Trung Quốc thống kê thừa 90 triệu người, thực tế chỉ xếp thứ hai thế giới; Gian lận mác bê tông xây dựng cầu dài nhất thế giới, có thể phải xây lại?; Giải ngân 6,15 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm; Phương án tài chính dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-05-2017
- Cập nhật : 24/05/2017
Apple có giá gần bằng 5 ngân hàng Trung Quốc
Với hơn 800 tỷ USD, vốn hóa Apple chỉ còn kém tổng 5 nhà băng hàng đầu Trung Quốc gần 30 tỷ USD.
Vốn hóa của Apple sắp vượt tổng của 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc về giá trị tài sản. Việc này từng xảy ra tháng 9/2012, khi cổ phiếu Apple lên 100 USD. Hiện chứng khoán này có giá gần 154 USD mỗi đơn vị và đã tăng hơn 30% năm nay.Táo Khuyết hiện là công ty có lợi nhuận lớn nhất thế giới. Vốn hóa của họ hiện là 802 tỷ USD, kém Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Bank of China và Bank of Communications gần 30 tỷ USD.
Dù vậy, khoảng cách này cũng không dễ san bằng. Do lợi nhuận của 4 ngân hàng đầu đều nằm trong top 6 thế giới suốt 2 năm qua. Còn Bank of Communications nằm trong top 40.
Đầu tháng này, Apple công bố báo cáo tài chính quý I, cho thấy doanh số iPhone thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu tổng vẫn tăng 4,6% và cổ tức cũng tăng từ 0,57 USD lên 0,63 USD (tăng 10,5%).
Lượng tiền mặt mà hãng công nghệ khổng lồ toàn cầu nắm giữ đã tăng gấp đôi trong 4 năm rưỡi qua. Trong quý tài chính đầu tiên của năm 2017, mỗi giờ Apple bỏ két thêm 3,6 triệu USD tiền mặt. Tính đến hết quý I/2017, Apple đã nắm giữ 246,09 tỷ USD tiền mặt, trong đó 90% nguồn thu của hãng công nghệ này đến từ nước ngoài.(VNexpress)
----------------------
Kido nắm quyền chi phối 'ông trùm' ngành dầu ăn
Tập đoàn Kido tiếp tục mở rộng thị phần ngành dầu ăn bằng việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51% sau thương vụ thâu tóm Dầu Tường An cách đây không lâu.
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC) vừa hoàn tất chào mua thoả thuận gần 32,9 triệu cổ phiếu, tương đương 27% vốn điều lệ của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Sau giao dịch, Kido nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Thương vụ này được Kido theo đuổi trong suốt 3 năm.
Đại diện Kido cho biết, đây là một phần trong tham vọng mở rộng thị phần ngành thực phẩm thiết yếu. Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục mua thêm các doanh nghiệp ngành thực phẩm và phát triển mô hình OEM (sản xuất theo thiết bị gốc) với những đơn vị có thế mạnh về sản phẩm, tận dụng tối đa lợi thế kênh phân phối rộng khắp cả nước.
Trước đó, tháng 11/2016, Kido đã hoàn tất việc chào mua công khai 12,33 triệu cổ phần, tương ứng với 65% tổng số cổ phần phát hành của Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An (TAC), qua đó nắm quyền chi phối doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ 2 ngành dầu ăn.
Trong quý I năm nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vocarimex đồng loạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 1.093 tỷ đồng và 94,8 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Tổng giám đốc công ty cho biết, việc không hợp nhất lợi nhuận gộp của TAC do doanh nghiệp này không còn là công ty con từ cuối năm 2016 là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh giảm sút đáng kể. Nhưng bù lại, công ty cũng tiết giảm được 60 tỷ đồng chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và tăng mạnh thu nhập tài chính do thoái vốn đầu tư tại Công ty TNHH Dầu thực vật miền Bắc và sáp nhập hai công ty con.(Vnexpress)
----------------------------
Quỹ Nhật nắm 20% cổ phần Bibo Mart
Với khoản đầu tư mới được đối tác Nhật công bố, Bibo Mart đặt mục tiêu doanh thu 300 triệu USD vào cuối năm 2019.
Công ty cổ phần Bibo Mart - đơn vị sở hữu hệ thống cửa hàng sản phẩm mẹ và bé cùng tên - vừa tiếp nhận khoản đầu tư chiến lược đến từ ACA Investments - Công ty quản lý quỹ của Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Sumimoto. Với khoản đầu tư này, ACA đang nắm giữ 20% cổ phần Bibo Mart.
Được thành lập vào năm 2006, hệ thống cửa hàng nêu trên chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho các bà mẹ (trong giai đoạn thai kỳ và sau sinh) và trẻ em (độ tuổi 0-6). Hiện Bibo Mart đã có 120 cửa hàng và dự kiến mở rộng lên hơn 180 trong năm 2017. Đến cuối năm 2019, chuỗi này đặt mục tiêu có hơn 500 cửa hàng, đạt doanh thu tối thiểu 300 triệu USD.
ACA Investment là công ty quản lý quỹ của Nhật có văn phòng chính tại Singapore. Bên cạnh các khoản đầu tư tại Malaysia, Indonesia và Singapore, ACA Investment cũng có nhiều kinh nghiệm đầu tư tại thị trường Việt Nam như Sơn Kim Land, Cungmua, Công nghệ Việt Thanh (trực thuộc VTV Cab). (Vnexpress)
------------------------------
Đại gia địa ốc Singapore đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam
Mapletree là một trong số chủ đầu tư ngoại nổi bật tại thị trường địa ốc Việt Nam với nhiều dự án đình đám và thương vụ mua bán sáp nhập có giá trị giao dịch lên đến hàng trăm triệu USD.
Mapletree gia nhập thị trường Việt Nam năm 2005,với dự án đầu tiên của tập đoàn là khu kho vận Mapletree Logistics Centre tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore I (Bình Dương).Năm 2012, khi nhận thấy nhu cầu về mô hình khu phức hợp tại Việt Nam , tập đoàn quyết định đầu tư tổ hợp dự án Saigon South Place quy mô 4,4 ha đáp ứng nhu cầu làm việc, sinh sống và giải trí cho cư dân địa phương và quốc tế tại TP HCM. Đây là mô hình được Mapletree phát triển thành công tại nhiều quốc gia ở châu Á. Dự án quy mô này được phát triển thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 của dự án là trung tâm thương mại SC VivoCity với diện tích sàn đến 64.250m2 đã đưa vào hoạt động vào tháng 4/2015 mang đến cho cư dân Sài Gòn một điểm đến mua sắm - vui chơi - giải trí hấp dẫn. Dự án liên doanh với Saigon Co.op.
Giai đoạn 2 là tòa nhà văn phòng hạng A Mapletree Business Centre thiết kế theo quy cách quốc tế hạng A vừa khai trương hồi tháng 3 năm nay. Hiện tòa nhà thu hút nhiều khách hàng thuê quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, thương mại và công nghệ. Giai đoạn 3 là khu căn hộ cao cấp RichLane Residences đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tháng 6 năm ngoái, Mapletree mua lại dự án Kumho Asiana Plaza - trung tâm thương mại có vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1 với tổng diện tích sàn lên đến 146.000m2. Đây là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất của một tập đoàn bất động sản nước ngoài tại Việt Nam trong năm.
Dự án gồm 21 tầng văn phòng hạng A, tháp căn hộ dịch vụ 260 phòng, tháp khách sạn 305 phòng và khu bán lẻ và khu vực ăn uống với tỷ lệ lấp đầy cao. Tháng 6 tới, Kumho Asiana Plaza sẽ được đổi thương hiệu thành "mPlaza Saigon". Ngoài khu phức hợp Saigon South Place và Kumho Asiana Plaza, tập đoàn còn sở hữu nhiều dự án khác gồm: 3 khu kho vận ở Bình Dương và Bắc Ninh, khu công nghiệp Mapletree Business City tại Bình Dương và hai tòa văn phòng tại Hà Nội và TP HCM.
Tính đến cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản và các dự án văn phòng, bán lẻ, kho vận, công nghiệp, dân cư, căn hộ dịch vụ và nhà ở cho sinh viên ở 12 quốc gia của Mapletree đã lên đến 38,6 tỷ SGD. Riêng tổng giá trị tài sản của các dự án đầu tư của Mapletree tại Việt Nam hơn 1,2 tỷ SGD.
Mapletree xác định Việt Nam vẫn là thị trường chính của tập đoàn thời gian tới. Ông lớn địa ốc này vẫn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án chất lượng cao nhằm hướng đến việc mở rộng và phát triển quy mô doanh thu và lợi nhuận vững chắc. Tập đoàn đang xem xét mở rộng danh mục hậu cần, bao gồm cả ở Hà Nội và miền trung Việt Nam.(Vnexpress)