tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-12-2017

  • Cập nhật : 09/12/2017

Việt Nam xuất siêu 2,76 tỷ USD trong 11 tháng

Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD trong tháng 11 đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo về tình hình hoạt động công nghiệp và thương mại 11 tháng đầu năm của Bộ Công thương, hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó nhập khẩu được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.

Về cán cân thương mại, trong tháng 11/2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD; đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu, nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu gạo trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 2,5 tỷ USD, tăng 24,9%.

Đáng chú ý là mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực, tuy nhiên, xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng mạnh do tác động của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo tại một số nước giảm qua đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc…, đặc biệt việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như: Bangladesh, Irắc… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay.

Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ, chiếm 2,0% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả 4 mặt hàng than đá, dầu thô, xăng dầu, quặng và khoáng sản khác đều đạt mức tăng trưởng dương.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 157,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh, thị trường Châu Á là thị trường cũ, tuy nhiên ước xuất khẩu 11 tháng có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2016 (30,8%), chiếm tỷ trọng 52,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ.

Về nhập khẩu, nhóm hàng cần nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 170,63 tỷ USD, chiếm 89,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng cần kiểm soát có kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 11,16 tỷ USD, chiếm 5,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng năm 2017 tăng đáng kể so với cùng kỳ, xấp xỉ 21%, thị trường Châu Á có mức tăng mạnh 22,2% và chiếm 81% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Bộ Công thương nhận định, với mức tăng trưởng lên tới 21,1%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sau 11 tháng năm 2017 đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 - 7% trong năm 2017. Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Bộ Công Thương dự kiến cả năm 2017, xuất khẩu sẽ vượt qua mốc dự kiến 202 tỷ USD và có thể sẽ đạt trên 210 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2016).(Bizlive)
-------------------------------

Khánh thành Nhà máy xe bus đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam

Ngày 8/12, tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tổ chức Lễ Khánh thành Nhà máy Bus Thaco - nhà máy xe bus đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam.

pho thu tuong chinh phu trinh dinh dung phat bieu tai le khanh thanh nha may bus thaco. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Bus Thaco. 

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đại diện các bộ, ngành trung ương cũng như ban, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam. 

Nhà máy Bus Thaco được khởi công xây dựng vào tháng 9/2016, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm: 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus); trên diện tích 17 ha, trong đó diện tích nhà xưởng 8 ha được trang bị hệ thống xử lý nước thải được thiết kế với công suất 20 m3/h, tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/ BTNMT). 

Hệ thống phòng cháy chữa cháy được thiết kế và lắp đặt đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam 2622:1995 với đầy đủ 6 hệ thống chữa cháy chính và đảm bảo tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn IATF 16949: 2016. 

Đây là nhà máy sản xuất xe bus đầu tiên tại Việt Nam mà trang thiết bị do đội ngũ kỹ sư Thaco thiết kế có tỷ lệ nội địa hóa trang thiết bị nhà máy đến 80%. Đội ngũ kỹ sư Thaco liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ và nâng cao công suất từ 3.000 lên 5.000 xe/năm. Từ việc sử dụng khung gầm nhãn hiệu Hyundai, đến năm 2013, Thaco đã tự thiết kế và sản xuất nội địa hóa khung gầm nhãn hiệu THACO và nâng tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ xe lên đến 50%. 

bus thaco thanh pham. 

Bus Thaco thành phẩm. 

Đến nay, Thaco đã bán ra thị trường hơn 14.000 xe bus với đầy đủ các phân khúc sản phẩm như: THACO TB75, THACO TB82, THACO TB120…chiếm 54% thị phần. Đặc biệt, xe khách giường nằm Thaco Mobihome dẫn đầu thị trường với 86 % thị phần. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc cho ra đời xe bus với tỷ lệ nội địa hóa cao của Thaco là một bước tiến quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035. Thaco đã đầu tư công nghệ hiện đại với dây chuyền cũng như quản lý khoa học đã tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có sức hấp dẫn đối với khách hàng trong và ngoài nước. 

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Thaco tiếp tục nghiên cứu, đầu tư về con người cũng như trang thiết bị để cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn, giá thành hạ hơn… đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục tạo cơ chế tốt hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam. 

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết, hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014; thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập Asean vào năm 2018, đồng thời đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ năm 2016, Thaco đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản suất lắp ráp ô tô: xe tải, xe bus, xe con, xe chuyên dụng và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% nhằm đảm bảo vị trí đứng đầu tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các nước Asean. 

Dịp này, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đã tổ chức ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu bước đầu sang các thị trường như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Campuchia với tổng doanh số 1.150 xe và trong năm 2018 sẽ xuất khẩu ít nhất là 550 xe.(TTXVN)
--------------------------

TP.HCM đứng thứ 2 thế giới về tiềm năng phát triển bất động sản

TP.HCM lọt vào top những thị trường có tình hình hoạt động bất động sản khả quan nhất thế giới khi xếp thứ 2 về tiềm năng phát triển, xếp thứ 3 về khả năng tăng giá thuê bất động sản và xếp thứ 5 về tiềm năng đầu tư.

Đây là thông tin trong báo cáo mới được công bố của Savills về các tác động đến tương lai của thị trường bất động sản toàn cầu. Savills cho rằng những thành phố trẻ, đang phát triển nhanh, có nền kinh tế vững manh, nhiều nguồn tài nguyên và ít có rủi ro thiên tai là những thành phố đáng được lưu tâm trong thập niên tới.

Đại diện Savills VN cho biết đây là kết quả của một cuộc khảo sát thường niên trong nhiều năm nay dựa trên nhận định của nhiều nhà đầu tư bất động sản giàu kinh nghiệm và am hiểu thị trường, cho thấy niềm tin vào tiềm năng và sức thu hút đầu tư của thị trường TP.HCM nói riêng cũng như thị trường VN nói chung. Niềm tin này đã giúp TP.HCM vượt qua tất cả các thành phố được khảo sát trên toàn cầu, trở thành lựa chọn số 1 cho nhà đầu tư muốn mua các loại hình bất động sản văn phòng, mặt bằng bán lẻ và nhà ở.(Thanhnien)
------------------------

Trung Quốc sẽ không "dễ tính" mua trái cây

Trung Quốc là nơi tiêu thụ rau quả lớn nhất, chiếm trên 75% thị phần xuất khẩu của Việt Nam nhưng doanh nghiệp, nông dân trong nước vẫn chưa hiểu nhiều về thị trường này

Ngày 6-12, tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây" tổ chức tại tỉnh Tiền Giang do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh này tổ chức, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết xuất khẩu rau quả năm 2017 dự báo đạt mức kỷ lục với khoảng 3,6 tỉ USD, trong đó chủ lực là trái cây. Tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,16 tỉ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, chiếm 75,6% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (3,6%), Mỹ (2,9%).

Khắt khe về bao bì

Theo ông Doanh, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 800 triệu USD, đến nay đây là ngành có tốc độ bứt phá mạnh mẽ, bền vững. Tương lai ngành còn có rất nhiều dư địa để phát triển khi tổng giá trị thương mại toàn cầu trong 10 năm qua đã tăng gấp 2 lần, hiện ở mức khoảng 230 tỉ USD do người tiêu dùng có xu hướng giảm ăn tinh bột, đạm và chuyển sang tiêu thụ trái cây.

chuoi viet nam danh cho phan khuc cao cap xuat khau chinh ngach sang trung quoc

Chuối Việt Nam dành cho phân khúc cao cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

 

Ông Doanh thừa nhận Trung Quốc là thị trường rộng lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết. Do đó, kế hoạch sắp tới của ngành là tổ chức thị trường với định hướng phân phối theo chuỗi để sản phẩm mang nhãn mác của Việt Nam. Ông Doanh chia sẻ thực tế là nhiều trái cây Việt Nam được đóng thùng thô sơ, khi đến biên giới, thương nhân nước này mới phân loại và đóng gói lại làm gia tăng giá trị gấp 3 lần.

Theo Bộ NN-PTNT, thanh long là trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng doanh nghiệp (DN) phần lớn chỉ làm dịch vụ xuất khẩu, không có liên kết với cơ sở trồng, bao bì không mang tên DN. Vì vậy, khi thanh long đến người tiêu dùng Trung Quốc đã mang bao bì, nhãn mác của DN nước này.

Cần đáp ứng yêu cầu của thị trường

Trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, trước khi chuyển đi tiêu thụ trên phạm vi rộng hơn. Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, trái cây nhập khẩu cơ bản được hưởng thuế suất 0% nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý 2 nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của Trung Quốc. Ngoài ra, mặt hàng này còn bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc, có thể coi là rào cản của họ để bảo hộ sản xuất trong nước.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đánh giá hiện tất cả trái cây tươi đều có thể xuất khẩu qua đường biên mậu. Tuy nhiên, về xuất khẩu chính ngạch, chỉ có 8 loại quả được cấp phép gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. "Vừa qua, Cục Giám sát, Kiểm tra chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) gửi thông báo đến Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo về việc phát hiện một số lô trái cây Việt Nam vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Trung Quốc cũng cảnh báo Việt Nam về việc không tuân thủ việc ghi nhãn (phải ghi tên sản phẩm và xuất xứ, cơ sở đóng gói hoặc ký mã hiệu bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh - PV) khiến nước này không truy nguyên được nguồn gốc lô hàng. Đặc biệt, AQSIQ muốn sang Việt Nam kiểm tra vùng trồng, nhà máy đóng gói trái cây và tương lai có thể sẽ quản lý nhập khẩu mặt hàng này theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc như các thị trường Mỹ, Nhật Bản đang áp dụng. Do đó, các vùng trồng, DN cần nắm thông tin để sản xuất theo yêu cầu thị trường" - ông Thiệt khuyến cáo. (NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục