Động lực mới nào cho tăng trưởng kinh tế?; CPI bình quân cả năm 2018 tăng khoảng 3,73%-3,95%; Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về lượng và giá trị
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-09-2018
- Cập nhật : 02/09/2018
Có một Trung Quốc rất khác qua lăng kính của ngành thép
Giá thép đang phản ánh tình trạng thực của nền kinh tế Trung Quốc, trong khi chứng khoán chỉ thể hiện tâm lý của thị trường về triển vọng tăng trưởng
Diễn biến giá thép đang đi ngược với xu hướng giảm trên sàn chứng khoán Trung Quốc, và điều này chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng phục hồi cao hơn so với những gì phần lớn thị trường đang lo ngại.
Kể từ đầu năm đến nay, giá hợp hợp đồng thép xây dựng tương lai Nam Hoa của Trung Quốc tăng 22%. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite giảm 16%, mà theo trưởng phòng nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Larry Hu tại Ngân hàng Macquarie, đà giảm của thị trường chứng khoán có lẽ đã quá mức.
Ảnh: AFP
Giới đầu tư chứng khoán đang lo sợ kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trước bế tắc thương mại với Mỹ và những nỗ lực của chính phủ nhằm bớt phụ thuộc vào nợ. Nói cách khác, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang bị bao trùm bởi tâm lý lo ngại về triển vọng tăng trưởng. Trong khi đó, giá thép mới đang phản ánh đúng về thực trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ông Hu cho biết.
Đầu tuần này, tập đoàn sản xuất thép “khổng lồ” của Trung Quốc, Baosteel công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 tăng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,01 tỷ nhân dân tệ (1,47 tỷ USD). Theo đó, Baosteel dự đoán ngành thép sẽ hưởng lợi từ sự ổn định của kinh tế Trung Quốc trong nửa sau của năm 2018, dù vẫn tồn tại một số rủi ro liên quan đến làn sóng bảo hộ thương mại.
Đồng quan điểm với ông Hu, chuyên gia Nicholas Lardy, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế học quốc tế Peterson cho rằng, các báo cáo kinh tế hàng tháng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng những số liệu kinh tế dù ra muộn hơn lại cho thấy một bức tranh ổn định về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi ngành thép “vẽ” ra một Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ thì một vài số liệu gần đây lại cho thấy xu hướng giảm tốc của cả nền kinh tế. Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận của ngành công nghiệp giảm ba tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 16,2% vào tháng 7, Reuters trích báo cáo được công bố đầu tuần này. Một số số liệu được công bố trong tháng 7 cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1990. Doanh số bán lẻ cũng chậm lại và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Trong loạt blog “Who Thinks China’s Growth Is Slowing?” (Ai cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại), ông Lardy lưu ý rằng doanh số bán lẻ không thể hiện được sự gia tăng trong chi tiêu vào giáo dục hoặc du lịch. Thay vào đó, ông chỉ ra rằng số liệu chính xác nhất về tình hình tiêu dùng tại Trung Quốc nằm trong báo cáo được công bố hàng quý. Và theo báo cáo mới nhất, tiêu dùng tại đây tăng trưởng hơn 7% trong nửa đầu năm 2018.
Để ngăn chặn đà giảm tốc của kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã ban hành loạt biện pháp kích thích và nới lỏng trong vài tháng qua. Thị trường kỳ vọng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế khác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đến nay giá thép và chỉ số Shanghai Composite dần “bắt nhịp” lại với nhau khi đều chung xu hướng giảm trong cả tuần qua.
Chốt phiên 31/8, chỉ số Shanghai Composite giao dịch 2.780,9 điểm và trên đà giảm trong cả tuần với mức giảm khoảng 2%. Cùng với đó, giá thép giao tương lai ghi nhận phiên giảm thứ 8 liên tiếp tính đến cùng thời điểm sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị để đẩy nhanh chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Chốt tuần này, giá thép xây dựng tại Trung Quốc giảm 1,1% về 4.086 nhân dân tệ/tấn (598 USD/tấn), nhưng vẫn tăng 2,5% trong cả tháng 7.(NDH)
--------------------
Tập đoàn công nghệ Trung Quốc đầu tư mạnh khi thuế doanh nghiệp giảm
Thành phố Trùng Khánh và Tencent đang cùng phát triển hệ thống công nghệ phục vụ cho các phương tiện kết nối bằng điện thoại thông minh.
Tại triển lãm công nghệ thông minh tổ chức tại thành phố Trùng Khánh vào tuần trước, người ta chứng kiến hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cùng tham gia, có thể thấy làn sóng đầu tư công nghệ vào khu vực trung tâm Trung Quốc đang mạnh lên chóng mặt, theo nhận định trong bài báo được Nikkei đăng tải.
CEO của tập đoàn Tencent, ông Pony Ma Huateng, vào ngày 23/8/2018, trong thư gửi ông Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư thành phố Trùng Khánh, đã viết: “Kính gửi ông Trần Mẫn Nhĩ, chúng tôi đã thuê 2.000 mét vuông làm khu hội chợ - diện tích hội chợ lớn chưa từng có để có thể trưng bày công nghệ của chúng tôi. Cùng với chính quyền thành phố Trùng Khánh và các công ty cùng ngành, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin thành phố”.
Tencent, doanh nghiệp quản lý hệ thống tin nhắn WeChat, từng có nhiều thương vụ hợp tác công tư ở Trùng Khánh. Một trong những dự án nổi bật nhất có thể kể đến là Changan Automobile, công ty có trụ sở ở trung tâm thành phố.
Thành phố Trùng Khánh và Tencent đang cùng phát triển hệ thống công nghệ phục vụ cho các phương tiện kết nối bằng điện thoại thông minh. Tencent đồng thời đồng ý hợp tác với Cơ quan giao thông Trùng Khánh nhằm giảm chi phí vận tải.
Tại gian hàng triển lãm công nghệ tại hội chợ Smart China Expo kéo dài 3 ngày, Tencent trưng bày Changan Auto cũng như robot sản xuất có khả năng sử dụng công nghệ đám mây để tăng hiệu quả công việc.
Tencent đồng thời cũng đang cố gắng tăng sức chứa của các trung tâm dữ liệu cũng như tăng đầu tư vào Trùng Khánh lên 3 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 438,3 triệu USD. Tổng số người lao động của Tencent tại Trùng Khánh sẽ lên mức 1.000 vào cuối năm nay từ con số chỉ hơn 400 ở hiện tại.
Không hề kém cạnh, tập đoàn Alibaba cho biết sẽ dồn tiền đầu tư vào hoạt động sản xuất thông minh. Theo chủ tịch Jack Ma, dịch vụ đám mây mới của Jack Ma có thể giúp cho đến 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí hoạt động khoảng 20%.
Đầu năm nay, Alibaba đã ký thỏa thuận với một ngân hàng địa phương ở Trùng Khánh để cùng phát triển các ứng dụng dịch vụ tài chính. Tại Quý Châu, công ty hiện đang điều hành một doanh nghiệp có tham gia trong lĩnh vực phân tích dữ liệu.
Công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm Baidu cũng xuất hiện tại hội chợ công nghệ lần này. Cùng với một số hãng ô tô khác, công ty đang tiến hành một số hoạt động nghiên cứu và phát triển đối với công nghệ xe tự lái tại Trùng Khánh.
Theo truyền thông Trùng Khánh, riêng hội chợ Smart China Expo đã mang đến khoảng 500 hợp đồng giữa doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Tổng giá trị các hợp đồng ký kết ước tính 612 tỷ nhân dân tệ tương đương 89 tỷ USD. Chính quyền địa phương đang rất muốn phát triển ngành công nghệ. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Trùng Khánh chỉ ở mức 15%, thấp hơn con số 25% của khu vực ven biển.
Hơn thế nữa, mức lương trung bình của người lao động Trùng Khánh chỉ bằng nửa so với Thượng Hải. Các chi phí liên quan đến thu hồi đất, năng lượng và bảo vệ môi trường đồng thời cũng thấp. (Bizlive)
---------------------
Ấn Độ đang vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới
Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ngoạn mục trong quý đầu tiên năm tài chính 2018-2019, với mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 8,2%.
Đồng rupee của Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Với nhịp độ tăng trưởng này, Ấn Độ hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang từng bước vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, lần lượt sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
Cơ quan Thống kê trung ương Ấn Độ ngày 31/8 công bố báo cáo cho biết, GDP của Ấn Độ trong các tháng 4-6/2018 tăng 8,2%, tăng 0,5% so với quý liền kề trước đó và tăng vượt bậc so với mức 5,6% của cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất mà kinh tế Ấn Độ đạt được trong tám quý liên tiếp.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 7/2018 cho thấy Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới vào năm 2017, soán ngôi vị của Pháp.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị GDP của Ấn Độ đạt 2.597 tỷ USD, vượt Pháp (2.582 tỷ USD). Hiện Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp sau là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Vương quốc Anh hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng giá trị GDP là 2.622 tỷ USD.
Theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley, với đà tăng trưởng hiện nay của Ấn Độ, nhiều khả năng nước này sẽ vượt Vương quốc Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới vào năm 2019 và trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Ấn Độ trong năm tài chính 2018-2019 tăng trưởng 7,3%, và tiếp tục tăng lên 7,5% trong năm tài chính tiếp theo.(BNews)