tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-12-2017

  • Cập nhật : 02/12/2017

Người Việt chi hơn 1,9 tỷ USD mua ôtô ngoại trong 11 tháng

Kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc trong 11 tháng năm 2017 giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng cục Thống kê ước tính trong tháng 11, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7.000 ôtô nguyên chiếc với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD. So với tháng 10, ôtô nhập khẩu tăng 1.000 chiếc về lượng và 45 triệu USD về giá trị.

Tính chung 11 tháng năm 2017, cả nước nhập khẩu khoảng 84.000 ôtô nguyên chiếc với tổng giá trị hơn 1,9 tỷ USD, giảm tương ứng 14,7% về lượng và 11,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

luong oto nhap khau ve viet nam qua cac thang. so lieu: tctk

Lượng ôtô nhập khẩu về Việt Nam qua các tháng. Số liệu: TCTK

Nguyên nhân chính khiến lượng xe nhập khẩu giảm là người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi giá xe xuống sâu hơn trong năm tới. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu các dòng xe dưới 9 chỗ từ các nước ASEAN đạt tiêu chuẩn nội địa hóa liên khối 40% sẽ giảm về 0% thay vì mức 30% như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều dòng xe lắp ráp trong nước cũng được giảm giá nhờ thuế nhập khẩu một số loại linh kiện còn 0% theo Nghị định 125/2017 vừa được Chính phủ ban hành.

Cuối năm thường là thời điểm nhu cầu mua sắm xe hơi tăng mạnh. Tuy nhiên, trước việc nhiều doanh nghiệp công bố sớm giá năm 2018 cho các mẫu xe lắp ráp, lượng ôtô nhập khẩu khó có thể tăng đột biến trong tháng 12.(NDH)
-------------------------

Bình Dương thu về gần 588 tỷ đồng từ bán gần 19 triệu cổ phần Becamex IDC

18.952.500 cổ phần Becamex IDC do các nhà đầu tư đăng ký mua đã được mua hết trong phiên đấu giá sáng ngày 1/12/2017 với giá trúng bình quân 31.008 đồng/cổ phần.

Bình Dương thu về gần 588 tỷ đồng từ bán gần 19 triệu cổ phần Becamex IDC

Sáng nay, ngày 01/12/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp  - TNHH MTV (Becamex IDC).

Theo đó, 18.952.500 cổ phần Becamex IDC do 158 nhà đầu tư đăng ký mua trước đó đã được mua hết trong phiên đấu giá với giá trúng bình quân 31.008 đồng/cổ phần. Tổng giá trị giao dịch đạt 587,68 tỷ đồng. 

Được biết, có 9 tổ chức và 149 cá nhân đã trúng giá. Giá trúng cao nhất là 40.000 đồng/cổ phần; giá trúng thấp nhất 31.000 đồng/cổ phần. Khối lượng đặt mua cao nhất 3,5 triệu cổ phần, khối lượng đặt mua thấp nhất 200 cổ phần.

Trước đó, theo thông báo của HOSE, tổng khối lượng cổ phần Becamex IDC nhà đầu tư đăng ký mua qua IPO là 18.952.500 cổ phần gồm: 5.481.500 cổ phần do cá nhân trong nước đăng ký;  cá nhân nước ngoài 6.000 cổ phần; tổ chức trong nước 2.828.000 cổ phần; tổ chức nước ngoài 10.637.000 cổ phần. Điều này đồng nghĩa, khối lượng cổ phần Becamex IDC mà nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua vẫn chiếm ưu thế, 56,16% tổng lượng đăng ký.  

Như vậy, chỉ có khoảng 6,1% khối lượng cổ phần Bcamex IDC đem ra IPO lần này được mua thành công. Còn hơn 292.254.600 cổ phần cho đợt bán đấu giá công khai chưa có chủ mới.(Bizlive)
---------------

Hợp đồng thép tương lai tiếp đà tăng giá

Giá thép giao sau hôm thứ 5 tiếp tục tăng, lên ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 9 do nỗi lo trữ lượng giảm. Hợp đồng tương lai giá các loại nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo.

Trữ lượng thép thanh mà các thương lái Trung Quốc đang nắm giảm xuống còn 3,35 triệu tấn tính đến 24/11- mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 2011, theo dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome. Nguyên nhân là Chính phủ Trung Quốc yêu cầu nhiều nhà máy thép giảm một nửa sản lượng bắt đầu từ tháng 11, kéo dài đến hết tháng 3 nhằm hạn chế lượng khí thải.

Giá thép thanh giao trong tháng 5/2018 trên Sàn giao Dịch Hàng hóa Tương lai Thượng Hải tăng 2,3% lên mức 3.990 nhân dân tệ (tương đương 603,66 USD)/tấn.

Diễn biến giá tương lai thép thanh trên sàn Thượng Hải

Giá quặng sắt giao trong tháng 5/2018 trên Sàn giao dịch Đại Liên tăng gần 3% lên mức 520 nhân dân tệ/tấn.

Giá than cốc tăng gần 4% đạt mức 2.154 nhân dân tệ/tấn.

Ngân hàng ANZ cho biết trong khi thị trường ở Trung Quốc đang rất sôi động trong vài tuần trở lại đây, các nhà máy thép ở Ấn Độ đã tăng cường mua vào do trữ lượng giảm xuống mức thấp.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định: "Do trữ lượng và sản lượng thép giảm, chúng tôi kỳ vọng giá tiếp tục giữ ở ngưỡng cao".(NDH)
----------------------

Ngân hàng “ôm” nợ xấu hét giá cao

Nhiều ngân hàng đòi bán nợ xấu với giá nợ gốc, thậm chí còn thêm một phần lãi, giấu giếm hồ sơ về khoản nợ, khiến nhà đầu tư “chạy không ngoảnh lại”. Đây là một trong những lý do khiến thị trường nợ Việt Nam chưa thể hình thành.

 

no xau ngan hang van dang la bai toan kho, khi thi truong mua ban no chua the hinh thanh. anh: duc thanh.

Nợ xấu ngân hàng vẫn đang là bài toán khó, khi thị trường mua bán nợ chưa thể hình thành. Ảnh: Đức Thanh.

 

Ém hồ sơ, đòi giá cao

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho hay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhờ ông “mai mối” mua lại một số dự án bất động sản vướng vào nợ xấu tại Việt Nam. Thế nhưng, sau khi được giới thiệu sang làm việc với ngân hàng, các nhà đầu tư đều bỏ chạy bởi hầu hết ngân hàng đòi bán nợ xấu với giá gốc.

Không chỉ đòi giá cao, nhiều ngân hàng vẫn chưa có thói quen chuẩn bị hồ sơ bán nợ chu đáo để chào hàng cho đối tác. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu ví dụ, ông đã giới thiệu một nhà đầu tư Singapore cho giám đốc chi nhánh một ngân hàng để bán lại khoản nợ là một dự án có tổng giá trị 700 tỷ đồng. Ông yêu cầu ngân hàng chuẩn bị kỹ hồ sơ vài trăm trang cho nhà đầu tư nghiên cứu. Thế nhưng, sau đó, ông chỉ nhận được hồ sơ về khoản nợ dài… nửa trang A4.

Ông Vi Tuấn Hiệp, Chánh văn phòng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thừa nhận một thực tế khá buồn cười hiện nay: “Nói là bán nợ theo giá thị trường, nhưng gần như 100% tổ chức tín dụng đòi hỏi giá bán không thấp hơn nợ gốc, thậm chí phải có cả lãi. Đây là đòi hỏi rất khó, vì nợ xấu thường rất khó thu hồi được đủ gốc, chưa nói đến lãi”.

Cũng theo ông Hiệp, nhiều tổ chức tín dụng muốn giấu thông tin về khoản nợ xấu. Nguyên nhân là, rất nhiều tài sản đảm bảo nợ xấu thiếu hồ sơ pháp lý hoặc chỉ “đẹp” trên giấy tờ, trong khi thực tế, tài sản đó đã bị lấn chiếm, đang tranh chấp…

Chính vậy, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thị trường nợ chưa thể hình thành hiện nay chủ yếu xuất phát từ phía người bán. Bên bán muốn giá cao, bên mua muốn giá thấp, khiến hai bên không thể gặp nhau.

Để giải quyết khúc mắc này, theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có các công ty định giá độc lập chuyên nghiệp. Mức giá mà các công ty đưa ra với từng khoản nợ phải sát với thị trường, thì tỷ lệ giao dịch thành công mới cao.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, việc định giá sát giá trị khoản nợ khiến nợ xấu được xử lý rất nhanh, tỷ lệ thu hồi nợ xấu đạt tới 50%. Trong khi đó, Trung Quốc định giá nợ xấu quá cao, khiến tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 30%.

Xây chuẩn cho nợ xấu để bán lên sàn

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo VAMC cho biết, rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hiện vẫn quan tâm mua nợ xấu Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin còn rời rạc, thiếu minh bạch, khiến nhà đầu tư e ngại.

“Việt Nam chưa xây dựng được khung pháp lý đủ mạnh, có tính răn đe trong việc yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch trong cung cấp thông tin và cũng chưa có khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư. Đây là điểm yếu lớn nhất trong việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam”, PGS-TS Đào Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, hiện nay, không chỉ tổ chức tín dụng giấu thông tin, mà cơ quan quản lý cũng không minh bạch về vấn đề này. Một khi thông tin chưa minh bạch, nhà đầu tư không thể dám xuống tiền.

Chính vì vậy, trước đề nghị chứng khoán hóa nợ xấu, lập sàn giao dịch nợ xấu của một số chuyên gia, bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng, muốn đưa lên sàn, trước tiên, hàng hóa (ở đây là nợ xấu) phải được quy chuẩn và minh bạch.

“Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2020 xử lý nợ xấu triệt để, song nếu không có hoạt động mua - bán nợ xấu đúng nghĩa thì xử lý nợ xấu vẫn chỉ là định hướng. Xây dựng sàn bán nợ là một giải pháp hay, song nếu nợ xấu không được chuẩn hóa, thì dù có mang lên sàn cũng chẳng ai dám mua. Chứng khoán hóa nợ xấu là công cụ vừa rủi ro, vừa phức tạp, nên cần phải nghiên cứu kỹ”, PGS-TS Mùi khuyến cáo.(Infomoney)
----------------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục