Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thu về 5,5 tỷ USD trong 8 tháng; Liệu Trung Quốc có trở thành một nhà xuất khẩu nhiên liệu nhạy cảm hơn với giá cả?; Lo ngại chiến tranh thương mại gia tăng, dầu giảm giá
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-08-2018
- Cập nhật : 31/08/2018
Giá nhà của Mỹ tăng hơn 6% trong năm nay sau đó chậm lại
Thăm dò của Reuters cho thấy giá nhà của Mỹ có thể tăng trong năm nay với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015 và nhiều hơn gấp đôi tốc độ tăng lương và lạm phát giá tiêu dùng trong năm thứ 6 liên tiếp.
Nhưng mức độ tăng trưởng giá nhà dự kiến chậm lại trong năm 2019, nhấn mạnh quan điểm của những người trả lời rằng sự tăng mạnh trong giá bất động sản không được hỗ trợ bởi doanh thu và hoạt động mạnh mà thay vào đó là thiếu nguồn cung.
Sự khan hiếm bất động sản trên thị trường, đặc biệt nhà cho một hộ gia đình, đang thúc đẩy giá nhà cao hơn nữa cho nhiều khách hàng tại thời điểm khi mức độ thế chấp ngày càng tăng cũng bắt đầu gây khó chịu.
Trong khi giá bất động sản của Mỹ phục hồi từ một cuộc khủng hoảng hơn một thập kỷ trước, hoạt động trong thị trường nhà đất tương đối chậm chạp, so với thời điểm bùng nổ trước khi khủng hoảng tài chính vừa qua. Điều đó là rõ ràng trong quý 2. Nền kinh tế Mỹ phát triển với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 năm, nhưng tăng lương là vừa phải và doanh số bán nhà có sẵn (chiếm hơn 90% của nguồn cung) giảm.
Chỉ số tổng hợp giá nhà của S&P/Case Shiller tại 20 khu vực đô thị được dự báo tăng 6,1% trong năm nay và 4,7% trong năm 2019, theo thăm dò hơn 30 chuyên gia thị trường và nhà kinh tế từ ngày 17 - 29/8/2018.
Nếu đúng hiện thực, đây cũng sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2015, giá nhà trung bình hàng năm của Mỹ tăng hơn 6%, hơn gấp đôi tốc độ tăng lương trong báo cáo mới nhất.
Nhưng doanh số bán nhà hiện có - ở mức đỉnh trong năm 2005 đạt trung bình hơn 7 triệu nhà - được dự báo đạt trung bình khoảng 5,5 triệu nhà đến giữa năm tới. Số liệu đó giảm nhẹ từ 5,6 triệu nhà hàng năm được dự báo trong một thăm dò của Reuters hồi tháng 5/2018.
Đa số các nhà phân tích những người đã trả lời một câu hỏi thêm về những trở ngại lớn nhất tới sự phục hồi trong doanh thu nhà đất đã lựa chọn việc Fed dự kiến tăng lãi suất là lý do lớn nhất, sau đó là thiếu nhà sẵn có cho hộ gia đình và tăng trưởng tiền lương thấp. Một số người cũng cho biết đơn giản là giá quá cao.
Được yêu cầu đánh giá tính hợp lý về giá cả với thang điểm 1 là rẻ nhất và 10 là đắt nhất, đa số câu trả lời là 7 và tăng từ 6 điểm trong thăm dò năm ngoái.
Lo ngại khác là chi phí nguyên liệu xây nhà ngày càng tăng thúc đẩy bởi thuế quan với thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc tiếp tục đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).(VITIC)
-------------------
Thêm 1 thị trường xuất khẩu 10 tỷ USD
Hết tháng 7, cả nước có 3 thị trường xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tăng 1 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường mới góp mặt là Hàn Quốc với kim ngạch đạt 10,22 tỷ USD, tăng gần 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng thêm 32,1%.
Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu sang Hàn Quốc những tháng qua là 3 nhóm hàng “tỷ USD”, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2017. Mặt hàng mới góp mặt là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,547 tỷ USD, tăng mạnh gần 57% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, đứng đầu vẫn là điện thoại các loại và linh kiện với trị giá kim ngạch 2,629 tỷ USD. Mặt hàng “tỷ USD” còn lại là dệt may với trị giá kim ngạch 1,566 tỷ USD, tăng 312 triệu USD so với 7 tháng đầu năm 2017.
Ngoài ra còn nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD trong 7 tháng qua như: Thủy sản, gỗ và sản phẩm, giày dép…
2 thị trường xuất khẩu 10 tỷ USD còn lại của nước ta là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục vững vàng ở vị trí số 1 với tổng kim ngạch đạt 25,837 tỷ USD, tăng 10,2%; Trung Quốc đạt 19,958 tỷ USD tăng 27,8%.
Trong 3 thị trường “10 tỷ USD”, nước ta đạt được thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Trong khi đó, Hàn Quốc và Trung Quốc là quốc gia nước ta đang nhập siêu lớn nhất.
Với tổng trị giá kim ngạch 56,015 tỷ USD, riêng 3 thị trường chủ lực nêu trên chiếm đến 41,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.(Baohaiquan)
-------------------------
Các nước trong hiệp định RCEP muốn hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm
Cuộc gặp tuần này của RCEP diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các quốc gia thành viên trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại gồm 16 nước châu Á-Thái Bình Dương, sẽ tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng ở Singapore vào ngày thứ Năm và thứ Sáu nhằm tiến tới mục tiêu hoàn tất thỏa thuận trước cuối năm nay.
Theo tin từ tờ báo Nhật bản Nikkei, trọng tâm của cuộc họp lần này là liệu các nước thành viên có đạt một sự đồng thuận chung để mở đường cho một cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 11. Năm nay cũng là năm mà Singapore giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Sau nhiều nỗ lực, khả năng về hoàn thiện một cách thực chất cuộc đàm phán RCEP cuối cùng đã trong tầm mắt", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại lễ khai mạc của cuộc gặp cấp bộ trưởng vào ngày thứ Tư. "Tôi khuyến khích các nước RCEP có cái nhìn dài hạn, giữ động lực, tương tác mang tính xây dựng, và giữ sự linh hoạt tối đa, để chúng ta có thể đạt một thỏa thuận RCEP chất lượng cao trong năm nay".
RCEP bao gồm 10 nước ASEAN, cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Nhóm nước này chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và một nửa dân số thế giới. RCEP được đề xuất bởi ASEAN và nhằm hợp nhất các thỏa thuận thương mại song phương trong ASEAN vào một khuôn khổ thương mại tự do duy nhất bao trùm phần lớn khu vực châu Á.
Vòng đàm phán đầu tiên của RCEP diễn ra vào năm 2013. Tại cuộc họp gần đây nhất diễn ra ở Tokyo hồi tháng trước, các nước RCEP dã nhất trí hoàn tất một thỏa thuận trước cuối năm 2018.
Các quốc gia thành viên RCEP hiện đang đàm phán về 18 lĩnh vực khác nhau, trong đó đã có 4 lĩnh vực đạt nhất trí, gồm: hợp tác kinh tế và kỹ thuật; doanh nghiệp vừa và nhỏ; thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại; và mua sắm chính phủ.
Cuộc gặp tuần này của RCEP diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới tuần trước, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lần lượt áp thuế quan bổ sung lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Các nước RCEP hy vọng sẽ duy trì được động lực tự do thương mại thông qua khuôn khổ mới này. "RCEP sẽ là một tín hiệu quan trọng đối với thế giới rằng các nước thành viên ASEAN và các đối tác của chúng tôi đánh giá cao tự do thương mại, hội nhập khu vực và hợp tác quốc tế", ông Lý Hiển Long phát biểu.
Đầu năm nay, 7 trong số 16 nước tham gia RCEP đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP-11. Việc ký kết CPTPP đã thúc đẩy cuộc đàm phán RCEP tiến nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo Nikkei, RCEP sẽ đối mặt nhiều trở ngại trong vài tháng tới. Hiện vẫn còn 14 trong số 18 lĩnh vực đàm phán - bao gồm thương mại hàng hóa, cạnh tranh, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử - vẫn chưa đạt thỏa thuận. Hiện đang có nhiều bất đồng lớn giữa các nước thành viên. Chẳng hạn Ấn Độ lưỡng lự trong việc mở cửa thị trường cho những quốc gia lớn như Trung Quốc.
Ngoài ra, các quốc gia cũng đưa ra ý tưởng khác nhau về việc các quy định nên ngặt nghèo tới mức nào. Các quốc gia có mức độ phát triển cao hơn muốn đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn.
"Xét tới sự đa dạng của các thành viên RCEP, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận đánh đổi và nhượng bộ", ông Lý Hiển Long nói ngày thứ Tư.
Theo dự kiến, các nước RCEP sẽ đưa ra một báo cáo về tiến trình đàm phán sau khi hoàn tất cuộc gặp tuần này.(Vneconomy)