Lego lần đầu thắng kiện bản quyền ngay ở Trung Quốc; Một người Việt Nam đã giúp công ty Pháp lấy dự án điện lực lớn nhất lịch sử từ tay người Đức như thế nào?; Chánh án Tối cao nói về tội cố ý làm trái vụ ông Thăng; Bộ Tài chính: Các bộ, ngành chưa có khung lợi nhuận cho dự án BOT
Tin kinh tế đọc nhanh 09-12-2017
- Cập nhật : 09/12/2017
VinaCapital đã mua cổ phiếu FPT Retail với giá bao nhiêu?
Hiện Tập đoàn FPT vẫn chưa tiết lộ số cổ phần cũng như mức giá chào bán cổ phần của FPT Retail trong đợt IPO tới.
Trong một thông cáo ngày 11/8, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do Tập đoàn VinaCapital quản lý, cho biết đã đầu tư 11 triệu USD, tương đương 250 tỷ đồng, vào Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail).
Tuy VOF không cho biết cụ thể lượng cổ phiếu hiện nắm giữ tại FPT Retail, nhưng thông tin rằng quỹ này là một trong số ít nhà đầu tư tổ chức mua lượng cổ phần lớn nhất trong đợt Tập đoàn FPT thoái 35% vốn tại FPT Retail.
Tại buổi roadshow ngày 7/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, cho biết VinaCapital hiện nắm giữ 15% cổ phần tại nhà bán lẻ di động lớn thứ hai tại Việt Nam. FPT hiện nắm 55% vốn, Dragon Capital nắm 20%, và 10% còn lại do người lao động sở hữu.
Với vốn điều lệ không đổi ở mức 200 tỷ đồng, tương đương 20 triệu cổ phần, từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ 15% cổ phần tương ứng với 3 triệu cổ phiếu.
Theo tính toán của người viết, như vậy, VinaCapital đã trả khoảng 83.300 đồng cho mỗi cổ phiếu của FPT Retail trong đợt FPT thoái vốn hồi tháng 8.
Cũng theo thông tin tại buổi roadshow, EPS của FPT Retail trong 12 tháng gần nhất đạt 6.428 đồng/cp, và dự kiến đạt 7.267 đồng/cp năm 2017 và 9.914 đồng/cp năm 2018 (sau khi chia cổ tức thưởng 1:1).
Ngoài ra, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của FPT Retail tính đến tháng 9/2017 đạt 34.525 đồng/cp.
Như vậy, theo giá được VinaCapital mua, P/E của FPT Retail là 12,96x và P/B là 2,4x.
Trong khi đó CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG), nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất tại Việt Nam, hiện có P/E đạt khoảng 20,8x và P/B khoảng 7,9x, theo báo cáo của FPT Retail.
Tính đến 13h30 ngày 8/12, cổ phiếu của MWG đang tăng 0,6% đạt 129.500 đồng/cp.
Tại buổi roadshow, Chủ tịch kiêm CEO của FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp từ chối trả lời số cổ phần cũng như mức giá sẽ chào bán trong đợt IPO tới. Tuy nhiên, bà cho biết FPT có thể bán ra 8% cổ phần cho công chúng. (Bizlive)
----------------------------
EU và Nhật Bản đạt thỏa thuận về FTA
Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ngày 8/12 thông báo đã hoàn tất các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA), trong đó hai bên hướng tới việc thực thi thỏa thuận này vào đầu năm 2019.
Tuyên bố chung của Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định hai bên hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán Thỏa thuận Đối tác Kinh tế giữa EU và Nhật Bản.
Thỏa thuận trên sẽ mở cửa thị trường EU cho các sản phẩm ô tô và phụ tùng của Nhật Bản, trong khi các sản phẩm bơ sữa và nông nghiệp của EU có thể tiến vào thị trường Nhật Bản.
Tháng 7 vừa qua, sau khi đạt được đồng thuận chính trị rộng rãi về FTA, hai bên đã đặt mục tiêu hoàn tất các nội dung thỏa thuận với hy vọng có thể ký kết vào mùa Hè tới và đưa vào thực thi vào năm 2019. Theo các nguồn tin, để đạt được thỏa thuận này, hai bên dường như đã quyết định không cho vào FTA mục giải quyết tranh chấp đầu tư và sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề này.
Vấn đề giải quyết tranh chấp cho phép một công ty có thể kiện chính phủ đòi bồi thường, nếu như họ cho rằng quyết định của chính phủ đã làm tổn hại đến đầu tư của doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề trên, Tokyo vẫn luôn kêu gọi việc sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp hiện hành trong đó, công ty và chính phủ sẽ cùng chọn ra bên trung gian hòa giải khi tranh chấp.
Tuy nhiên, EU phản đối cách tiếp cận này và đề xuất thiết lập một tòa án đầu tư thường trực với các bên trung gian do chính phủ chọn ra. Phía Nhật Bản tỏ ra quan ngại về lập trường này bởi việc đơn phương chọn bên trung gian sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích của doanh nghiệp.(Baotintuc)
--------------------------
Bitcoin 'điên cuồng' vượt ngưỡng 19.000 USD
Chỉ một năm trước bitcoin còn ở dưới mức 800 USD, nhưng giờ đây đồng tiền này đã lập đỉnh cao mới khi vượt ngưỡng 19.000 USD sau vài ngày tăng giá liên tục.
Theo CNBC, trong phiên giao dịch sáng nay 8.12 trên sàn giao dịch Coinbase, bitcoin đã chạm mức cao kỷ lục 19.340 USD trước khi giảm hơn 20% xuống còn 15.198,63 USD. Tuy nhiên, sau đó không lâu đồng tiền này lại tăng trở lại lên mức 16.362,99 USD. Hiện bitcoin đang được giao dịch quanh mức 17.000 USD, tăng gần 3.000 USD so với mức 14.400 USD trong phiên giao dịch hôm qua 7.12.
Coinbase là một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba lượng giao dịch bitcoin toàn cầu. Giá bitcoin tại sàn giao dịch này cũng thường cao hơn so với các sàn giao dịch khác.
Hiện giá trị thị trường của bitcoin đã hơn 270 tỉ USD, nâng vị thế của bitcoin trong danh sách 20 cổ phiếu lớn nhất trong bảng xếp hạng của S&P 500. Sự thay đổi liên tiếp này diễn ra kể từ khi bitcoin phục hồi nhanh chóng, bật tăng lên mức 12.000 USD hôm 5.12 sau khi sụt giảm 20% giá trị hồi tuần trước. Cơn sốt bitcoin càng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi đồng tiền này tiếp tục nhảy vọt qua ngưỡng 15.000 USD chỉ một ngày sau đó.
“Bitcoin bây giờ giống như một chiếc xe không phanh. Số lượng người mới lao vào thị trường này đông tới mức không thể dò được”, Shane Chanel, cố vấn của công ty dịch vụ đầu tư ASR Wealth Advisers, nhận định.
Bitcoin bắt đầu năm 2017 dưới mức 1.000 USD. Tuy nhiên giá trị của nó đã tăng nhanh khi các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn. Hai sàn giao dịch lớn ở Mỹ là CBOE và CME mới đây đã thông báo chính thức về thời gian phát hành hợp đồng kỳ hạn tương lai bitcoin. Động thái này đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực thiết lập tiền tệ số như một loại tài sản hợp pháp. Song, một nghiên cứu được công bố trong tuần này của Natixis Investment Managers, công ty quản lý tài sản lớn của Pháp, cho thấy 64% các nhà đầu tư nghĩ rằng bitcoin là “tài sản bong bóng”.(Thanhnien)
----------------------------
Viettel: Thương hiệu số 1 Việt Nam với giá trị 2,569 tỉ USD
Brand Finance, nhà tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, đã công bố danh sách 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2017, trong đó Viettel là thương hiệu số 1 Việt Nam với giá trị thương hiệu được xác định là 2,569 tỉ USD.
Ngày 4-12, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) phối hợp với công ty định giá hàng đầu thế giới Brand Finance tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2017 với chủ đề "Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế".
Theo đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng số 1 trong danh sách với giá trị thương hiệu được xác định là 2,569 tỉ USD. Giá trị của thương hiệu Viettel năm nay gấp gần 3 lần so với lần công bố trước đó của Brand Finance (năm 2016).
Viettel chiếm gần 22,8% tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 được Brand Finance xếp hạng. Ngành viễn thông nói chung (gồm Viettel) cũng chiếm tới 35% tổng giá trị trong bảng xếp hàng 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 của Brand Finance.
Trước đó, Viettel cũng được Vietnam Report xếp số 1 trong số 1.000 công ty có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2017 và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xếp số 1 trong danh sách 1.000 công ty nộp thuế lớn nhất Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu Tập đoàn Viettel đạt 118.000 tỉ đồng, đạt 100,1% so với kế hoạch và lợi nhuận trước thuế đạt 21.672 tỉ đồng, đạt 101% so với kế hoạch.
Tháng 4-2017, Viettel đã trở thành mạng viễn thông đầu tiên khai trương dịch vụ 4G tại Việt Nam, với công nghệ 4 thu 4 phát (trên thế giới chỉ có dưới 60 nhà mạng có công nghệ này). Hạ tầng 4G của Viettel là lớn nhất, với 36.000 trạm BTS phủ sóng toàn quốc và chiếm tới 72% tổng số trạm 4G của Việt Nam.
Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viettel đã sản xuất thành công vOCS 3.0 (hệ thống tính cước theo thời gian thực còn được gọi là "trái tim nhà mạng") với dung lượng tối đa 24 triệu số/site - lớn nhất thế giới. vOCS 3.0 đã được chuyển đổi thành công cho hệ thống mạng với hơn 90 triệu thuê bao tại Việt Nam và ở 5 thị trường quốc tế khác.
Trên thế giới, Viettel trở thành công ty hiếm hoi là một nhà mạng nhưng tự sản xuất được hệ thống tính cước thời gian thực, vốn được ví như Core Banking trong hệ thống ngân hàng nhưng có độ phức tạp, và quy mô lớn hơn hiều lần.
Đi kèm với hệ thống vOCS 3.0, Viettel đã thử nghiệm và sản xuất thành công trạm BTS 4G và đã lắp đặt, đầu tư tại một thị trường quốc tế; sản xuất thành công smartphone bảo mật 4G…
Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017 có nhiều diễn giả nổi tiếng là lãnh đạo đại diện các công ty nghiên cứu thị trường, công ty định giá thương hiệu và các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực thương hiệu. Chủ đề mà các diễn giả hướng tới là "Vai trò của hoạt động định giá tài sản thương hiệu" cũng như "Thực trạng về nhu cầu và những thách thức khi tiến hành hoạt động định giá thương hiệu" tại Việt Nam. Ngoài ra, diễn đàn còn đi sâu khai thác cũng như giải đáp những thắc mắc về bài toán thương hiệu tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.(NLĐ)