Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc; Châu Âu chống lại lệnh trừng phạt kinh tế Nga của Mỹ; Hải quan gỡ rối, 1.000 container hàng sắp được giải phóng; Ngành Kế toán-Kiểm toán báo động đỏ vì "thừa số lượng, thiếu chất lượng"
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-07-2017
- Cập nhật : 28/07/2017
Foxconn xác nhận đầu tư 10 tỉ xây nhà máy tại Mỹ
Đáp lại tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Apple đầu tư 10 tỉ USD để xây dựng nhà máy trên đất Mỹ, tập đoàn Foxconn đã ra thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Wisconsin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chào đón chủ tịch Foxconn Terry Gou trong một sự kiện tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
Tập đoàn điện tử Đài Loan Foxconn, nhà cung cấp chính các linh kiện iPhones cho công ty Apple, ngày 26-7 chính thức lên tiếng về dự án 10 tỉ USD để sản xuất màn hình tại Mỹ.
Trước đó có đến 7 bang tại Mỹ cạnh tranh nhau để thu hút kế hoạch đầu tư trên của Foxconn.
Reuters cho biết Foxconn sẽ bỏ ra 10 tỉ USD trong 4 năm tới để xây dựng một nhà máy "có thể tạo ra 3.000 công việc với tiềm năng có thể phát triển thành 13.000 công việc mới cho bang Wisconsin".
"Đây sẽ là sự khởi đầu cho một loạt các đầu tư của Foxconn trong dây chuyền sản xuất tại Mỹ trong những năm tới" - Foxconn tuyên bố.
Thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker cho biết bang sẽ dành ra 3 tỉ USD gọi là tiền khích lệ dành cho Foxconn và sẽ ký một bản ghi nhớ về việc đầu tư trong hôm nay, 27-7.
Ông Trump đã kêu gọi các công ty xây dựng thêm nhiều nhà máy để thúc đẩy sản xuất ngay trên đất Mỹ. Ông cũng đưa ra nhiều lời tuyên truyền kể từ các buổi diễn thuyết tranh cử hồi tháng 11-2016.
Sau tuyên bố của Foxconn, theo AFP, Nhà Trắng cũng nhanh chóng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng và sự tham gia của tổng thống Trump trong việc hình thành thỏa thuận trên.
"Điều khiến họ thực hiện cam kết này là chính sách của chính quyền tổng thống Trump với nguyên tắc "Mua hàng Mỹ". Tổng thống đã gặp chủ tịch Foxconn để thảo luận về vấn đề này" - Nhà Trắng tuyên bố.
Tuy nhiên, theo Reuters, không phải tất cả các khoản đầu tư của Foxconn từng công bố đều mang lại nhiều việc làm mới.
Năm 2013, Foxconn từng tuyên bố đầu tư 30 triệu USD và thuê 500 công nhân cho một nhà máy mới ở Pennsylvania. Tuy nhiên nhà máy này chưa bao giờ hoàn thành.(Tuoitre)
-------------------------------
Moody’s: Các ngân hàng Trung Quốc đang ổn định
Moody's Investors Service không còn giữ quan điểm tiêu cực về hệ thống ngân hàng Trung Quốc khi vừa tăng triển vọng lên mức ổn định hôm 26.7, cho biết hoạt động ngân hàng ngầm đã lắng dịu.
Theo CNBC, nhà phân tích ngân hàng Yulia Wan của Moody’s cho hay: “Việc chính phủ thông qua các biện pháp chính sách phối hợp để hạn chế ngân hàng ngầm sẽ giúp giảm bớt rủi ro tài sản cho các nhà băng, giải quyết một số yếu tố mất cân bằng trong hệ thống tài chính”.
Ngân hàng ngầm là khái niệm rộng gồm nhiều dịch vụ như của nhà băng song do các đơn vị không truyền thống cung cấp. Ngân hàng ngầm có thể bao gồm các khoản vay từ các doanh nghiệp phi tài chính và sản phẩm đầu tư. Ngân hàng ngầm nằm ngoài giới hạn quy định ngân hàng bình thường vì thế phần lớn, nó không được kiểm soát.
Đầu tháng này, Moody’s cho biết động thái nhắm đến ngân hàng ngầm được ghi nhận trong khung thay đổi chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương trong quý cuối năm 2016, và được đánh giá từ mức “trung bình” xuống “trung bình vừa phải”. Điều này gia tăng chi phí gọi vốn thị trường và rủi ro tái tài chính cho các ngân hàng, giảm lợi nhuận từ các khoản đầu tư hỗ trợ dài hạn bằng các quỹ thị trường ngắn hạn.
Trong tháng 3 và 4, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc yêu cầu các nhà băng kiểm tra xem nợ liên ngân hàng của họ có vượt quá mức quy định là 1/3 tổng nợ hay không. Moody’s viết trong báo cáo hôm 26.7 rằng đã có dấu hiệu sụt giảm trong các sản phẩm quản lý tài sản đặc biệt do nhiều nhà băng Đại lục cung cấp và có ít đầu tư hơn trong các khoản cho vay và khoản phải thu trong số 26 nhà băng được niêm yết.
Dù vậy, công ty Mỹ cũng chỉ ra một rủi ro khác có thể xuất hiện từ đợt kiềm chế hoạt động ngân hàng ngầm: tranh chấp có thể xảy ra giữa các tổ chức tài chính về trách nhiệm hấp thụ lỗ trên các khoản đầu tư xấu.
Cùng lúc, giới chuyên gia cũng cho hay tỷ lệ hình thành các khoản nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ ổn định ở mức hiện thời. Moody’s cho biết: “Tỷ lệ nợ quá hạn sẽ ổn định do lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, được hỗ trợ nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, vững chắc, giá cả hàng hóa bình ổn và mức tăng chậm hơn trong đòn bẩy doanh nghiệp”.
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã bị lo ngại về rủi ro ổn định tài chính, đặc biệt là khi nền kinh tế tăng thêm nợ. Giới phân tích cũng lo ngại rằng số liệu chính thức đánh giá thấp mức độ của các khoản nợ xấu. Dù vậy, Moody's cho rằng chính phủ Đại lục là cổ đông chính của các ngân hàng nước này, có thể hỗ trợ họ trong thời điểm căng thẳng. Việc này có khả năng làm giảm bất kỳ cuộc khủng hoảng tiềm năng nào.(Thanhnien)
-----------------------
Người Nhật ồ ạt đem khoai lang, cà rốt... đến Việt Nam
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết Việt Nam trong những năm gần đây số lượng nhà hàng Nhật Bản có xu hướng tăng nhanh tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời các ngành hàng khác cũng thu hút sự đầu tư của DN Nhật.
Tại buổi kết nối do Jetro vừa tổ chức ở TP.HCM, khách tham quan chú ý đến các loại nông sản như cà rốt, khoai lang tím, đậu trắng, hạnh nhân, óc chó, cây ngô bàng…của DN Nhật được giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam.
Đại diện công ty Tsukamoto cho biết công ty muốn đem truyền thống văn hóa của Nhật đến các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. “Công ty giới thiệu loại mứt mà ở Nhật gọi là “amanoto”–đậu Nhật Bản. Chúng tôi thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng tên gọi “amanato” giống như cách bột ngọt Ajinomoto đã làm. Ở Đông Nam Á đã quen thuộc các món ăn như shushi, sashimi…nhưng hiện tại chưa biết đến amanato. Hy vọng tương lai món này sẽ trở nên phổ biến hơn ở Đông Nam Á” đại diện công ty tự tin cho biết.
Đại diện công ty cũng cho hay, sau này nếu phát triển mạnh, công ty sẽ đem kỹ thuật sang Việt Nam, sử dụng nguyên liệu ở Việt Nam, sản xuất ở nhà máy Việt Nam để sản phẩm có giá thành tốt hơn.
Cụ thể, tuần rồi vừa mới tham quan một nhà máy sản xuất bánh trung thu ở TP.HCM, hai bên đang thương lượng. Trước tiên sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ cho thị trường việt Nam sau đó mới tìm hiểu thâm nhập các thị trường khác như Campuchia.
Khoai lang, đậu trắng, hạt dẻ...sẽ trở thành món ăn phổ biến ở Đông Nam Á
Đại diện công ty TNHH MTV Ichioka Việt Nam cho biết nhận thấy thị trường bánh kẹo Nhật được đón nhận cũng như hiện nay đã có nhiều công Nhật đầu tư ở TP.HCM. Chẳng hạn vào tháng 7/2016, dòng bánh mochi là chủ đạo của công ty ra mắt đế nay được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Đặc biệt công ty đang giới thiệu dòng bánh rán doramon-được làm từ khoai Naruto Kintoki-vua của các giống khoai lang Nhật, bán ở tất cả các hệ thống của FamilyMart tiêu thụ hơn 1000 cái/ngày. Riêng bánh mochi thì siêu thị Aeon hàng tuần đều đặt hàng, hay vào các dịp lễ như trung thu đặt một lần vài chục ngàn cái.
Vì vậy, sau hai năm thâm nhập thị trường Việt Nam, có một xưởng bánh tại Sài Gòn, nay công ty quyết định mở thêm xưởng sản xuất bánh tại Long Thành-Đồng Nai. Dự kiến cuối năm 2017 sẽ đưa vào hoạt động.
Sữa nội địa của Nhật đang được người tiêu dùng Việt ưa chuộng
Trong khi đó, ông Hayato Nakajima, Giám đốc công ty Middis-một nhà phân phối sữa nội địa Nhật cho biết, sau bốn năm bán hàng cho đại lý ở Hà Nội, nay muốn tìm nhà bán hàng ở thị trường TP.HCM.
Theo ông Hayato Nakajima, tiềm năng thị trường sữa của Việt Nam lớn do trẻ em đông. Một năm công ty bán khoảng 6 container sữa, mỗi container 20feet cho đại lý ở Hà Nội. Lượng sữa bán cho thị trường Việt mỗi năm tăng 1,5 lần.
“Dù sản lượng sữa bán mỗi năm đều tăng nhưng trong tổng thị trường sữa nội địa Nhật cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với các hãng sữa trong nước như Vinamilk hay sữa ngoại đang có ở thị trường”, ông Hayato Nakajima chia sẻ. (PLO)
----------------
Trái chôm chôm Việt sắp lên kệ siêu thị tại New Zealand
New Zealand sẽ hoàn thành các thủ tục kiểm soát rủi ro và nhập khẩu quả chôm chôm Việt Nam trong năm 2017.
Tại hội đàm với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 27/7, Phó thủ tướng New Zealand - bà Paula Bennett khẳng định, sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này. Trước mắt, New Zealand sẽ sớm hoàn thành rà soát rủi ro để nhập khẩu trái chôm chôm trong năm 2017.
Sau xoài, thanh long tươi thì quả chôm chôm sẽ được nhập khẩu vào thị trường New Zealand trong năm 2017.
Trước chôm chôm, trái xoài, thanh long tươi cũng đã xuất hiện trên các kệ siêu thị nước này từ năm 2011, 2014.
New Zealand rất mạnh về nông nghiệp, và là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, do đó nếu trái cây Việt vào được thị trường này sẽ mở ra cơ hội mang tính bắc cầu và dễ dàng xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng, khó tính khác.
Việt Nam và New Zealand đang hướng tới mốc kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,7 tỷ USD sau 3 năm nữa. Phó thủ tướng Paula Bennett cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới.(Vnexpress)
-------------------