tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-12-2017

  • Cập nhật : 02/12/2017

Hà Nội thành lập 6 cụm công nghiệp tại các huyện ngoại thành

UBND TP Hà Nội ban hành các Quyết định thành lập 6 cụm công nghiệp tại các huyện ngoại thành: Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ và Ứng Hòa, tổng diện tích hơn 123ha.

Hà Nội sẽ thành lập Cụm công nghiệp Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ tại khu đường Dúng, xã Liên Hiệp với quy mô 8,1ha. Việc xây dựng cụm công nghiệp này nhằm khắc phục tình trạng manh mún của phát triển công nghiệp làng nghề hiện nay, khắc phục việc ô nhiễm môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Cụm công nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, bố trí các doanh nghiệp có quy mô từ nhỏ đến vừa, ngành nghề đa dạng như: may thêu xuất khẩu, mây tre đan, cơ khí, chế biến nông sản ít gây độc hại và ô nhiễm môi trường.

Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình, huyện Ứng Hòa tại thị trấn Vân Đình với quy mô 50ha. Cụm công nghiệp phát triển công nghiệp sạch, ít độc hại, các ngành công nghiệp nhẹ; ưu tiên phát triển công nghiệp ngành nghề địa phương, chế biến nông lâm sản, dệt may, thêu ren, mây tre đan, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu.

nha may trong cum cong nghiep van dinh

Nhà máy trong Cụm công nghiệp Vân Đình

Cụm công nghiệp Yên Sơn, huyện Quốc Oai, tại xã Yên Sơn sẽ được thành lập với quy mô 8,76ha, sản xuất vật liệu cách âm, cách nhiệt, cao su xốp, chế biến lâm sản....

Cụm công nghiệp Cam Thượng, huyện Ba Vì, tại xã Cam Thượng với quy mô 15,59ha, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như may mặc, da giày, điện tử, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng.

Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, tại thị trấn Phúc Thọ với quy mô 20,6ha, để phát triển công nghệ sạch, đa ngành nghề, ít độc hại và ô nhiễm môi trường.

Cụm công nghiệp Đồng Giai, huyện Ba Vì, tại xã Vật Lại với quy mô hơn 20ha, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.(NDH)
-------------------

Vụ tập đoàn Mường Thanh: Mới đang trong giai đoạn trình khởi tố

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội với phóng viên BizLIVE sáng nay xung quanh thông tin “Đã khởi tố Tập đoàn Mường Thanh”.

Vụ tập đoàn Mường Thanh: Mới đang trong giai đoạn trình khởi tố

Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên BizLIVE sáng nay (1/12) về việc có hay không việc khởi tố Tập đoàn Mường Thanh, ông Nam cho biết: “Vụ việc ở Mường Thanh mới đang trong giai đoạn trình khởi tố”.

Trước đó, chiều 30/11, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ tư HĐND TP. Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho hay: "Công an thành phố báo cáo đã khởi tố vụ án, kết thúc điều tra bước một" các sai phạm tại những dự án chung cư của Tập đoàn Mường Thanh (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên) do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch. Vụ việc đã báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân và hiện hồ sơ nằm ở cơ quan công tố này".

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí chiều cùng ngày, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công an TP chưa tiến hành khởi tố vụ án, điều tra sai phạm tại những dự án chung cư của Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch.

"Thông tin cho rằng khởi tố là không chính xác. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xin ý của ba ngành tư pháp Trung ương gồm công an, tòa án, Viện Kiểm sát", tướng Khương nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, theo tài liệu báo cáo của UBND TP.Hà Nội gửi HĐND Thành phố trước kỳ họp, trong tổng số 79 công trình vi phạm đã đăng công báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tính đến thời điếm hiện tại đã có 21 công trình đã khắc phục xong các tồn tại, đảm bảo các điều kiện và được nghiệm thu về PCCC; 58 công trình còn tồn tại vi phạm, chưa được nghiệm thu về PCCC (trong đó có 13 công trình thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư; 10 công trình sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất). 

Theo đơn vị này, đối với 58/79 công trình còn tồn tại vi phạm nêu trên, trong quá trình thi công và đưa vào hoạt động đến nay, Cảnh sát PCCC đã kiểm tra tổng số 501 lượt; xử lý vi phạm hành chính về PCCC 134 lượt với số tiền phạt 4.115.500.000 đồng, đình chỉ hoạt động 6 công trình và 28 hạng mục công trình.

Lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đang đề xuất UBND quận, huyện thị xã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 16 công trình, hạng mục công trình. Sau mỗi lượt kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC đều có công văn thông báo (kèm theo các quyết định xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động) gửi đến đơn vị chủ quản cấp trên và chính quyền địa phương để phối họp thực hiện công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực quản lý. 

“Cảnh sát PCCC Thành phố đã sao gửi, cung cấp hồ sơ liên quan đến 13 công trình vi phạm thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội để thực hiện việc điều tra theo quy định của pháp luật”, UBND TP. Hà Nôi cho biết.

Hơn bốn tháng trước (ngày 5/7), trả lời chất vấn của bà Phạm Thị Thanh Mai (Trưởng ban kinh tế ngân sách HĐND) về tiến độ điều tra, xử lý một số vụ việc sai phạm xây dựng nghiêm trọng, người đứng đầu Công an Hà Nội, tướng Đoàn Duy Khương cho hay cơ quan điều tra đang chờ ý kiến của Bộ Công an để khởi tố sai phạm tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho hay, doanh nghiệp của ông Thản thời gian qua đã triển khai 12 dự án trên địa bàn thủ đô. "Qua điều tra, các dự án đều có dấu hiệu trốn thuế, dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý nhà ở".

Cũng liên quan các công trình chung cư của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, tại buổi tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm cuối năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay khu nhà ở Đại Thanh, một trong những dự án do công ty của ông Thản đầu tư, đang có 4 vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, công trình xây dựng không phép, xây quá chiều cao quy định; xây cả vào khu không được phép như các vị trí quy hoạch dải cây xanh. Các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy không đủ, khách hàng mua nhà chưa được cấp sổ đỏ.(Bizlive)
-------------------------

FPT Retail ước lãi sau thuế 291 tỷ đồng, đẩy mạnh doanh thu online

Năm 2017, FPT Retail dự kiến doanh thu khoảng 13.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 291 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 13,6%.

Chiều nay (1/12), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số - FPT Retail (FRT) tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu. Theo kế hoạch, công ty dự kiến niêm yết cổ phiếu trước ngày 30/4/2018.

Thị phần số 1 về laptop và thứ 2 về điện thoại di động

FPT Retail hiện sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán lẻ sản phẩm công nghệ) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple) với hơn 450 cửa hàng trên cả nước. Con số này tăng trên 7 lần giai đoạn 2012 - 2017.

Thị phần bán lẻ điện thoại di động của FRT đã tăng từ 10,7% năm 2014 lên 18,2% năm 2017, lớn thứ hai ở Việt Nam. Phân khúc điện thoại cao cấp chiếm khoảng 44% tổng doanh thu, đến từ các sản phẩm của Apple.

Trong khi đó, FRT đang là nhà cung cấp số 1 về laptop với thị phần 29,3%, tính tới tháng 9/2017.

Hiện tại, FPT Retail đang có 3 cổ đông lớn gồm FPT (55%), Dragon Capital (20%) và VinaCapital (15%), còn lại 10% là cán bộ nhân viên sở hữu.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu đạt 47% và lợi nhuận sau thuế đạt 92,2%. Riêng năm 2017, doanh thu dự kiến đạt 13.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 291 tỷ đồng, tăng lần lượt 28% và 40% so với năm trước. Trong đó, 10% doanh thu đến từ mảng online.

Đơn vị: tỷ đồng

Giai đoạn 2018 - 2020, FRT đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, riêng năm 2018 doanh thu tăng 26% và lợi nhuận tăng 36%. Biên lợi nhuận gộp mục tiêu 2018 đạt 13,8%.

Năm 2017, công ty chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 1:1. Giai đoạn 2018 - 2020, cổ tức dự chi tối thiểu 20% bằng tiền.

Đẩy mạnh mảng online, mở thêm 100 cửa hàng bán sản phẩm Apple

Trong cơ cấu doanh thu, tỷ trọng doanh thu online ngày càng tăng, tăng từ 0,8% năm 2013 lên 11,6% năm 2017. Thúc đẩy bán hàng online là một trong những chiến lược kinh doanh của FRT trong thời gian tới đây, dựa trên con số 650.0000 lượt truy cập mỗi ngày và 2,2 triệu thành viên trên Facebook. Năm 2017, FRT đặt mục tiêu 1 triệu lượt truy cập mỗi ngày và 2,5 triệu thành viên Facebook.

Vì vậy, mục tiêu doanh thu online năm 2017 đạt 1.527 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu và dự kiến chiếm 14,3% tổng doanh thu vào năm 2020.

Đối với việc phát triển chuỗi F.Studio, FPT Retail xác định tại Việt Nam, số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple chỉ là 15, một con số khá thấp so với 527 cửa hàng tại Singapore và 480 cửa hàng tại Thái Lan. Trong khi đó, FPT Retail và Thế Giới Di Động hiện chiếm khoảng 80% sản phẩm chính thức được bán từ Apple ở Việt Nam, thị phần mỗi bên khoảng 40%. Vì vậy, trong 2 - 3 năm tới, FPT Retail sẽ kết hợp với Apple phát triển 100 cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple tại Việt Nam.(NDH)
--------------------

Đất Thủ Thiêm cao nhất 170 triệu đồng mỗi m2

Đường Trần Não, đoạn đi thẳng vào tâm Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, có giá đất cao nhất đô thị này, đạt 169,7 triệu đồng mỗi m2.

Đất Thủ Thiêm cao nhất 170 triệu đồng mỗi m2

Giá đất cao nhất khu Thủ Thiêm tính đến tháng 11/2017 đang thuộc về tuyến đường Trần Não, đoạn cắt với đường Mai Chí Thọ, dẫn về tâm đô thị mới này. Ảnh:Lucas Nguyễn

Công ty TNHH Gachvang vừa công bố báo cáo mới nhất về giá đất của các tuyến đường đắt đỏ nhất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM cập nhật đến giữa tháng 11/2017. Nơi được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á trong tương lai đang có giá đất bật lên ngưỡng khá cao so với hồi đầu năm.

Cụ thể, đất mặt tiền đường Trần Não, phường An Lợi Đông, từ đoạn cắt đường Mai Chí Thọ đi xuyên vào tâm đô thị này giữa tháng 11 ghi nhận 169,7 triệu đồng mỗi m2. Nếu xét trong cả chu kỳ 11 tháng qua, thời điểm giá đất phố Trần Não bật lên cao nhất rơi vào tháng 6/2017 với mức giá vọt lên 182,3 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là tuyến đường có biến động giá đất mạnh mẽ nhất từ đầu năm đến nay, biên độ tăng đạt 121,55%.

Theo sau là đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Thủ Thiêm, đoạn vắt ngang qua Mai Chí Thọ, có giá đất mặt tiền nằm trong top 2 của khu đô thị mới này, vọt lên ngưỡng 167,2 triệu đồng mỗi m2, tăng 96,9% so với tháng 1/2017. Thời điểm giá đất tuyến đường này lên đỉnh là đầu quý II/2017, lập cột giá 263,78 triệu đồng mỗi m2.

Chiếm giữ vị trí top 3 là đường Mai Chí Thọ. Đây là một trong những cung đường quan trọng và đẹp nhất Thủ Thiêm, hiện có giá đất giao dịch 145,43 triệu đồng mỗi m2, tăng 89,8% so với quý đầu tiên của năm. Tuy nhiên, mức giá hiện nay đã hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh 219,5 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 4/2017, thời điểm diễn ra cơn sốt đất toàn TP.HCM.

Đường Lương Định Của dẫn về Thủ Thiêm qua Đại lộ vòng cung, cũng được xếp vào nhóm những tuyến đường có giá đất thuộc nhóm dẫn đầu trong khu đô thị này, ghi nhận 145,4 triệu đồng mỗi m2 vào giữa tháng 11/2017. Điểm khác thường của Lương Định Của là có giai đoạn giá đất tại đây đã phá kỷ lục của toàn khu đô thị khi vượt ngưỡng 300 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, khung giá ngất ngưỡng này cũng nhanh chóng điều chỉnh mạnh về vùng dưới 150 triệu đồng mỗi m2 trong những tháng sau đó.

Gachvang dự báo với kế hoạch xây dựng nhiều dự án hạ tầng nhằm kết nối Thủ Thiêm xuyên suốt với khu trung tâm hiện hữu TP.HCM và các khu vực lân cận, giá đất tại khu đô thị mới này hứa hẹn sẽ còn nhiều biến động trong tương lai.

Trước đó, trong báo cáo "Thủ Thiêm - thời điểm vàng" công bố trung tuần tháng 11/2017, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam từng nhận định, giá đất ở Thủ Thiêm hiện bằng một phần ba so với giá đất ở khu vực trung tâm hiện hữu của TP.HCM (quận 1).  Ngoài sự tăng trưởng của giá đất ở Thủ Thiêm, các khu vực liền kề khu đô thị mới này như khu Đồng Văn Cống, An Phú, Thảo Điền cũng có sự tăng giá ngoạn mục.

JLL phân tích, hiện nay phần lớn quỹ đất ở Thủ Thiêm đã có nhà đầu tư thông qua rất nhiều hình thức giao đất, hợp tác khác nhau. Những tay chơi đủ sức tiếp cận quỹ đất vàng này đều là các ông lớn đầu ngành hoặc tập đoàn quy mô đa ngành. Điều này đồng nghĩa với thực trạng khan hiếm quỹ đất sạch còn lại trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào khu đô thị mới này vẫn đang không ngừng tăng cao.

Đơn vị này cho biết thêm, tính đến quý IV/2017, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tại Thủ Thiêm thông qua việc mua lại hoặc liên doanh với đối tác trong nước có uy tín. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phát triển bền vững cho khu vực trọng điểm này trong tương lai. 

Khu đô thị Thủ Thiêm nằm trên bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Được chính phủ phê duyệt từ năm 1996, bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch, khu đô thị có 5 khu chính: khu vực lõi trung tâm, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía Nam.

Để đầu tư xây dựng đô thị mới này, TP.HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.(Vnexpress)
---------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục