tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-08-2017

  • Cập nhật : 16/08/2017

Thu giữ hơn chục ngàn đôi giày Trung Quốc nhái hàng Mỹ

 Kiểm tra lô hàng 10 container xuất xứ từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam để xuất sang Lào, Hải quan Hải Phòng phát hiện bên trong chứa hàng chục ngàn đôi giày giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ.

lanh dao cuc hai quan hai phong cung ban chi dao 389 tp hai phong kiem tra lo hang nhai cac thuong hieu noi tieng cua my - anh: thai binh

Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cùng Ban chỉ đạo 389 TP Hải Phòng kiểm tra lô hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ - Ảnh: Thái Bình

Ngày 15-8, Đội kiểm soát Hải quan Hải Phòng cho biết vừa phát hiện và lập biên bản thu giữ lô hàng giả, có dấu hiệu nhái các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của Mỹ.

Theo cơ quan chức năng, quá trình làm thủ tục cho lô hàng gồm 10 container từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam để chuẩn bị xuất sang Lào, Đội kiểm soát Hải quan Hải Phòng phát hiện nhiều dấu hiệu khả nghi có chứa hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Theo lịch trình, các container là hàng quá cảnh được chuyển từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng và dự kiến vận chuyển qua cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) đến Viêng Chăn (Lào).

lo hang gia, nhai thuong hieu noi tieng cua my co xuat xu tu trung quoc bi hai quan hai phong phat hien, thu giu - anh: thai binh

Lô hàng giả, nhái thương hiệu nổi tiếng của Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc bị Hải quan Hải Phòng phát hiện, thu giữ - Ảnh: Thái Bình

Trên vận đơn hàng hóa khai báo là hàng bách hóa gồm phụ tùng ô tô, xe máy, giày, đèn, quầy thanh toán, ống thép, nguyên liệu nhôm...

Kết quả kiểm tra của Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III cho thấy hàng hóa là giày ghi nhãn Converse, phụ tùng ô tô, phụ tùng xe máy, loa hiệu Bose, quạt điện, bóng đèn compact, băng dính điện, quần áo lót, vali nhựa…

Kiểm tra sơ bộ cho thấy số lượng mặt hàng giày lên đến hàng chục nghìn đôi giày Converse có ghi "Made in USA".

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời cơ quan hải quan, Công ty TNHH Nike Việt Nam (chủ sở hữu nhãn hiệu Converse) khẳng định các sản phẩm giày có chữ Converse do Hải quan Hải Phòng bắt giữ kể trên là giả mạo, không phải là sản phẩm do Converse sản xuất hoặc cho phép sản xuất, phân phối trên thị trường.(Tuoitre)
------------------------------------

Người Trung Quốc 'trục lợi' giá hồ tiêu

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu đang tăng, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với những chiêu trò làm loạn thị trường của thương nhân Trung Quốc.

lai xay ra tinh trang nguoi trung quoc vao viet nam 'lam loan' thi truong ho tieu anh: chi nhan

Lại xảy ra tình trạng người Trung Quốc vào Việt Nam 'làm loạn' thị trường hồ tiêu ẢNH: CHÍ NHÂN

Trong thông báo của VPA, tuần đầu tháng 8, giá hồ tiêu trong nước tăng nhẹ do một số thị trường đẩy mạnh nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam, đặc biệt là tiêu sọ (tiêu trắng) bởi lượng hồ tiêu từ Indonesia giảm hơn năm trước và thị trường Mỹ lại đẩy mạnh mua. Tuy nhiên, giá hồ tiêu lại đang có xu hướng chững lại do người dân bắt đầu bán ra nhiều và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hạn chế xuất khẩu.

Người Trung Quốc "làm loạn" thị trường

VPA cũng nhắc lại thông tin cảnh báo về việc các “thương nhân” Trung Quốc đang “làm loạn” thị trường. Cụ thể, giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay. Ngày 28.7, giá tiêu xô trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg đến đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.

“Có bằng chứng cho thấy có một nhóm DN Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu Việt Nam những ngày qua”, VPA dẫn lời các hội viên khẳng định. Minh chứng là tại một số đơn vị kinh doanh hồ tiêu của Việt Nam đều có hiện tượng nhóm thương nhân Trung Quốc đến đặt mua hồ tiêu với giá bất kỳ và yêu cầu làm hợp đồng ngay cho chắc ăn. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần đó và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng. Theo thông lệ thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ… để trì hoãn. Hành động này được đánh giá là tạo tín hiệu giả về việc thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn.

Song song với việc đặt mua hồ tiêu từ DN, nhóm thương nhân Trung Quốc tỏa đi nhiều địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý này thấy lời tốt nên đồng ý mua để bán lại cho các DN. Tuy nhiên, thương nhân Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.

Không tìm thấy thương nhân Trung Quốc

Đến giờ một số DN Việt Nam điện thoại lại với thương nhân Trung Quốc thì tất cả đều “không liên lạc được”. Cách làm này không mới nhưng gây nhiều hậu quả xấu. Theo VPA, thứ nhất DN Việt Nam mải lo thực hiện hợp đồng với Trung Quốc nên ít quan tâm các thị trường khác. Thương nhân Trung Quốc bỏ trốn khiến DN vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín với các đối tác khác. Thứ hai, nhóm người Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu. Thứ ba, nhóm người Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường.

“Hiện tượng này có thể sẽ còn tiếp diễn do nhóm người này (có cả thương nhân nước ngoài và người Việt) vẫn đang nằm khá nhiều ở các vùng trồng hồ tiêu. Các DN và đại lý kinh doanh hồ tiêu cần thận trọng, cảnh giác hơn trong giao dịch mua bán không phải chỉ có với thương nhân Trung Quốc mà với cả những đối tượng khác khi có những hành vi tương tự. Các DN cần theo dõi sát tín hiệu giá cả thị trường thế giới, tập trung vào việc giữ các thị trường truyền thống, đa dạng thị trường, tập trung vào phương thức xuất khẩu chính ngạch, tránh giao dịch với những thị trường đã có nhiều bài học rủi ro cao”, VPA khuyến cáo.

Các chuyên gia cho rằng trên thực tế đó là hành vi của một nhóm người Trung Quốc chứ thật sự không phải thương nhân. Các DN, đại lý khi phát hiện những hành vi trên cần báo với cơ quan chức năng để điều tra về hành vi bất chính này.

Giá hồ tiêu xuất khẩu giảm gần 30%

Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 145.000 tấn với trị giá 800 triệu USD, tăng 20,4% về khối lượng nhưng giảm 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.662 USD/tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Pakistan và Đức. (Thanhnien)
---------------------------------

Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

kiem tra, giam sat dau thau trai phieu dien tu. anh: tuan anh/ttxvn

Kiểm tra, giám sát đấu thầu trái phiếu điện tử. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

 

Lộ trình có nội dung nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả; chủ động hội nhập thị trường quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. 

Theo Lộ trình trên, cả nước phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. 

Cùng với đó, phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm; tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030; tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030. 

Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường trái phiếu; phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp; phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư; phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường... 

Cụ thể, về thị trường sơ cấp, đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư, thiết lập các sản phẩm tài chính và đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính; tiếp tục tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu. 

Về thị trường thứ cấp, cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương tại Sở Giao dịch chứng khoán phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, bảo đảm chế độ báo cáo giao dịch kịp thời, chính xác để xây dựng đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường; tăng cường trách nhiệm của thành viên thị trường thứ cấp trong công tác báo cáo giao dịch; nghiên cứu xây dựng chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán để cung cấp thông tin về tình hình phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp.(TTXVN)
----------------------------

Dừng mỏ sắt Thạch Khê nguy cơ “mất trắng” 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước

 TKV cho biết, nếu dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, đặc biệt mất khoản vốn 2.000 tỷ đồng của doanh nghiệp trong đó đa số là vốn nhà nước…

 

co 2.000 ty dong chu yeu von cua doanh nghiep nha nuoc da "do" vao du an mo sat thach khe. anh: tl

Có 2.000 tỷ đồng chủ yếu vốn của doanh nghiệp nhà nước đã "đổ" vào dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: TL

 

Trước kiến nghị về việc dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đưa ra lý do tiếp tục triển khai dự án và những hệ luỵ nếu cho dừng dự án này.

“Chê” kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chưa thấu đáo”

Theo đó, TKV cho biết, nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chưa thấu đáo, chưa khách quan, không phản ánh đầu đủ và đúng với kết quả TIC đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong thời gian vừa qua.

“Các nội dung kết luận không thể hiện đúng với kết quả rà soát tại các phụ lục kèm theo chính báo cáo của Bộ, chưa phản ánh đúng các nội dung tại 2 cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo đó các bộ ngành và các nhà khoa học ủng hộ tiếp tục triển khai dự án, riêng tỉnh Hà Tĩnh không ủng hộ”, văn bản của TKV nêu.

TKV cũng cho biết, thời gian vừa qua TKV đã chỉ đạo CTCP Sắt Thạch Khê (TIC) hoàn thiện nội dung Dự án điều chỉnh và thiết kế kỹ thuật, trong đó áp dụng công nghệ khai thác hiện đại đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, môi trường và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp phát triển kinh tế xã hội của trung ương, địa phương.

Cũng theo TKV, thiết kế kỹ thuật của dự án đã được cơ quan tư vấn nước ngoài thẩm định độc lập và được Hội đồng thẩm định Bộ Công Thương thông báo kết quả, thông qua kết quả thẩm định cho thấy dự án đảm bảo khả thi về mặt kinh tế, kỹ thuật làm căn cứ để TIC phê duyệt và thực hiện dự án.

Về các thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép xả thải, theo TKV, nội dung của ĐTM và Đề án xả thải đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt.

Về phương án tiêu thụ quặng, TKV cho biết, trên cơ sở TIC đã ký hợp đồng nguyên tắc với một số nhà sản xuất thép trong nước để đảm bảo tiêu thụ hết lượng quặng khai thác. Đồng thời, TIC đã phối hợp với một số nhà đầu tư trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong công tác tư vấn và trực tiếp sản xuất thép để tính toán lựa chọn công nghệ luyện thép tiên tiến của các nước G7 đảm bảo sử dụng 100% quặng sắt mỏ Thạch Khê làm cơ sở đầu tư Dự án nhà máy luyện phôi thép 2 triệu tấn/năm sau năm 2020…

Liên quan đến hiệu quả khi tiếp tục triển khai dự án, TKV cho biết, trên cơ sở thẩm định của các cơ quan thẩm định cho thấy, khi dự án đi vào hoạt động sẽ mang lại các lợi ích cho người dân, đảm bảo cung cấp nguyên liệu. Cụ thể, người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án sẽ được ưu tiên đào tạo nghề và tiếp nhận vào làm việc, giải quyết việc làm trực tiếp cho 3.500 lao động, được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình an sinh xã hội.

Tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ và thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và vùng phụ cận.

Đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở luyện kim trong nước, giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài, góp phần phát triển ngành thép Việt Nam đặc biệt là ngành chế tạo sử dụng thép chất lượng cao. “Khi dự án đi vào sản xuất ổn định sẽ tạo nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương 1.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I, thu trên 2.800 tỷ đồng/năm cho giai đoạn II”, TKV tính toán.

Nguy cơ “mất trắng” 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước

Với phương án dừng dự án, TKV cho biết những hệ luỵ có thể xảy ra như phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt; không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Hệ luỵ tiếp theo được TKV chỉ ra như giảm nguồn thu ngân sách đặc biệt với khoản vốn đã bỏ gần 2.000 tỷ đồng có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó đa số là vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thấy rất lớn gây lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nước.

Đối với người dân địa phương phải chịu ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mất cơ hội việc làm cho khoảng 3.500 lao động tại địa phương, đặc biệt là những đối tượng đã bị thu hồi đất phục vụ cho dự án, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực.

Hệ luỵ cuối cùng theo TKV là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đó, TKV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mở Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với BizLIVE, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) từng cho biết, thực chất doanh nghiệp bỏ vào dự án chưa đến vài nghìn tỷ đồng mà tác hại lâu dài về môi trường, dân sinh nếu chưa lường hết tác hại cứ khai thác “không biết hậu quả ra sao”.(Bizlive)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục