Abbott thu gần 10.000 tỷ từ bán sữa bột cho các bà mẹ Việt; Việt Nam vay lớn từ 3 chủ nợ chính; Bộ Công Thương họp báo tại Tây Ban Nha để thông tin về tình hình cá tra của Việt Nam; Ngăn chặn nạn quay vòng hóa đơn chiếm đoạt tiền Nhà nước
Tin kinh tế đọc nhanh 25-05-2017
- Cập nhật : 25/05/2017
Thái Lan tiếp tục 'bung' gạo dự trữ
Chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch tổ chức phiên đấu thầu gạo thứ hai trong năm 2017 với tổng khối lượng 1,82 triệu tấn đạt tiêu chuẩn sử dụng cho người.
Doanh nghiệp tham dự phiên đấu thầu có thể kiểm tra chất lượng gạo tại kho dự trữ vào ngày 19/5 trước khi đề xuất giá vào ngày 24/5. Kết quả đấu thầu dự kiến được công bố vào tuần đầu tiên của tháng 6/2017.
Bà Duangporn Rodphaya, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, hy vọng phiên đấu thầu sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp do đây là đợt đấu thầu cuối cùng khối lượng gạo phù hợp cho người dự trữ trong kho quốc gia.
Tính tại thời điểm hiện tại, Chính phủ Thái Lan dự trữ khoảng 4,82 triệu tấn gạo, giảm nhiều so với khối lượng 18,7 triệu tấn tích trữ trong giai đoạn 2011-2014.
Kể từ thời điểm tháng 5/2014 đến trung tuần tháng 4/2017, tổng cộng 11,7 triệu tấn gạo đã được đấu thầu đạt giá trị 112 tỷ baht.
Tính từ thời điểm tháng 1/2017 – tháng 5/2017, Thái Lan đã xuất khẩu được 4,1 triệu tấn gạo, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt giá trị 1,74 tỷ USD (khoảng 60,1 tỷ baht), tăng 6% về giá trị. (TTXVN)
-----------------------------
Cơ hội hợp tác năng lượng Việt Nam - Australia
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Australia năm 2017.
Đây là cơ hội để phía Australia hiểu rõ hơn về hiện trạng ngành năng lượng Việt Nam và để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt khả năng hợp tác với đối tác Australia.
An ninh năng lượng hiện là ưu tiên của cả hai Chính phủ Australia và Việt Nam. Hai nước đều đang cùng nhau phát triển mỗi quan hệ kết nối trên phương diện ngành công nghiệp, giáo dục đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng.
Đến với diễn đàn này, Australia có 16 cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, đại biểu cho chuỗi cung ứng năng lượng bao gồm: các nhà cung cấp than, dịch vụ tư vấn và đào tạo về kỹ thuật năng lượng, công nghệ chế biến than, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cảng. Các đại biểu cũng chia sẻ với đối tác phía Việt Nam về kinh nghiệm và công nghệ mới nhất trong ngành năng lượng.
Bà Janelle Casey, Tham tán Thương mại - Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) tại Việt Nam cho hay: “Chúng tôi tin tưởng thế mạnh của Australia về năng lực sản xuất than phát thải thấp và khí hoá lỏng LNG, công nghệ tiên tiến về năng lượng mới sẽ góp phần vào phát triển năng lượng, tăng trưởng kinh tế của Việt nam. Thông qua diễn đàn này, hai bên sẽ hiểu rõ hơn về các cơ hội, tim kiếm hợp tác mới, tăng cường liên kết năng lượng và thương mại, đầu tư”.
Australia có giải pháp hoàn chỉnh và tiên tiến cho chuỗi cung ứng than. Công nghệ khai thác than ở Australia ngày càng được cải tiến và ứng dụng công nghệ cao. Sự cải tiến liên tục về công nghệ khai thác mỏ, về sức khoẻ nghề nghiệp, sự an toàn và hiệu suất môi trường đảm bảo rằng Australia là một nhà sản xuất than nhiệt cũng như than cho luyện kim chất lượng cao cho thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, những thế mạnh của Australia trong lĩnh vực than, khí, với các công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Vì vậy, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai quốc gia là rất lớn. Diễn đàn là cơ hội tốt để Việt Nam hiểu rõ khả năng cung cấp, hợp tác của các đối tác Australia.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại đã liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% trong giai đoạn 2006-2010 và 11% trong 5 năm gần đây. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm nữa, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu than lớn với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm, thì từ năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than.
Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó. Đồng thời, Việt Nam cũng xem xét tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Lào...(TTXVN)
-------------------------------
Trung Quốc sắp có tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới?
Bắc Kinh xem thương vụ sáp nhập giữa ChemChina và Sinochem là một kế hoạch để tinh giảm các doanh nghiệp nhà nước và tăng sức cạnh tranh quốc tế.
2 tập đoàn hóa chất đều thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc là Sinochem và ChemChina đang đàm phán về việc sáp nhập để thành lập công ty hóa chất công nghiệp lớn nhất thế giới, với người đứng đầu là chủ tịch Ning Gaoning của Sinochem. Đây là thông tin được hãng Reuters dẫn lại từ 4 người biết thông tin về cuộc đàm phán này.
Theo đó, một thỏa thuận có thể được công bố vào cuối năm nay, có khả năng là chỉ vài tháng sau khi ChemChina hoàn tất thương vụ mua tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ với giá 43 tỷ USD, thương vụ lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc cho đến nay.
Việc hợp nhất Sinochem và ChemChina sẽ tạo ra một tập đoàn trị giá khoảng 120 tỷ đô la Mỹ, vượt qua tất cả các công ty hóa chất công nghiệp lớn khác như BASF (Đức), theo nguồn tin cho hay.
Tin tức về cuộc đàm phán này đã bắt đầu rò rỉ vào năm ngoái, nhưng cả Sinochem và ChemChina đều đã chối bỏ. Về các tin mới đây, cả 2 công ty này không đưa ra bình luận khi được hỏi vào hôm thứ Ba. Một người phát ngôn của Syngenta cho biết công ty không hề biết gì về cuộc đàm phán.
Sinochem và ChemChina đã tăng tốc đàm phán sau khi các nhà chức trách tại Châu Âu đã chính thức thông qua việc ChemChina mua lại Syngenta vào tháng trước. Sự chấp thuận của hơn 80% các cổ đông Syngenta giúp đẩy mạnh việc hoàn tất thương vụ, bây giờ trọng tâm đã chuyển sang việc tạo ra một siêu công ty hóa chất Trung Quốc.
Bắc Kinh xem thương vụ Sinochem/ChemChina là một kế hoạch để tinh giản và củng cố các doanh nghiệp nhà nước vốn đang nợ nần đầm đìa, để từ đó có ít công ty hơn nhưng những công ty này sẽ mạnh hơn và có sức cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Trở ngại trước mắt
2 bên vẫn chưa đi đến thỏa thuận sau cùng, và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào cuối năm nay có thể mang lại một số bất ổn chính trị cho thương vụ.
Mặc dù thương vụ ChemChina thôn tính Syngenta đã mang lại cho Trung Quốc một danh mục các loại hóa chất hàng đầu và các hạt giống có bản quyền để cải thiện sản lượng nông nghiệp, nhưng nó cũng để lại cho ChemChina khối nợ khổng lồ.
Năm ngoái, ChemChina đã nhận được các khoản vay bắc cầu với 32,9 tỷ USD với hơn 20 ngân hàng Trung Quốc, Châu Âu và Châu Á – khiến cho các nhà đầu tư và các nhà phân tích lo ngại về tình trạng đòn bẩy quá cao của công ty này.
Việc sáp nhập Sinochem và ChemChina sẽ tạo ra một công ty hàng đầu trên thế giới về hóa chất, phân bón và dầu mỏ, và trở thành đối thủ lớn của 2 công ty dầu khí quốc doanh Sinopec và PetroChina.
Sinochem có quy mô lớn hơn ChemChina, nhưng cần một đối tác lâu dài để mở rộng thị trường toàn cầu từ ngành kinh doanh cốt lõi của công ty là dầu và hóa chất.
Sự tăng trưởng của Sinochem trong lĩnh vực năng lượng đã bị trì trệ, với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các công ty nội địa, trong đó có Unipec và Chinaoil, trong khi các tài sản dầu khí ở nước ngoài của hãng đang phải vật lộn trong bối cảnh giá dầu chưa khởi sắc.(NCDT)
---------------------------
Việt Nam sẽ bán 1 triệu tấn gạo cho Bangladesh trong 5 năm
Từ nay đến hết năm 2017, Bangladesh muốn mua tổng cộng 500.000 tấn gạo của Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và Bangladesh đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 22-25/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh Advocate Md Qamrul Islam.
MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký, từ nay cho đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến một triệu tấn. Hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo muốn mua ngay khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5% của Việt Nam. Từ nay đến hết năm 2017, Bangladesh muốn mua tổng cộng 500.000 tấn gạo của Việt Nam.
Đây là động thái của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đầu ra mới và tiềm năng.
Bangladesh là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn thấp, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai.
MOU về thương mại gạo ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Bangladesh được ký lần đầu vào ngày 18/4/2011 tại Hà Nội và có thời hạn đến ngày 31/12/2013. Sau đó, đầu năm 2014, hai bên đã ký lại để gia hạn hiệu lực đến cuối năm 2016.
Theo đó, năm 2011 và năm 2012, phía Việt Nam đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn gạo sang Bangladesh để phục vụ nhu cầu tại đây. Trong những năm tiếp theo, Bangladesh đã tự túc và sản lượng lúa gạo đã đủ cung cấp cho tiêu thụ nội địa nên chưa đặt thêm vấn đề mua gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, nước này liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân.(NCDT)
--------------------------
Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đường
Bắc Kinh gần như tăng gấp đôi thuế nhập khẩu một số loại đường ngay trong năm 2017.
Wall Street Journal (WSJ) dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đã tiến hành một cuộc điều tra cho thấy các hoạt động nhập khẩu đã phá hủy nghiêm trọng ngành công nghiệp đường trong nước. Theo đó, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tăng thuế nhập khẩu lên mức 95%, từ mức 50% hiện nay, nếu nước này nhập quá 1,95 triệu tấn đường một năm. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Sau một năm, mức thuế này sẽ giảm còn 90%; sau hai năm còn 85%. Mức thuế dành cho 1,95 triệu tấn đường nhập khẩu đầu tiên trong năm vẫn ở mức 15%.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, nhập khẩu đường chính ngạch và bất hợp pháp vào Trung Quốc đã tăng 60% trong vòng ba năm qua, tính đến ngày 30/9. Kim ngạch nhập khẩu chính ngạch trong mùa vụ hiện tại, vốn kết thúc vào ngày 30/9, dự kiến đạt 3,5 triệu tấn.
Trung Quốc vốn chỉ sản xuất được một nửa nhu cầu tiêu thụ trong nước, khiến giá đường tại nước này đã tăng gấp đôi so với giá thế giới. Điều này khiến việc nhập khẩu ở mức thuế 50% cũng có lãi. Nhưng việc tăng thuế lần này sẽ làm giảm mức nhập khẩu, khiến cho đường nhập khẩu sẽ kém cạnh tranh hơn so với đường trong nước, theo Charles Clack, chuyên gia trong ngành đường tại Rabobank. Ngành sản xuất đường của Trung Quốc ít được cơ giới hóa, và vì thế đắt hơn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Trong khi đó, nhập khẩu bã rượu khô làm thức ăn chăn nuôi vào Trung Quốc đã giảm phân nửa vào năm 2016 sau khi Bắc Kinh áp mức thuế mới sau một cuộc điều tra bán phá giá.
WSJ nhận định đây là thời điểm thử thách đối với thương mại quốc tế. Thông báo của Trung Quốc về cuộc điều tra trong ngành đường được đưa ra vào tháng 9 năm ngoái, chỉ một tuần sau khi Mỹ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về chương trình hỗ trợ đối với người trồng lúa mì, gạo và bắp. Có một tranh chấp kéo dài khác giữa Mỹ và Mexico về việc Mexico có trợ cấp đường ở thị trường Mỹ hay không.
Nhu cầu nhập khẩu đường của Trung Quốc, chủ yếu đến từ Brazil - nhà sản xuất lớn nhất thế giới, là nguyên nhân chính khiến giá đường biến động trong những năm gần đây. Trong mùa vụ kết thúc vào ngày 30/9, giá đường toàn cầu đã tăng 67% một phần do hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp từ Myanmar vào Trung Quốc, làm khan hiếm nguồn cung toàn cầu.
Nhưng Bắc Kinh đã ngăn chặn những chuyến hàng lậu từ Myanmar và Việt Nam, làm giảm kim ngạch nhập khẩu của nước này trong những tháng gần đây. Việc chính phủ Trung Quốc bán ra hàng dự trữ cũng đã đẩy giá đường ở nước này giảm, khiến hoạt động nhập khẩu mất đi sức hấp dẫn.
Theo các báo cáo về sản lượng toàn cầu, giá đường tương lai tại Mỹ sẽ giảm 16% trong năm nay, sau khi đã giảm 15% trong quý IV.