Những con “Cá voi” trong cuộc chơi Bitcoin; Bộ Công Thương đã họp bàn cách ứng phó với cáo buộc thép Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt; Kỳ vọng bùng nổ xuất khẩu nhờ EVFTA; Trung Quốc sẽ tổng điều tra kinh tế toàn quốc lần thứ tư
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 09-12-2017
- Cập nhật : 09/12/2017
Vestas muốn thống lĩnh thị trường điện gió Việt Nam
Dự báo sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư vào ngành điện gió nếu Chính phủ nâng giá mua điện từ nguồn này. Và Vestas không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Tập đoàn cung cấp tua-bin điện gió Vestas (Đan Mạch) là một trong những doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường điện gió Việt Nam từ những dự án đầu tiên. Mới đây lãnh đạo tập đoàn này đã không giấu diếm tham vọng giành thêm các hợp đồng mới tại thị trường còn non trẻ này.
Ngày 7/12, đại diện Vestas châu Á - Thái Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Tân Hoàn Cầu về việc tiến hành nghiên cứu về sức gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, mở đường cho việc phát triển các trang trại điện gió mới ở đây.
Theo đó, Tân Hoàn Cầu sẽ hợp tác với Vestas nghiên cứu tiềm năng điện gió của khu vực này và đề xuất tổng công suất tiềm năng. Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, hai bên sẽ được phát triển theo giai đoạn thông qua 6 tiểu dự án với công suất tối thiểu 30MW/dự án.
Hiện Vestas đã cung cấp tua-bin cho dự án điện gió Phú Lạc do CTCP Phong Điện Thuận Bình đầu tư tại tỉnh Bình Thuận và dự án Hướng Linh 2 (Quảng Trị), với công suất 30MW/dự án.
Ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trong khối ASEAN và đang có những nỗ lực đáng khen ngợi trong việc phát triển năng lượng gió. Vestas sẽ tham gia, mở rộng và nâng cao năng lực tại thị trường Việt Nam, hướng đến một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn”.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty Vestas Việt Nam, cho rằng Vestas không ngại cạnh tranh với các nhà cung cấp giải pháp điện gió khác tại Việt Nam, bởi Vestas là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này và luôn cố gắng tạo ra khoảng cách công nghệ với các đối thủ khác.
Vestas đang tích cực tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng khác, từ Quảng Bình đến Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Vestas sẽ cùng làm việc với các nhà tài trợ vốn để giúp nhà đầu tư dỡ bỏ rào cản vốn, ông Dũng nói thêm.
Trao đổi với BizLIVE bên lề Hội thảo Đầu tư và Lợi nhuận từ năng lượng gió ngày 7/12, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tổng công ty Tân Hoàn Cầu, cho biết Tân Hoàn Cầu quyết định hợp tác với công ty hàng đầu thế giới Vestas để tiến hành dự án này do muốn tiếp cận các công nghệ và mô hình tua-bin gió tiên tiến nhất, mang tính đồng bộ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trả lời việc liệu có làn sóng đầu tư mới vào ngành điện gió hay không nếu Chính phủ chấp thuận tăng giá mua điện (FIT) gió trên bờ thêm 12% lên mức 8,77 cent một kWh, tương đương 2.000 đồng/kWh, ông Huế cho rằng việc tăng giá mua điện thêm 1 cent/kWh thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ.
Tuy nhiên, ngay cả khi được tăng, giá mua điện mới vẫn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như Hàn Quốc và Thái Lan, ông Huế nói.
Trước nhu cầu điện ngày càng tăng, Tân Hoàn Cầu đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phát triển thêm, trong đó có xây lắp, tư vấn và con người, ông Huế cho biết.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Chính phủ đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. (Bizlive)
-------------------------
Xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ cả nước mới chỉ dừng ở khâu gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cho rằng, cần phải có cơ chế và lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành này trong thời gian tới.
Báo cáo từ Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho hay, hiện ngành chế tạo ô tô tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5 - 20%; ngành điện tử từ 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; ngành cơ khí chế tạo khoảng 15 - 20%. Đặc biệt, chỉ có 0,3% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây thực sự là con số khiêm tốn khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Thực trạng này đang khiến cho nhiều ngành nghề trong nước phải chịu cảnh phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Kết, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí sản xuất thiết bị Đoàn Kết cho rằng, với vốn yếu, cơ sở vật chất còn lạc hậu so với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, thì cộng đồng doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp của Việt Nam rất cần các chính sách hỗ trợ cụ thể và có lộ trình rõ ràng của Chính phủ.
Cần phải có cơ chế và lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
“Doanh nghiệp không chỉ cần đến những hỗ trợ như vốn ưu đãi, thuế phí…; mà đơn giản chỉ cần có hỗ trợ về mặt bằng phục vụ cho việc sản xuất cũng đã là tốt rồi. Đơn cử như việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vưào các cụm công nghiệp địa phương nhằm đảm bảo mặt bằng sản xuất, an toàn cho môi trường…, nhưng cũng đã là rất khó. Doanh nghiệp rất mong muốn nhưng không thể chen chân vào được.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp phải “tư bơi”, tự tìm hiểu cả về công nghệ, định hướng phát triển thị trường, thiết kế sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm…, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Đoàn Kết cho biết thêm.
Cũng theo Chủ tịch HANSIBA, ông Nguyễn Hoàng, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và cả nước mới dừng ở gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, công nghệ vẫn còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang bị cạnh tranh rất quyết liệt bởi các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải thu hẹp, chuyển hướng sản xuất, thậm chí phải dừng sản xuất, phá sản.
Ông Nguyễn Hoàng cũng đề nghị, cần sớm có Luật Công nghiệp hỗ trợ và xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành này. Bởi đây là ngành nghề nền tảng, là cơ sở để phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng "Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt chuẩn", đảm bảo rõ ràng, cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất khác nhau, phù hợp yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời xác định ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hình thành phát triển khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu… Từ đó, sẽ tạo thành chuỗi liên kết phát triển các doanh nghiệp.
Với số lượng ít ỏi, chỉ khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ tiêu chuẩn, thì rất cần Chính phủ đưa ra những chính sách ưu đãi cho những đầu tư ban đầu, để tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như vốn vay, công nghệ và đào tạo nhân lực…,
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), một giải pháp quan trọng và thiết thực hơn để vực dậy các doanh nghiệp ngành, là Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ rõ nét hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ.
Đơn cử bằng việc tổ chức nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các khu, cụm công nghiệp để sản xuất một cách tập trung hơn, tạo được sức mạnh liên kết, đoàn kết các doanh nghiệp nhỏ với nhau… Ngoài sự vào cuộc của nhà quản lý, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất tốt để có giá cạnh tranh…(TTXVN)
----------------------
Nhật Bản muốn đầu tư các công trình giao thông tại VN
Đó là phát biểu của ông Junichi Kawaue, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, trong buổi đối thoại về 'Hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng - Kiến tạo tương lai châu Á' do Chính phủ Nhật Bản tổ chức ngày 7.12 tại TP.HCM.
Ngoài việc tiếp tục đóng góp các công trình giao thông quan trọng tại TP.HCM như tuyến metro số 1, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu các dự án nhằm tăng cường kết nối cảng Đà Nẵng với hành lang kinh tế Đông Tây, cảng Cái Mép - Thị Vải kết nối hành lang kinh tế phía nam.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đang kêu gọi các đối tác quốc tế đầu tư về tư vấn, công nghệ, tài chính, trong đó có Nhật Bản. Ngoài ra, TP đã và đang quy hoạch phát triển quỹ đất sạch phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp.(Thanhnien)
----------------
Doanh nhân Mỹ đoán 'bong bóng' bitcoin vượt 100.000 USD trước khi nổ tung
Tom Peterffy – nhà sáng lập hãng môi giới Interactive Brokers dự đoán bitcoin có thể tiếp tục tăng lên 100.000 USD hoặc cao hơn nữa trước khi trở về con số 0. “Nó có thể đánh sập các công ty môi giới nhỏ trong quá trình này”, Peterffy chia sẻ mối lo ngại trên “Fast Money” của CNBChôm qua.
Theo Peterffy, các hãng môi giới nhỏ hơn sẽ phá sản. Ông cảnh báo điều này sẽ gây bất ổn cho các phòng thanh toán bù trừ.
Peterffy cho biết ông không sở hữu một bitcoin nào. “Tôi cực kỳ tò mò, thật đáng ngạc nhiên là sao mọi người lại ngớ ngẩn như thế được”, CEO Interactive Brokers cho hay.
Cách đây vài ngày, Stephen Roach - giảng viên tại Đại học Yale, kiêm cựu kinh tế trưởng tại Morgan Stanley cũng nhận định bitcoin là “một khái niệm độc hại với các nhà đầu tư”. Roach được coi là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất phố Wall.
Dù Peterffy đã báo động các mối nguy hiểm từ bitcoin, công ty của ông vẫn cho phép nhà đầu tư tiếp cận các sản phẩm hợp đồng tương lai của đồng tiền ảo này với mức ký quỹ 50%.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hợp đồng tương lai đang bày tỏ lo ngại về sự ra đời nhanh chóng của sản phẩm hợp đồng tương lai bitcoin. Hiệp hội Lĩnh vực Hợp đồng Tương lai (FIA) cho rằng sản phẩm mới này được đưa ra thị trường mà chưa suy xét đầy đủ các rủi ro. FIA lo ngại sự biến động của các đồng tiền ảo và rủi ro mà các hãng thanh toán bù trừ phải gánh chịu khi các giao dịch hợp đồng tương lai bitcoin bắt đầu.
Hiện tại, mỗi bitcoin đang được giao dịch quanh gần 15.000 USD trên sàn Coindesk. Tổng giá trị vốn hóa của đồng tiền ảo này hiện đạt 248 tỷ USD.
Coinbase - sàn giao dịch bitcoin lớn nhất nước Mỹ đã gặp sự cố, phải dừng vài giờ trong đêm qua khi giá bitcoin gần chạm 20.000 USD. Hiện tại, Coinbase đã hoạt động bình thường, mỗi bitcoin trên sàn này đang được giao dịch quanh mốc gần 16.000 USD.
bitcoin liên tục phá đỉnh những ngày gần đây chủ yếu nhờ thông tin các sàn giao dịch lớn trên thế giới sắp ra mắt hợp đồng tương lai bitcoin. CBOE sẽ tung sản phẩm này ra thị trường vào Chủ nhật. Còn sàn giao dịch phái sinh lớn nhất thế giới – CME cũng sẽ ra mắt hợp đồng tương lai bitcoin trong tuần tới.(Vnexpress)