Mexico và Canada phản pháo ông Trump; Doanh nghiệp ô tô lớn mới được giảm thuế; Trung Quốc: Ấn Độ nên tránh lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; Thương mại Mỹ - Trung: cuộc chiến dai dẳng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-09-2017
- Cập nhật : 01/09/2017
Cần chính sách đột phá cho đặc khu kinh tế
Các chuyên gia đều nhấn mạnh VN cần các chính sách ưu việt về luật và ưu đãi đầu tư để phát triển các đặc khu kinh tế.
Cần cú hích mới
Góp ý Dự thảo về đặc khu kinh tế của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị bỏ một số quy định ưu đãi như cho phép tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất, trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư; để lại toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu vì như thế “sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và địa phương”. Thay vào đó, chỉ nên để lại toàn bộ số tăng thu trên địa bàn đặc khu trong một thời gian nhất định; bỏ quy định cho công chức, viên chức ở đặc khu Phú Quốc được hưởng phụ cấp thêm 50% mức lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp khác như phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực... do các đối tượng này đã được áp dụng mức lương cơ sở không quá 2 lần mức lương cơ sở quy định chung cho cả nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không đồng tình ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với casino, trò chơi điện tử có thưởng ở mức 25%; kinh doanh đặt cược là 21%. Thay vào đó, bộ này tiếp tục đề nghị áp dụng lần lượt là 35% và 30% như hiện nay. Bộ Tài chính lập luận, đây là sắc thuế gián thu, đánh vào hàng hóa dịch vụ cần hạn chế tiêu dùng. Đặc biệt, các nội dung ưu đãi về thuế, phí khác, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu là nên ở mức vừa phải. Do cả 3 đặc khu lần đầu tiên được hình thành tại VN, việc quy định mức độ ưu đãi về thuế cao quá ngay từ ban đầu, không cân nhắc đến tính phù hợp với bản chất của sắc thuế cũng như năng lực quản lý của cơ quan nhà nước tại đặc khu có thể “sẽ tác động ngược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường” của 3 đặc khu này.
Trong khi đó, theo các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế, nếu như vậy không thể gọi là đặc khu mà chỉ dừng lại như một số ưu đãi đầu tư tại các địa phương như cách làm lâu nay của chúng ta.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Nam Sơn nhận xét: “Thực tế, dư địa mời gọi đầu tư nước ngoài vào VN nay đang bão hòa. VN đang cần một cú hích mới, một chính sách thể chế nổi trội mới nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia. Nếu không, những đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do của các nước trong khu vực sẽ cạnh tranh và thu hút đầu tư về ngay, lúc đó VN có muốn mời gọi họ về cũng thua rồi”.
Trước đó, tại Diễn đàn mua bán sáp nhập, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thu hút đầu tư nước ngoài đến lúc xây dựng thể chế và những chính sách đãi ngộ mà nhà đầu tư quan tâm, họ thích họ tham gia chứ không phải tiếp cận họ bằng những gì chúng ta đang có. Các nước xây dựng đặc khu kinh tế từ 75 năm trước, nay đã bước sang giai đoạn “đặc khu trong đặc khu”, VN đang “tập tễnh” xây dựng đặc khu, nếu không có những quyết sách cởi mở, vượt trội, nhà đầu tư sẽ di chuyển sang các nước trải thảm đỏ ưu đãi...
Chính sách phải ưu việt nhất
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, điều trước tiên khi nói đến đặc khu là sẽ được áp dụng các luật lệ mang tính ưu việt, phải tốt hơn hẳn mọi điều kiện ưu đãi đang áp dụng. Thứ hai là các luật lệ áp dụng cho đặc khu chỉ tuân theo hiến pháp và không chịu sự ràng buộc của bất kỳ luật hiện hành nào, kể cả từ tổ chức hội đồng nhân dân đến chính sách tài chính, thuế… Thứ ba, tính ưu việt của đặc khu kinh tế còn phải thể hiện so với các đặc khu kinh tế trên thế giới vì hiện nay thế giới đã có hàng trăm đặc khu kinh tế. VN sinh sau đẻ muộn thì phải có ưu việt hơn mới thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nếu không thì không phát triển được. Điều cuối cùng theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, đó là cần xác định những nguyên tắc chung và soạn thảo một bộ luật riêng về đặc khu. Cụ thể hơn, ông nói: “Chúng ta cần xây dựng luật với các nguyên tắc chung trước rồi sau đó mới bàn về nội dung chi tiết từng vấn đề. Chẳng hạn như về số thu ngân sách, về một số ngành nghề hạn chế kinh doanh hiện nay nhưng phát triển ở trong đặc khu thì sẽ thế nào? Rồi liên quan đến các chính sách về thu hút lao động trình độ cao... Nếu không có nguyên tắc từ đầu thì các bộ ngành sẽ còn bàn cãi dài dài. Khi đó không thể mang các quy định hiện hành ra để so bì vì đã có luật riêng cho đặc khu”.
Còn ông Nguyễn Nam Sơn nhấn mạnh VN đừng tư duy cứ đặc khu chỉ phát triển du lịch nghỉ dưỡng và casino. Phải có chính sách vượt trội, mời gọi được các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu đến. Các tập đoàn này thường có tầm ảnh hướng lớn trên thế giới. Đôi khi, chính nhà đầu tư có thể đề xuất các chính sách để Chính phủ quyết định chứ không phải cứ làm chính sách kiểu ban cho mà thu hút được đầu tư. Nếu chúng ta xây dựng chính sách phục vụ ngắn hạn thường khó có sức bền lâu. Mà hiện tại thu hút đầu tư của VN với phản biện từ Bộ Tài chính nói trên đang nghĩ đến hướng ngắn hạn hơn dài hạn.(Thanhnien)
---------------------------
Lạm phát của Eurozone tăng sát mức mục tiêu 2% của ECB
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 31/8, lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên sát với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 8, qua đó thể hiện sự phục hồi của kinh tế khu vực.
Số liệu mới nhất sẽ củng cố thêm hy vọng rằng bất chấp những bất ổn liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), Eurozone vẫn đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất bùng phát từ năm 2008.
Giá tiêu dùng của Eurozone tăng 1,5%, làm dấy lên đồn đoán rằng ECB sẽ rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính này do đà phục hồi của khu vực đã tăng tốc.
Chuyên gia Kinh tế Jennifer McKeown nhận định số liệu trên cho thấy chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của ECB đã không còn quá cần thiết.
ECB đã áp dụng mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục, cấp các khoản cho vay giá rẻ cho các ngân hàng, triển khai việc mua lại trái phiếu trị giá 2.300 tỷ euro nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng lãi suất.
Theo kế hoạch, ECB sẽ mua lại số trái phiếu trị giá 60 tỷ euro/tháng cho đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát lõi vẫn giữ nguyên ở mức 1,2%, cao hơn so với những năm qua, các chuyên gia kỳ vọng ngân hàng sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua lại tài sản, hay gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào năm tới.
Trong khi đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone vẫn ổn định ở mức 9,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.
Tỷ lệ này ở Pháp và Italy đã tăng lên trong tháng trước, trong khi con số này lại giảm ở Đức. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là ở Hy Lạp với 21,7% trong khi tại Tây Ban Nha là 17,1%.
Tỷ lệ thất nghiệp của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ nguyên ở mức 7,7%, mức thấp nhất của khối này kể từ tháng 12/2008.
Đáng chú ý, sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là 5,7% - một mức thấp kỷ lục.
Đa số các nhà kinh tế đều cho rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng ổn định đến cuối năm nay. Người đứng đầu Cơ quan Lao động Liên bang Đức (BA) khẳng định việc làm vẫn đang tăng trưởng mạnh và nhu cầu tuyển lao động của các công ty vẫn ở mức cao. Số người thất nghiệp tại Đức trong tháng 8 đã giảm 5.000 người xuống 2,5 triệu người.(TTXVN)
---------------------------
S&P: Nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái nếu Chính phủ đóng cửa
Chuyên gia kinh tế trưởng của S&P cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ rơi trở lại vào một cuộc suy thoái, xóa sạch những thành tựu đạt được trong giai đoạn phục hồi.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) ngày 30/8 cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu các hậu quả khôn lường nếu Nhà Trắng và các nghị sĩ không đạt được thỏa thuận giữ cho chính phủ mở cửa và ngăn chặn nguy cơ xảy ra vỡ nợ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của S&P Beth Ann Bovino cho biết nếu nước Mỹ vỡ nợ, điều này sẽ tồi tệ hơn sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 lên đến đỉnh điểm.
Bà Bovino cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ rơi trở lại vào một cuộc suy thoái, xóa sạch những thành tựu đạt được trong giai đoạn phục hồi. Chính phủ đóng cửa sẽ tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế.
Theo bà Bovino, các hoạt động liên bang ngừng lại, nếu xảy ra vào đầu quý IV/2017, sẽ rút đi 0,2 điểm phần trăm hoặc ít nhất 6,5 tỷ USD từ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong mỗi tuần tình trạng này tiếp diễn.
Bà Bovino và các chuyên gia kinh tế tại một số ngân hàng hàng đầu phố Wall dự đoán Quốc hội Mỹ sẽ thống nhất được một kế hoạch ngân sách và sự đồng thuận nâng trần nợ công hiện ở mức 19.900 USD khi các nghị sĩ trở lại làm việc vào ngày 5/9 sau kỳ nghỉ Hè.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày cách đây ít ngày đã tuyên bố trần nợ công của nước này sẽ được nâng lên trong tháng Chín, đồng thời chỉ rõ các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thống nhất được quan điểm trong vấn đề này.
Tháng 3/2017, nợ công của Mỹ đã chạm mức trần theo luật định hiện ở mức 19.900 tỷ USD. Từ đó đến nay, ông Mnuchin đã phải áp dụng một số biện pháp đặc biệt trong ngắn hạn để chính phủ không bị rơi vào tình trạng vỡ nợ trong khi đợi quyết định nâng trần nợ của Quốc hội.(Vietnam+)
---------------------------
Warren Buffett: Đây là lý do tại sao tôi không chỉ trích Donald Trump
Trong lúc nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ liên tục lên tiếng chỉ trích tổng thống Donald Trump về phản ứng của ông đối với vụ bạo loạn ở Charlottesville, ông Buffett vẫn giữ im lặng. "Tôi cố không trộn lẫn kinh doanh và chính trị", ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng CNBC hôm thứ 4 (30/8).
Đầu tháng này, một loạt CEO lên tiếng chỉ trích khi ông Trump không chịu lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thượng tôn da trắng sau sự kiện Charlottesville. Sau khi nhiều nhân vật cộm cán lần lượt rời khỏi Hội đồng tư vấn kinh doanh Nhà Trắng, vị tổng thống Mỹ cuối cùng phải giải tán tổ chức này.
Là một người ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua tổng thống năm 2016, Buffett nói ông thất vọng về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ông tin rằng "đất nước này sẽ vẫn tiến lên. Điều quan trọng là chính phủ hoạt động tốt".
Warren Buffett: "Tôi không tham gia vào việc tấn công các tổng thống"
Nhà đầu tư huyền thoại mừng sinh nhật 87 tuổi hôm thứ 4. Ông đã trải qua 15 đời tổng thống Mỹ và mua cổ phiếu dưới 14 người. "Người đầu tiên là tổng thống Herbert Hoover. Tôi chỉ mới 2 tuổi khi ông ấy rời đi nên lúc ấy tôi chưa làm ăn", ông hóm hỉnh chia sẻ. Vị tỷ phú cho biết ông mua cổ phiếu dưới thời Franklin Delano Roosevelt, mặc dù bố ông nghĩ rằng thế giới sẽ kết thúc khi ông này được bầu.
Hôm thứ 4, ông Buffett đến New York để ăn trưa riêng với người chiến thắng trong cuộc đấu giá hàng năm để gây quỹ Glide, một tổ chức từ thiện vô gia cư ở San Francisco. Người này phải trả 2.679.001 USD để được gặp nhà đầu tư huyền thoại.(NDH)