Khai thác và tận dụng tốt thị trường, Đồng Nai xuất siêu gần 2 tỷ USD; Thông qua cơ chế đặc thù giúp TP HCM cất cánh từ 2018; Hàng loạt lô hàng tôm Minh Phú bị Mỹ từ chối vì kháng sinh; Cựu quản lý quỹ đầu cơ Mỹ: Thích bitcoin thì đến Vegas mà đánh bạc
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-12-2017
- Cập nhật : 07/12/2017
Cuộc chiến dầu mỏ có thể sớm trở lại
Giá dầu ngày 5/12 tăng nhẹ nhờ dư âm từ việc OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm sau. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận làm tăng triển vọng sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ và kích hoạt một cuộc chiến mới.
Sau khi sụt 1,5% trong phiên trước, giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 1 tăng 15 cent, tương đương 0,3%, lên 57,62 USD/thùng tại thị trường New York.
Giá dầu Brent giao tháng 2 tăng 41 cent, tương đương 0,7%, lên 62,86 USD/thùng tại thị trường London.
Theo, Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Forex.com, OPEC và một số nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, tuần trước đã thống nhất gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng đến hết năm sau. Tuy vậy, các nước này để ngỏ khả năng xem xét lại thời hạn của thỏa thuận tại một cuộc họp vào tháng 6 dựa trên tình hình thực tế.
“Điều này có nghĩa có khả năng các nước đó sẽ chấm dứt thỏa thuận sớm hơn dự kiến”, Razaqzada nói.
Do giá dầu đã cao hơn nhiều so với mức đáy trong năm 2016, OPEC và Nga sẽ không có nhiều động lực để kìm chế lẫn nhau, nhất là khi các công ty dầu đá phiến Mỹ tiếp tục gia tăng thị phần, Razaqzada phân tích. “Do đó, có rủi ro là thỏa thuận này sẽ kết thúc sớm, dẫn đến một cuộc chiến sản lượng mới”.
Ngược lại, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho rằng giá dầu có thể tăng trong năm 2018 do sự thắt chặt thái quá, có thể là do sự gián đoạn nguồn cung mới, hoặc nhu cầu tăng vượt dự báo, hoặc OPEC để tồn kho giảm mạnh.
Đến năm 2019, việc sản lượng dầu đá phiến tăng do giá lên cao sẽ khiến OPEC và Nga bơm thêm dầu vào thị trường, khiến giá dầu có thể đi xuống, các chuyên gia tại Goldman Sachs nói thêm.(Bizlive)
------------------------
Trung Quốc “dọn dẹp” thị trường cho vay online
Chiến dịch giảm thiểu các rủi ro cho hệ thống tài chính của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có thêm động thái mới khi mạnh tay “thanh trừng” ngành kinh doanh đầy hứa hẹn: Cho vay online quy mô nhỏ. Theo các chuyên gia, dù ngành công nghiệp này ẩn chứa nhiều vấn đề đáng quan ngại, nhưng xóa bỏ hoàn toàn có thể là một sai lầm lớn.
Trong tuần trước, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo sẽ có những thay đổi lớn đối với lĩnh vực cho vay online, theo chiến dịch giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính của Ủy ban Bình ổn tài chính và Phát triển.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ xóa sạch 157 doanh nghiệp cho vay online quy mô nhỏ, ngoại trừ một công ty nhà nước duy nhất và một doanh nghiệp tạo nền tảng điện tử lớn nhất đã được cấp giấy phép. Đồng thời, giới chức nước này đã tạm ngừng hoạt động xem xét chấp thuận đối với các đơn vị cho vay online mới trên toàn quốc.
Chiến dịch này được xem là biện pháp ngăn chặn các rủi ro đã sớm xuất hiện đối với ngành công nghiệp cho vay online, khi ngành này có tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây. Kể từ tháng 10/2015 cho tới tháng 10/2017, giá trị các khoản vay ngang hàng (peer - to - peer) trên nền tảng điện tử đã tăng 256%, lên mức 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Vấn đề nhức nhối nhất đối với sự mở rộng của hoạt động cho vay online đó là lãi suất. Mặc dù mức lãi suất chính thức mà các doanh nghiệp cho vay online công bố thường ở mức khoảng 10%/năm, nhưng thực tế, con số này thường lên tới gần 40%/năm.
Thậm chí, một vài trường hợp cá biệt có thể lên tới 100%/năm. Đây là lý do, dù Trung Quốc không nổi tiếng bởi ý niệm “bảo vệ người tiêu dùng”, nhưng vẫn phải bận tâm tới tình trạng này, khi có quá nhiều người đã tham gia vào các thương vụ vay mượn online.
Một mối lo ngại khác tại ngành công nghiệp cho vay online là chất lượng của khoản vay. Việc các nền tảng điện tử cho vay sinh sôi quá nhanh và tốc độ tăng trưởng giá trị vay nhanh chóng khiến các công đoạn như kiểm tra tín dụng, đảm bảo vốn, xét duyệt khoản vay bị coi nhẹ.
Điều này dẫn tới nhiều khoản vay không đảm bảo chất lượng và các vụ việc như doanh nghiệp thông qua mạng lưới cho vay online vay tiền của người dùng rồi biến mất trở thành hiện tượng không hiếm.
Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề này, tại sao vẫn có nhiều người tìm tới các doanh nghiệp cho vay online, thay vì hệ thống ngân hàng truyền thống? Một trong những lý do là các nhà băng Trung Quốc chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Trong bối cảnh ít có sự cạnh tranh, các ngân hàng Đại lục dành sự quan tâm chính tới các đối tượng khách hàng tổ chức.
Do vậy, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển nhanh chóng tại đây phải tìm tới các nền tảng cho vay online, chấp nhận mức lãi suất cao hơn khi có nhu cầu tín dụng. Thực tế, kể từ tháng 10/2016 cho tới tháng 10/2017, các khoản tiền gửi mới tại ngân hàng đã giảm 9,1%.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, thay vì xóa bỏ, giới chức Trung Quốc nên tận dụng những lợi ích mà hệ thống này mang lại. Trong đó, tác dụng dễ thấy nhất là cung cấp thêm cho khách hàng các lựa chọn sản phẩm tín dụng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp cho vay online còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn thường khó tiếp cận với các ngân hàng lớn.
Chưa kể, một lợi ích thiết thực của hệ thống cho vay online là các dữ liệu thu thập được từ khách hàng. Chẳng hạn, một số công ty Fintech Trung Quốc đang phát triển hệ thống thu nhận và phân tích dữ liệu, tạo ra nguồn tài nguyên mà mọi ngân hàng đều phải thèm muốn. Do đó, nếu được quản lý tốt, hệ thống cho vay online quy mô nhỏ sẽ trở thành một công cụ rất hữu hiệu cho nhiều đối tượng.
Với chiến dịch giảm thiểu các rủi ro tại hệ thống tài chính, Trung Quốc xứng đáng nhận được lời ca ngợi về các nỗ lực của mình. Tuy nhiên, việc hành động quá “mạnh tay” đối với lĩnh vực kinh doanh cho vay online có thể phá hủy một ngành công nghiệp đầy hứa hẹn, triệt bỏ đi nguồn cung sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực sự của người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì xóa bỏ, việc yêu cầu giám sát các khoản tín tụng, đòi hỏi xây dựng quỹ dự phòng cho các khoản vay có thể là một lựa chọn tốt hơn. Bởi nếu thiết lập được vị trí một cách vững vàng, lĩnh vực cho vay online quy mô nhỏ có thể mang lại những lợi ích khó tưởng tượng hết trong tương lai.(ĐTCK)
---------------------------
Kinh tế Australia đang tăng trưởng chững lại?
Trong năm nay, dù kinh tế Australia không tăng trưởng quá nhanh nhưng niềm tin doanh nghiệp cải thiện khi ngày một nhiều công ty thông báo tuyển dụng lao động.
Trong quý 3/2017, kinh tế Australia tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán. Điều này không khỏi khiến nhiều chuyên gia dự báo về khả năng Ngân hàng Trung ương Australia sẽ không tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng đôla Australia trong tương lai.
GDP quý 3/2017 tăng 0,6% so với quý trước đó và tăng 2,8% so với cùng kỳ. Cả hai mức tăng trưởng trên đều thấp hơn so với mức dự báo 0,7% và 3% do giới chuyên gia đưa ra lúc đó.
Tiêu dùng người dân tăng trưởng 0,1%, mức tăng trưởng thấp nhất từ tháng 12/2008. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân là 3,2% trong quý 3/2017, cao hơn so với mức 3% của quý trước đó.
Kinh tế Australia đang chuyển hướng nhiều hơn sang phát triển tập trung vào các ngành dịch vụ và giảm bớt hoạt động của ngành khai mỏ.
Trong năm nay, dù kinh tế không tăng trưởng quá nhanh nhưng niềm tin doanh nghiệp cải thiện khi ngày một nhiều công ty thông báo tuyển dụng lao động.
Cho đến hiện tại, Ngân hàng Dự trữ Australia đã phát đi tín hiệu sẽ không thay đổi chính sách trong ngắn hạn. Ngân hàng muốn gửi đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp rằng họ sẽ không sớm phải đối đầu với tình trạng lãi vay tiền tăng cao.
Những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Australia đang mang lại kết quả. Chỉ số niềm tin kinh doanh, chỉ số về môi trường hoạt động kinh doanh do RBA tính toán hiện đang ở mức cao kỷ lục, các doanh nghiệp đang đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, cùng lúc đó, người tiêu dùng Australia đang vay nợ ngập đầu, tăng trưởng mức lương người lao động ở mức quá thấp.
Cùng lúc đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt Australia đang tạm thời chững lại, tuy nhiên, nhu cầu của người Trung Quốc đối với dịch vụ giáo dục Australia đang ngày một tăng lên. Người Trung Quốc cũng đến Australia mua hàng ngày một nhiều.
Tính trong năm tài khóa 2017, người Trung Quốc đã tiêu đến 6,8 tỷ USD cho dịch vụ giáo dục của Australia. Còn trong năm 2016, hơn một triệu người Trung Quốc đến du lịch Australia, đến năm 2026, con số này ước tính sẽ tăng gấp ba.
Ngân hàng Trung ương Australia dự báo GDP Australia sẽ tăng khoảng 3% trong vài quý tới. (Bizlive)
------------------------
Hàn Quốc, Macau vào sổ đen 'thiên đường thuế' của EU
17 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa vào danh sách đen "thiên đường thuế" của Liên minh châu Âu (EU) có những cái tên lạ như Mông Cổ nhưng cũng có những cái quen như Hàn Quốc, Panama,...
"Thiên đường thuế", nơi không đánh thuế hoặc đánh thuế rất thấp các công ty, cá nhân đã kéo theo nhiều hệ lụy, nhức nhối nhất là tình trạng trốn thuế và chuyển tài sản ra nước ngoài.
Ngày 5-12, sau gần 10 tháng đàm phán căng thẳng, rốt cuộc các bộ trưởng tài chính EU đã chốt hạ danh sách đen các "thiên đường thuế" - nền tảng để EU có các bước đi tiếp theo nhắm vào các quốc gia và vùng lãnh thổ này.
Theo hãng tin Reuters, danh sách này gồm vùng lãnh thổ Samoa và Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, Bahrain, Barbados, Grenada, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), CH Quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad & Tobago, Tunisia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Những quốc gia và vùng lãnh thổ trên bị EU cáo buộc đã thực thi chính sách thuế không công bằng, không chia sẻ các thông tin tài chính quan trọng với EU. Đại diện EU nhấn mạnh còn một "danh sách xám" gồm 47 quốc gia và thực thể khác bị coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế của EU nhưng cam kết sẽ thay đổi.
Một số quốc gia vùng Caribe đã được "tha bổng", không bị đưa vào danh sách đen vì thiệt hại do các trận bão trong năm 2017. Tuy nhiên, EU khẳng định danh sách đen không phải là bất biến và sẵn sàng cập nhật, tức loại bỏ hoặc thêm vào, khi cần thiết và có sự thay đổi từ thực tế.
Câu hỏi được đặt ra bây giờ là ra danh sách đen và danh sách xám để làm gì? Cả hai sẽ trở nên vô nghĩa nếu chỉ liệt kê rồi để đó. Câu hỏi này đã được các bộ trưởng EU tranh cãi trong suốt thời gian qua.
Phía EU chỉ nói chung chung về "các biện pháp trừng phạt", trong đó sẽ liên quan tới "chính sách đối ngoại, quan hệ kinh tế và hợp tác phát triển" giữa EU với các nước, vùng lãnh thổ nói trên.
Bộ trưởng Tài chính Đức Peter Altmaier cho biết, dự kiến 17 nước và vùng lãnh thổ bị nêu tên trong "danh sách đen" trên có thể sẽ không được nhận tài trợ của EU. Các biện pháp trừng phạt khác sẽ được công bố trong vài tuần tới.
"Tôi hy vọng đây sẽ là một sự khởi đầu tốt vì chúng tôi đã nhất trí được mục tiêu đối phó với các hành vi trốn thuế và gian lận về thuế. Đây là một bước đi đầu tiên. Nhiều bước đi khác sẽ được chúng tôi công bố trong thời gian tới", ông Altmaier nói.
Ý tưởng lập một danh sách chung của EU về các "thiên đường thuế" được khởi xướng từ tháng 4-2016, sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới bị Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế phanh phui.(Tuoitre)