Trung Quốc lập loạt kỷ lục mới trong tiêu thụ hàng hóa; Bộ Công thương và Mitsubishi Motors bắt tay nghiên cứu ô tô điện; Giá thép giảm gần 1% kéo theo giá quặng sắt cũng giảm mạnh; Nguồn cung phân bón thế giới sẽ thiếu hụt trong quý 1/2018
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-01-2018
- Cập nhật : 15/01/2018
Chứng khoán với những phiên giao dịch kỷ lục trên 10.000 tỉ đồng
Trong tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) có nhiều phiên giao dịch với trị giá lên trên 10.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với giá trị giao bình quân trong năm 2016.
Thậm chí, trong phiên cuối tuần vừa qua, giá trị giao dịch trên cả hai sàn đạt gần 12.000 tỉ đồng. Nếu cộng thêm giá trị giao dịch trên sàn UPCoM thì tổng cộng có hơn 12.500 tỉ đồng được giao dịch trong phiên này. Đây được xem là mức giao dịch kỷ lục trong một phiên của TTCK Việt Nam. Còn trong phiên trước đó vào ngày 11.1, giá trị giao dịch trên hai sàn chứng khoán cũng đạt 10.601,7 tỉ đồng…
Dòng tiền tham gia mạnh đã khiến nhiều cổ phiếu được giao dịch lớn và giá cũng tăng hết biên độ. Trong đó có sự đóng góp khá sôi động của các nhà đầu tư ngoại khi liên tục mua ròng trên sàn. Tính chung trong 2 tháng qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 6.000 tỉ đồng chỉ riêng trên sàn TP.HCM. Riêng 2 tuần đầu năm mới trung bình khối ngoại mua ròng cả ngàn tỉ đồng trong mỗi phiên giao dịch. Cùng với giao dịch tăng mạnh, chỉ số VN-Index đã lên mức 1.050,11 điểm.
Do đó nhiều nhận định cho rằng TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội lặp lại đỉnh lịch sử của 11 năm trước (chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất là 1.170,7 điểm vào ngày 12.3.2007).
Trong Báo cáo chiến lược 2018 của Công ty chứng khoán Maybank-KimEng Việt Nam công bố ngày 12.1, công ty này cho rằng có nhiều lý do để tiếp tục chờ đợi những cơ hội lớn hơn trong năm nay. Xu hướng tăng trung hạn sẽ vẫn tiếp tục trong 12 tháng tới và mức độ tăng điểm của VN-Index có thể sẽ xấp xỉ mức đã đạt được trong năm 2017 (VN-Index tăng 48% trong năm 2017 - PV).
Nguyên nhân quan trọng là do kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Bên cạnh đó, năm nay là cao điểm trong tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước cũng như sự cải thiện mạnh hơn trong hoạt động kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp đang niêm yết…
Theo dự báo của Maybank-KimEng Việt Nam, các ngành có triển vọng sáng nhất trong năm mới này gồm có ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng. Ngoài ra cũng nên xem xét cơ hội đầu tư ở các công ty được hưởng lợi từ vốn FDI tăng mạnh hay các cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao có tầm nhìn rõ ràng và quản trị minh bạch.(Thanhnien)
--------------------------
Việt Nam khiếu nại WTO về việc Mỹ áp thuế cá phi lê
Ngày 12-1, Việt Nam đã đệ trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), liên quan đến cách Mỹ đánh thuế mang tính trừng phạt các mặt hàng cá phi lê Việt Nam.
Theo Hãng tin Reuters, Việt Nam cho rằng Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO trong cách áp thuế lên cá phi lê Việt Nam, mặt hàng mà theo lập luận của Mỹ là đang được "bán theo kiểu phá giá hoặc bán với giá rẻ một cách không công bằng trên thị trường Mỹ".
Mỹ sẽ có thời gian 60 ngày để giải quyết khiếu nại hoặc Việt Nam có thể yêu cầu WTO phân xử, Reuters cho biết thêm.
Đây là đơn khiếu nại thứ tư của Việt Nam lên WTO kể từ năm 2007, thời điểm Việt Nam gia nhập tổ chức. Hai khiếu nại liên quan tới ngành thủy sản trước đó (DS404 và DS429) nhằm vào các hành động chống bán giá mà Mỹ sử dụng đối với tôm Việt Nam.
Mỹ là thị trường xuất khẩu cá phi lê hàng đầu của Việt Nam. Nhập khẩu cá phi lê của Mỹ từ Việt Nam đã tăng từ 100 triệu USD năm 2007 lên hơn 520 triệu USD vào năm 2016. Điều này biến Việt Nam trở thành nhà cung cấp cá phi lê lớn thứ ba cho Mỹ, sau Chile và Trung Quốc.
Washington đã đối mặt với hàng loạt vụ tranh chấp thương mại liên quan tới việc nước này áp thuế chống bán phá giá các mặt hàng nhập khẩu từ nước khác trong vòng 2 thập kỷ qua.
Phần lớn trong số này phía Mỹ đều thua cuộc sau khi cách tính thuế của quốc gia này bị vạch trần và chỉ ra là không phù hợp theo quy định của WTO.
Hồi đầu tuần này WTO cũng đã công bố một khiếu nại của Canada, liên quan tới cách Mỹ sử dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã chỉ trích hành động của Canada, cho rằng đó là "một cuộc tấn công thiếu suy nghĩ", có thể dẫn tới hậu quả là "cơn lũ hàng nhập khẩu tràn vào từ Trung Quốc và các nước khác".
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 12-1, Hàn Quốc cũng đã yêu cầu WTO cho phép nước này áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại trị giá ít nhất 711 triệu USD nhắm vào Mỹ.
Cho rằng Washington đã không tuân thủ phán quyết của WTO liên quan tới việc Mỹ trước đó áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên máy giặt của Hàn Quốc, Seoul muốn áp đặt các hình phạt thương mại đối với Mỹ như một hình thức bồi thường.(Tuoitre)
---------------------------
Rút tiền mặt ở nước ngoài không được quá 30 triệu VND
Kể từ ngày 3/3/2018, khi rút ngoại tệ tiền mặt ở nước ngoài một thẻ ngân hàng chỉ được rút tối đa số ngoại tệ tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.
Theo Thông tư 26 mới được ban hành của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, kể từ ngày 3/3/2018, khi rút ngoại tệ tiền mặt ở nước ngoài một thẻ ngân hàng chỉ được rút tối đa số ngoại tệ tương đương 30 triệu đồng trong một ngày.
Thông tư 26 cũng quy định, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng.
Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng.
Ngoài ra, Thông tư cũng mở rộng thêm đối tượng chủ thẻ chính 15 -18 tuổi cho thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.(VOV)
----------------------------------
2018: Đất nền sẽ tiếp tục tăng giá
Giới đầu tư nhận định đất nền sẽ tiếp tục là loại hình bất động sản được ưa chuộng trong năm 2018, nhiều khả năng bùng nổ giao dịch vì khan hiếm nguồn cung.
Tại TP.HCM, cơn sốt đất nền bùng phát từ cuối năm 2016, kéo dài đến giữa năm 2017 đã khiến mặt bằng giá đất tăng lên chóng mặt. Nó vốn bắt nguồn từ khu đông (quận 9, quận 2) nay lan rộng sang huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và thậm chí là cả các huyện vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn.
Mặc dù đã hạ nhiệt do thành phố đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn kịp thời, giới đầu tư vẫn nhận định đất nền sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong năm 2018, nhiều khả năng sẽ bùng nổ giao dịch vì khan hiếm nguồn cung.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phân khúc đất nền phân lô năm nay sẽ còn tăng trưởng nóng, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài lẫn nguồn kiều hối tiếp tục là nguồn lực quan trọng rót vào thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, một số dự luật, dự thảo sửa đổi luật được trình Quốc hội ngay trong năm có thể tác động tích cực đến thị trường như luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị, luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp.
Các hệ thống giải pháp, chương trình cụ thể hóa cơ chế đặc thù của TP.HCM nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị, chống ngập nước, chống kẹt xe, xây dựng thành phố thông minh cũng sẽ tạo hiệu ứng tốt lên bộ mặt chung của thị trường bất động sản thành phố.
Tuy có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường, song ông Châu tin rằng khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản nhờ có sự can thiệp ngày càng kịp thời từ phía chính quyền. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu người mua, nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng cũng ngày một thông minh, tỉnh táo và am hiểu hơn.
Dự báo từ phía công ty tư vấn thị trường bất động sản DKRA Việt Nam cũng cho rằng giá đất nền sẽ ngày càng tăng mạnh do loại hình này được người Việt ưa chuộng bởi tính ổn định và bền vững.
Trình trạng quỹ đất khan hiếm, nhiều khách quan tâm muốn mua là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá đất nền tăng cao. Tuy vậy, biên độ tăng giá đất nền lại không đồng đều do phụ thuộc lớn vào sự phát triển hạ tầng giao thông.
Chẳng hạn khu đông TP.HCM được ghi nhận tăng giá từ 130-170% trong hơn 3 năm qua do hạ tầng giao thông phát triển mạnh, trong đó giá đất nền tại phường Phước Long B (quận 9) dao động phổ biến khoảng 27-35 triệu đồng/m2. Còn ở khu nam thành phố mà điển hình là khu vực phường Tân Thuận Đông (quận 7) có giá tăng khoảng 50%, dao động khoảng 42-55 triệu đồng/m2.
DKRA Việt Nam kết luận: Trong năm 2018, đất nền sẽ tăng giá do quỹ đất của TP.HCM đang dần khan hiếm. Mặt khác, mức thu nhập trung bình của gia đình trẻ đang tăng lên, sự trẻ hóa đối tượng mua bất động sản cùng sự linh hoạt trong chính sách bán hàng của chủ đầu tư đã tác động rất lớn đến tâm lý và tính thanh khoản của thị trường, kích thích giá bán tăng.(CafeF)