tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-12-2017

  • Cập nhật : 09/12/2017

“Ông lớn” CIMB của Malaysia chọn Việt Nam để khởi động ngân hàng số

CIMB, ngân hàng lớn thứ hai ở Malaysia về tổng tài sản đã chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên trong kế hoạch mở dịch vụ ngân hàng số (digial banking) tại Đông Nam Á, Bloomberg đưa tin.

anh minh hoa. nguon: berita daily

Ảnh minh họa. Nguồn: Berita Daily

CEO của CIMB Tengku Zafrul Abdul Aziz cho biết ngân hàng này sẽ triển khai ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 1/2018, sau đó sẽ là Philippines. Cả hai thị trường này đều mới mẻ đối với CIMB.

Ngoài ra, nhà băng này cũng có thể xem xét việc mở một ngân hàng số ở Thái Lan trong 2 đến 3 năm tới.

Để nhanh chóng mở rộng quy mô tại các thị trường mới, CIMB sẽ liên kết với các đối tác sở tại. Ngân hàng này dự kiến kết hợp với các nhà bán lẻ và các công ty viễn thông để “xây dựng một hệ sinh thái mạnh”, ông Tengku Zafrul cho biết.

Theo vị CEO này, với dịch vụ ngân hàng bán lẻ số, ngân hàng có thể giảm tỷ lệ chi phí/lợi nhuận từ khoảng 50% xuống còn 20-30% khi mở rộng trong 5 đến 10 năm tới. Tiết kiệm chi phí là một trong những yếu tố giúp CIMB cải thiện biên lợi nhuận trong 2 năm tới.

Nhờ lợi nhuận của ngân hàng tăng, cổ phiếu của CIMB đã tăng 32% từ đầu năm, cao hơn chỉ số chính của thị trường chứng khoán Malaysia. Dù giảm số lượng nhân viên ở một số khu vực, ngân hàng này vẫn đang mở rộng ở Đông Nam Á và tăng cường mảng quản lý tài sản và ngân hàng đầu tư.

Tháng 8/2016, CIMB được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài với tên đầy đủ bằng tiếng Việt là Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam và có vốn điều lệ 3.203 tỷ đồng.

Đây là ngân hàng 100% vốn Malaysia thứ hai được cấp phép thành lập tại Việt Nam, sau Ngân hàng Public Bank Berhad (Malaysia).

Tháng 3/2016, Public Bank Berhad nhận được giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài thông qua việc mua lại 50% cổ phần của VID Public từ đối tác Việt Nam là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).(Bizlive)
------------------------

Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với thép Việt Nam

Ngày 7.12, Bộ Công thương ra thông báo về việc Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ VN.

Theo đó, phía Mỹ sơ bộ khẳng định, việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua VN để xuất khẩu sang nước này. Hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ VN nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc.

Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD là 199,43% và CVD là 39,05% đối với tôn mạ và mức thuế AD là 265,79% và thuế CVD là 256,44% mà Mỹ đang áp dụng cho sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc.

Theo Bộ Công thương, trong quy định về Quy tắc xuất xứ của WTO, sản phẩm sẽ được coi là xuất xứ của một nước nếu đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể để tạo ra sản phẩm đó. Việc thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, rồi xử lý để trở thành tôn mạ được coi là “chuyển đổi đáng kể”. Vì vậy, tôn mạ sản xuất tại VN dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác vẫn được coi là có xuất xứ VN.

Thế nhưng Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi trên là “chuyển đổi đáng kể”. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và DN trong giai đoạn tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN, phù hợp với quy định của WTO.(Thanhnien)
----------------------------

Hòa Phát không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh thuế chống bán giá thép của Mỹ

Trong khi đợt điều chỉnh thuế thép chống ăn mòn và cán nguội có thể nhắm tới HSG và NKG thì HPG không chịu ảnh hưởng do công ty chỉ xuất khẩu thép dài.

Theo báo cáo SSI Research, Bộ Thương mại Mỹ mới đây tuyên bố áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Trung Quốc đối với thép chống ăn mòn và cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 531%, trong khi thép chống ăn mòn sẽ phải đối mặt với mức thuế 238%. Các mức thuế cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, sau khi thuế chống bán phá giá áp dụng lên các sản phẩm thép Trung Quốc năm 2015, giá trị thép cuộn cán nguội của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 11 triệu USD/năm lên 295 triệu USD/năm, đóng góp 2,68% tăng trưởng mặt hàng Việt xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đợt điều chỉnh thuế thép chống ăn mòn và cán nguội có thể nhắm tới một số công ty sản xuất thép Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) không chịu ảnh hưởng do công ty chỉ xuất khẩu thép dài. Hiện tại, lượng thép xuất khẩu chiếm khoảng 40-45% tổng lượng thép của HSG và NKG.

Tuy nhiên, SSI Research nhận định đợt điều chỉnh thuế này không ảnh hưởng nhiều đối với các công ty trên. Thực tế, các công ty sản xuất thép dẹt của Việt Nam nhận thức được rủi ro Mỹ áp dụng các biện pháp bảo vệ nên đã chủ động xuất khẩu sang 50-70 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trong đó có ASEAN, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ... Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường Mỹ chỉ tiêu thụ 13% lượng thép xuất khẩu khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017, chỉ bằng 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ tốc độ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép tăng mạnh. Do đó, có thể ước tính rằng khối lượng thép xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 5-7% tổng doanh số bán hàng của HSG và NKG. Mặc dù các công ty giảm thị phần thép xuất khẩu sang Mỹ nhưng lượng thép mạ trong 10 tháng 2017 đạt được mức tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, ngoài việc nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, HSG và NKG cũng đang đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu trong nước cũng như các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản... Do đợt điều chỉnh thuế nhắm vào các sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, các công ty xuất khẩu của Việt Nam có thể tránh điều này bằng cách tận dụng thép cuộn cán nóng mua từ các nguồn khác và đưa ra các chứng chỉ xác minh nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác, không phải từ Trung Quốc.(NDH)
-------------------------

Elon Musk 'thách' CEO Boeing đưa người lên sao Hỏa trước

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 7/12, CEO Boeing Dennis Muilenburg khẳng định hãng này sẽ đưa người đầu tiên lên sao Hỏa chứ không phải công ty công nghệ vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Sau khi Fortune đăng tin tức này lên Twitter, ông trùm công nghệ chỉ đơn giản trả lời: "Làm đi".

musk 'thach' muilenburg len sao hoa truoc (nguon: ib times uk).

Musk 'thách' Muilenburg lên sảo Hỏa trước (Nguồn: IB Times UK).

Đây không phải là lần đầu tiên Muilenburg thách thức Musk. "Tôi tin rằng người đầu tiên bước chân lên sao Hỏa sẽ đi bằng một chiếc tên lửa Boeing", ông nói tại hội thảo công nghệ ở Chicago hồi năm ngoái.

Những năm gần đây, Musk được được xem là đại diện sáng giá cho mục tiêu định cư trên sao Hỏa vì liên tục thông báo những thành tựu lớn trong hoạt động chế tạo tên lửa. Theo vị tỷ phú, SpaceX có thể bắt đầu nhiệm vụ tới sao Hỏa vào năm 2022. Trong khi đó, Muilenburg tuyên bố Boeing sẽ bắt đầu chuyến bay thử đầu tiên đến "hành tinh Đỏ" vào năm 2019.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục