tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tôi 30-08-2018

  • Cập nhật : 30/08/2018

WTO cảnh báo thương mại toàn cầu đang bị đe dọa

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo thương mại toàn cầu đang bị đe dọa, đồng thời kêu gọi tất cả phải hành động để bảo vệ trật tự thương mại thế giới.

tong giam doc to chuc thuong mai the gioi (wto) roberto azevedo. anh: ttxvn phat

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo. Ảnh: TTXVN phát

Trang web Swissinfo của Đài truyền hình quốc gia Thụy Sĩ ngày 28/8 dẫn phát biểu của ông Azevedo cho biết dữ liệu của WTO cho thấy một sự leo thang đáng kể các biện pháp hạn chế thương mại được ghi nhận trong 6 tháng qua.

Ông Azevedo nhấn mạnh: "Sự leo thang tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đe dọa việc làm và tăng trưởng ở tất cả các nước, đánh vào những nước nghèo nhất và khó khăn nhất".

Tổng Giám đốc WTO cho biết thêm nhiều biện pháp thúc đẩy nhập khẩu cũng được ghi nhận trong cùng kỳ, tuy nhiên ảnh hưởng của những biện pháp này đến kim ngạch thương mại đang giảm, trong khi tác động của những biện pháp hạn chế thương mại gia tăng nhanh.

Ông Azevedo kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết những vấn đề trên.

Người đứng đầu WTO cho biết ông đã tham vấn với các chính phủ và giới lãnh đạo trên khắp thế giới, hối thúc đối thoại và tìm kiếm các bước đi nhằm tháo gỡ tình hình hiện tại.

Ông Azevedo cũng cho rằng sự im lặng của các quốc gia cũng giống như hành động khơi mào cuộc chiến thương mại.

Ông cho biết đã tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc với các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có các nghị sỹ, doanh nhân, giới chuyên gia và giới truyền thông để nâng cao nhận thức về những mối đe dọa hiện nay.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ với các nước đối tác gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống thương mại đa phương.

Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới.

Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.(TTXVN)
---------------------

Nga chuẩn bị một loạt biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ

Nga đã chuẩn bị một loạt biện pháp trong trường hợp Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nợ chính phủ của Nga.

Phát biểu ngày 27/8, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nêu rõ: "Chúng tôi có một gói các biện pháp về cách thức sẽ đáp trả nếu những quyết định (trừng phạt) như vậy được đưa ra, song chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra".

Trước đó, hồi đầu tháng này, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã trình Thượng viện Mỹ xem xét dự luật về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm giao dịch đối với các trái phiếu nợ quốc gia mới của Nga. Mỹ đã cân nhắc khả năng này, tuy nhiên hồi tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc trừng phạt nhằm vào nợ chính phủ của Nga sẽ gây ra những hậu quả khó lường không chỉ đối với Nga mà còn đối với thị trường tài chính toàn cầu cũng như các nhà đầu tư Mỹ.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga đã gây phức tạp hơn cho các cơ hội đối thoại về một loạt vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước. Theo bà Zakharova, các biện pháp trừng phạt không thể buộc Nga phải từ bỏ con đường kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia. Do đó, những động thái như vậy của Washington không góp phần thúc đẩy đối thoại song phương một cách văn minh và tôn trọng nhau.

Bà Zakharova cho biết thêm việc Mỹ áp đặt trừng phạt Nga với cáo buộc vô căn cứ liên quan đến vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm làm xói mòn những nguyên tắc quốc tế về kiểm soát và không phổ biến vũ khí, bao gồm cả quy định cấm vũ khí hóa học.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Điện Kremlin đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới để quyết định cách đáp trả Mỹ.

Gói biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp dụng chống Moskva liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal có hiệu lực từ ngày 27/8. Theo đó, Mỹ chấm dứt các hoạt động hỗ trợ, hoạt động buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số công nghệ và mặt hàng an ninh.(TTXVN)
---------------------------

Quy định ngoại hối mới đối với hoạt động thanh toán ở biên giới Việt-Trung

Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

 

xe hang nong san chuan bi qua cua khau de xuat hang sang trung quoc. anh: thai thuan/ttxvn

Xe hàng nông sản chuẩn bị qua cửa khẩu để xuất hàng sang Trung Quốc. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

Thông tư này hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc. 

Theo quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP, hoạt động thương mại biên giới bao gồm: hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và tại chợ biên giới.

Thông tư 19 quy định cụ thể về đồng tiền được sử dụng trong thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới, theo đó: đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, thương nhân được sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi và đồng bản tệ (CNY, VND) để thanh toán; đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, đồng tiền được sử dụng trong thanh toán là đồng bản tệ (CNY, VND). 

Về phương thức thanh toán, thanh toán qua ngân hàng là phương thức thanh toán chủ yếu áp dụng đối với hoạt động thương mại biên giới. Ngoài ra, Thông tư 19 quy định phương thức thanh toán bằng tiền mặt (CNY, VND) đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân Việt Nam và thanh toán bằng VND tiền mặt đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cơ chế thanh toán bằng đồng bản tệ nêu trên đã được triển khai thực hiện từ năm 2004 theo quy định tại Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN trước đây.

Việt Nam có 7 tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên và chỉ có những khu vực biên giới tại các tỉnh này mới được phép dùng đồng VND, CNY để thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới.

Việc ban hành Thông tư 19 góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt – Trung ngày càng phát triển (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục