tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 15-01-2018

  • Cập nhật : 15/01/2018

Danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của "siêu ủy ban" hé lộ điều gì?

Nhìn vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc quyền quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có thể thấy Chính phủ ưu tiên nắm quyền kiểm soát đối với năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông và đất đai nông nghiệp.

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12/2017 về tái cơ cấu DNNN, một "siêu ủy ban" quản lý vốn Nhà nước sẽ được thành lập trong năm 2018. Ủy ban này là cơ quan chuyên trách, làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Quy mô vốn và tài sản của "siêu ủy ban" lên đến hơn hàng triệu tỷ đồng.

Dự kiến, "siêu ủy ban" sẽ quản lý 22 Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông vận tải cho đến nông nghiệp, lương thực. Các tập đoàn này được quản lý bởi 5 bộ là Bộ Công thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin & Truyền thông. Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương và Bộ Giao thông - Vận tải với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty.

Danh sách có 15 tập đoàn và tổng công ty mà Nhà nước hiện vẫn nắm giữ toàn bộ 100% vốn điều lệ. Điển hình là Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Dầu khí (PVN). Đây là hai tập đoàn Nhà nước lớn nhất xét trên vốn chủ sở hữu (431 nghìn tỷ đồng và 205 nghìn tỷ đồng - số liệu theo báo cáo kiểm toán hợp nhất tính năm 2016) và tổng tài sản (770 nghìn tỷ đồng và 692 nghìn tỷ đồng).

Một số Tập đoàn và Tổng công ty trong danh sách đã và đang được cổ phần hóa như Petrolimex, ACV, Tập đoàn Cao su, Vinafor hay Vinafood 2.

Đặc biệt, siêu ủy ban cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp đang quản lý lượng vốn nhà nước rất lớn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của siêu ủy ban hé lộ điều gì? - Ảnh 1.

 

Nhìn vào danh sách các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc quyền quản lý của siêu ủy ban có thể thấy Chính phủ ưu tiên nắm quyền kiểm soát đối với năng lượng, tài nguyên khoáng sản, hạ tầng giao thông và đất cát nông nghiệp. Đây đều là các lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế. DNNN thuộc các lĩnh vực khác như sản xuất, bất động sản... không nằm trong danh sách này.

4 Tập đoàn năng lượng nằm trong danh sách là Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản. Nguyên nhân là năng lượng không những liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia mà còn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam dự báo đạt mức 10 – 12%/năm trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Mackenzie, nhu cầu xăng dầu của nước ta sẽ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2015 – 2025. Danh sách 137 DNNN cần được cổ phần hóa trong năm 2017 theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không bao gồm 2 "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng là EVN và PVN. Hai tập đoàn này chỉ tiến hành cổ phần hóa ở các công ty trực thuộc. Vinacomin dự kiến sẽ được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.

Bên cạnh năng lượng thì lĩnh vực hạ tầng giao thông với các tập đoàn như Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt (Vietnam Railways), Tổng Công ty Cảng hàng không... cũng là lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên kiểm soát. Trong thời gian tới, các Tập đoàn này đều không tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ hoặc cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ tỉ lệ tối thiểu trên 51%.

Tổng công ty đường sắt có lợi nhuận trước thuế năm 2016 chỉ đạt 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng công ty này chỉ tiến hành cổ phần hóa ở các công ty con, Chính phủ không đưa công ty mẹ vào danh sách thoái vốn. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, đường sắt là lĩnh vực rất khó cổ phần hóa vì lợi nhuận thấp. Theo các thông tin nghiên cứu của ông Kiên, ở hầu hết các nước, ngành đường sắt vẫn do Chính phủ sở hữu.

Ngoài ra, danh sách quản lý của siêu ủy ban còn bao gồm các tổng công ty có quy mô khá nhỏ như Tổng công ty Cà phê (Vinacafe) hay Tổng công ty Lâm nghiệp (Vinafor). Vốn chủ sở hữu ở hai tổng công ty này lần lượt là 1.274 tỷ đồng và 4.066 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh cũng khá thấp, năm 2016, lợi nhuận của Vinacafe đạt 79 tỷ đồng, con số này ở Vinafor là 514 tỷ đồng. Sở dĩ Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát có thể là do các doanh nghiệp này nắm giữ lượng đất đai nông nghiệp rất lớn.

Trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC thuộc danh sách quản lý của "siêu ủy ban". MobiFone, VNPT và VTC cũng sẽ được cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ.(CafeF)
--------------------------------

Mỹ chỉ trích Alibaba bán hàng giả

Chủ tịch của Alibaba khẳng định quan điểm mà phía Mỹ đưa ra cho thấy đầy định kiến và sự phán xét thiếu công bằng. 

Mỹ chỉ trích Alibaba bán hàng giả

Ảnh: Bloomberg

Tập đoàn Alibaba bị nêu đích danh là nơi bán nhiều hàng giả và bị đưa vào danh sách đen của Mỹ. Như vậy có thêm dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên, theo khẳng định của Bloomberg.

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ trong ngày thứ Sáu đã đưa trang bán hàng trực tuyến Taobao của Alibaba vào danh sách những điểm bán nhiều hàng giả và vi phạm bản quyền. Cơ quan này cũng thừa nhận Alibaba đã rất nỗ lực giảm mạnh số lượng hàng giả được bán trên trang, thế nhưng họ khẳng định những nỗ lực đó hoàn toàn không đủ. 

Đáp lại những cáo buộc từ phía Mỹ, chủ tịch của Alibaba, ông Mike Evans trong một bài đăng trên trang cá nhân khẳng định rằng những gì phía Mỹ đưa ra không phản ánh đúng những nỗ lực của Alibaba trong việc bảo vệ thương hiệu và bản quyền sáng chế, ông khẳng định quan điểm mà phía Mỹ đưa ra cho thấy đầy định kiến và sự phán xét thiếu công bằng. 

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp của nước này đẩy mạnh mở rộng ra nước ngoài. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục gặp khó khi muốn thâu tóm các công ty Mỹ.

Ant Financial, công ty dịch vụ tài chính lớn của Trung Quốc thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba, đã không thể được phía Mỹ chấp nhận mua loại MoneyGram International Inc.

Quyết định của phía Mỹ mới đây có thể coi như một cú sốc trong nỗ lực bành trướng ra quốc tế của Alibaba bởi Mỹ là một thị trường không thể bỏ qua đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trên thế giới. 

Alibaba thống trị lĩnh vực thương mại điện tử tại Trung Quốc, Taobao và nhiều trang bán hàng khác thuộc Alibaba hiện đang nắm vị trí thống trị ngành thương mại điện tử nước này, tuy nhiên tại Mỹ vẫn chỉ có vị trí vô cùng khiêm tốn. 

Alibaba công bố khoảng hơn 230 nghìn cửa hàng của Taobao đã bị đóng cửa trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017. Công ty đồng thời cũng hỗ trợ rất nhiều cho cơ quan thực thi pháp luật để ngăn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn đến việc hơn 1 nghìn cơ sở sản xuất và phân phối bị đóng cửa.(Bizlive)
-------------------------------

Xuất khẩu dệt may và những dấu mốc mới

Kết thúc năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may đạt kim ngạch trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016...

Năm 2017 vừa đi qua với nhiều thách thức với ngành dệt may Việt Nam. Tình hình kinh tế thế giới dù cải thiện với tăng trưởng cao hơn năm 2016, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, nếu nền kinh tế lớn chuyển trạng thái sang thắt chặt tiền tệ (hoặc giảm các gói nới lỏng định lượng), làm tăng giá trị nội tệ và khiến USD mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác (USD Index giảm khoảng 9% trong năm 2017). Trong bối cảnh đó, thị trường dệt may thế giới chịu tác động rất mạnh.

Năm vừa qua, tổng nhu cầu của thế giới đối với hàng dệt may giảm 0,85% so với năm 2016. Trong đó, đáng chú ý là một số thị trường lớn có dấu hiệu giảm cầu rõ rệt như: nhập khẩu dệt may của Mỹ giảm 0,2%, của EU giảm 0,3%... Riêng với Việt Nam, thách thức không chỉ vậy mà một số cơ hội tưởng chừng đang mở ra đã đóng ngay lại, ví dụ trường hợp Hiệp định TPP, khiến hoạt động xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn.

Tác động đến Việt Nam, đơn giá gia công ngày càng giảm, nhất là đối với các đơn hàng tiêu chuẩn như áo sơ mi, quần âu. Thống kê cho thấy giá các mặt hàng này giảm trung bình từ 10-15% trong năm 2017 và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trong khi đó, chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng mạnh, bao gồm giá điện mới được điều chỉnh, tiền lương tăng theo quy định, chi phí vận chuyển tăng lên...

Tuy nhiên, kết quả đến cuối năm vẫn khá ấn tượng. Kết thúc năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may đạt kim ngạch trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Đóng góp vào kết quả chung đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%, vượt 2,7% so với kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, điểm qua bức tranh xuất khẩu dệt may 2017 với niềm tự hào: các thị trường quan trọng đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt mức tăng trưởng tốt; một số thị trường mới được mở ra với nhiều cơ hội như Trung Quốc, Campuchia… Tính đến nay, ngành dệt may Việt đã có 6 thị trường xuất khẩu tỷ USD, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Với nhiều cải cách hiệu quả về quản lý sản xuất, trang bị máy móc theo hướng hiện đại và tự động hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, cam kết và thực thi giao hàng đúng hạn đã giúp nâng vị thế của ngành dệt may Việt Nam. Hiện tại, nhiều khách hàng lớn đều ưu tiên cao và coi Việt Nam là trung tâm cung cấp mỗi khi đặt hàng.

Bước sang năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với dệt may Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, các xung đột chính trị vẫn còn, chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được duy trì tại một số ngân hàng trung ương, giá hàng hóa dự báo ít biến động…

Những diễn biến trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành dệt may. Theo một số chuyên gia, nhu cầu hàng dệt may toàn cầu trong năm nay có thể không tăng so với năm 2017. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam lại hết sức nặng nề: phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, tăng trưởng 10%.

Để đạt được mục tiêu kể trên, các giải pháp về nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường đang được ngành này tính đến. Theo ông Trường, với một số thị trường tiềm năng hiện có thể khai thác, mở rộng thêm là Nga và Úc. Hiện tại với thị trường Nga, ngành dệt may đang vướng bài toán về ngân hàng. Các DN tại Nga khi mua hàng không thể thanh toán trực tiếp mà phải qua ngân hàng của một nước thứ ba.

Trong khi đó, thị trường Úc cũng đang có nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được tiếp tục đàm phán để thông qua. Với hai cơ hội này, nếu tận dụng được thì DN dệt may sẽ mở ra thêm thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vấn đề công nghệ, nhân lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt DN dệt may Việt Nam trước nhiều thách thức lớn, nếu không thay đổi có thể “hụt hơi” trước các đối thủ. “Nếu các DN Việt Nam không chuyển mình thì sẽ tự đánh mất cơ hội và không còn khả năng cạnh tranh từ khoảng năm 2020”, ông Trường đánh giá.(TBNH)
-----------------------

Thua lỗ nặng, Ocean Group chờ tướng mới

Ngày 23/1, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã OCG) sẽ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để quyết một số vấn đề về nhân sự. Cổ đông đang kỳ vọng vào “làn gió mới” trong bộ máy điều hành.

may nam qua, ocean bank cung nhu ocean group da phai doi mat voi nhung kho khan chong chat. anh: duc thanh.

Mấy năm qua, Ocean Bank cũng như Ocean Group đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Ảnh: Đức Thanh.

Tái cơ cấu nhân sự

Theo kế hoạch, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tới đây sẽ xem xét tờ trình miễn nhiệm kiểm soát viên, bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát. Đại hội của Ocean Group cũng sẽ xem xét tờ trình về việc sửa đổi Điều lệ, thông qua việc đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, Hội đồng Quản trị cũng sẽ báo cáo Đại hội về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc điều hành.

Hồi cuối năm 2017, Hội đồng Quản trị của Ocean Group đã bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tâm (thuê ngoài) làm Tổng giám đốc Công ty trong thời hạn 3 năm. Trước đó, ông Lê Huy Giang (thuê ngoài) đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc công ty này. Sau khi không làm Tổng giám đốc, ông Lê Huy Giang giữ cương vị Phó tổng giám đốc.

Theo Ocean Group, ông Lê Huy Giang giữ chức vụ Tổng giám đốc tập đoàn này từ ngày 1/8/2015, đúng giai đoạn hậu khủng hoảng của Ocean Group sau sự kiện cựu Chủ tịch là ông Hà Văn Thắm bị bắt ngày 24/10/2014. Từ khi về làm Tổng giám đốc Ocean Group, ông Giang đã tiếp quản việc tái cấu trúc các khoản đầu tư, các khoản nợ, cho vay, tiếp tục thúc đẩy các dự án dang dở của tập đoàn này và hoạch định kế hoạch sản xuất - kinh doanh để ổn định kinh doanh sau khủng hoảng.

Giai đoạn cuối năm 2017 - đầu năm 2018 được xem là thời gian Ocean Group thực hiện các cuộc cải tổ về nhân sự. Ngoài vị trí tổng giám đốc, vấn đề thay đổi nhân sự chủ chốt trong Hội đồng Quản trị cũng đã được Ocean Group đặt ra.

Cụ thể, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Hà Trọng Nam (anh ông Hà Văn Thắm) đã từng có đơn xin từ nhiệm, nhưng không được chấp nhận. Trong khi đó, Chương trình Đại hội bất thường sắp tới cũng không đề cập việc bãi nhiệm và thay thế đối với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, nên có thể hiểu, ông Hà Trọng Nam chắc sẽ vẫn tiếp tục phải gắn bó với công ty này.

Cơ hội cuối năm 2018

Đến nay, Ocean Group vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017, nhưng nhiều khả năng, công ty này thua lỗ nặng, bởi kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm hụt xa so với kế hoạch. Trong khi đó, quý cuối cùng của năm 2017 cũng không hé lộ điểm sáng nào cho thấy doanh nghiệp này có thể đảo ngược được tình thế.

Cụ thể, trong 3 quý đầu năm 2017, Công ty bị lỗ sau thuế tới 226,7 tỷ đồng. Mức lỗ này tuy có giảm mạnh so với lỗ 468 tỷ đồng cùng kỳ năm trước đó, nhưng cũng cho thấy, cho dù có lãi lớn trong quý IV/2017 thì tính chung cả năm, Công ty vẫn không thể thoát lỗ.

Thực tế này cho thấy, Ocean Group đang đối mặt với tương lai khá mờ mịt. Trong một lần chia sẻ với cổ đông, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, ngoài những khó khăn về kinh doanh, Ocean Group còn phải đối mặt với áp lực về tâm lý. “Mấy năm qua, chúng tôi luôn bị nhìn với con mắt là một công ty không bình thường”, ông Thụ bộc bạch.

Với kịch bản Ocean Group thua lỗ trong cả năm 2017, công ty này sẽ chỉ còn cơ hội cuối cùng trong năm 2018 để thay đổi cục diện, nếu không muốn bị buộc phải hủy niêm yết, bởi theo quy định, doanh nghiệp sẽ phải hủy niêm yết nếu thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Thực tế, trong năm 2017, Ocean Group cũng đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng tốt hơn so với năm 2016, giúp Công ty hạn chế được thua lỗ hơn so với năm trước đó, nhưng chưa đủ chuyển lỗ thành lãi.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm qua, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty đạt hơn 900 tỷ đồng, cao hơn mức 815 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp về bán hàng của Ocean Group cũng đã cải thiện hơn năm trước, với 420 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 371 tỷ đồng). Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp đã cắt giảm đáng kể, còn 412,3 tỷ đồng so với mức 550 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính thời gian trên giảm còn 103 tỷ đồng, so với mức 145,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016.(Baohaiquan)

Trở về

Bài cùng chuyên mục