Tiêu thụ xe máy một tháng bằng cả năm bán ô tô; Mối lo lớn từ chiến lược thương mại của Tổng thống Donald Trump; Mexico và Tây Ban Nha trong “cuộc chiến pho mát” khốc liệt; Trung Quốc tăng cường kiểm soát ngành tài chính trong năm 2018
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 15-01-2018
- Cập nhật : 15/01/2018
Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Viettel
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel).
Theo đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Viettel được Nghị định quy định rõ: Về quốc phòng, an ninh, Viettel trực tiếp xây dựng quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông bảo đảm hạ tầng mạng lưới viễn thông của Viettel làm nhiệu vụ vu hồi, dự phòng cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và chuyển sang phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống; sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc khi có yêu cầu và đảm bảo nhiệm vụ thông tin quân sự khác; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa sản phẩm, trang thiết bị, khí tài, vật tư quốc phòng theo yêu cầu, nhiệu vụ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao.
Về sản xuất kinh doanh, Viettel trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề được giao, kết hợp với chức năng đầu tư tài chính theo quy định của pháp luật; đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết ở trong nước và nước ngoài; chi phối với các công ty con thông qua vốn, nghiệp vụ, công nghệ, thương hiệu, thị trường hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn của Viettel tại các công ty con, công ty liên kết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của Viettel theo hợp đồng liên kết đối với các công ty tự nguyện liên kết.
Vốn điều lệ của Viettel tại thời điểm ngày 5/1/2018 là 121.520 tỷ đồng; vốn điều lệ của Viettel giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2020 là 300.000 tỷ đồng.
Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các hoạt động của Viettel theo quy định của pháp luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ có liên quan thực hiện các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Viettel theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; Chủ tịch Viettel trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Viettel theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Nghị định quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Viettel; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Viettel và phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước.(Baohaiquan)
----------------------------------
Áp lực nào từ giảm thuế nhập khẩu?
Theo các chuyên gia kinh tế, cần tính toán đến tác động vòng ngoài của việc giảm thuế và các chính sách mà cơ quan quản lý đang đề xuất áp dụng.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018 có tới 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng vào Việt Nam, tương ứng khoảng hơn 16.200 dòng thuế sẽ về mức 0%.
Ảnh minh họa
Cụ thể, các FTA có hiệu lực làm giảm thuế nhập khẩu gồm Việt Nam - ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc - New Zealand, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chile và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu. Vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố 10 nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA này, áp dụng cho giai đoạn 5 năm từ năm 2018.
Theo FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), sẽ có 588 dòng thuế được giảm từ mức 5% năm 2017 về 0% trong năm nay, trong đó các mặt hàng chính là sắt thép và sản phẩm sắt thép; máy móc thiết bị điện, điện tử; nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo...
Còn theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA), tính đến năm 2018 đã có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0%. Và trong năm nay sẽ có thêm 3.720 dòng thuế tiếp tục về 0%, trong đó có nhóm hàng sữa và sản phẩm từ sữa, ôtô và phụ tùng linh kiện ôtô, sắt thép và sản phẩm từ thép.
Biểu thuế Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) cũng quy định cắt giảm 704 dòng thuế về 0% từ năm 2018, tập trung ở các mặt hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử...
Tương tự như vậy, FTA Việt Nam - Chile cũng đưa thuế suất về 0% đối với các mặt hàng thức ăn gia súc đã chế biến, hóa chất vô cơ, hoá chất hữu cơ nhựa, gỗ, sắt thép, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ... Đáng chú ý là hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ khu vực ASEAN trong biểu thuế ASEAN (ATIGA) đã tiếp tục đưa thuế nhập khẩu về 0% từ ngày 1/1/2018 đối với các mặt hàng như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, sữa...
Theo đại diện của Bộ Tài chính, việc thay đổi thuế suất này chỉ tác động tới khoảng 10% các dòng thuế suất, là số lượng tương đối nhỏ. Do đó, thu ngân sách năm nay sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí là không ảnh hưởng khi 10 nghị định có hiệu lực.
Vấn đề này cũng được xác nhận lại qua con số thống kê của Tổng cục Hải quan. Theo đó trong năm 2017 vừa qua, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam có tới 91,4% là máy móc, nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất, tăng 0,2% so với năm 2016; và nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ còn 8,6%. Như vậy, phần lớn các sản phẩm có thuế suất giảm về 0% là thuộc về nhóm hàng tiêu dùng, chiếm tỷ trọng chưa tới 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết thêm, trong năm 2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá có thuế của Việt Nam đạt 89,08 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng có số thu lớn và đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể đó là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 18,45 tỷ USD tăng 5,7% làm tăng thu hơn 3.100 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 18,7% làm tăng thu hơn 2.000 tỷ đồng; xăng dầu các loại đạt 10,5 triệu tấn, trị giá 5,66 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 36,6% về trị giá làm tăng thu 6.650 tỷ đồng…
Như vậy, có thể thấy trước mắt việc giảm thuế nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm sản phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ; trong khi các nhóm máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu, sẽ duy trì mức thuế suất như hiện nay. Vì vậy, việc giảm thuế có tác động không lớn như giải thích của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần tính toán đến tác động vòng ngoài của việc giảm thuế và các chính sách mà cơ quan quản lý đang đề xuất áp dụng. TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế phân tích, các sản phẩm có mức thuế được giảm về 0% đều là nhóm hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được, do đó chắc chắn hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước ASEAN cũng như các quốc gia có FTA với Việt Nam. Trong khi đó, vừa qua Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hoá trong nước, như vậy chắc chắn sẽ tác động tăng giá lên tất cả các hàng hóa và dịch vụ của DN trong nước.
Ông Doanh lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, thực tế là hàng hóa Việt Nam đã bị hàng hóa rẻ hơn có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản lấn sân mạnh mẽ, dần chiếm lĩnh thị phần. Tới đây khi thuế nhập khẩu tiếp tục giảm, nếu lại tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng sản xuất trong nước, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và khó cân sức hơn, mà phần thua thiệt nghiêng về phía DN Việt Nam.(TBNH)
----------------------------
Ngân hàng lớn thứ tư Mỹ chuẩn bị đóng cửa thêm 800 chi nhánh
Wells Fargo dự kiến sẽ đóng cửa thêm 800 chi nhánh vào năm 2020 trong nỗ lực cắt giảm chi phí và bù đắp những khoản tiền pháp lý tăng vọt.
Theo CNN, kế hoạch trên được ngân hàng đa quốc gia của Mỹ công bố hôm 12/1. Song, mặc dù đã dừng hoạt động hơn 200 chi nhánh trong năm ngoái, nhưng Wells Fargo hiện vẫn là ngân hàng có mạng lưới chi nhánh lớn nhất ở Mỹ với hơn 5.800 chi nhánh.
Được biết, trong một cuộc trao đổi với những nhà phân tích Phố Wall, các nhà quản lý của Wells Fargo cho biết nguyên nhân họ buộc phải đóng cửa các chi nhánh ngân hàng là do ngày càng có nhiều người dùng tại Mỹ chuyển qua dùng các giao dịch trực tuyến và di động. Tuy nhiên, ông John Shrewsberry, giám đốc tài chính của Wells Fargo, nói rằng: “Chúng tôi vẫn sẽ có nhiều chi nhánh cho tới chừng nào khách hàng còn muốn”.
Hiện giới phân tích cũng nhìn thấy một liên kết giữa kế hoạch trên với các vấn đề rắc rối pháp lý của ngân hàng này. Cụ thể, chi phí kiện tụng của ngân hàng đã tăng gấp ba lần lên 3,3 tỷ USD trong quý trước. Nhiều khả năng Wells Fargo sẽ cắt giảm 2 tỷ USD trong năm nay và 2 tỉ USD vào năm 2019.
Ngoài ra, còn có một vấn đề khác đó là dường như các chi nhánh của Wells Fargo không phải là những “cỗ máy” siêu lợi nhuận ngay cả trước khi vụ bê bối giả mạo 3,5 triệu tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng để đảm bảo chỉ tiêu doanh số của ngân hàng bị phát hiện.
Cũng theo thông báo hôm 12/1, ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ có kế hoạch đóng cửa thêm 250 chi nhánh trong năm nay. Wells Fargo không tiết lộ ước tính có bao nhiêu nhân viên sẽ bị mất việc làm do ngân hàng đóng cửa các chi nhánh, nhưng cho biết sẽ giúp đỡ nhân viên “xác định các cơ hội khác tại Wells Fargo cũng như trong cộng đồng”.(Thanhnien)
------------------------
Nóng chuyện thu thuế Google, Facebook...
Câu hỏi làm sao để thu thuế Google, Facebook, Uber, Grab… tiếp tục nóng lên tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2017 và triển khai nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018 tại Cục Thuế TP.HCM ngày 12-1.
Năm 2018 ngành thuế sẽ đẩy mạnh việc chống thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử.Trong ảnh: truy cập mua hàng tại một trang bán hàng quảng cáo trên Facebook - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tổng cục Thuế yêu cầu tới đây ngành thuế, đặc biệt là các địa phương lớn phải đẩy mạnh thu thuế cho bằng được các ông lớn này. Tuy nhiên, cơ quan thuế địa phương cho rằng cần một chính sách tổng thể và phối hợp với các bộ ngành...
Chống thất thu từ người... đi thu thuế
Sáng 12-1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã làm việc với Sở Tài chính, Cục Thuế TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Nho Trung, phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng thời gian qua có nhiều thất thoát, trong đó có nguyên nhân từ chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. "Chúng ta giao mấy trăm hecta đất, bỏ tiền đền bù hơn 800 tỉ đồng, nhưng nộp vào chỉ 630 tỉ đồng" - ông Trung nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đồng tình không thể có chuyện tiền nộp vào thấp hơn chi phí thành phố bỏ ra. Với ngành thuế, ông Nghĩa đề nghị tránh tình trạng "cưa đôi" với người nộp để hưởng lợi. "Đề nghị Sở Tài chính, Cục Thuế quan tâm để tránh thất thu từ người đi thu thuế" - ông Nghĩa nói.
ĐOÀN CƯỜNG
"Phải thu bằng được"...
Ông Bùi Văn Nam, tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết trong năm 2018 ngành thuế sẽ đẩy mạnh việc chống thất thu thuế, đặc biệt với lĩnh vực thương mại điện tử. Ngành thuế cũng phải có giải pháp đảm bảo cơ sở pháp lý để có thể thu được thuế.
"TP.HCM trong những năm qua đã tạo được tiếng vang trong dư luận. Tới đây việc đẩy mạnh chống thất thu thuế sẽ được tiếp tục, kể cả với Uber, Grab. Đó là những cơ sở thuế phải thu cho bằng được bên cạnh mảng liên quan đến kinh tế phi chính thức, chống chuyển giá...", ông Nam nói.
Để làm, theo ông Nam, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và phối hợp với mục tiêu là đảm bảo công bằng, thu được thuế và chống thất thu theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung vào những địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM.
"Chúng tôi đã tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ và tới đây sẽ đẩy mạnh thực hiện, dù có những khó khăn và thách thức", ông Nam khẳng định.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Trần Ngọc Tâm, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho hay Cục Thuế TP ý thức rằng 2018 và những năm tiếp theo, thương mại điện tử sẽ chiếm phần lớn trong thị phần chung của TP.
"Quan điểm của Cục Thuế là không làm khó doanh nghiệp hoạt động, nhưng ai kinh doanh trên địa bàn có phát sinh thu nhập thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng pháp luật... Chúng tôi cảm nhận được thương mại điện tử đã len lỏi trong đời sống nên bắt buộc phải theo dõi, tránh những biến thể tiêu cực", ông Tâm nói.
Nhưng việc thu thuế các mô hình này không chỉ Việt Nam gặp khó mà rất nhiều quốc gia lúng túng. Ông Tâm cho biết Cục Thuế TP sẽ phải phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở Công thương, ngân hàng.
"Việc này năm 2017 chúng tôi đã làm rồi nhưng năm 2018 sẽ gắn kết với ngân hàng hơn. Bên cạnh đó cần phải có chính sách tổng thể để quản lý, đặc biệt là các quy định về hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Tóm lại là việc này cần phải có chính sách chung chứ một mình Cục Thuế TP không làm được. Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo thành lập các bộ phận để làm chuyện này, đầu năm sẽ được triển khai.
Trong quý 1 Cục Thuế sẽ trình UBND TP kế hoạch chống thất thu và thực hiện quyết liệt. Dù nhiệm vụ nặng nề nhưng Cục Thuế TP quyết tâm sẽ thu được", ông Tâm nói thêm.
Phải đăng ký, kê khai nộp thuế tại VN
Không phải ngẫu nhiên mà chuyện thu thuế với Google, Facebook, Grab, Uber... được đặt ra. Trước đó vào đầu tháng 12-2017, Cục Thuế TP đã lần đầu tiên hé lộ doanh thu quảng cáo của Google và Facebook.
Nếu tính bốn ngân hàng mà Cục Thuế TP yêu cầu cung cấp thông tin, số tiền các tổ chức, cá nhân VN chuyển cho Google, Facebook lên đến trên 1.000 tỉ đồng.
Theo Cục Thuế TP, các tổ chức, cá nhân thanh toán tiền cho các trang mạng xã hội Google và Facebook thông qua các thẻ tín dụng quốc tế như Visa, MasterCard... và thường không khấu trừ thuế nhà thầu nên thất thoát thuế rất lớn.
Do vậy, báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế TP đã kiến nghị cần quy định các tổ chức nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới như dịch vụ đặt phòng trực tuyến (Agoda, Booking.com) và các dịch vụ cung cấp trên Google, Facebook, YouTube... có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp thuế nhà thầu tại VN với doanh thu phát sinh tại VN và có trách nhiệm khấu trừ thuế với các cá nhân liên quan.
Cục Thuế TP cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại khi thanh toán, chuyển tiền cho các tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu.
Ngoài ra cần bổ sung hành lang pháp lý, yêu cầu doanh nghiệp ngoại có thu nhập từ hoạt động kinh doanh tại VN phải kê khai nộp thuế. Doanh nghiệp không đáp ứng nghĩa vụ thuế sẽ không được hoạt động tại VN.(Tuoitre)