“Ông lớn” CIMB của Malaysia chọn Việt Nam để khởi động ngân hàng số; Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với thép Việt Nam; Hòa Phát không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh thuế chống bán giá thép của Mỹ; Elon Musk 'thách' CEO Boeing đưa người lên sao Hỏa trước
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 08-12-2017
- Cập nhật : 08/12/2017
Hải sản khai thác bất hợp pháp sẽ bị cảng từ chối bốc dỡ
Các cảng cá có quyền từ chối bốc dỡ hải sản khai thác bất hợp pháp, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản để tránh việc mất thị trường xuất khẩu.
Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 3 phát tờ rơi tuyên truyền vị trí, tọa độ đánh bắt thủy sản trong vùng biển Việt Nam, không sang các nước bạn đánh bắt, tại cảng cá Cát Lỡ, phường 11, thành phố Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhìn nhận, vai trò quản lý hoạt động khai thác thủy sản của các cảng cá hiện nay chưa rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Ủy ban Châu Âu (EC) phạt "thẻ vàng" "rút thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam vào tháng 10 vừa qua.
Nếu không khắc phục được tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp thì sẽ bị EC "rút thẻ đỏ", tức hải sản Việt Nam không vào được thị trường xuất khẩu mang lại 350-400 triệu USD mỗi năm.
Nội dung trên được ông Tám đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tổ chức tại Vũng Tàu vào ngày 7-12.
Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua được cho là khắc phục những điểm yếu nói trên, theo đó, cảng cá thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định…
Đáng chú ý, cảng có quyền từ chối bốc dỡ hàng sản phẩm tại cảng đối với tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Các cảng cá cũng sẽ được tăng cường năng lực để thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản, trong đó có phần mềm kết nối và chia sẻ thông tin về tàu cá vi phạm giữa các cảng với nhau.
Hiện cả nước có 82 cảng cá đã đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 65% so với quy hoạch, trong đó có chín cảng đáp ứng cho tàu cá công suất tới 1.000 CV và hai cảng đáp ứng cho tàu công suất 2.000CV.(Tuoitre)
-----------------------
Ngành điều xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn ở Campuchia
VINACAS sẽ phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn điều tại nước này.
Chiều 7/12, tại hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu điều niên vụ 2018-2019 do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho biết, đơn vị đang phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp của nước này để xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn điều ở Campuchia trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều và có ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam cũng có “yếu điểm” khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20-35% nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp.
Việc nhập khẩu điều thô của các doanh nghiệp lại đang gặp khá nhiều rủi ro do khó kiểm soát chất lượng đầu vào, nhiều lô hàng nhập về không đảm bảo chất lượng gây tổn thất cho doanh nghiệp, rủi ro trong thanh toán…
Trong khi đó, Campuchia hiện là một trong những nước sản xuất điều thô có chất lượng khá tốt do có giống điều tốt, điều kiện khí hậu lại khá phù hợp với sự sinh trưởng của cây điều. Đặc biệt, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia đang rất quan tâm đến việc trồng mới cây điều, nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân.
Trước thực tế đó, VINACAS đã đi khảo sát, làm việc với Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia và một số doanh nghiệp Campuchia đề xuất hợp tác trồng 500.000 ha điều ở Campuchia để có nguồn nguyên liệu ước tính khoảng 1 triệu tấn trong thời gian tới.
VINACAS và các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam sẽ cam kết thu mua toàn bộ lượng điều nguyên liệu mà phía Campuchia sản xuất; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác Campuchia để hiện thực hóa kế hoạch trên - đại diện VINACAS khẳng định.
Ông Hean Vann Horn - Đặc phái viên Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia) cho biết, vài năm gần đây, do giá cả điều thô không ổn định, việc tổ chức sản xuất còn nhiều yếu kém nên diện tích trồng điều ở Campuchia đã sụt giảm khá mạnh, từ 300.000 ha trong năm 2014 xuống còn khoảng hơn 100.000 ha. Điều này cho thấy Campuchia hoàn toàn có dư địa để mở rộng diện tích sản xuất điều trong thời gian tới.
Tuy vậy, để việc hợp tác giữa hai bên cùng thắng lợi cũng như thu hút sự tham gia trở lại của nông dân, phía Campuchia bày tỏ mong muốn được VINACAS giúp đỡ tận tình về khâu chọn giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, kỹ thuật thu hoạch bảo quản… nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng điều cũng như lợi nhuận cho nông dân khi tham gia.
Trước mắt, để hỗ trợ phía bạn, VINACAS trao tặng nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển 1 triệu cây điều tại Campuchia trong giai đoạn từ 2018-2022. Đồng thời, trong khuôn khổ hội thảo, Tổ công tác, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển điều Việt Nam - Campuchia cũng ra mắt nhằm cụ thể hóa kế hoạch trên.
Từ năm 2014 trở về trước, xuất khẩu điều thô của Campuchia sang Việt Nam chỉ chiếm 30% nhưng hai năm gần đây, con số này đã lên hơn 90%. Hiện Campuchia là thị trường cung cấp điều thô lớn thứ 5 của Việt Nam.
Với khối lượng ước tính sản xuất 1 triệu tấn điều nguyên liệu, Campuchia sẽ là quốc gia sản xuất điều thô lớn nhất thế giới. Cam kết hợp tác trên cùng lợi thế vị trí địa lý, hy vọng ngành điều Việt Nam sẽ giải quyết được căn cơ vấn đề thiếu hụt nguyên liệu chế biến như hiện nay.(TTXVN)
---------------------------------
Dự kiến khởi công dự án thành phố thông minh 4 tỷ USD tại Hà Nội vào quý I/2018
Dự án do liên danh BRG - Sumitomo thực hiện, trong đó Tập đoàn BRG là chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Hôm nay (7/12), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có buổi làm việc với ông Kuniharu Nakamura, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG nhằm triển khai dự án thành phố thông minh trị giá 4 tỷ USD.
Dự án nằm trên trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài, do liên danh BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) thực hiện, dự kiến khởi công trong quý I/2018. Trong đó BRG là chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết 1/500, với diện tích 2.080 ha hai bên trục tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Phần lõi thành phố hiện đại này sẽ là ga cuối tuyến đường sắt số 2, xuất phát từ đường Trần Hưng Đạo.
Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo cho biết đây là dự án lớn, đang kêu gọi nhiều đối tác uy tín, chuyên sâu về khoa học công nghệ tham gia. Dự án sẽ xây dựng thành phố thông minh, hệ thống giao thông hiện đại với công nghệ tiên tiến nhất.
Chủ tịch Tập đoàn BRG báo cáo dự án thành phố thông minh gồm 5 giai đoạn, 5 mô hình liên doanh để phát triển từng giai đoạn một. Giai đoạn 1, liên danh Sumimoto - BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11 ha, xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối cho cả dự án. Dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và sau khi rà soát, tư vấn Nikken Sekkei đang điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết của giai đoạn 1.
Bà Nguyễn Thị Nga khẳng định trong tháng 12, liên danh sẽ trình thông qua quy hoạch điều chỉnh cũng như toàn bộ 5 giai đoạn của dự án để UBND Thành phố xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trước đó, thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài giữa UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản.(NDH)
------------------------
Tỷ lệ người dùng ngân hàng điện tử ở Việt Nam lên 81%
Báo cáo về "dịch vụ ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” mới đây do Tập đoàn dữ liệu IDG thống kê, tỷ lệ người dùng sử dụng ngân hàng điện tử (e-banking) đã lên 81% (năm 2015 là 21%).
Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 nước có tốc độ số người dùng Internet lớn nhất hiện nay với khoảng 54% người dùng, được kỳ vọng là nước có tiềm năng rất lớn để đón công nghệ 4.0. Hiện có 40% ngân hàng bán lẻ sẽ cung cấp trực tiếp cho khách hàng.
Dự báo năm tới, doanh thu từ ngân hàng số sẽ chiếm 44% trong doanh thu của các ngân hàng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn, đó là sự thay đổi mô hình kinh doanh và văn hóa kinh doanh; đầu tư công nghệ thông tin và rủi ro công nghệ.
Để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra khi hệ thống ngân hàng bước lên “con tàu” 4.0, theo ông Lực có 3 vấn đề cần quan tâm thời gian tới là nhân lực 4.0; cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khuôn khổ hành lang pháp lý.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đang có sự chuyển động tích cực theo các xu hướng công nghệ mới. Đó là sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng với những sản phẩm, giải pháp dịch vụ mới về nghiệp vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, quản lý dữ liệu trong điều kiện sử dụng dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Hướng công nghệ 4.0 là mục tiêu mà các ngân hàng điện tử đang hướng tới, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng cho khách hàng. Theo Maritime Bank, từ tháng 12/2017, khách hàng có thể thanh toán hóa đơn: Điện, nước, truyền hình cáp, viễn thông, vé máy bay… cho gần 80 nhà cung cấp khác nhau chỉ với một phút trên ngân hàng điện tử và được hoàn toàn miễn phí.
Theo ngân hàng này, thay vì nhận hóa đơn giấy hoặc phải ra tận địa điểm của các nhà cung cấp vào mốc thời gian cố định thì với tính năng thanh toán hóa đơn trực tuyến, khách hàng có thể chủ động truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử (M - Banking) của Maritime Bank để thanh toán với hạn mức lên đến 500 triệu đồng/ngày.(Baotintuc)