Việt Nam chi 31,7 tỷ USD nhập khẩu hàng Trung Quốc trong 7 tháng; Truy tố nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga; CPI tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước; Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Lợi nhuận giảm gần 40% quý III, nợ vay tăng vọt lên trên gần 11 ngàn tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-07-2017
- Cập nhật : 29/07/2017
Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc
Số liệu mới công bố của hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu 6,5 tỷ USD, khiến nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc lên tới 16 tỷ USD. Mức thâm hụt thương mại này đã giúp Hàn Quốc soán ngôi Trung Quốc (13 tỷ USD), trở thành nước mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất.
Thực tế, những cảnh báo về việc Việt Nam nhập siêu lớn từ Hàn Quốc đã có từ lâu, khi các “đại gia” Hàn Quốc bắt đầu dồn lực đầu tư vào Việt Nam. Năm 2010, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 6,67 tỷ USD. Con số này tăng lên 14,09 tỷ USD 3 năm sau đó và nhanh chóng lên mức 20,6 tỷ USD kết thúc năm 2016. Năm nay, mới qua 6 tháng, số liệu nhập siêu từ thị trường này đã xấp xỉ 16 tỷ USD. Nghĩa là, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh dần đều trong 7 năm qua.
Lý giải việc Hàn Quốc giữ ngôi đầu bảng trong thâm hụt thương mại với Việt Nam nửa đầu năm nay, Thứ trưởng Công Thương – Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam đã tận dụng lợi thế được hưởng thuế suất ưu đãi 0% từ Hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ đầu năm để tăng cường nhập hàng từ Hàn Quốc.
“Họ nhập khẩu chủ yếu là máy móc, phụ tùng thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất, đặc biệt là Samsung”, ông Hải nói.
Xu hướng này, theo đại diện Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2017, bởi thông lệ hàng năm, xuất khẩu từ tháng 6 trở đi bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng, nên các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.
Thực tế, áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc đã được cảnh báo từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực năm 2015. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa tận dụng được lợi thế mà VKFTA đem lại. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã làm khá tốt điều này. Ông Long phân tích, về bản chất các FTA sẽ tạo cơ hội giao thương giữa 2 thị trường, song do năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là nông – thủy sản nên giá trị không cao. Điều này dẫn tới việc khi nhiều FTA đi vào hiệu lực, nhập siêu từ các thị trường khác có xu hướng gia tăng.
Ngoài tận dụng lợi thế từ FTA Việt Nam – Hàn Quốc đem lại, thì lượng vốn lớn đầu tư từ Hàn Quốc rót vào Việt Nam thời gian qua cũng lý giải nguyên nhân vì sao nhập siêu từ nước này tăng nhanh. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nửa đầu năm nay đã có 4,95 tỷ USD vốn FDI từ Hàn Quốc đăng ký vào Việt Nam, chiếm một phần tư tổng vốn đăng ký. Hàn Quốc cũng dẫn đầu về số dự án cấp mới, dự án tăng vốn. Phần lớn vốn FDI Hàn Quốc đăng ký trong 6 tháng đầu năm tập trung vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, nên nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
“Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn vào Việt Nam và dùng chính tiền đầu tư quay lại nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu máy móc… từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, bản chất nhập siêu của Hàn Quốc khác Trung Quốc, nên chưa đáng lo”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận xét.
Cho rằng con số thâm hụt thương mại gần 16 tỷ USD nghiêng về phía Hàn Quốc là con số đáng chú ý, song theo ông Ngô Trí Long, không nên vội vàng nghĩ tới áp rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật với thị trường Hàn Quốc lúc này.
“Hàn Quốc là nước phát triển, chất lượng hàng hóa tốt, chúng ta nhập chủ yếu qua đường chính ngạch. Nếu dùng rào cản kỹ thuật phi lý sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ làm ăn không những với Hàn Quốc, mà cả với các nước”, chuyên gia này nói, đồng thời nhấn mạnh, đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nâng cao hơn năng lực cạnh tranh, cũng như tận dụng lợi thế mà các FTA đem lại.(VNexpress)
--------------------------
Châu Âu chống lại lệnh trừng phạt kinh tế Nga của Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) và Washington dường như đang chia rẽ sau nhiều năm nỗ lực phối hợp cùng nhau để trừng phạt Moscow về việc sáp nhập Crimea.
Theo CNN, sự khác biệt trở nên nghiêm trọng đến nỗi Ủy ban châu Âu cảm thấy những lợi ích kinh tế của họ đang bị đe dọa, thậm chí còn gợi ý trả đũa nếu Quốc hội Mỹ thông qua những đề xuất trừng phạt mới của Mỹ dành cho Nga mà không xem xét đến những tác động có thể ảnh hưởng đến EU.
Vấn đề ngoại giao nhức nhối này chủ yếu chỉ tập trung vào một vấn đề, đó là khí tự nhiên. Mặc dù đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc nhập khẩu năng lượng từ Nga bằng cách mua thêm khí đốt từ các nước khác như Qatar và Mỹ, nhưng nhu cầu về khí tự nhiên của nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung và Tây Âu vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ đất nước Á - Âu. An ninh năng lượng vì thế đã bị chính trị hóa cao. Đồng thời đây cũng là một vấn đề mà EU không muốn các nước bên ngoài, thậm chí là những đồng minh thân cận như Mỹ, can thiệp quá giới hạn.
Điều EU lo lắng hiện nay là nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn các biện pháp chế tài mới, thì không chỉ Moscow bị ảnh hưởng trực tiếp mà nội bộ EU cũng sẽ trở nên chia rẽ và một số dự án năng lượng quan trọng trên lục địa có thể bị cản trở. “Lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu và ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của EU”, Kristine Berzina, một thành viên cao cấp của quỹ German Marshall Fund, nói.
Trong số các dự án năng lượng tại châu Âu, Nord Stream 2, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga qua biển Baltic để đến Đức, được đánh giá là dự án đặc biệt vấp phải áp lực từ các thế lực đối lập. Những người phản đối ở EU nói rằng đường ống này sẽ chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong khi đó lại có không ít người đồng ý hỗ trợ Nord Stream 2 và phản đối sự can thiệp từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi có những quan ngại về tác động kinh tế đang cần được xem xét và điều này vượt xa ra khỏi phạm vi Nord Stream 2”, Margaritis Schinas, phát ngôn viên trưởng của EU, cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, lệnh trừng phạt mới có thể làm suy yếu quan hệ hợp tác giữa EU và các công ty Nga trong việc phát triển những dự án năng lượng ngoài khơi ở Ai Cập. Nó cũng có thể ngăn cản các doanh nghiệp Nga - Ý phối hợp với nhau trong dự án được gọi là “hành lang khí đốt phía nam” đi xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới các nước phía nam của EU.
Dữ liệu nhập khẩu của EU cho thấy sản lượng khí mua từ Nga tương đối ổn định từ năm 2014 và thực sự đã tăng vào năm 2016 khi giá giảm. Trong bối cảnh này, những động thái từ các nhà lập pháp Mỹ gây ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng tại EU có lẽ sẽ không còn nhận được sự hoan nghênh.(Thanhnien)
---------------------------
Hải quan gỡ rối, 1.000 container hàng sắp được giải phóng
Tổng Cục Hải quan vừa gửi công văn hỏa tốc đến Cục hải quan TP.HCM gỡ rối cho các doanh nghiệp sau phản ánh của Tuổi Trẻ về một quy định "cửa nhập khẩu" khiến hàng bị ù ứ.
Cụ thể, công văn của Tổng cục Hải quan gỡ rối liên quan đến Quyết định 15 của Chính phủ khiến nhiều container hàng ùn ứ ở cảng vì quy định “cửa nhập khẩu”.
Đây là công văn gỡ rối thứ 3 mà Tổng Cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 1-7-2017, về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.
Gỡ rối về địa điểm làm thủ tục
Với công văn này, ước tính gần 1.000 container đang tồn tại các cảng của TP.HCM và phần lớn tập trung tại cảng Cát Lái sẽ được giải phóng.
Tổng Cục Hải quan, dựa vào Nghị định 08 và Thông tư 38, gỡ rối, làm rõ về địa điểm làm thủ tục hải quan được quy định với hàng hóa thuộc danh mục dùng làm nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu.
Theo đó, doanh nghiệp được chọn làm thủ tục nhập khẩu tại chi cục hải quan nơi có trụ sở chính hoặc chi nhánh, cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp có thể chọn làm thủ tục tại chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.
Hoặc các doanh nghiệp có thể làm thủ tục tại các chi cục hải quan quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu thuộc Cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất hoặc nơi có cửa khẩu nhập.
Đối với nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện phụ tùng nhập khẩu để sản xuất tiêu thụ trong nước, Tổng Cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan cửa khẩu nhập hoặc tại chi cục hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện dự án đầu tư miễn thuế, doanh nghiệp được làm thủ tục tại chi cục hải quan nơi đăng ký danh mục hàng hóa miễn thuế hoặc chi cục hải quan cửa khẩu nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa, cảng đích ghi trên vận đơn, hợp đồng vận chuyển.
Với trường hợp này, doanh nghiệp cũng có thể làm thủ tục tại chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư thuộc Cục Hải quan nơi hàng hóa nhập khẩu.
Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu kinh doanh tiêu dùng thì phải làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan cửa khẩu nhập.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM cho biết với quy định như vậy, doanh nghiệp được lựa chọn địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất.
Nếu một doanh nghiệp có trụ sở ở TP.HCM và nhà máy đặt ở nhiều tỉnh thành khác nhau, chỉ cần đăng ký kiểm dịch hàng hóa hải quan tại chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư.
Sau khi hàng hóa được kiểm dịch thì doanh nghiệp sẽ kéo hàng về các tỉnh có nhà máy và thực hiện gia công rất thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Hàng tiêu dùng nhập khẩu vẫn rối
Trước đó, tại Công văn số 4824/TCHQ-GSQL Tổng cục Hải quan cho rằng, các chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công thuộc Cục Hải quan TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng không phải là chi cục hải quan cửa khẩu.
Chính vì thế nên các chi cục này không được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc danh mục quy định tại Quyết định 15. Điều này dẫn doanh nghiệp không thể thực hiện thủ tục ở đây mà phải về chi cục hải quan nơi doanh nghiệp đặt nhà máy.
Tuy vậy, hướng dẫn mới này cũng chỉ “giải phóng” bế tắc cho hàng gia công. Các mặt hàng nhập khẩu kinh doanh tiêu dùng vẫn phải làm thủ tục hải quan cửa khẩu nhập nên vẫn còn nhiều container không thể được giải phóng ra khỏi cảng.
Một số chi cục hải quan đã quá tải, đặc biệt là cảng Cát Lái, do các doanh nghiệp vẫn phải đến từng cửa khẩu để làm thủ tục thay vì chỉ làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, từ trước đến nay, với hàng kinh doanh tiêu dùng, việc đăng ký, kiểm tra hồ sơ được thực hiện tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư.
Tuy nhiên, việc kiểm tra thực tế hàng hóa, thông quan hàng hóa được thực hiện tại các cửa khẩu, chứ hàng hóa không chuyển cửa khẩu về địa điểm kiểm tra như các chi cục hải quan ngoài cửa khẩu khác.
Ngoài ra, hướng dẫn mới cũng không đề cập đến vướng mắc của hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính.
Theo Quyết định 15, chi cục hải quan chuyển phát nhanh không phải là chi cục hải quan cửa khẩu nên không được làm thủ tục.
Điều này lại khiến rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng chuyển phát nhanh, hàng bưu chính gặp khó.(Tuoitre)
--------------------------
Ngành Kế toán-Kiểm toán báo động đỏ vì "thừa số lượng, thiếu chất lượng"
Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks vừa phát hành báo cáo thị trường tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2017. Báo cáo được đưa ra dựa trên việc phân tích các công việc đăng tuyển và hồ sơ ứng tuyển trên www.vietnamworks.com.
Theo báo cáo, thị trường nhân sự ngành sản xuất và kế toán tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thừa số lượng nhưng thiếu chất lượng, VietnamWorks cho biết, tại hai tỉnh trọng điểm trong ngành sản xuất là Bình Dương và Bắc Ninh, tỷ lệ cạnh tranh về việc làm hiện nay đang là 1/42. Điều đó có nghĩa một người phải cạnh tranh với 42 người để có được việc làm mới. Trong khi nhóm nhân lực thuộc cấp cao và cấp trung trong lĩnh vực sản xuất luôn trong khan hiếm, nhóm lao động có kinh nghiệm làm việc nhưng chưa có kinh nghiệm quản lý lại rất dồi dào dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh khá cao là 1 người phải cạnh tranh với 50 người.
Nhóm nghề Hành chính/Thư ký và Kế toán vẫn giữ nguyên vị trí dẫn đầu trong tỷ lệ cạnh tranh. Hệ quả dẫn đến sự dư thừa nguồn nhân lực do nhóm sinh viên này được đào tạo vượt quá nhu cầu tuyển dụng của thị trường từ nhiều năm nay. Hiện nay trên cả nước có khoảng 200 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nghề kế toán. Theo thông tin của Bộ GD&ĐT công bố từ năm 2016, Kế toán-Kiểm toán luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực, và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa.
Tuy vậy, theo VietnamWorks, nghề Kế toán/Kiểm toán vẫn nằm trong danh sách nghề được sinh viên lựa chọn học do lương cao và tương lai có khả năng tìm được việc làm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đáng lưu ý là nghề này vẫn có tỷ lệ cạnh tranh cao do tình trạng “thiếu chất lượng, thừa số lượng”. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp trong nước có xu hướng tuyển kế toán đã có kinh nghiệm nhiều năm và nắm chắc kiến thức về luật thuế dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc rất khó.
Ngoài ra, theo báo cáo của Navigos Search từ nửa cuối năm 2016, Kiểm toán/Kế toán hiện đang là lĩnh vực phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” cao nhất do ứng viên giỏi có cơ hội tốt để dịch chuyển trong khối ASEAN, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp thêm nhiều bất lợi để tuyển dụng được ứng viên chất lượng đáp ứng được yêu cầu.(NDH)