tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 08-12-2017

  • Cập nhật : 08/12/2017

Mỗi ngày Cục Thuế TP.HCM phải thu hơn 1.000 tỉ đồng

Tháng 12-2017 Cục thuế TP.HCM phải thu thêm 31.829 tỉ đồng mới cán đích kế hoạch được giao. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày phải thu hơn 1.000 tỉ đồng.

thang 12, moi ngay cuc thue tp phai thu hon 1.000 ti dong. trong anh la nguoi dan ke khai thue tai cuc thue tp. anh: a.h.

Tháng 12, mỗi ngày Cục Thuế TP phải thu hơn 1.000 tỉ đồng. Trong ảnh là người dân kê khai thuế tại Cục Thuế TP. Ảnh: A.H.

Cụ thể, dự toán năm 2017 Cục thuế TP.HCM phải thu 238.882 tỉ đồng, tuy nhiên đến hết tháng 11, cơ quan này mới thu được 207.053 tỉ đồng, đạt 86,68% dự toán năm.

Tháng 12 năm nay có 31 ngày, như vậy tính trung bình một ngày Cục Thuế TP phải thu khoảng 1.027 tỉ đồng, kể cả ngày nghỉ để đạt được chỉ tiêu. 

Trước nhiệm vụ nặng nề này, Cục Thuế TP.HCM vừa yêu cầu các chi cục thuế phải tập trung rà soát, xác định nguồn thu còn phải thu, nguồn thu trọng tâm trong tháng 12, đồng thời xác định các lĩnh vực, khoản thuế có tốc độ thu chậm, chưa đúng với thực nguồn để có biện pháp thiết thực.

Ngoài phối hợp với ủy ban nhân dân quận huyện, các sở ngành trong việc triển khai các biện pháp quản lý thu, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu các chi cục thuế thường xuyên rà soát các nguồn thu, trong đó ưu tiên các khoản thu có điều tiết ngân sách trung ương, để có kế hoạch điều chỉnh, kịp thời giao bổ sung đối với những đơn vị, cá nhân đạt tiến độ khá, đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ thu được giao trong tháng cuối năm.

Cho đến thời điểm hiện tại đã có 14 chi cục Thuế quận, huyện có tổng số thu ngân sách đã hoàn thành 100% dự toán năm là: quận 2, quận 6, quận 7, quận 8, quận 9, quận 12, quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó có 9 chi cục thuế quận, huyện có số thu khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 90,43% dự toán năm.

Năm 2016, chỉ trong 11 tháng Cục Thuế TP.HCM đã vượt đích khá xa với mức 114,58% dự toán.

Trong khi đó năm nay do chỉ tiêu thu ngân sách được giao khá cao nên việc về đích chật vật hơn. (Tuoitre)
-------------------

Mỹ quyết định sơ bộ về điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

san xuat phoi thep tai nha may luyen thep luu xa. anh: quan trang/ttxvn

Sản xuất phôi thép tại nhà máy luyện thép Lưu Xá. Ảnh: Quân Trang/TTXVN

Theo đó, DOC sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265,79% và CVD là 256,44%. 

Trên cơ sở quyết định sơ bộ của DOC, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. 

Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc như đã nêu ở trên. Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc. 

Theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO, một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó. 

Thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam). 

Điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao như đã trình bày trên. 

Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ. 

Trong đó, Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như DOC đã từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc. 

Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/2/2018.  Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.(TTXVN)
---------------------------------

Bổ nhiệm nhân sự chủ chốt 20 địa phương

 Các địa phương có nhân sự bổ nhiệm là Bạc Liêu, Lai Châu, Bình Thuận, Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Ninh, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long,... vừa tiến hành kiện toàn nhân sự chủ chốt nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại Bình Thuận, các đại biểu HĐND đã tiến hành miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND tỉnh cho ông Nguyễn Thanh Hồng – Nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh vì lí do nghỉ hưu theo quy định.

Đồng thời HĐND tỉnh tiến hành bầu bổ sung chức danh ủy viên UBND tỉnh gồm bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh và ông Võ Văn Hòa – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Tại Lai Châu, ông Nguyễn Sỹ Cảnh, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh, là thành viên UBND tỉnh đã được luân chuyển về giữ chức Phó Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên. Ông Nguyễn Sỹ Cảnh cũng thôi giữ chức Ủy viên UBND tỉnh.

Các đại biểu HĐND bầu ông Hà Trọng Hải làm Ủy viên UBND tỉnh thay thế ông Nguyễn Sỹ Cảnh.

Tại Bạc Liêu, HĐND tỉnh bầu ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng giữ chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tại Hà Nam, đại biểu HĐND nhất trí cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh đối với ông Vũ Tiến Tiệp, miễn nhiệm ủy viên UBND tỉnh đối với bà Đỗ Thị Nguyệt Tú và bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh đối với ông Mai Thành Chung.

Tại Bắc Giang, các đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Lê Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời thống nhất bầu ông Lưu Xuân Vượng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giữ chức Ủy viên UBND tỉnh.

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thể, nguyên Bí thư Tỉnh ủy thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh do được Quốc hội, Chính phủ bầu làm Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, đại biểu HĐND tỉnh miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Văn Thống - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh do nghỉ hưu; bầu ông Trần Văn Lâu - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm Ủy viên UBND tỉnh.

Tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ nhiệm có thời hạn Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thanh Hải giữ chức Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Hà Nội, các ông Chử Xuân Dũng, Trần Đức Hải, Nguyễn An Huy và Ngô Anh Tuấn trúng cử Ủy viên UBND TP Hà Nội khoá XV.

Tại TP HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM được bầu giữ chức Ủy viên UBND thay cho ông Nguyễn Hữu Việt, đã điều động nhận công tác khác.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông TP HCM được bầu giữ chức Ủy viên UBND thay ông Lê Thái Hỷ đã nghỉ hưu theo quy định.

Tại Bình Phước, bổ nhiệm bà Trần Tuyết Minh (sinh năm 1969, Cử nhân Lịch sử, Thạc sỹ Quản lý Hành chính công), Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước (thay ông Nguyễn Văn Hậu, Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh nghỉ hưu theo chế độ).

Tại Cao Bằng, điều động Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạch An Nông Văn Chiêm đến công tác tại Ban Nội chính Tỉnh ủy, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy. Bổ nhiệm ông Tô Vũ Ninh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Chính trị Hoàng Đình Giong giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Hoàng Đình Giong.

Công bố các quyết định của UBND tỉnh về việc tiếp nhận và luân chuyển ông Lã Hoài Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng các công trình giao thông đến công tác tại Sở Giao thông vận tải, bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Bổ nhiệm ông Lục Văn Dương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tại Bắc Ninh, bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Hành, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh và ông Nguyễn Bá Quý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tiên Du giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.

Tại Tiền Giang, bổ nhiệm ông Trần Văn Dũng, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, thời hạn giữ chức vụ là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Ông Dũng thay ông Huỳnh Văn Nguyện về nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Bình Dương, Bổ nhiệm ông Võ Hoàng Ngân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng giữ chức vụ quyền Giám đốc Sở Xây dựng từ ngày 1/12; trao quyết định bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác cho ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giữ chức danh Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho đến khi nghỉ hưu; trao quyết định bổ nhiệm lại cho ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương.

Tại Đồng Tháp, bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Tâm - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; bổ nhiệm ông Phạm Văn Phong - Chánh Văn phòng Sở Tư pháp giữ chức Phó Giám đốc Sở Tư pháp; điều động, bổ nhiệm ông Phạm Quang Huy - Trưởng phòng Giáo dục trung học, thường xuyên và chuyên nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp.

Tại Nghệ An, bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Vinh Nguyễn Công Phú giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Vinh, nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày 1/12/2017.

Tại Đà Nẵng, bổ nhiệm PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa nhiệm kỳ 2017 – 2022. PGS.TS Đoàn Quang Vinh được bổ nhiệm thay cho GS.TS Lê Kim Hùng hết tuổi quản lý.

Tại Bến Tre, bổ nhiệm lại chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế đối với ông Phạm Quốc Tuấn cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; trao quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre đối với ông Trần Văn Thi cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định; trao quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/3/2018 đối với bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương và ông Trương Minh An - Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh.

Tại Long An, bổ nhiệm bà Phan Thị Dạ Thảo, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kể từ ngày 1/12/2017, thời gian bổ nhiệm là 5 năm.

Tại Vĩnh Long, bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Đặng Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long và bổ nhiệm có thời hạn đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đến công tác tại Sở Tài chính, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long.(NDH)
-------------------------

Khánh Hòa ra nghị quyết tán thành đề án lập đặc khu Bắc Vân Phong

Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI đã ra Nghị quyết tán thành đề án của UBND tỉnh về thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh.

Toàn bộ diện tích huyện Vạn Ninh khoảng 111.000ha, bao gồm 56.000ha mặt đất và 55.000ha mặt nước; tổng dân số trên 128.000 người (tính đến năm 2011); về đơn vị hành chính, toàn huyện có 12 xã và 1 thị trấn.

Đây là bước thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tại Thông báo số 21-TB/TW ngày 22/3/2017; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 2/10/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Về lý do, sự cần thiết thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, Đề án nêu rõ vịnh Vân Phong nói chung và khu vực Bắc Vân Phong nói riêng có vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng đối với trong nước và khu vực; hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi để xây dựng thành khu vực cửa ngõ phát triển hướng ra biển Đông của quốc gia và cả bán đảo Đông Dương; có vị trí chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế theo hành lang kinh tế Đông-Tây; Bắc-Nam và phát triển giao thương thuận lợi với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tạo thể mạnh phát triển các ngành kinh tế biển của cả nước, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa nói riêng; góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia.

Về định hướng phát triển ngành nghề trọng tâm, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong tập trung vào 4 ngành nghề gồm: Dịch vụ vận tải biển; dịch vụ thương mại-tài chính; dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục; phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Trước đó, tháng 10/2017, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành lấy ý kiến của cử tri huyện Vạn Ninh, theo đó trên 96 nghìn cử tri trong huyện (chiếm tỷ lệ hơn 97%) đã đồng ý với Đề án này. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao Ủy ban Nhân dân tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định(Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục