Đại diện WEF: Việt Nam cần tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới; Nhật Bản vững "ngôi vương" về FDI ở Việt Nam; Grab nộp thuế vào ngân sách bao nhiêu?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-08-2018
- Cập nhật : 26/08/2018
Việt Nam nằm trong tầm ngắm của ông lớn thời trang Nhật
(PLO)- Ông Satoshi Hatase, Phó Chủ tịch hãng thời trang Uniqlo (Nhật), cho biết Việt Nam, Lào và Myanmar nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường của công ty này.
Lý giải về điều này, trong trả lời phỏng vấn tờ Nikkei, ông Satoshi Hatase cho hay vào tháng 3-2018, Uniqlo lấn sân vào Thái Lan và nhanh chóng thành công.
Thực tế, Uniqlo cũng xác định thị trường Đông Nam Á sẽ giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn, vì thu nhập người dân tại đây ngày càng tốt và dự đoán trong 10 năm nữa, tầng lớp trung lưu tại đây sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, điều đặc biệt Uniqlo tập trung phát triển cửa hàng tại các vùng ngoại ô tại Đông Nam Á, thay vì chỉ mỗi các đô thị lớn. Ông Satoshi Hatase tin rằng thị trường nông thôn có dư địa phát triển rất lớn.
Uniqlo dự lên kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương lên con số 400 tính tới năm 2022.
Theo giới phân tích, việc Uniqlo mở cửa hàng tại Việt Nam là điều chắc chắn. Vì các hãng thời trang nhanh như Zara, HM, Mango,... đã có mặt tại Viêt Nam và Uniqlo không muốn bị mất phần. Mặt khác, hiệu ứng thương hiệu Nhật với chất lượng tốt, mà giá cả phù hợp với thu nhập thì sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận một cách tích cực.
Mặt khác, Uniqlo đã đưa chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam để tận dụng chi phí nhân công thấp và với việc mở cửa hàng tại Việt Nam giúp hãng hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.
Các hãng thời trang nhanh cũng đang kiếm tiền rất tốt tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), kết thúc năm 2016 với thời gian kinh doanh chưa đầy 4 tháng, Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỉ đồng, bình quân đạt doanh thu 2,8 tỉ đồng/ngày và đạt lợi nhuận trước thuế 38 tỉ đồng. Rất hiếm thương hiệu bán lẻ quốc tế có được lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu kinh doanh.
Sang năm 2017, với việc mở mới các cửa hàng Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti trong tháng 9 và mở thêm cửa hàng Zara tại Hà Nội từ tháng 11, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỉ đồng.
Nửa đầu năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng trưởng 133% so với cùng kỳ lên gần 950 tỉ đồng, tức bình quân đạt gần 5,3 tỉ đồng/ngày.(PLO)
------------------
Vỡ mộng đầu tư căn hộ cho thuê
Thị trường căn hộ có dấu hiệu chững lại, giá cho thuê cũng không còn hấp dẫn nên nhiều người chấp nhận bán ra với giá vốn, thậm chí lỗ.
Vài năm trước, khi thị trường bất động sản TP HCM bắt đầu hồi phục, nhiều người đổ xô mua căn hộ chung cư, đặc biệt là loại trung và cao cấp để đầu tư, cho thuê đón đầu đà tăng trưởng của nền kinh tế. Một báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy trong 2 năm qua, mỗi năm thị trường có 40.000 căn hộ được chào bán, 70% số này mua để cho thuê. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ gia tăng khiến giá thuê chững lại và đi xuống.
Anh Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết năm 2016, sau khi mua căn hộ Green Valley ở Phú Mỹ Hưng (quận 7) giá 3,4 tỉ đồng (diện tích 97 m2), anh đầu tư thêm 400 triệu đồng làm nội thất để cho thuê. Sau đó, anh tìm được người thuê với giá 1.000 USD/tháng. Tháng 8 này, khi hết hạn hợp đồng, khách muốn thuê tiếp với điều kiện anh phải giảm giá vì thị trường đang có rất nhiều căn hộ cho thuê để lựa chọn với giá thấp hơn nhiều. Suy đi tính lại, anh quyết định rao bán nhà giá 4,3 tỉ đồng nhưng chưa có người mua.
"Tôi thà bán căn hộ tìm đất hoặc nhà giá thấp hơn mua để cho thuê chứ nhà giá cao mà cho thuê thấp, tính ra một năm thu về không bằng tiền gửi ngân hàng" - anh Hoàng tính toán.
Nguồn cung căn hộ tại TP HCM liên tục gia tăng khiến việc cho thuê ngày càng khó Ảnh: TẤN THẠNH
Căn hộ 120 m2 ở Cantavil Hoàn Cầu (đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) hiện có giá bán 5,2 tỉ đồng nhưng giá thuê chỉ 22-23 triệu đồng/tháng, giảm đến 3-4 triệu đồng so với trước. Tính ra tỉ suất sinh lời trên đầu tư rất thấp.
"Lúc mua, tôi nghĩ đầu tư để cho thuê vì khi ấy giá thuê rất tốt, các dự án bên quận 2 giá thuê đến 1.200-1.300 USD/tháng với cùng diện tích. Ai ngờ mua xong, giá thuê ngày càng giảm. Vài tháng trước, giá giảm còn 1.000 USD/tháng nhưng vẫn ít người hỏi nên tôi phải bán. Rất lâu mới có người mua nhà nên giờ tôi chẳng mặn mà với phân khúc này nữa" - chị Thanh Tuyền, vừa bán căn hộ tại Cantavil Hoàn Cầu, kể.
Theo tìm hiểu, hiện một số căn hộ phân khúc trung bình ở TP HCM giá mua khoảng 2-3 tỉ đồng, trước đây cho thuê được 14-15 triệu đồng/tháng nhưng nay nhiều căn phải giảm giá thuê 10%-15% mới giữ được khách. Tại một số dự án ở khu Đông, nhà đầu tư đã giảm từ 40%-60% giá thuê mới hy vọng tìm được khách hàng. Nhiều người khác chuyển từ cho thuê sang rao bán để thu hồi vốn vì hình thức đầu tư này ngày càng kém hấp dẫn.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho rằng nguyên nhân nhiều người thất vọng khi đầu tư căn hộ cho thuê và buộc phải bán tháo với giá rẻ, thậm chí chịu lỗ là do trước đây (năm 2015-2016), dự án căn hộ cao cấp bung hàng quá nhiều, đến thời điểm bàn giao là 2017-2018, đã tạo ra lượng lớn nguồn cung ở phân khúc cao cấp, tạo áp lực cho thị trường. Trong khi đó, nhu cầu không tăng kịp dẫn đến hiện tượng mất cân đối cung cầu làm cho giá thuê sụt giảm.
Điều đáng nói là giá trị căn hộ không tăng theo thời gian mà còn giảm vì chủ nhà cho thuê phải trừ đi thuế, phí môi giới, chi phí sửa chữa, khấu hao... Chưa kể, tỉ lệ bỏ trống bình quân 10%-15% mỗi năm làm cho suất đầu tư căn hộ cho thuê không hấp dẫn trong bối cảnh nguồn cung tăng liên tục.
Theo một chuyên gia bất động sản, đồng thời đang tham gia dịch vụ thuê và cho thuê căn hộ, nếu là căn hộ dịch vụ cho thuê, có đơn vị quản lý, giá thuê trung bình 8-18 triệu đồng/căn/tháng tùy theo vị trí là rất tốt. Tuy nhiên, với những đơn vị đầu tư dạng này có thể cho thuê ngắn hạn (vài tuần, vài tháng) mà không yêu cầu khách phải thuê cả năm. Trong khi đó, những người đầu tư nhỏ hoặc cá nhân mua căn hộ để cho thuê hầu như không mấy thành công. Bởi họ bỏ ra số tiền lớn đầu tư căn hộ, phải cho thuê giá cao mới có lãi nhưng khách thuê căn hộ ngại trả chi phí quản lý, dịch vụ và bị buộc phải thuê dài hạn…. "Người đầu tư nhỏ lẻ tốt nhất nên chọn mua nhà phố để cho thuê sẽ hiệu quả hơn vì giá nhà đất luôn tăng nhiều hơn chung cư. Vì vậy, việc nhiều người thất vọng khi bỏ tiền đầu tư chung cư cho thuê rồi phải bán rẻ là vậy" - vị này phân tích.
Giá đất tăng gấp nhiều lần căn hộ
Không chỉ cho thuê không mấy thuận lợi mà nếu so sánh tỉ suất đầu tư giữa căn hộ và nhà đất riêng lẻ cùng thời điểm thì nhiều người đã "khóc ròng". Cụ thể, chị Linh (nhà ở quận Bình Thạnh) cho biết vào năm 2014, chị đăng ký mua căn hộ ở Phú Mỹ Hưng với giá hơn 3,8 tỉ đồng. Cứ khoảng 2 tháng, chị góp trên 100 triệu đồng. Đến 2016, khi nhận nhà, tổng số tiền chị chi ra khoảng 4 tỉ đồng. Cùng thời điểm đó, bạn của chị mua miếng đất diện tích 120 m2 ở quận Bình Tân giá 2,2 tỉ đồng. Đến nay, miếng đất này đang có giá 8 tỉ đồng. Như vậy, cùng đầu tư bất động sản nhưng thu nhập quá khác nhau.(NLĐ)
--------------------
TP.HCM sẽ đơn giản hoá một nửa số điều kiện đầu tư, kinh doanh
Ngày 25/8 Văn phòng UBND TP.HCM cho biết thành phố đã ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, đặc biệt là các chỉ số đang bị xếp hạng thấp để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Một số chỉ tiêu cụ thể được thành phố đặt ra như: chỉ số “khởi sự kinh doanh” tăng thêm ít nhất 40 bậc; chỉ số “giải quyết tranh chấp hợp đồng” tăng thêm 10 bậc; “giải quyết phá sản doanh nghiệp” tăng thêm 10 bậc.
Ngoài ra thành phố cũng cho biết sẽ hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt thành phố sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.
Về thủ tục hành chính, thành phố phần đấu đến hết năm 2018 có từ 30% đến 40% các thủ tục phổ biến liên quan đến người dân, doanh nghiệp trước đây chưa được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Liên quan đến cải cách hành chính, thành phố cũng vừa ban hành Kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế - giáo dục trên địa bàn TP giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, bộ tiêu chí gồm 26 tiêu chí trong 5 yếu tố gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước: Thủ tục hành chính; Công chức trực tiếp giải quyết công việc: Kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.(Infonet)