Hải sản khai thác bất hợp pháp sẽ bị cảng từ chối bốc dỡ; Ngành điều xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn ở Campuchia; Dự kiến khởi công dự án thành phố thông minh 4 tỷ USD tại Hà Nội vào quý I/2018; Tỷ lệ người dùng ngân hàng điện tử ở Việt Nam lên 81%
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-12-2017
- Cập nhật : 06/12/2017
Gỗ An Cường hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sumitomo Forestry Nhật Bản
Công ty Cổ phần Gỗ An Cường - doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong ngành vật liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí vừa kí thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược với Tập đoàn Sumitomo Forestry (Nhật Bản).
Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (An Cường) là nhà sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu trang trí nội thất, vật liệu Decor hàng đầu tại Việt Nam và khu vực từ năm 1994, là đơn vị sản xuất và xuất khẩu cho nhiều thương hiệu nội thất nổi tiếng tại Nhật Bản, Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu. Các dòng vật liệu từ gỗ công nghiệp của An Cường như ván MFC, Melamine MDF, Laminates, Acrylic, Veneer và các phụ phẩm được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế và trang trí nội thất hiện đại cho nhà ở, chung cư, trường học, bệnh viện, siêu thị, nội thất văn phòng, trần, vách toilet, cửa đi, ván sàn…
An Cường hiện là nhà cung cấp sản phẩm cho những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam và đang hợp tác với hàng ngàn công ty thiết kế nội thất, nhà thầu và các xưởng mộc nhỏ lẻ trên cả nước. Với tốc độ tăng trưởng từ 30-35%/năm trong các năm vừa qua với doanh thu hơn 110 triệu USD năm 2016, An Cường đang nắm chi phối tại thị trường nội địa với 50% thị phần các thương hiệu ván MFC và 70% thị phần các thương hiệu ván Laminate, ván Acrylic và các phụ phẩm.
Ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc An Cường, cho biết: "Chúng tôi vui mừng chào đón Tập Đoàn Sumitomo Forestry tham gia với vai trò cổ đông chiến lược. Với kinh nghiệm hơn 200 năm hoạt động trong ngành và doanh thu hàng năm trên 10 tỷ USD, công nghệ quản lý hiện đại và vị thế lớn trên thị trường quốc tế của Tập đoàn Sumitomo Forestry cùng hơn 23 năm hoạt động và vị thế ở thị trường nội địa của An Cường, việc Tập đoàn Sumitomo Forestry là cổ đông chính thức của An Cường sẽ giúp cho công ty có nhiều lợi thế".
Từ trái sang phải ông Kitahashi Masami - Giám đốc điều hành Sumitomo Forestry Việt Nam, ông Kawazoe Shinichi - Giám đốc Nhà máy Sản xuất Cửa Sumitomo Forestry Crest tại Nhật Bản, Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ Tịch Hội đồng quản trị CTCP Gỗ An Cường, bà Đặng Phạm Minh Loan - Phó giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Tatsuo Iwagaki - Giám đốc điều hành Sumitomo Forestry Singapore.
"Thứ nhất dựa vào mạng lưới phân phối của Tập Đoàn Sumitomo Forestry để thúc đẩy việc kinh doanh của An Cường trên thị trường nước ngoài, bao gồm thị trường Nhật Bản và Mỹ.
Thứ hai, Tập Đoàn Sumitomo Forestry sẽ cử chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản để giúp đỡ cho nhà máy sản xuất cửa đi và nội thất làm từ gỗ công nghiệp của An Cường đạt đúng tiêu chuẩn quốc tế đủ điều kiện để xuất khẩu vào hệ thống phát triển nhà ở tại Nhật và Mỹ (riêng mảng phát triển nhà ở của Tập đoàn Sumitomo Forestry tại Nhật và Mỹ đạt doanh thu hơn 4 tỷ USD/năm).
Thứ 3, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn hảo tại thị trường Việt Nam từ khâu sản xuất nguyên vật liệu, bao gồm từ lõi gỗ cho đến tất cả các loại bề mặt gỗ công nghiệp, đạt đúng tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho tất cả các khách hàng tại thị trường Việt Nam cũng như hệ thống khách hàng của Tập đoàn Sumitomo Forestry trên toàn thế giới". Ông Lê Đức Nghĩa cho biết.
Tại sự kiện, ông Masami Kitahashi, CEO Tập đoàn Sumitomo Forestry tại Việt Nam, phát biểu: “An Cường là một công ty hàng đầu tại Việt Nam mà chúng tôi biết, chúng tôi tìm hiểu về thị trường gỗ tại Việt Nam trong suốt hàng chục năm qua. Chúng tôi đánh giá cao khả năng điều hành, tư duy sáng tạo của An Cường trong việc phát triển doanh nghiệp theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Điều cuối cùng ấn tượng và thuyết phục chúng tôi đó là ở An Cường có hệ thống quản trị minh bạch, cái mà người Nhật chúng tôi luôn đưa lên hàng đầu. Công ty đã ứng dụng thành công hệ thống quản trị tân tiến ERP SAP từ đầu năm 2017 và đang sử dụng hàng loạt các phần mềm sản xuất nội thất của Đức và Ý. Hệ thống của An Cường hoàn toàn phù hợp với những gì mà tập đoàn chúng tôi đang sử dụng và vận hành. Đây là một sự đầu tư mang đến lợi ích chung cho cả hai doanh nghiệp và tôi hoàn toàn tin tưởng sự hợp tác của chúng tôi thành công tốt đẹp.”
Với sự tham gia của Tập đoàn Sumitomo Forestry, hiện tại cơ cấu cổ đông nước ngoài của An Cường bao gồm VinaCapital, DEG (Đức) và Tập đoàn Sumitomo Forestry Nhật Bản. (Bizlive)
--------------------------
TP.HCM: Đất nền khu Đông tăng nhiệt cuối năm theo dự án tỷ USD
Ngoài hệ thống giao thông khu Đông kết nối các khu trung tâm với vùng ven ngày càng được cải thiện. Khi quãng đường xa không còn là rào cản tâm lý thì vùng ven với giá đất mềm hơn những vị trí gần trung tâm trở thành điểm sáng của thị trường.
Nằm trong chiến lược phát triển về khu Đông của TP.HCM, quận 9 được đánh giá là khu vực không chỉ có nhiều tiềm năng vượt trội với hệ thống hạ tầng phát triển không ngừng, mà nơi này đang sở hữu một quỹ đất khá lớn để phát triển BĐS. Ngoài đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào sử dụng, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đi qua địa phận quận 9 đang triển khai thực hiện, như Vành đai 2, Vành đai 3, Monorail Thủ Thiêm - Sân bay quốc tế Long Thành…
Đặc biệt, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và cầu nối quận 9 với Nhơn Trạch khi hoàn thiện sẽ giúp dễ dàng kết nối vào trung tâm thành phố, sân bay quốc tế Long Thành, các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, TP.HCM còn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nâng cấp mở rộng các trục giao thông chính như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, xây cầu Phú Hữu, cầu Tăng Long… góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực, giúp hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh hơn. Đây chính là yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường bất động sản quận 9 ngày càng phát triển và gia tăng giá trị nhanh chóng.
Cùng với sự bùng nổ về hạ tầng giao thông, quận 9 còn là khu vực “sáng giá” khi liên tục thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ… rót vốn vào. Điển hình là 2 “đại gia” công nghệ Intel và Samsung đầu tư hàng tỷ USD trong khu công nghệ cao, Tập đoàn Ascendas và Saigon Bund Capital Partners đầu tư 130 triệu USD xây khu phức hợp OneHup Sài Gòn rộng 12ha, hay Tập đoàn Allied Telesis INC và Công ty Quantus Corporation đầu tư 500 triệu USD vào khu phức hợp Y tế - Thương mại…
Trước sức hút đầu tư lớn, UBND TP.HCM đã chấp thuận xây dựng dự án Công viên Khoa học và Công nghệ quy mô 200 ha tại phường Long Phước sẽ là nơi tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng tốt. Điều này cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản quận 9 khi có một lượng lớn các chuyên gia, kỹ sư và người lao động tập trung về đây làm việc, sinh sống. Bên cạnh đó, khi quỹ đất của quận 2 đã được lắp đầy bời hàng trăm dự án nhà ở cao cấp, làn sóng di chuyển đến quận liền kề cũng đang diễn ra khá mạnh mẽ.
Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã không ngại “xuống tiền” nhằm đón đầu nhu cầu nhà ở của các chuyên viên, kỹ sư, doanh nhân… đang làm việc tại khu công nghệ cao. Trong đó, phân khúc đất nền có pháp lý đầy đủ luôn được nhà đầu tư săn đón.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại khu vực phường Long Trường, Long Phước… có giá 17-27 triệu đồng/m2; những nơi gần ngã tư, đường cao tốc, tuyến metro có giá 30-45 triệu đồng/m2, tăng nhẹ so với thời điểm chủ đầu tư mở bán. Một số dự án đất nền nằm trục đường Lò Lu, Nguyễn Xiển… cũng tăng mạnh trong thời gian qua khi thông tin phát triển nơi này thành trung tâm hành chính mới của quận 9 và nằm gần ngày khu dự án của VinCity đang chuẩn bi triển khai. Những dự án có view sông giá trị càng tăng cao do tính chất nghỉ dưỡng, sinh thái của dự án.
Lý giải về sức hút của đất nền quận 9, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho rằng, các chủ đầu tư lớn và những tập đoàn tầm cỡ đang tiến dần ra vùng ven để phát triển những dự án quy mô khu đô thị. Chính những đợt tiến quân rầm rộ của các đại gia này đã làm các dự án nhà đất vùng ven sôi động.
Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối các khu trung tâm với vùng ven ngày càng được cải thiện. Khi quãng đường xa không còn là rào cản tâm lý thì vùng ven với giá đất mềm hơn những vị trí gần trung tâm trở thành điểm sáng của thị trường.
Cũng theo ông Nam, tâm lý sở hữu bất động sản liền thổ của đại bộ phận người dân làm gia tăng nhu cầu săn đất vùng ven, cộng thêm giá nhà đất trong nội đô TP.HCM trong năm qua cũng tăng vọt khiến giá đất của vùng ven cũng tăng theo. Chưa kể, đất phân lô bị hạn chế việc tách thửa càng khiến cho giá đất vùng ven leo thang nhanh hơn.
Savills Việt Nam dự báo, phân khúc biệt thự và nhà phố từ nay đến năm 2019 nguồn cung mới đạt gần 12.600 sản phẩm đất nền và nhà liên kế. Các quận phía Đông TP.HCM sẽ dẫn đầu thị trường và chiếm 50% thị phần. Việc một số khu vực đất nền sốt giá do tác động của hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật được cải thiện. Thậm chí, giá bán đất nền trong dân cũng luôn được điều chỉnh tăng giá bởi đất nền ngày càng khan hiếm.(CafeF)
------------------------
Loạn hàng Trung Quốc gắn mác Việt
Thực trạng hàng "made in China" gắn mác Việt ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xuất hiện ở mọi nơi, từ mặt hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất...
Cơ quan chức năng đã xác minh thông tin Khaisilk thay đổi nhãn mác khăn lụa từ "Made in China" sang "Khaisilk made in Vietnam".
Tràn lan hàng “made in China”
Kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) thực hiện trên 16.000 người tiêu dùng của 12 tỉnh thành cả nước với tất cả sản phẩm thuộc 37 ngành hàng cùng gần 3.000 DN cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn gây nhức nhối trên thị trường, đặc biệt là tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng sản xuất trong nước.
Những ngày qua, câu chuyện “hàng lụa Việt cao cấp Khải Silk made in China” được đưa ra ánh sáng đã khiến dư luận “dậy sóng”. Một thương hiệu lớn, tầm cỡ, thậm chí mang theo sự tự hào thương hiệu Việt như Khải Silk còn có thể lừa dối người tiêu dùng, thì người tiêu dùng “đặt vấn đề” với đông đảo các thương hiệu Việt khác cũng là điều khó tránh khỏi.
Sự việc này cũng không phải là hãn hữu, bởi trong thời gian qua, tình trạng sản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam không phải là hiếm. Sản phẩm “đội lốt” này không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào mà phổ biến từ cao cấp đến bình dân. Sản phẩm khi nhập về, khai trên tờ khai hải quan đúng nguồn gốc xuất xứ made in China. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, từ kho đến người tiêu dùng thì DN bóc nhãn made in China mà gắn nhãn made in Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.
Là một đơn vị đã xử lý 5 vụ hàng giả trong năm 2016, ông Trần Thanh Kha - Trường phòng cao cấp của Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) cho biết: “Thực trạng hàng "made in China" gắn mác Việt ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu và doanh số của NGK, gây mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm và dịch vụ của công ty chúng tôi. Hàng giả hàng nhái bugi mang thương hiệu bugi NGK ảnh hưởng đến sức khoẻ, thời gian, tiền bạc, gây mất niềm tin của khách hàng, đặc biệt gây tiêu cực đến việc đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Vì bugi là linh kiện quan trọng, được ví như trái tim động cơ. Nến sử dụng bugi giả, chúng ta biết hệ quả khủng khiếp thế nào xảy ra?!”
Những ngày qua, câu chuyện “hàng lụa Việt cao cấp Khải Silk made in China” được đưa ra ánh sáng đã khiến dư luận “dậy sóng”.
Làm sao để bảo vệ thương hiệu Việt?
Theo ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Phát triển khoa học công nghệ Vi na (Vi Na CHG) cho biết, tình trạng hàng Trung Quốc “gắn mác” Việt đã ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng với các doanh nghiệp Việt và sản phẩm Việt cũng theo đó mà ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này cũng khiến cho sự cạnh tranh của hàng Việt với hàng ngoại nhập từ châu Âu, châu Mỹ… bị giảm sút nghiêm trọng.
Bỏ vốn ít, giá thành rẻ, thu về lợi nhuận cao… các doanh nghiệp vi phạm dễ dàng “bóp chết” các doanh nghiệp chân chính về độ cạnh tranh giá, đồng thời mỗi khi có vụ việc được đưa ra ngoài ánh sáng, các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành hàng cũng bị thiệt hại không nhỏ.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự được coi trọng. Xây dựng, thiết lập được thương hiệu riêng đã khó, không thể nào chỉ vì lợi nhuận mà doanh nghiệp bất chấp tất cả để tự chuốc lấy những khó khăn cho chính mình dẫn đến mất thị trường, thậm chí phá sản.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, vấn nạn hàng Trung Quốc dán mác Việt không chỉ gây thiệt hại cho bản thân khách hàng, mà lớn hơn, còn gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh các doanh nghiệp Việt nói chung.
“Hiện nay, hàng Trung Quốc gắn mác Việt có hai luồng khác nhau. Một là, những mặt hàng Việt ăn khách, người Trung Quốc tự làm rồi mang tiêu thụ tại Việt Nam hoặc người Việt tự sang Trung Quốc đặt do giá thành rẻ, vật tư, công nghệ tốt hơn, sản xuất nhanh hơn và có chất lượng đương đương hàng thật. Thứ hai đó là chính doanh nghiệp Việt Nam khi bắt đầu có thương hiệu chủ động sang đặt hàng Trung Quốc mang về dán mác để đưa về bán tại Việt Nam để kiếm lãi nhiều hơn”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam thông tin.
Về việc bảo vệ thương hiệu Việt, theo PGS TS Nguyễn Văn Nam bài toán này phải kết hợp bốn yếu tố: Thứ nhất là, Luật pháp, thể chế cần nghiêm minh, triệt để, không chỉ dừng lại xử phạt hành chính như hiện nay; thứ hai là bộ máy quản lý nghiêm minh; thứ ba là vận động người Việt dùng hàng Việt; thứ tư là chính các DN Việt cũng phải có biện pháp tự bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối… Bên cạnh đó cũng cần nắm bắt thị trường, phát hiện sớm các hành vi gian lận và phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình điều tra hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả mạo nhãn hiệu Việt. (DDDN)
--------------------------
Định giá thương hiệu doanh nghiệp không chuẩn, dễ bị thâu tóm
Các doanh nghiệp Việt Nam thường chú trọng marketing để thúc đẩy bán hàng chứ chưa thật sự đầu tư cho phát triển thương hiệu.
Chia sẻ tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017, do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12, Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương của Công ty Brand Finance, ông Samir Dixit cho rằng, từ trước tới nay, các DN Việt Nam thường chú trọng marketing để thúc đẩy bán hàng chứ chưa thật sự đầu tư cho phát triển thương hiệu. Đầu tư cho bán hàng, doanh số có thể tăng nhưng không đồng nghĩa với việc tạo ra tính bền vững cũng giúp tăng giá trị của thương hiệu. Ông Samir Dixit cho rằng, dù Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều vụ mua bán, chuyển nhượng, sáp nhập với những thương vụ lớn nhưng giá trị thực của các thương vụ này vẫn chưa được đánh giá đúng.
“So với các nước trong khu vực và thế giới, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong top 500 doanh nghiệp có thương hiệu lớn nhất trên thế giới, chúng tôi không tìm thấy tên tuổi của một doanh nghiệp nào của Việt Nam”, ông Dixit đánh giá và cho rằng, việc ngày càng có nhiều các cuộc mua bán, sáp nhập đối với các thương hiệu lớn ở Việt Nam, đặc biệt khi các DN Việt Nam đang được thoái vốn, cổ phần hóa, hoàn toàn có khả năng mất vốn khi định giá doanh nghiệp. Dẫn một số trường hợp cụ thể sau mua bán sáp nhập, chủ mới đã xóa tên thương hiệu cũ. Tổng Giám đốc Công ty AVM Vietnam, ông Đặng Xuân Minh cho rằng, Nhà nước cần ban hành cơ sở pháp lý rõ ràng hơn và hướng dẫn chi tiết về định giá thương hiệu.
Liên quan đến mua bán, sáp nhập DN, trao đổi với PV, dẫn câu chuyện định giá cổ phần của Sabeco, Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, việc mua cổ phần của Sabeco chắc chắn giúp các nhà sản xuất bia có tên tuổi của nước ngoài mừng, vì có thể nhanh chóng mở rộng thị phần tại Việt Nam còn với cộng đồng doanh nghiệp Việt, đây chưa hẳn đã là một “tin vui” khi có nguy cơ mất một thương hiệu nội địa mạnh.
Theo ông Hoài, Luật Cạnh tranh có những quy định khá chặt chẽ về việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mức giá lên tới 320.000 đồng/cổ phần, ít cổ đông nội có đủ tiềm lực để mua được cổ phần số lượng lớn tại Sabeco. Khi đó sẽ có câu chuyện, nhiều nhà đầu tư nội đứng ra cho các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài “mượn danh” thâu tóm Sabeco để kiếm lợi nhuận. Khi nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh được hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ để dần dần đưa bia của họ vào, câu chuyện cạnh tranh trên thị trường sẽ khác hẳn.(Tienphong)