Ngành thuế cân nhắc lùi thời gian áp dụng hóa đơn điện tử tới năm 2019; Nga dần đạt các mục tiêu kinh tế; Tài sản ông chủ Amazon tăng 6,6 tỷ USD trong một đêm; Mexico kháng cáo phán quyết của WTO trong vụ tranh chấp thương mại với Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh 26-10-2017
- Cập nhật : 26/10/2017
Thâu tóm Toàn Mỹ: Sơn Hà quyết nắm thị phần miền Nam
Việc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI, sàn HOSE) quyết định phương án mua lại Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Toàn Mỹ đồng nghĩa với lời tuyên bố về một cuộc đại “Nam tiến”.
Sau khi thâu tóm Toàn Mỹ, Sơn Hà sẽ có tổng cộng 9 nhà máy, cùng hàng trăm chi nhánh và hơn 30.000 đại lý trên toàn quốc
1 Toàn Mỹ đổi 2 Sơn Hà
Theo phương án sáp nhập, Sơn Hà dự kiến phát hành thêm 18 triệu cổ phiếu nhằm thực hiện hoán đổi cổ phần cho cổ đông hiện hữu của Toàn Mỹ. Tỷ lệ thực hiện là 1:2 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần Toàn Mỹ tại thời điểm chốt quyền sẽ được đổi lấy 2 cổ phần của Sơn Hà). Sau khi hoán đổi cổ phiếu, Toàn Mỹ sẽ trở thành công ty con của Sơn Hà, hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Lý giải về mục tiêu sáp nhập với Toàn Mỹ, đại diện Sơn Hà cho biết, việc thâu tóm thành công Toàn Mỹ sẽ giúp Sơn Hà mở rộng và phát triển thị trường phía Nam, tận dụng lợi thế sẵn có về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu của Toàn Mỹ tại phía Nam. Ngoài ra, việc sáp nhập còn tạo ra lợi thế kinh tế cho cả 2 đơn vị nhờ nâng cao quy mô sản xuất, thị phần cũng như mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm của Sơn Hà tại thị trường phía Nam.
So với Toàn Mỹ, Sơn Hà nổi trội hơn hẳn về quy mô, với tổng tài sản đang ở mức 2.736 tỷ đồng, trong khi của Toàn Mỹ là 209,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Sơn Hà là 845 tỷ đồng, lớn gấp hơn 8 lần so với vốn chủ sở hữu của Toàn Mỹ với 99 tỷ đồng. Hệ thống phân phối của Toàn Mỹ đã có hơn 20 chi nhánh, cửa hàng tại hầu hết các thành phố lớn và hơn 600 đại lý trên toàn quốc. Trong khi đó, Sơn Hà hiện có hơn 5.000 đại lý, 112 chi nhánh và 60 nhà phân phối…
Như vậy, sau khi đã thâu tóm thành công thương hiệu Trường Tuyền hồi giữa năm 2017 và sắp tới là Toàn Mỹ, Sơn Hà đã thực sự trở thành một “gã bạch tuộc” vươn dài thế lực khắp trong Nam ngoài Bắc, với 9 nhà máy trên toàn quốc, cùng hàng trăm chi nhánh và hơn 30.000 đại lý.
Giá mua đắt hay rẻ?
Xét về quy mô, sức mạnh, Sơn Hà có vẻ vượt trội hơn so với Toàn Mỹ, vậy tại sao Sơn Hà lại chấp nhận việc hoán đổi 1 cổ phiếu Toàn Mỹ lấy 2 cổ phiếu Sơn Hà?
Giải thích về việc này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho biết, Toàn Mỹ là một thương hiệu rất mạnh ở khu vực miền Nam. Công ty này từng có thời kỳ vươn ra phát triển rất mạnh cả ở thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, công ty này đã có một sai lầm trong sử dụng chất liệu inox không đạt chuẩn và đã bị các đối thủ cạnh tranh phát giác. Theo đó, Toàn Mỹ bị rơi vào khủng hoảng và “vỡ trận” tại miền Bắc, buộc phải thu quân về giữ trận địa tại thị trường miền Nam.
Tuy nhiên, Toàn Mỹ hiện vẫn là thương hiệu được người tiêu dùng miền Nam đánh giá cao. Sản phẩm của Toàn Mỹ nằm ở phân khúc cao cấp, trong khi sản phẩm của Sơn Hà chỉ nằm ở phân khúc trung cấp, vì thế hàng của Toàn Mỹ bán trên thị trường luôn có giá cao hơn so với sản phẩm của Sơn Hà. Đây cũng là lý do mà Sơn Hà muốn mua lại Toàn Mỹ, dù đã hoàn tất việc thâu tóm một thương hiệu khác về bồn nước không gỉ tại khu vực phía Nam là Trường Tuyền.
Ông Sơn cho biết, đưa ra phương án hoán đổi khi sáp nhập với Hoàn Mỹ, HĐQT đã cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó việc cần có quyết định kịp thời để chớp thời cơ mua được Toàn Mỹ cũng có ý nghĩa rất quan trọng. “Do đó, để trả lời câu hỏi rằng, giá mua như vậy có đắt không, thì tôi cho là rẻ. Nếu thương vụ thành công, thì Sơn Hà không những mở toang được cánh cửa rộng lớn bước vào phía Nam, mà còn loại bớt ngay được một đối thủ cạnh tranh rất mạnh”, ông Sơn giải thích.(Baodautu)
--------------------------
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 thấp nhất trong 10 năm qua
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 23/10, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017 nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng còn đứng trước nhiều khó khăn từ trong nước và ngoài nước đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Theo đó, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2017 ước đạt hơn 1.212.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 67% dự toán. Dự báo tăng trưởng cả năm tăng 6,7%, tăng thu hơn 27.000 tỷ đồng, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán.
Dự toán chi ngân sách Nhà nước hơn 1.390.000 tỷ đồng, trong đó dự toán bội chi năm 2017 là hơn 178.000 tỷ đồng bằng 3,5% GDP. Cũng theo báo cáo của Chính phủ, dự toán ngân sách 2018 dự kiến thu 1.319.000 tỷ đồng.
Về phân bổ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng nhấn mạnh, thu ngân sách nhà nước còn khó khăn, tuy nhiên Chính phủ vẫn dành nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương và tăng tiền ăn cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang….
Đồng thời, vẫn bố trí tăng chi đầu tư phát triển, trong đó đã dành tất cả số tăng chi đầu tư tập trung để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công. Đó là nỗ lực rất lớn trong việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 07/NQ-TW của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về tình hình thu ngân sách, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ.
Về tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, việc quản lý, điều hành chi thường xuyên đã được chú trọng tiết kiệm, chỉ tăng 1,3% so với dự toán, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu triển khai nhiệm vụ, thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành.
Đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đánh giá cao kết quả điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay, vì đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép.
Thống nhất với báo cáo của Chính phủ về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh 4 nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước năm 2018 bao gồm: phân bổ vốn đầu tư căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn; phân bổ chi thường xuyên cần chú trọng tiết kiệm; phân bổ ngân sách cho các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 theo tỷ lệ điều tiết; đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.(TCTC)
----------------------------
Việt Nam: Đầu tư chất lượng gạo xuất khẩu để vươn xa thế giới
Để phát triển xuất khẩu lúa gạo bền vững, cần tập trung vào một số chủng loại gạo mang lại giá trị cao trong xuất khẩu, cũng như đáp ứng được nhu cầu các thị trường trọng điểm.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian qua là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2010-2016 thị phần gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo XK toàn thế giới, với thị trường tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên ngoài những mặt tích cực về số lượng xuất khẩu lớn ra chúng ta còn những bất cập, hạn chế gặp phải như chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong khi diễn biến thị trường gạo quốc tế ngày càng phức tạp. Thương hiệu gạo Việt Nam cũng không được người tiêu dùng biết tới.
Để phát triển xuất khẩu lúa gạo bền vững, cần tập trung vào một số chủng loại gạo mang lại giá trị cao trong xuất khẩu, cũng như đáp ứng được nhu cầu các thị trường trọng điểm.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030, diễn ra ngày 17/10 tại TPHCM do Bộ Công Thương tổ chức.
Với việc chúng ta đang có quá nhiều chủng loại gạo mà chưa tập trung vào một số chủng loại mang giá trị cao cho sản xuất cùng là một bất cập cần phải thay đổi ngay lập tức.
Mới đây, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu; trong đó, đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, thị trường châu Mỹ chiếm 8%, thị trường châu Âu chiếm 5%. Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm khoảng 50%, thị trường châu Phi chiếm 25%, thị trường châu Mỹ chiếm 10%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 6%...
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo hàng năm khoảng 4,5-5 triệu tấn, giá trị bình quân đạt 2,2-2,3 tỷ USD/năm, giảm dần lượng gạo hàng hóa và tăng giá trị xuất khẩu.(Thuongtruong)
---------------------
6 nguyên tắc ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước từ năm 2018
Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ đã có dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2018, trong đó, đã nêu rõ nguyên tắc thứ tự ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2018.
Theo đó, Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc thứ tự ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước từ năm 2018 như sau:
Thứ nhất, bố trí vốn để thanh toán tối thiểu 20% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thanh toán.
Thứ hai, trong năm 2018, bố trí vốn để thu hồi tối thiểu 20% số vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương dự kiến thu trong giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thu hồi.
Thứ ba, về vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư.
Thứ tư, Dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Thứ năm, Dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2018 theo tiến độ.
Thứ sáu, Dự án khởi công mới năm 2018, trong đó ưu tiên dự án cấp bách về phòng chống, khắc phục lũ lụt, thiên tai, bảo vệ môi trường. (TCTC)