Dầu thô tăng giá nhờ trợ lực từ thỏa thuận Mỹ - Mexico; Trung Quốc khôi phục nhập khẩu dầu thô Mỹ sau khi thay đổi chính sách thuế quan; Bỏ đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-08-2018
- Cập nhật : 25/08/2018
Financial Times: Người trồng cà phê Việt Nam và nỗi lo được mùa mất giá
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng cà phê tại Việt Nam trong vụ mùa 2018 – 2019 sẽ đạt kỷ lục 29,9 triệu bao, tăng 2% so với vụ mùa năm 2017 - 2018.
Vụ mùa hiện tại, những người trồng cà phê của Việt Nam đang kỳ vọng vào năng suất cao. Thông tin này có thể giúp cho những người yêu cà phê Việt Nam cảm thấy hài lòng, tuy nhiên cùng lúc đó lợi nhuận thu về của những người nông dân trồng cà phê vốn đã có cuộc sống khó khăn lại thấp đi, theo một bài báo mới đây được Financial Times đăng tải.
Theo tìm hiểu của Financial Times tại Đak Lak - tỉnh trồng cà phê lớn nhất tại Việt Nam, những người nông dân trồng cà phê và nhà kinh doanh cà phê cho biết thời tiết năm nay thuận lợi cũng như chương trình canh tác mới giúp cho năng suất cà phê tăng.
Tuy nhiên, họ lo ngại rằng khi sản lượng lên cao kỷ lục, giá bán sẽ thấp đi. Cùng lúc, nhiều nước trồng cà phê lớn khác của thế giới cũng đang công bố năng suất cao hơn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng cà phê tại Việt Nam trong vụ mùa 2018 – 2019 sẽ đạt kỷ lục 29,9 triệu bao, tăng 2% so với vụ mùa năm 2017 – 2018.
Phần lớn cà phê trồng ở Việt Nam là cà phê robusta, loại hạt cà phê đắng hay được sử dụng trong cà phê hòa tan. Sản lượng cà phê robusta của Việt Nam chiếm 40% tổng sản lượng của toàn cầu.
Cà phê đã được trồng ở Việt Nam từ hơn 100 năm trước. Khác với Brazil, nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới, phần lớn người trồng cà phê Việt Nam là những chủ nông trại nhỏ, không có điều kiện tiếp cận với vốn và công nghệ và hoàn toàn không có khả năng tác động đến giá cà phê vốn được chi phối bởi những nhà đầu tư kỳ hạn ở nước ngoài.
Khi mà giá cà phê giảm không ngừng, người trồng cà phê Việt Nam đã đa dạng thêm loại cây trồng. Nhiều người trồng thêm cây tiêu đen. Giá tiêu đen từng tăng vào đầu thập kỷ này, thế nhưng gần đây, giá tiêu đen đã giảm. Nhiều nông trại tiêu đen chịu tác động bởi sâu bệnh.
Gần đây, nhiều người nông dân trồng cà phê đã chuyển sang trồng sầu riêng, nhu cầu của người Trung Quốc với sầu riêng tăng cao. Ông Trần Đức Thọ, giám đốc công ty Duc Nguyen Cofexim, nhận xét: “Người nông dân đang chuyển sang nhiều loại cây trồng khác như tiêu, sầu riêng và bơ. Khi người nông dân nhận thấy họ không kiếm được tiền từ cà phê, họ bỏ trồng cà phê”.
Còn theo một quản lý tại công ty cà phê Phước An, lợi nhuận mà người nông dân thu được từ sầu riêng có thể cao gấp từ 8 đến 10 lần so với lợi nhuận thu được từ cà phê.
Còn chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường hàng hóa tại Rabobank tại London, ông Carlos Mera, nhận xét: “Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần tới ngưỡng mà người nông dân không có đủ động lực để mở rộng sản xuất cà phê”.(Bizlive)
-------------------------
Cần hiểu đúng việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm với các ngân hàng
Ngày 14/8/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm trên một số tiêu chí cho 14/16 ngân hàng của Việt Nam mà hãng này theo dõi và đánh giá.
Cụ thể, Moody’s nâng hạng tín nhiệm cho tiền gửi nội tệ, ngoại tệ, và nhà phát hành cho ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV. Sự nâng hạng tương tự cũng được dành cho năm ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước gồm ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VPBank.
Moody’s nâng hạng tín nhiệm cho tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với ba ngân hàng TMCP gồm ACB, MB và Techcombank. Đồng thời, Moody’s nâng hạng rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn đối với VietinBank, BIDV, SHB, HDBank và OCB.
Moody’s nhìn nhận tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng ở Việt Nam đã có những cải thiện và khởi sắc đáng kể. Ảnh: T.L
Hãng này cũng thay đổi triển vọng tiền gửi nội tệ và triển vọng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ xuống “Ổn định” từ mức “Tích cực” cho tám ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank.
Nâng hạng không nhất thiết có nghĩa là tình hình kinh doanh đã tốt hơn
Việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm nhiều ngân hàng Việt Nam nói đơn giản chỉ là “ăn theo” hành động nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s đối với Việt Nam chứ không nhất thiết phản ánh rằng họ đã thấy có sự thay đổi thực chất (theo hướng tốt lên) trong nền tảng kinh doanh và sức khỏe tài chính của các ngân hàng này.
Sự nâng hạng tín nhiệm hàng loạt ngân hàng nói trên trong nhiều tiêu chí đã làm nhiều người nhầm tưởng rằng Moody’s nhìn nhận tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng ở Việt Nam đã có những cải thiện và khởi sắc đáng kể, thỏa mãn điều kiện để được nâng hạng tín nhiệm do Moody’s đặt ra.
Thực tế, như được nêu rõ trong thông cáo báo chí, Moody’s nâng hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng TMCP của Việt Nam vì họ cũng mới nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (ngày 10-8-2018) từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ “Tích cực” xuống “Ổn định”. Trong khi đó, Moody’s không thay đổi mức xếp hạng cơ bản (baseline credit assessment - BCA) của các ngân hàng TMCP này. Hiểu BCA nôm na là mức xếp hạng tín nhiệm tự thân của các ngân hàng khi không có bất cứ sự trợ giúp nào từ một ai/yếu tố nào khác.
Nói cách khác, và như thông thường, khi các hãng xếp hạng tín nhiệm thay đổi (nâng/hạ) xếp hạng tín nhiệm quốc gia thì họ cũng thường thay đổi (nâng/hạ) xếp hạng tín nhiệm của một số doanh nghiệp/ngân hàng có liên quan của quốc gia đó.
Trong trường hợp của Việt Nam, như Moody’s đã giải thích trong thông cáo báo chí của mình, xếp hạng tín nhiệm quốc gia là một yếu tố đầu vào chủ chốt để hãng này xếp hạng tín nhiệm cho các ngân hàng Việt Nam, bởi xếp hạng tín nhiệm quốc gia là căn cứ để Moody’s đánh giá khả năng/năng lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ các ngân hàng TMCP khi xảy ra căng thẳng.
Như vậy, việc Moody’s nâng hạng tín nhiệm nhiều ngân hàng Việt Nam nói đơn giản chỉ là “ăn theo” hành động nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s đối với Việt Nam hôm 10/8/2018, chứ không nhất thiết phản ánh rằng họ đã thấy có sự thay đổi thực chất (theo hướng tốt lên) trong nền tảng kinh doanh và sức khỏe tài chính của các ngân hàng này.
Hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm là bình thường
Một điều có thể gây khó hiểu cho nhiều người là tại sao Moody’s một mặt nâng hạng tín nhiệm cho quốc gia và cho nhiều ngân hàng TMCP, nhưng mặt khác lại hạ triển vọng xếp hạng từ mức “Tích cực” xuống “Ổn định”. Sự nâng và hạ này có mâu thuẫn hay không khi một bên gợi ý cho thấy có sự cải thiện, một bên lại dường như cho thấy điều ngược lại?
Điều đó có thể được giải thích ở khía cạnh như sau: Thông thường, để các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng hạng tín nhiệm của một thực thể kinh tế nào đó thì bước đi cần thiết là thực thể đó phải có được triển vọng xếp hạng là “Tích cực”, được điều chỉnh lên từ triển vọng “Ổn định” trước đó. Và khi có một bước ngoặt nào đó xảy ra, chẳng hạn như kết quả kinh doanh trong những năm trước liên tục cải thiện, đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng ở mức cao hơn thì các hãng xếp hạng sẽ tiến hành điều chỉnh nâng hạng của thực thể này lên tương ứng.
Một khi đã được nâng hạng rồi thì triển vọng nâng hạng trong tương lai, ít nhất là sau 18-24 tháng, cần phải được quay trở về mức bình thường, tức “Ổn định”, trước khi hãng xếp hạng tín nhiệm lại nhìn thấy có nhiều yếu tố thuận lợi hoặc bất lợi mới để họ một lần nữa điều chỉnh nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực” hoặc hạ xuống “Tiêu cực” tùy thuộc điều kiện thực tế, và lấy đó làm cơ sở hỗ trợ cho việc điều chỉnh mức xếp hạng cao hơn hoặc thấp hơn tương ứng của thực thể này trong tương lai.
Phản ánh có chủ ý?
Một điều cần lưu ý nữa là một số bài báo ở Việt Nam thông tin việc Moody’s điều chỉnh mức xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng TMCP theo cách xem ra là để phục vụ cho mục tiêu quảng bá. Cụ thể, có bài nhấn mạnh đến đánh giá của Moody’s rằng Chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ “rất cao” (very high) đối với một ngân hàng TMCP có vốn nhà nước cụ thể. Thực ra thì Moody’s dành tiêu chí này cho không phải chỉ một mà là cả ba ngân hàng TMCP có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV và VietinBank).
Có thể các bài báo này chỉ đơn thuần quảng bá cho một ngân hàng cụ thể. Nhưng cách nêu vấn đề như vậy hoàn toàn có thể có tác dụng ngược vì một số người đọc có thể hiểu rằng ngân hàng TMCP có vốn nhà nước này đang có vấn đề nên (buộc) Nhà nước phải trong tư thế sẵn sàng nhảy vào hỗ trợ bằng mọi giá (có thể vì lý do là quá lớn nên không thể để xảy ra đổ vỡ).
Hơn nữa, khả năng hỗ trợ “rất cao” này dù muốn được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực (cho ngân hàng cụ thể này) nhưng thực ra cũng hoàn toàn là điều bình thường, chứ không phải là điều đặc biệt hay tích cực gì cả. Ngoài khả năng là do quy mô của ngân hàng này quá lớn nên không thể để xảy ra đổ vỡ, sẽ gây khủng hoảng cho nền kinh tế, buộc Chính phủ phải dốc sức hỗ trợ tối đa có thể khi “lâm sự”, các ngân hàng loại này vẫn được Nhà nước nắm giữ một tỷ lệ cổ phần lớn, chi phối nên đương nhiên Nhà nước muốn/phải hỗ trợ chúng hết mình khi cần thiết nếu không muốn bị mất vốn hoặc cụt cổ tức.
Tương tự như vậy, một số ngân hàng TMCP riêng lẻ cũng được báo chí chọn ra và được nhấn mạnh rằng Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của nó lên. Trong khi thực tế Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm cho hàng loạt ngân hàng TMCP (và, xin lặp lại, sự nâng hạng này chỉ là “ăn theo” sự nâng hạng tín nhiệm quốc gia), việc chỉ chọn và nêu bật một ngân hàng TMCP rõ ràng có hơi hướng của quảng bá, trong khi thực chất không hẳn đã có những biến chuyển tốt về kết quả kinh doanh và sức khỏe của ngân hàng này.(TBKTSG)
---------------------------
Mỹ tăng nhập khẩu hạt điều của Việt Nam nhờ giá cạnh tranh
Giá hạt điều của Việt Nam cạnh tranh hơn
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt điều của nước này 6 tháng đầu năm 2018 đạt 73.174 tấn, với trị giá 739,56 triệu USD. Con số này tăng 6,2% về lượng và tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam tăng 27,8% về lượng, nhờ đó thị phần mặt hàng hạt điều của Việt Nam tại Mỹ tăng mạnh lên 83,9%, từ mức 69,8% của cùng kỳ năm 2017.
Thị phần của Việt Nam dự báo sẽ lên cao hơn vì theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều sang Mỹ tăng 18% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với việc tăng mua từ Việt Nam, Mỹ lại giảm mạnh nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Ấn Độ, Brazil và Indonesia, với mức giảm tương ứng là 69,6%, 12,7%, 31% về lượng.
Mỹ tăng nhập khẩu hạt điều của Việt Nam một phần nhờ giá nhập khẩu cạnh tranh hơn các thị trường khác. Cụ thể, giá nhập khẩu bình quân hạt điều từ Việt Nam đạt 10.056 USD/tấn, trong khi của Ấn Độ là 10.387 USD/tấn, của Brazil là 10.407 USD/tấn và của Indonesia là 10.428 USD/tấn.
Nguồn số liệu: Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, Bộ Công Thương
Giá xuất khẩu hạt điều của Việt Nam phục hồi
Tháng 7/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng điều đạt 8.754 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016. Tuy nhiên đến 15 ngày đầu tháng 8/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều tăng lên 10.015 USD/tấn.
Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 8/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt 9.859 USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét về khối lượng xuất khẩu, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều đạt 32,7 nghìn tấn với trị giá 286,64 triệu USD trong tháng 7, giảm cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 7 tháng năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 207,6 nghìn tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, tương đương mức tăng 10,8% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với 7 tháng năm 2017.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Australia lần lượt tăng 3,5% và 7,6%. Ngược lại, xuất khẩu sang nhiều thị trường chính khác như Hà Lan, Trung Quốc, Anh, Đức và Canada đều giảm hai con số.
Nguồn số liệu: Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương
Tuy nhiên, giá hạt điều trên thị trường thế giới vẫn chịu sức ép giảm do cung vượt cầu. Trong khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điều toàn cầu chỉ tăng khoảng 5%/năm thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%/năm. Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều với thị phần lên tới 60%.