diễn đàn kinh doanh 2018 của Forbes.
Lấy ví dụ, bà Thảo cho biết việc xin thay đổi một vách kính hay sửa sang một phòng chờ tại sân bay phải xin phép và thay đổi mất 2 năm. Trong khi đó, doanh nghiệp khi được giao xây một sân bay tư nhân cũng chỉ mất 2 năm, thâm chí sân bay Cam Ranh cũng chỉ tốn 18 tháng.
'Hầu như các công việc tư nhân có thể làm hiện chưa tới tay tư nhân, mới chỉ nằm ở mong muốn ở cấp Chính phủ, do đó cần các chính sách cụ thể hơn để tạo hành lang cho tư nhân', bà Thảo nói thêm.
CEO Vietjet cũng đặt vấn đề khối tư nhân phải tự củng cố mình bên cạnh các cơ chế chính sách. Doanh nghiệp cần vận dụng bằng nội lực, đổi mới sáng tạo và biết được các thách thức để triển khai thành các chương trình hành động. Cuối cùng, bà Thảo nhấn mạnh đây là thời điểm để sắp xếp lại thị trường, sắp xếp lại vị thế các lại doanh nghiệp.
Còn ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định Chính phủ Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô nhưng còn rất nhiều thứ có thể làm được. Hiện 95% các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị bỏ quên, không tìm được lối đi, không tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do vậy, họ cần sự hỗ trợ về vốn, công nghệ.
TS. Vũ Tiến Lộc– Chủ tịch VCCI bổ sung thêm, rủi ro lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp là không chịu, không muốn và không thể thay đổi. Việt Nam học tập các nền kinh tế hàng đầu để cải cách và cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, bởi năng lực của khu vực tư nhân là vô tận.
Động lực cuối cùng của tăng trưởng kinh tế bền vững là sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân nhưng khu vực này chưa thực sự được giao việc. Ông Lộc khẳng định, dư địa cải cách hiện còn rất nhiều, nhất là với một Chính phủ kiến tạo như hiện nay.
Những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế bền vững
Ngoài việc phát huy động lực từ khu vực tư nhân, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Fullbright cho rằng nền kinh tế hiện nay đối mặt với hai rủi ro lớn nhất là chiến tranh thương mại và tỷ giá. Đây cũng là 2 yếu tố nằm ngoại dự kiến và các dự báo.
Hiện Mỹ chỉ áp thuế 34 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc thì tác động trực tiếp lên nền kinh tế chưa phải lớn, chỉ khiến đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá. Ông Thành cho biết thêm Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn chưa can thiệp khi vẫn để giá xuống, do đó đã có những câu hỏi về một cuộc chiến tranh tiền tệ nối tiếp?
Vị giám đốc Fullbright tính toán, một khi chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ có thể áp thuế lên 200 tỷ USD, đây là một nửa kim ngạch với gần 5.900 sản phẩm có thể bị áp thuế thêm 10%.
Bàn về những hàng hóa bị đánh thuế, ông Thành nhận định với 34 tỷ USD thì hàng hóa chịu ảnh hưởng chủ yếu là máy móc, thiết bị và do đó chỉ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp FDI có chuỗi sản xuất toàn cầu và khu vực. Nhưng nếu cuộc chiến leo thang sẽ tác động lớn tiếp theo đến nội thất, đồ gỗ (doanh nghiệp nội thất hưởng lợi nếu xuất trực tiếp sang Mỹ và thiệt hại khi xuất sang Trung Quốc); tiếp theo đó là nhóm nông sản, thủy sản nhưng vẫn chưa thể có dệt may.
Tổng giám đốc Vietjet cũng đồng tình khi cho rằng tình hình chung vẫn có nhiều thách thức như chiến tranh thương mại và biến động tỷ giá; sự mạnh lên của USD và giảm giá của nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động đến giá trị xuất nhập khẩu, gián tiếp ảnh hưởng kinh tế.
Ngoài ra, bà Thảo cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của khu vực đầu tư nước ngoài FDI khi các nhà đầu tư này có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ hoặc có thể rút ra chỉ để bảo toàn vốn. Nguy cơ tụt hậu về công nghệ cũng là một thách thức cần quan tâm.
Đồng quan điểm với ông Thành, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng chiến tranh thương mại nếu dừng như hiện nay thì thì không có tác động quá lớn, nhưng khi leo thang sẽ có sự đổi chiều trong thương mại quốc tế. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt nam, sự leo thang sẽ đẩy hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam và cạnh tranh sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng đây cũng là cơ hội của Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân khi thị trường thế giới đang sắp xếp lại và đã xuất hiệu các thị trường ngách.(NDH)
-------------------------
Trung Quốc và Ấn Độ ồ ạt đầu tư vào châu Phi
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết các khoản vay cho các nước châu Phi trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg, Nam Phi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nam Phi hôm 24/7 và hứa sẽ đầu tư 14,7 tỷ USD vào nước này. Người đồng cấp của ông Tập ở Nam Phi Cyril Ramaphosa đang cố gắng khởi động lại nền kinh tế nước này sau nhiều năm quản lý yếu kém và trì trệ của ông Jacob Zuma.
Mục tiêu của ông Ramaphosa là vận động được 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Đồng rand Nam Phi đã tăng 1% sau khi có tin về cam kết của Trung Quốc.
2,8 tỷ USD sẽ được chuyển cho công ty dịch vụ công Eskom - công ty điện lực lớn nhất Nam Phi đang gặp nhiều khó khăn với một khoản lỗ lên đến 171 triệu USD.
Các khoản mà Thủ tướng Narendra Modi thay mặt Ấn Độ cho vay lại khiêm tốn hơn của Trung Quốc, vì xét về độ phổ biến ở châu Phi thì Ấn Độ lại không bằng Trung Quốc.
Trong một chuyến thăm ngắn đến Uganda, ông Modi cam kết đầu tư cho đất nước Tây Phi này 205 triệu USD, giúp Uganda phát triển nền nông nghiệp và cơ sở hạ tầng phân phối điện.
Giải pháp thay thế cho phương Tây
Cả ông Tập và ông Modi đều đã thăm Rwanda vào đầu tuần này. Tổng cộng, hai nhà lãnh đạo cam kết cho nước này vay 300 triệu USD, giúp phát triển nông nghiệp, đường xá và các khu kinh tế đặc biệt của đất nước nhỏ bé và nằm sâu trong lục địa này.
Các nhà phân tích cho rằng tin tức này có thể hiểu như Tổng thống Rwanda Paul Kagame gửi một thông điệp thách thức tới Mỹ về vấn vấn đề thương mại, khi hai bên đang có tranh cãi về xuất nhập khẩu quần áo cũ. Rwanda đã tăng thuế quan lên quần áo cũ nhập khẩu từ Mỹ từ 20 xu lên đến 2,5 USD/kg).
Các nước châu Phi hiện xem Trung Quốc và Ấn Độ là “các giải pháp thay thế cho phương Tây”, bà Anna Rosenberg giám đốc nghiên cứu của tập đoàn tư vấn cho các thị trường mới nổi Frontier Strategy Group chia sẻ trong một e-mail.
Nguồn vốn của Trung Quốc cung cấp vượt xa của Ấn Độ nhưng Ấn Độ vẫn có thể chia sẻ các công nghệ tiên tiến với châu Phi, theo ông Munish Gupta, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ. Ông này cũng nói rằng hiện nay rất ít công nghệ của Trung Quốc được nước này chia sẻ với thế giới.
Bà Rosenberg tiết lộ thêm rằng với sự nổi bật của Trung Quốc hiện nay ở châu Phi, các quốc gia “đã nhận thức được rõ ràng các ràng buộc” đằng sau các thỏa thuận thương mại. Trong khi đó, người châu Phi lại quen thuộc với văn hóa làm việc của Ấn Độ hơn, khi có nhiều công ty đồng sở hữu châu Phi-Ấn Độ trải dài khắp lục địa, đặc biệt là tại Đông Phi, những công ty này thường được điều hành bởi những người gốc Ấn Độ tại địa phương.
Ông Tập và ông Modi sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) kéo dài 3 ngày. Hội nghị sẽ tập trung các nhà lãnh đạo của 5 nền kinh tế lớn mới nổi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Brazil Michel Temer cũng sẽ cùng tham dự với Tổng thống nước chủ nhà Cyril Ramaphosa. Trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đang leo thang hiện nay thì thương mại sẽ là vấn đề trọng điểm. (NDH)