tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-12-2017

  • Cập nhật : 01/12/2017

Điện tử Việt Nam liệu có thể kiếm nhiều tiền hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay đang được nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư, tuy nhiên hoạt động vẫn chỉ ở khâu sản xuất lắp ráp. Đây là khâu thu được ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị.

Điện tử Việt Nam liệu có thể kiếm nhiều tiền hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Ảnh minh họa.

Trên đây là những thông tin được đưa ra tại một hội thảo về liên kết trong công nghiệp điện tử ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Nhiều “đại gia” quốc tế đã đầu tư vào ngành, dẫn đầu là các tập đoàn từ Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Lớn nhất Việt Nam lúc này là dự án của Samsung với tổng số vốn đã lên tới 11,2 tỷ USD. Mặt hàng chủ lực của họ là smartphone đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất công nghệ cao. 

Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới khác như Intel, Canon, LG… cũng đã có dự án đầu tư với số tiền lên tới hàng trăm triệu USD. 

Tuy nhiên phần lớn số vốn đầu tư này được rót vào quá trình sản xuất, lắp ráp. Đây là hoạt động mang lại giá trị thấp nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử. 

Hiện nay giá trị gia tăng lớn nhất trong ngành này nằm ở quá trình thiết kế phát triển sản phẩm và thương hiệu. Những giá trị này ở lại các quốc gia có những “ông lớn” đầu tư vào gia công lắp ráp tại Việt Nam.

Kể từ năm 2013 đến nay, ngành công nghiệp điện tử trong nước liên tục tăng trưởng 20% mỗi năm và đóng góp vào GDP trên 35%. Mục tiêu ngành đến năm 2020 là ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. 

Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ. 

 Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 

Tại Hội thảo Liên kết ngành trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mở rộng thị trường, thu hút doanh nghiệp hàng đầu thế giới, phát triển sản phẩm trọng điểm và hình thành các cụm công nghiệp điện tử”. 

Về công nghiệp hỗ trợ, theo số liệu của Trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Việt Nam có 610 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện - điện tử, chiếm khoảng 53,28% tổng số doanh nghiệp ngành. 

Tuy nhiên các doanh nghiệp hỗ trợ ngành điện tử này chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa thiếu vốn, vừa thiếu cả công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ và lắp ráp vẫn chưa thật sự tốt. 

Điều này dẫn đến việc công nghiệp hỗ trợ hiện nay của Việt Nam chỉ tập trung cung ứng bao bì, một số vật liệu phụ tùng nhựa, kim loại. Vật liệu sản xuất ngành điện tử vẫn chủ yếu nhập từ nước ngoài.

Đối với vấn đề phát triển nhân lực, phát triển sản phẩm trọng điểm và hình thành cụm công nghiệp điện tử, ông Bùi Bài Cường, đại diện Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông đưa ra hội thảo 2 ví dụ về chiến lược của Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Nhật Bản năm 1970 đã lập ra “Viện nghiên cứu công nghiên cứu vi mạch”. Năm 1984 đến 1988, nhiều thiết kế kỹ thuật của các đối tác đã được Nhật Bản mua lại.

Hàn Quốc năm 1974 đến 1983 cũng thành lập phòng thí nghiệm Nghiên cứu & Triển khai Bán dẫn. Năm 1984 nước này thành lập 2 đội nghiên cứu phát triển, 1 ở Hàn Quốc, 1 ở Thung lũng Silicon phối hợp làm việc với nhau. 

Tới năm 1984 khoảng cách công nghệ của Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ đã được thu hẹp đáng kể và Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới về khả năng sản xuất chip nhớ.

Bài học từ 2 nước này là có chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể. Huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - Doanh nghiệp - Nhà khoa học trong và ngoài nước vào việc phát triển sản phẩm.  Ngoài ra cũng cần cách thức triển khai đúng đắn và nguồn vốn thực hiện dồi dào. 

Một số giải pháp cho ngành công nghiệp điện tử cũng được các diễn giả đưa ra tại hội thảo. Theo đó nhà nước cần có các chương trình dài hạn để phát triển ngành, đặc biệt những chương trình đã được phê duyệt cần ưu tiên bố trí kinh phí. 

Huy động sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm. 

Đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhà nước nên tập trung vào việc xây dựng thể chế, đóng vai trò “bà đỡ” để các doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. (Bizlive)
---------------------------------

Nhà nước sẽ có thêm 10.000 tỷ đồng từ bán vốn trong tháng 12, chưa kể Sabeco

Phó Thủ tướng đề nghị nêu rõ các bộ, địa phương đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp thoái vốn chậm... để xây dựng báo cáo hoàn chỉnh, chi tiết về công tác cổ phần hoá năm 2017, trình Chính phủ thảo luận.

Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp giao ban tháng 11.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ nay tới cuối năm, Nhà nước sẽ có thêm khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO (Tổng công ty Sông Đà, Becamex Bình Dương); từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương). Số tiền này chưa kể nguồn thu từ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.

Lũy kế 11 tháng, tổng số tiền thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn đạt hơn 22.709 tỷ đồng, hoàn thành 38% kế hoạch. Trong đó, thu từ thoái vốn là 25.000 tỷ đồng và thu từ cổ phần hóa 2.215 tỷ đồng. Giá trị khoản thoái vốn lớn nhất hơn 20.000 tỷ đồng tại Vinamilk.

Các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hoá 21 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bao gồm 4 Tổng công ty là Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương. Nếu tính cả các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì cả nước đã cổ phần hoá 43 DNNN trong 11 tháng. Ngoài ra, các bộ, địa phương đang xác định giá trị của 9 DNNN, trong đó 7 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp.

Dự kiến cả năm nay, cả nước sẽ hoàn thành cổ phần hoá 55 DNNN, bằng số doanh nghiệp cổ phần hoá năm 2016.

Trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép 4 DNNN điều chỉnh thời gian cổ phần hoá sang năm 2018 là Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị, Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Khánh Việt và Đài Truyền hình cáp Việt Nam.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn cũng đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá theo phương án phê duyệt như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, các Tổng công ty: Điện lực Dầu khí, Dầu Việt Nam, Lọc dầu Dung Quất (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và Tổng công ty Phát điện 3 của Tập đoàn Điện lực.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục làm rõ quy mô, tỉ lệ phần trăm cổ phần đã bán lần đầu ra công chúng trong 11 tháng; nêu rõ các bộ, địa phương - đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN thoái vốn chậm... để xây dựng báo cáo hoàn chỉnh, chi tiết về công tác cổ phần hoá năm 2017, trình Chính phủ thảo luận.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần thúc ép các bộ, địa phương chậm bán vốn Nhà nước giao lại quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện để đẩy nhanh tiến độ bán vốn trong thời gian tới.(NDH)
--------------------------

Chuyên gia hoài nghi bitcoin sẽ vỡ vụn hay tiếp tục tăng giá

Sau khi đồng bitcoin vượt ngưỡng 11.000 USD, nhiều luồng ý kiến đã được đưa ra về khả năng đồng tiền ảo này tiếp tục phát triển hay vỡ vụn do cơn sốt đầu cơ.

"Bong bóng", "mô hình lừa đảo Ponzi", "bong bóng hoa tulip" là những từ mà nhiều chuyên gia, nhà đầu tư hay CEO dùng để miêu tả về đồng bitcoin trước đà tăng giá mạnh mẽ của đồng tiền điện tử này.

Mới đây, bitcoin chính thức phá vỡ ngưỡng 11.000 USD. Tuy nhiên, sau đó chỉ vài giờ, giá đồng tiền đột nhiên "bốc hơi" 20% trước khi quay trở lại ngưỡng 10.000 USD.

nguon: bloomberg

Nguồn: Bloomberg

Mặc cho những cảnh báo và lời chỉ trích từ nhiều chuyên gia trong đó có CEO của JPMorgan ông Jamie Dimon, có vẻ như đồng tiền điện tử vẫn đang tồn tại và liên tục trải qua những đợt bứt phá mạnh mẽ về giá.

Tính từ đầu năm đến nay, giá trị của bitcoin tăng hơn 900% từ mức khoảng 1.000 USD. Chuyên gia David Shrier CEO công ty phân tích dữ liệu Distilled Analytics nhận định ông không hề nghi ngờ gì về khả năng một cơn sốt đầu cơ tiền điện tử đang diễn ra thế nhưng đây hoàn toàn không phải là một tín hiệu xấu.

"Đồng bitcoin có đầy đủ những tính năng và ứng dụng giúp bảo tồn giá trị của mình ngay cả khi giá giảm xuống. Nếu như cổ phiếu của Amazon không giảm mức 0 USD khi bong bóng dotcom vỡ vụn thì tương tự giá của bitcoin cũng sẽ không mất đi hoàn toàn. Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng nhiều đồng tiền điện tử khác sẽ sụp đổ trong trường hợp xấu nhất xảy ra", ông Shrier cho biết.

Trái với lập trường của CEO David Shrier, ông Dominic Williams, nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu dự án DFINITY cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng tồn tại của các đợt gọi vốn thông qua phát hành tiền ảo (ICO) và cho rằng "phần trăm các dự án ICO thành công là rất thấp". Ông bổ sung thêm "Phần lớn các thương vụ ICO nhắm mục đích huy động tiền từ những nhà đầu tư ủng hộ tiền điện tử hơn là cung cấp những tiện ích của loại tiền này cho thế giới thực". Về phía nhà đầu tư, nhiều người thậm chí chưa thực sự am hiểu về bitcoin và công nghệ blockchain và thường nhầm lần 2 khái niệm này với nhau.

Khi giá bitcoin vượt ngưỡng 10.000 USD, nhiều người lo lắng rằng đồng tiền này sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, ông Shrier không quá e ngại việc này sẽ ngăn cản các ngân hàng chấp nhận công nghệ sổ cái phân tán. Đồng thời, đầu cơ sẽ càng thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp mới vào thị trường này.

Về việc giá bitcoin liên tục biến động mạnh, ông Williams giải thích rằng để đưa tiền điện tử có thể dùng như một phương thức thanh toán thì giá của nó phải ổn định. "Bitcoin nổi tiếng là đồng tiền biến động mạnh mẽ chủ yếu là do nhu cầu đầu cơ, vì vậy việc ứng dụng bitcoin vào đời sống hàng ngày hiện nay là không thể".

Ông còn quan ngại bitcoin có thể trở thành mô hình lừa đảo kim tự tháp và nhiều nhà đầu tư sẽ mất khoản tiền lớn. "Thời gian sẽ trả lời tất cả", ông bình luận.(NDH)
----------------------

Giá điện bán lẻ tăng bình quân hơn 6%

Bộ Công Thương chiều nay công bố điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng lên 1.720,65 đồng/kWh. Đây là lần tăng giá đầu tiên sau gần 3 năm.

Mức giá mới 1.720,65 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời điểm điều chỉnh là từ ngày mai (1/12). Lần tăng giá gần nhất trước đó là tháng 3/2015.

Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm ra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ.

Căn cứ trên mức bình quân nêu trên, giá bán cho từng nhóm khách hàng sẽ được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng, quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%). Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.

Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục