Dự trữ ngoại hối đạt 42 tỉ USD; Gần 800 đơn vị không chịu trả trụ sở; Toshiba lỗ gần 9 tỷ USD; Doanh nghiệp Trung Quốc "phản pháo" việc Mỹ áp thuế nhập khẩu giấy bạc từ Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-07-2017
- Cập nhật : 29/07/2017
Bốn hãng bay lớn bắt tay lập 'siêu hãng hàng không'
Delta Air Lines, China Eastern, Air France/KLM Group và Virgin Atlantic Airways đang bắt tay chi hơn 1 tỉ USD lập nên siêu hãng hàng không ảo.
Theo CNN, một loạt các giao dịch trong ngành hàng không vừa được công bố hôm 27.7. Delta Air Lines của Mỹ và Chia Eastern Airlines từ Trung Quốc mỗi hãng đang mua 10% cổ phần tập đoàn Air France/KLM, và Air France/KLM sẽ mua 31% cổ phần Virgin Atlantic Airways của tỉ phú Mỹ Richard Branson.
Khoản đầu tư 1,2 tỉ USD sẽ sâu sắc hóa quan hệ kinh doanh giữa các công ty, giúp họ phối hợp vận hành qua các hành lang không phận bận rộn của châu Âu và Mỹ. Đây không phải là thương vụ sáp nhập và mỗi hãng bay vẫn sẽ duy trì thương hiệu riêng.
Dù vậy, thỏa thuận đầu tư cho phép họ phối hợp chặt chẽ dưới sự bảo vệ của hình thức chống độc quyền. Các hãng có thể chống lại sự cạnh tranh từ những cái tên lớn và tăng trưởng nhanh của Trung Đông, hay các hãng bay giá rẻ hoặc chuyến bay chặng dài.
Tất cả các hãng hàng không, trừ Virgin, đều là đối tác của liên minh SkyTeam nhưng liên doanh này làm nhiều hơn thế. CEO France-KLM Jean-Marc Janaillac cho hay: “Quan điểm là làm việc cùng nhau như kiểu tổng công ty ở Bắc Đại Tây Dương, quyết định cùng nhau về mạng lưới, giá cả và lợi nhuận”.
Các thỏa thuận sẽ được ký vào cuối năm nay và Virgin kỳ vọng nhận được sự chấp thuận của hội đồng quản trị vào đầu năm 2019. Phối hợp chặt chẽ với China Eastern bị hạn chế vì không có thỏa thuận Open Skies (thỏa thuận bầu trời mở) chính thức giữa Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Delta đang theo đuổi cổ phần của nhiều hãng bay thế giới. Họ đã mua 49% cổ phần Virgin năm 2013 và đang sở hữu 49% cổ phần AeroMexico, 9,5% cổ phần Gol và 3,5% cổ phần China Eastern. Công ty cũng liên doanh với Korean Air Lines để phối hợp trên khắp Thái Bình Dương.
Các hãng bay dần chuyển hướng ra khỏi các liên minh truyền thông vốn giúp khách hàng đặt một vé trên nhiều hãng hàng không, thu thập dặm bay thường xuyên và được quyền vào các phòng chờ sân bay trên toàn thế giới. Các thỏa thuận này không cho phép các hãng bay phối hợp về thời gian biểu và giá cả một cách hợp pháp.
Chuyên gia Henry Harteveldt sáng lập hãng Atmosphere Research cho hay: “Khi bạn có vốn cổ phần cùng liên doanh, bạn đi từ chỗ bạn bè trở thành người thân. Bạn không phải là anh em ruột, nhưng bạn là anh em họ gần nhất”.
Nếu các thỏa thuận mới được thông qua, Virgin có thể tiếp cận được các điểm cất cánh và hạ cánh ở Sân bay Heathrow và Gatwick ở London vốn được Air France và KLM dùng. Air France và KLM có thể để hành khách chuyển tiếp sang máy bay của Virgin dễ dàng hơn. Hành khách sẽ được vào phòng chờ của các hãng bay khác, thu thập dặm bay trên nhiều chuyến bay khác nhau.
Dù vậy, liên kết không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả. Etihad Airways, hãng hàng không phát triển nhanh có trụ sở ở Abu Dhabi, thông báo khoản lỗ 1,87 tỉ USD trong năm qua vì khoản đầu tư vào các hãng bay gặp khó như Air Berlin và Alitalia.(Thanhnien)
------------------------
Sáu tháng, lãi trước thuế Vietjet tăng 46% so với cùng kỳ
Việc nhận các tàu bay mới, tàu thuê ướt, mở thêm đường bay quốc tế giúp hãng hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận 2017 sau hai quý.
Công ty cổ phần hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC) vừa công bố kết quả doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 trước kiểm toán.
Theo đó, doanh thu vận tải hàng không 6 tháng đạt 10.743 tỷ đồng, tăng 45,1% cùng kỳ năm 2016 và đạt 108% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ từ mảng vận tải hàng không đạt trên 1.090 tỷ đồng, tăng 46% so với nửa đầu năm 2016.
Doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 Vietjet tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet cũng đưa vào khai thác thêm 5 tàu bay A321 mới và 5 tàu thuê ướt. Việc tăng thêm 10 tàu bay tăng cường cho mùa cao điểm, tạo điều kiện cho việc mở rộng mạng bay quốc tế.
Tính đến hết tháng 6/2017, Vietjet khai thác 73 đường bay trong nước và quốc tế, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 110,6% kế hoạch năm.
Hãng thực hiện 49.151 chuyến bay với độ tin cậy kỹ thuật là 99,55%, tỷ lệ đúng giờ đạt 85,7%.
Các chỉ số an toàn khai thác bay, khai thác kỹ thuật, khai thác mặt đất ở nhóm cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kết quả vận hành an toàn và chất lượng đã giúp công ty giảm tới 30% phí bảo hiểm tàu bay trên thị trường quốc tế so với năm 2016.
Số hành khách vận chuyển trong nửa đầu năm nay đạt 8,27 triệu lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ với hệ số sử dụng ghế là 87,7%.
Vietjet đã chốt ngày trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% và dự kiến sẽ chốt thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40% sau khi có quyết định từ Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.
Ngày 25/7 vừa qua, Japan Airlines (JAL) và Vietjet đã ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện nhằm nâng cao tiện ích khách hàng, chất lượng dịch vụ, chất lượng vận hành và gia tăng giá trị doanh nghiệp của hai công ty.(Vnexpress)
-------------------------
Trung Quốc quyết lột xác các tập đoàn nhà nước
100 tập đoàn nhà nước hàng đầu Trung Quốc sẽ phải chuyển đổi mô hình sang trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần hóa trước cuối năm 2017, tuyệt đối không để tình trạng tồn tại kiểu "vật vờ, lây lất".
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, chính quyền Bắc Kinh đã ra thời hạn chót cho việc chuyển đổi mô hình sau cuộc họp ngày 26-7.
Đây là một phần trong nỗ lực cắt giảm quy mô nợ công, chấm dứt các tập đoàn nhà nước tồn tại kiểu "xác sống".
Việc áp thời hạn chót như lần này là rất hiếm xảy ra kể từ năm 1998 khi thủ tướng Chu Dung Cơ hô hào sẽ "lấy lại sức sống cho khu vực nhà nước trong một vài năm".
Giới chuyên môn nhận định Bắc Kinh đang cho thấy sự quyết liệt trong việc điều hành nền kinh tế. Việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần với những tiêu chí và hướng dẫn cụ thể sẽ mở đường cho các thỏa thuận về tỷ lệ sở hữu trơn tru.
Số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy hơn 90% doanh nghiệp nhà nước đã được tái cấu trúc. Chuyên gia kinh tế Lu Zhengwei, thuộc Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc, cho biết việc tái cấu trúc sẽ giúp thu hút các các nhà đầu tư tư nhân dưới hình thức sở hữu hỗn hợp.
"Điều đó cũng có nghĩa các doanh nghiệp nhà nước vốn quản lý yếu kém, nay có thể dễ dàng nộp đơn phá sản hơn trước", ông Lu nhận định với báo SCMP.
Để tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, chính phủ Trung Quốc sẽ dẫn dắt quá trình này. Theo báo SCMP, chi tiết này có nghĩa Bắc Kinh sẽ không bán đổ bán tháo hay "giảm giá" khi tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, vốn chiếm tới 70% nợ phi tài chính của đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng việc cải tổ khu vực kinh tế nhà nước là điều kiện tiên quyết và cực kỳ quan trọng để chấm dứt gánh nặng nợ công, tái định hình nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình cải cách đã không được như ý muốn, tờ báo của Hong Kong nhận định.
Phát biểu trong một cuộc họp trù bị vừa kết thúc vào ngày hôm qua (27-7), trước đông đảo quan chức chính phủ và quân đội cấp cao, ông Tập tuyên bố Trung Quốc "đã đạt tới bước ngoặt lịch sử" sau 5 năm phát triển.
"Trong 5 năm qua, sự lãnh đạo hạt nhân của đảng đã giúp giải quyết nhiều vấn đề thách thức mà chúng ta muốn dứt điểm trong nhiều năm nhưng không thể, đạt được nhiều thứ mà chúng ta muốn đạt được trong quá khứ nhưng không thể", báo SCMP dẫn lời ông Tập.
Giáo sư khoa học chính trị Chen Daoyin, thuộc Đại học Thượng Hải, bình luận tuyên bố của ông Tập cho thấy vị thế của ông đang được đặt ngang hàng với các lãnh đạo tiền bối Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
"Kỷ nguyên của ông Mao là khi Trung Quốc vùng dậy, của ông Đặng là các chính sách mở cửa và cải tổ kinh tế, và giờ là thời của ông Tập khi ông ấy xem mình là nhân tố giúp Trung Quốc trở nên hùng mạnh", báo SCMP dẫn lời giáo sư Chen.(Tuoitre)
-----------------------
Có 3,5 triệu người dùng 4G tại Việt Nam
Trong tổng số 6,3 triệu người dùng đã đổi SIM 4G thì mới chỉ có 3,5 triệu người dùng sử dụng dịch vụ này.
ng Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết, sau hơn nửa năm triển khai, Việt Nam hiện có 3,5 triệu người dùng 4G, trong tổng số 6,3 triệu người đã đổi SIM.
Cũng theo ông, hiện Việt Nam có 48 triệu thuê bao di động băng thông rộng (gồm cả 3G và 4G). Ông nhận định, tỷ lệ phát triển như trên cũng là tương đối nhanh, tuy nhiên, so với một số nước trên thế giới, tốc độ phát triển 4G so với 3G tại Việt Nam không phải là cao.
Khảo sát của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam cho thấy, có 88% người sử dụng dịch vụ 4G là ở Hà Nội, TP HCM. Cuộc khảo sát được tiến hành với gần 14.000 người cho thấy, 47% đánh giá chất lượng tốc độ ở mức độ tốt và rất tốt, 47% ở mức độ bình thường. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 6% đánh giá chất lượng kém.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo nhận định các nhà mạng triển khai 4G mới chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu tăng dung lượng của mạng 3G. Do đó, để đáp ứng chất lượng dịch vụ như mong muốn thì doanh nghiệp cần phải có thời gian để triển khai mạng và cần thêm băng tần để triển khai trong thời gian tới. (VNexpress)
-------------------