'Cởi trói' hợp đồng mua điện để phát triển điện gió; 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có thông tin về các FTA; Sếp lớn của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ sắp hầu toà?; Không có hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-06-2018
- Cập nhật : 07/06/2018
Doanh nghiệp bất động sản tiến về Bình Dương
Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã chọn Bình Dương để “xuống vốn”.
Thien Minh Group và Công ty Tây Hồ đã 'bắt tay' triển khai dự án hướng đến khách hàng là người nước ngoài sống và làm việc tại Bình Dương - ẢNH: ĐÌNH SƠN
Mới đây nhất, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Hồ và Thien Minh Group đã đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng xây dựng dự án căn hộ cao cấp Compass One hướng đến đối tượng khách hàng là các chuyên gia nước ngoài và giới trẻ thành đạt tại Bình Dương.
Vốn nội, vốn ngoại đua nhau "rót"
Tính lũy kế đến tháng 3.2018, Bình Dương có đến 31 tỉ USD vốn FDI đăng ký, đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau TP.HCM. Điều này đã kéo theo hàng ngàn chuyên gia và lao động nước ngoài đến làm việc tại Bình Dương. Theo báo cáo của CBRE, tính đến tháng 7.2017 có đến 8.500 người nước ngoài đăng ký tạm trú trên tổng số hơn 15.000 người nước ngoài làm việc lâu dài tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mặc dù nhu cầu về nhà ở của người nước ngoài đang làm việc tại Bình Dương rất lớn, nhưng nguồn cung căn hộ lại rất ít. Hiện Bình Dương chỉ có một hai dự án trung cao cấp nhưng chưa thực sự nằm ở vị trí trung tâm, để đáp ứng đầy đủ dịch vụ tiện ích trong cuộc sống hằng ngày cho đối tượng khách hàng này. Thế nên, hàng nghìn chuyên gia tại các khu công nghiệp của huyện Thuận An, Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một vẫn phải chọn TP.HCM là nơi ở và hằng ngày mất rất nhiều thời gian để di chuyển từ TP.HCM đến Bình Dương làm việc, rồi lại từ Bình Dương về TP.HCM để nghỉ ngơi.
Khu vực phía bắc Bình Dương như Bến Cát, Tân Uyên..., nơi các khu công nghiệp đang phát triển mạnh, thị trường bất động sản (BĐS) khá sôi động nhưng chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền, phân khúc căn hộ cao cấp với những dịch vụ tiện ích, vui chơi để giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng hầu như bỏ ngỏ dù nhu cầu ngày càng gia tăng trong nhóm tri thức trẻ, thành đạt tại Bình Dương.
Nắm bắt được nhu cầu này, thời gian gần đây hàng loạt doanh nghiệp (DN) BĐS trong và ngoài nước đã về Bình Dương đầu tư các dự án nhà ở, đặc biệt là BĐS cao cấp. Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tây Hồ và Thien Minh Group đã rót khoảng 1.000 tỉ đồng xây dựng dự án Compass One trên khu đất vàng thuộc đường Hoàng Văn Thụ, P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một với quy mô cao 21 tầng bao gồm 400 căn hộ hứa hẹn sẽ mang lại làn gió mới cho thị trường BĐS ở Bình Dương đang “khát” dòng sản phẩm này. Trước đó, Phú Đông Group cũng đã rót 800 tỉ đầu tư khu căn hộ Phú Đông Premier. Đây là dự án thứ hai do Phú Đông Group đầu tư tại Bình Dương sau dự án Him Lam Phú Đông. Sau thành công ở TP.HCM, các công ty như: Samland, Him Lam, NHO... cũng đã đầu tư một dự án căn hộ tại Bình Dương. Không chỉ DN trong nước, các DN nước ngoài cũng đổ vốn về Bình Dương rất lớn để đầu tư các khu đô thị như Tập đoàn Setia của Malaysia đầu tư khu đô thị Eco Xuân, Tập đoàn Tokyu rót hàng tỉ USD vào Tập đoàn Becamex để đầu tư khu Sora Gardens…
Cơ hội vàng để ở, cho thuê và đầu tư
Tại buổi công bố dự án Compass One mới đây, bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thien Minh Group - đơn vị hợp tác phát triển dự án Compass One, cho biết sự hình thành của dự án Compass One ở Thủ Dầu Một giống như sự kiện ra mắt dự án The Everich 1, The Manor trên thị trường căn hộ cao cấp của TP.HCM cách đây 12 năm. Thời điểm đó, mặc dù thị trường BĐS TP.HCM phát triển khá mạnh nhưng suy nghĩ của người dân vẫn chưa quen với việc vào sinh sống trong những tòa nhà căn hộ cao cấp, họ tập trung chủ yếu là ở nhà có đất riêng lẻ. Nhưng với sự tiên phong của 2 dự án nêu trên, những căn hộ được đầu tư bài bản và đầy đủ các tiện ích khiến khách hàng rất thích thú. “Chính vì vậy, khi những dự án này tung ra thị trường đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nhà giàu vào thời điểm căn hộ cao cấp tại nội thành còn rất khan hiếm”, bà Diễm nhấn mạnh và cho rằng dự án Compass One không chỉ dành cho những khách hàng có nhu cầu để ở mà còn là cơ hội đầu tư vàng với giá trị gia tăng nhanh và tính thanh khoản rất cao.
Nhà đầu tư cũng có thể mua dành để cho thuê khi lực lượng chuyên gia các khu công nghiệp Bình Dương ngày càng tăng trưởng mạnh. Compass One được xây dựng ngay trung tâm TP.Thủ Dầu Một, cách Becamex Tower chỉ 5 phút đi bộ, khu vực được mệnh danh là “phố Tây” của Bình Dương, cực kỳ đắt đỏ với giá đất đang được giao dịch lên đến cả trăm triệu đồng trên mỗi mét vuông. Trong khi đó dự án Compass One được thiết kế cao cấp, với rất nhiều tiện ích nhằm hướng đến đối tượng khách hàng các chuyên gia nước ngoài và giới trẻ thành đạt tại Bình Dương.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhận định nguồn vốn đầu tư vào Bình Dương những năm qua rất lớn, thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài nước đổ về đây sinh sống và làm việc. Thấy được tiềm năng này, thời gian qua các doanh nghiệp BĐS đã đổ vốn triển khai các dự án đón đầu đối tượng khách hàng tiềm năng này. Cung - cầu gặp nhau nên các dự án BĐS cao cấp tại Bình Dương mở bán thời gian gần đây giao dịch rất tốt, dự án nào mở ra cũng được khách hàng đón nhận, bán hết rất nhanh.(Thanhnien)
------------------------
EU áp thuế bổ sung 3,3 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu Mỹ từ tháng 7
Ngày 6/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) từ tháng Bảy tới sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế suất mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu từ EU.
Các nước thành viên EU đã ủng hộ kế hoạch của EC, theo đó đề ra mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD).
Phát biểu tại cuộc họp báo, Ủy viên EC Maros Sefcovic cho biết EC dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan trước cuối tháng Sáu với sự phối hợp của các nước thành viên để có thể áp mức thuế mới bắt đầu từ tháng Bảy.
Trước đó, ngày 31/5, Mỹ tuyên bố chính thức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn.
Ngay sau thông báo của Mỹ, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa.
Giới chuyên gia lo ngại động thái của Washington sẽ đẩy cao nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác.(Vietnam+)
-----------------------
Trung Quốc ra nước ngoài sản xuất thép để lách thuế chống bán phá
Các công ty thép Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của nhà nước, đã né các mức thuế chống bán phá cao ngất ngưỡng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bằng cách ngưng hoạt động ở trong nước và ra nước ngoài xây dựng nhà máy, theo The Wall Street Journal.
Sang châu Âu sản xuất để được hưởng thuế 0%
Cách đây ba năm, một nhà máy thép nhà nước ở ngoại ô thành phố Smederevo, Serbia, đông nam châu Âu, đứng bên bờ vực đóng cửa. Chính phủ Serbia đã ngừng trợ cấp cho nhà máy này sau khi nó trải qua sáu năm thua lỗ liên tục.
Giờ đây, nó đang hoạt động với công suất cao nhất từ trước đến nay sau khi được bán cho công ty thép nhà nước Trung Quốc Hesteel Group với giá 54 triệu đô la Mỹ. Hoạt động xuất khẩu của nhà máy đang tăng vọt và nó thậm chí bắt đầu xuất hàng sang Mỹ.
EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều sản phẩm thép giá rẻ của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Song giờ đây, nhà máy thép của Hesteel Group ở Serbia có thể xuất khẩu thép sang 28 nước thành viên EU với mức thuế 0%.
Không dừng lại ở Serbia, Hesteel Group còn vươn vòi đầu tư sang Macedonia, Thụy Sĩ, Nam Phi, Úc và cả Mỹ.
Người phát ngôn của Hesteel Group nói rằng, mở rộng hoạt động ở nước ngoài là chiến lược cốt lõi của công ty. Hesteel Group đặt mục tiêu kiếm 20% tổng thu doanh từ các thị trường ngoài Trung Quốc vào năm 2020.
Trong vài năm qua, nhiều nhà máy thép Trung Quốc ngưng sản xuất trong nước nhưng lại mở rộng hoạt động ở nước ngoài nhờ nguồn vốn hỗ trợ hàng chục tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng nhà nước và quỹ đầu tư ở Trung Quốc
Bằng cách di chuyển sản xuất ra nước ngoài, các nhà máy thép Trung Quốc có thể tiếp cận rộng rãi các thị trường toàn cầu. Các nhà máy của họ ở Trung Quốc đối mặt các mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưỡng từ Mỹ và nhiều nước khác trước khi Donald Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, các nhà máy của họ ở nước ngoài ít bị các mức thuế chống bán phá giá như vậy.
Hồi tháng 3, chính quyền Trump làm rung chuyển hệ thống thương mại toàn cầu khi áp các mức thuế 25% và 10% lần lượt cho thép và nhôm nhập khẩu. Tuy nhiên, các mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế chống bán phá giá thường cao hơn 200% của Mỹ nhằm vào các sản phẩm thép sản xuất ở Trung Quốc
Các lãnh đạo ngành công nghiệp thép phương Tây đang lo ngại các hoạt động đầu tư ở nước ngoài đang giúp các nhà sản xuất thép Trung Quốc né thuế chống bán phá giá của Mỹ và nhiều nước khác.
Ồ ạt đầu tư nhà máy thép ở nước ngoài
Cơn bùng nổ sản xuất thép của Trung Quốc diễn ra vào đầu thập niên 2000 khi Bắc Kinh dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho ngành thép vốn được xem là có tầm quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Bắc Kinh phải tung ra chương trình kích thích kinh tế bao gồm việc xây dựng hàng trăm nhà máy thép mới. Sản lượng thép của Trung Quốc tăng bảy lần trong giai đoạn 2000-2013.
Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc vào năm 2013 khiến các nhà sản xuất thép và nhôm Trung Quốc phải “xả hàng” ra các thị trường toàn cầu và đẩy giá bán đi xuống. Giá thép xuất khẩu trung bình của Trung Quốc giảm khoảng 50% giữa năm 2011 và năm 2016.
Các chính phủ trên toàn thế giới đã áp hơn 130 mức thuế chống bán phá giá nhằm vào các công ty thép Trung Quốc.
Bắc Kinh phản đáp bằng cách đặt mục tiêu cắt giảm công suất thép 150 triệu tấn vào năm 2020. Đồng thời, vào năm 2014, Trung Quốc phát động một kế hoạch mang tên Hợp tác công suất quốc tế, trong đó, giao cho các ngân hàng nhà nước nhiệm vụ hỗ trợ các công ty thép gia tăng sản xuất ở nước ngoài.
Giới phân tích và các lãnh đạo ngành thép cũng như chính phủ phương Tây cho biết, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang nhận được nguồn vốn hỗ trợ hàng trăm tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng và quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc để xây dựng và mua lại các nhà máy thép ở nước ngoài.
“Trung Quốc gần đây di chuyển toàn bộ các cụm công nghiệp ra các vùng địa lý bên ngoài và rồi tiếp tục sản xuất quá mức sản lượng thép, nhôm, xi măng, kính tấm, hàng dệt may... Nếu không có trợ cấp của nhà nước, đây là những ngành sản xuất không có tính khả thi kinh tế dựa theo quy luật cung cầu”, Tristan Kenderdine, Giám đốc nghiên cứu ở tổ chức tư vấn Future Risk phân tích.
Các công ty thépTrung Quốc đã ký các thỏa thuận xây dựng các nhà máy thép ở Malaysia, Pakistan, Ấn Độ và nhiều nơi khác.
Tại phía bắc Brazil, vào cuối năm nay, một nhóm công ty Trung Quốc sẽ động thổ dự án trị giá 8 tỉ đô la Mỹ để xây dựng một trong những nhà máy thép lớn nhất thế giới, mở rộng thêm công suất thép của Brazil dù ngành công nghiệp thép nước này chỉ hoạt động chưa đầy 70% công suất thiết kế.
“Điều này hoàn toàn phi lý vì công suất thép của chúng tôi đang dư thừa”, Alexandre Lyra, Chủ tịch Viện thép Brazil nói.
Các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng nhiều nhà máy thép ở Indonesia. Chẳng hạn, năm ngoái, công ty thép Tsingshan có trụ sở ở thành phố Ôn Châu, Trung Quốc, đã khai trương nhà máy thép không gỉ với công suất 2 triệu tấn/năm ở đảo Sulawesi, Indonesia nhờ sử dụng vốn vay 570 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc. Sự xuất hiện của nhà máy này đang đẩy giá giá thép không gỉ giảm từ châu Á đến Mỹ.
Các sản phẩm thép không gỉ của Tsingshan vào thị trường Mỹ thông qua một liên doanh với công ty thép không gỉ Allegheny Technologies ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Liên doanh này nhập các tấm thép không gỉ từ nhà máy của Tsingshan ở Indonesia, rồi gia công chúng thành những nhiều sản phẩm từ đồ gia dụng cho đến thiết bi y khoa.(TBKTSG)