Mỗi ngày Cục Thuế TP.HCM phải thu hơn 1.000 tỉ đồng; Mỹ quyết định sơ bộ về điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam; Bổ nhiệm nhân sự chủ chốt 20 địa phương; Khánh Hòa ra nghị quyết tán thành đề án lập đặc khu Bắc Vân Phong
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-12-2017
- Cập nhật : 06/12/2017
Sốt ruột với giấy phép đầu tư vào Trung Quốc, LG Display rót thêm 1,1 tỷ USD vào Việt Nam
Việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam là một động thái giúp hãng sản xuất màn hình này phòng ngừa rủi ro khi chưa nhận được giấy phép đầu tư vào Trung Quốc.
Công ty LG Display (Hàn Quốc) vừa quyết định sẽ đầu tư thêm 1,1 tỷ USD để mở rộng nhà máy sản xuất màn hình công nghệ cao (OLED) tại nhà máy tại Hải Phòng, trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc chần chừ chưa chấp thuận cho “ông lớn” này xây nhà máy sản xuất màn hình OLED đầu tiên tại Trung Quốc.
Để thực hiện dự án mở rộng, LG Display sẽ huy 500 triệu USD từ việc tăng vốn và vay nợ 600 triệu USD, và tiến hành trong 4 năm, tờ The Investor đưa tin.
Đầu tháng 5/2016, Công ty LG Display Việt Nam đã khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), để sản xuất màn hình cho các thiết bị di động với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1,5 tỷ USD.
Đây là dự án công nghệ sản xuất màn hình hiện đại được LG Display lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Giá nhân công thấp và khoảng cách địa lý gần Trung Quốc được cho là lý do khiến LG Display xây dựng nhà máy này.
Việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam là một động thái giúp hãng sản xuất màn hình này phòng ngừa rủi ro khi chưa nhận được giấy phép đầu tư vào Trung Quốc, theo The Investor.
Tháng 7 năm nay, LG Display đệ đơn xin Chính phủ Hàn Quốc cấp giấy phép để đầu tư vào nhà máy OLED ở Quảng Châu, Trung Quốc trị giá 5.000 tỷ won (tương đương 4,6 tỷ USD). Do OLED là công nghệ được nhà nước trợ cấp nên bất kỳ kế hoạch nào đầu tư ra nước ngoài cũng cần được Chính phủ “gật đầu”.
Một ủy ban bao gồm các chuyên gia điện tử thuộc Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng được lập ra để xem xét việc cấp phép. Việc trì hoãn được cho là do Chính phủ lo ngại công nghệ này bị đánh cắp và muốn giữ ưu thế công nghệ với Trung Quốc.
Theo LG Display, nhà máy ở Trung Quốc, nếu được cấp phép sẽ tập trung vào sản xuất màn hình OLED cho tivi. Còn việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu màn hình tivi và đối phó với sự cạnh tranh từ các đối thủ khác.
Dự kiến Chính phủ Hàn Quốc sẽ ra quyết định có cấp phép cho LG Display xây nhà máy OLED ở Trung Quốc hay không vào tháng này.(Bizlive)
---------------------------
Đua nhau trồng, cam Cao Phong mất giá mạnh
Giá cam sành ở ĐBSCL có loại chỉ còn 4.000-6.000 đồng/kg, giảm 1/3 giá so với năm ngoái. Trong khi đó, tại thủ phủ cam Cao Phong, các chủ vườn cho biết giá cam cũng đang giảm mạnh do người dân ồ ạt trồng, cam lại được mùa khiến cung vượt cầu.
Theo Bộ NN&PTNT, nửa cuối tháng 11, người dân ĐBSCL đang thất thu lớn vì giá cam sành tại các tỉnh này giảm 1/3 so với năm ngoái. Cụ thể, giá cam loại 1 thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg; các loại còn lại dao động từ 4.000-6.000 đồng/kg, tức giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Các nhà vườn ở ĐBSCL cho biết, chi phí trồng mỗi 1ha cam sành hết khoảng 500-700 triệu đồng. Trong khi, với mức giá bán hiện tại, họ đang thua lỗ nặng, đặc biệt là những vườn mới cho quả trong năm nay.
Nguyên nhân khiến giá cam sành giảm, theo các thương lái và nhà vườn, là do sản lượng cam sành quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu nên giá giảm thê thảm.
Tương tự, tại thủ phủ cam Cao Phong (Hòa Bình), sau mấy năm được mùa, nông dân trồng cam trúng lớn thì năm nay, giá cam tại địa phương này lại quay đầu giảm mạnh.
Anh Bùi Văn Khánh, ở thị trấn Cao Phong, chia sẻ, mùa cam năm nay, số lượng thương lái đến tận vườn cắt không giảm, nhưng giá cam lại hạ xuống đôi chút. Nếu cuối năm ngoái, giá cam lòng vàng cắt tại vườn có giá 28.000-30.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 20.000 đồng/kg. Giá cam bán lẻ trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với mức 40.000-50.000 đồng/kg của năm ngoái.
Một số nhà vườn chia sẻ, nguồn cung đang vượt cầu do người dân ồ ạt mở rộng diện tích khiến giá cam giảm.
Ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết, mặc dù trải qua trận lũ lịch sử nhưng cam năm nay ở huyện Cao Phong vẫn được mùa và có chất lượng ổn định. Theo đó, giống cam lòng vàng cho thu hoạch sớm nhất trong các giống cam trồng ở Cao Phong. Đây cũng là giống cam ngon đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong nổi tiếng.
Ngoài cam ở Cao Phong, năm nay, ở Hòa Bình còn có thêm diện tích cam được trồng tại huyện Lạc Thủy và Kim Bôi. Với sản lượng khá dồi dào, giá cam có giảm chút ít. "Nhưng không có chuyện cam Cao Phong sắp "vỡ trận" vì sản lượng quá cao, không tiêu thụ hết", ông Tiệp khẳng định.
Theo thống kê của UBND huyện Cao Phong, tổng diện tích cây có múi của toàn huyện là trên 2.800ha, trong đó riêng cây cam là 1.652ha, ước tính cho 33.000 tấn quả. So với năm 2010, diện tích cam ở Cao Phong đã tăng gấp 4 lần.(VietnamNet)
-----------------------------
Quỹ “đất vàng” do Hapro sử dụng nằm ở những đâu, được phát triển như thế nào?
Theo phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Hapro vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, toàn bộ vốn nhà nước sẽ được thoái hết khi IPO, giá khởi điểm là 12.800/cp, tương ứng định giá Hapro ở mức 2.816 tỷ đồng.
Hapro có vốn điều lệ 2.200 tỷ, theo phương án được duyệt, 65% sẽ được bán cho đối tác chiến lược, 34,51% được bán đấu giá công khai và 0,49% được bán ưu đãi cho người lao động. Hoạt động kinh doanh chính của Hapro là thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại.
Năm 2016, Hapro đạt doanh thu hợp nhất gần 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng. Tổng công ty này được cho là hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả, tuy nhiên lại sở hữu thế mạnh mặt bằng thương mại, đều có vị trí đắc địa ở trung tâm các tỉnh, thành phố lớn.
Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý như Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng.
Dự án này được khởi công từ hồi năm 2010, có diện tích đất 1.624m2, mật độ xây dựng 55%, công trình cao 33m (bao gồm 09 tầng cao, 03 tầng hầm, 01 tầng tum…làm TTTM và văn phòng cho thuê). Dự án được cho là hợp tác với tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ và “đắp chiếu” thời gian dài, theo lãnh đạo Hapro lý do chậm là do kinh tế suy thoái dẫn đến khó khăn và việc điều chỉnh quy hoạch nâng chiều cao không được chấp thuận.
Ngoài ra, Hapro còn có dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh”. Dự án này có quy mô 15 tầng và 2 tầng hầm gồm có 5 tầng làm TTTM, 10 tầng làm văn phòng cho thuê.
Một đơn vị thành viên của Hapro là Hapro Holdings được thành lập vào 2007 chuyên đầu tư các khu mặt bằng thương mại như Quang Hanh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) 2ha, Bắc Giang (6000m2), Phủ Lý –Hà Nam (1922m2), Hưng Hà – Thái Bình 10.000m2, Đa Tốn – Gia Lâm 23.730m2, Sóc Sơn 6.340m2, Hapro Việt Trì 5,5ha…Ngoài ra, Hapro Holdings còn đang phát triển một khu biệt thự cao cấp ở Phú Quốc có diện tích 6,5ha.
Bên cạnh đó, một số công ty thành viên, công ty con mà Hapro đang nắm giữ cũng đang quả lý và sử dụng nhiều BĐS ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong 2016, Hapro đã thoái phần vốn nhà nước ở nhiều công ty con, công ty liên kết tuy nhiên vẫn chưa thoái hết phần vốn và tổng công ty này vẫn có kế hoạch thoái vào những năm tiếp.
Phần lớn quỹ đất các công ty này nắm giữ là đất thuê. Chẳng hạn Công ty CP Thương mại – Đầu tư Long Biên hiện đang quản lý 11 khu đất làm thương mại, văn phòng làm việc quanh khu Gia Lâm, Long Biên với tổng diện tích khoảng 10.000m2;
Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi đang quản lý tới 42 khu đất, trong đó có dự án TTTM số 10B Tràng Thi diện tích 1.800m2 cao 4 tầng với tổng mức đầu tư 2,5 triệu USD; dự án 47 Cát Linh 2.163m2, trong đó Tràng Thi sẽ phải bàn giao 1.000m2 (giáp mặt Cát Linh) để xây trụ sở UBND quận Đống Đa, phần còn lại được chấp thuận đầu tư dự án (hợp tác với Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS), khu đất vàng 2.098m2 tại số 12-14 Tràng Thi mà đơn vị này đặt làm trụ sở (đang đề nghị ký tiếp hợp đồng thuê đất)…(CafeF)
-----------------------
Nhà sản xuất giày thể thao NIKE tại Việt Nam trở thành cổ đông lớn của DIG
CTCP Tae Kwang Vina Industrial đã gom thành công 22,3 triệu cổ phần DIG, nâng sở hữu lên hơn 10,2%. Giao dịch được thực hiện trong ngày 28/11/2017.
Với lượng cồ phần nắm giữ tới 24,3 triệu cổ phần, tương đương 10,2% vốn của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG), CTCP Tae Kwang Vina Industrial (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn của DIG.
Trước đó, Tae Kwang Vina Industrial đã nắm giữ gần 1,96 cổ phần DIG.
Với việc gom 22,3 triệu cổ phần DIG vào ngày 28/11/2017, thị giá lúc đó là 19.250 đồng/cổ phần, dự đoán Tae Kwang Vina Industrial đã bỏ ra khoảng 430 tỷ đồng để mua số lượng cổ phần này.
Thông tin trong ngày 28/11/2017, cổ phiếu DIG có khối lượng giao dịch khủng lên tới trên 128,4 triệu cổ phần, trong đó Bộ Xây dựng thoái toàn bộ hơn 118 triệu cổ phần, tương đương 49,65% vốn.
Giao dịch của khối ngoại ghi nhận khớp lệnh hơn 32,6 triệu cổ phần, trong đó có 22,3 triệu cổ phần được khớp với bên mua là Tae Kwang Vina Industrial, còn 10 triệu đơn vị chưa xác nhận được nhà đầu tư nước ngoài nào đã rót vốn.
CTCP Tae Kwang Vina Industrial là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Hàn Quốc), được cấp giấy phép kinh doanh năm 2004, tại Khu Công nghiệp Biên Hòa II. Trụ sở chính đặt tại số 8 đường 9A, phường Long Bình, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là chuyên sản xuất giày thể thao, khuôn đúc và các thành phần khuôn đúc của giày, với nhãn mác NIKE.
Tae Kwang Vina Industrial cũngđang thực hiện một dự án xây dựng khu đô thị có vốn đầu tư 290 triệu USD tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Taekwang Vina Industrial dự tính đến năm 2017 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy điện với công suất 1.200MW, và đến năm 2021 sẽ hoàn thành xong giai đoạn 2 với công suất là 1.200MW.
Mới đây, ngày 27/11/2017, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited thuộc Dragon Capital bán bớt gần 2,5 triệu cổ phần DIG, giảm lượng sở hữu của cả nhóm từ 28,88 triệu xuống 26,39 triệu cổ phần (tỷ lệ 11,07%).
Ngày 29/11/2017, quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) bán qua sàn gần 840.000 cổ phần DIG, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn 16,35 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 6,86%.
DIG cũng đã có thông báo tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến từ ngày 11/1 - 20/1/2018. Ngày chốt danh sách cổ đông 20/12.
Nội dung họp bao gồm bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2022, thông qua quy chế quản trị nội bộ, sửa đổi điều lệ hoạt động và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền đại hội.(Bizlive)