tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 17-05-2018

  • Cập nhật : 17/05/2018

OPEC: Thế giới đã thoát cảnh thừa dầu

Theo báo cáo mới nhất từ OPEC, tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu gần như đã không còn...

Tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu gần như đã không còn, số liệu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) công bố ngày 14/5 cho thấy. Đây là kết quả của nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu do OPEC dẫn đầu và việc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu gia tăng. 

Theo hãng tin Reuters, báo cáo của OPEC nói rằng các thành viên của khối này và đối tác ngoài khối thậm chí còn cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức thỏa thuận. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu không tham gia thỏa thuận hạn chế sản lượng, chẳng hạn các công ty dầu đá phiến của Mỹ, đã bắt đầu đối mặt với sự hạn chế sản lượng tương lai. 

Saudi Arabia, nước "anh cả" của OPEC, cho biết đã giảm sản lượng tháng 4 xuống mức thấp nhất kể từ khi thỏa thuận hạn chế sản lượng bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2017. 

Báo cáo của OPEC cho biết lượng dầu tồn kho tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm trong tháng 3, chỉ còn cao hơn 9 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm. Hồi tháng 1/2017, tồn kho dầu tại các nước OECD cao hơn 340 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm. 

"Thị trường dầu lửa trong tháng 4 được nâng đỡ bởi căng thẳng địa chính trị (ở Trung Đông), tồn kho xăng dầu giảm, và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu mạnh", báo cáo của OPEC có đoạn viết. 

Thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa OPEC, Nga và một số nước khác đã giúp giá dầu thế giới tăng khoảng 40% kể từ khi có hiệu lực. Mục tiêu của thỏa thuận này là đưa lượng tồn kho dầu toàn cầu về mức trung bình 5 năm. 

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi báo cáo của OPEC được công bố, giá dầu Brent tại London có lúc đạt 78,28 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. 

Bản báo cáo tăng nhẹ dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2018, lên mức 98,85 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,65 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ của năm ngoái. Cơ sở của dự báo này là tăng trưởng kinh tế mạnh lên tại các nền kinh tế mới nổi và phát triển trong quý 1. 

OPEC cũng dự báo các nước sản xuất dầu ngoài khối sẽ khai thác 59,62 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, nhiều hơn 1,72 triệu thùng/ngày so với năm ngoái. Trong đó, Mỹ sẽ chiếm khoảng 89% phần sản lượng gia tăng này. 

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ gần đây khai thác 10,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, đang tiến sát mức sản lượng cao nhất thế giới 11 triệu thùng/ngày của Nga, và cao hơn nhiều so với mức 9,9 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.

 Trong tháng 4, OPEC khai thác 31,93 triệu thùng dầu mỗi ngày, thấp hơn 800.000 thùng/ngày so với mức mà OPEC nói là thế giới cần từ khối này trong năm nay. 

OPEC phát tín hiệu rằng khối này và các nước đồng minh sẵn sàng hành động nếu "các diễn biến địa chính trị" gây ảnh hưởng bất lợi đến nguồn cung dầu. Tuần trước, Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào, nhưng sẽ không hành động một mình. 

"OPEC luôn sẵn sàng hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường dầu, cùng với các nước sản xuất dầu khác là đối tác của khối", báo cáo của OPEC viết. 

Vào tháng 6, OPEC và đối tác sẽ nhóm họp để xác định có cần điều chỉnh mức hạn chế sản lượng. Thỏa thuận giữa OPEC với Nga và một số quốc gia khác hạn chế sản lượng khai thác dầu 1,8 triệu thùng dầu/ngày cho tới hết năm nay. (Vneconomy)
-------------------------------

Các tỉnh ĐBSCL: Trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư năng lượng tái tạo

Với sự tăng trưởng của các ngành kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng tăng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhiên liệu hóa thạch để phát điện ngày càng giảm vì vậy việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp bền vững để ĐBSCL có nguồn điện đảm bảo cho sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết, trong những năm qua, nhu cầu sử dụng điện để phục vụ phát triển nông nghiệp của Tiền Giang ngày càng gia tăng, chủ yếu là sử dụng điện để xông cây thanh long ra hoa trái vụ và phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Thống kê của Sở Công Thương Tiền Giang cho thấy, năm 2017, sản lượng điện năng tiêu thụ phục vụ xông thanh long ra hoa trái vụ khoảng 88,8 triệu kWh (chiếm 3,8% tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh), phục vụ nuôi trồng thủy sản khoảng 52,4 triệu kWh (chiếm 2,3% tổng sản lượng tiêu thụ điện toàn tỉnh).

Theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng thanh long vào khoảng 7.000-8.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 15.820ha. Như vậy, cùng với sự tăng trưởng của các ngành kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu hóa thạch để phát điện ngày càng giảm nên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời là một trong những giải pháp bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

“Tiền Giang có 32km bờ biển, có vận tốc gió bình quân năm khoảng 5-5,75m/giây, số giờ nắng là 2.501 giờ/năm, nhiệt độ trung bình là 27,8oC… Đây là lợi thế để nghiên cứu tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo. Dù hiện nay Tiền Giang chưa có dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nhưng theo xu thế chung của vùng, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt trạm quan trắc phục vụ cho mục đích nghiên cứu để lập các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh”, đại diện Sở Công Thương Tiền Giang cho hay.

Tại Bạc Liêu, để phát huy lợi thế tự nhiên, đồng thời để tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh này đã xây dựng “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” và đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó có xác định tiềm năng phát triển các dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của Bạc Liêu dự kiến là 2.507 MW và mục tiêu đến năn 2020 công suất lắp đặt tích lũy đạt 401 MW, với sản lượng điện gió tương ứng là 882 triệu kWh.

Liên quan đến việc phát triển điện gió, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (giai đoạn I và II) của Công ty TNHH Xây dựng- thương mại- du lịch Công Lý đã được đầu tư xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2016, với quy mô 62 trụ turbine gió, công suất 99,2 MW, đến nay đã hòa lưới điện quốc gia khoảng 570 triệu kWh. Đây là dự án điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Để đầu tư mở rộng dự án, Công ty Công Lý đang triển khai giai đoạn III Nhà máy điện gió Bạc Liêu, gồm 71 trụ turbine gió, công suất 142 MW. Nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tăng thu ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 60 tỷ đồng, đẩy mạnh kết hợp khai thác điện gió và du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài dự án trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chủ trương cho phép 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước được tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu lập dự án khả thi đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đang tiếp tục xin khảo sát, nghiên cứu để phát triển điện gió tại tỉnh này.

Theo Sở Công Thương Bạc Liêu, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nhằm tìm kiếm các đối tác đầu tư phát triển điện gió trên các khu vực đã quy hoạch; cập nhật bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời, điện gió phù hợp với tiềm năng của tỉnh… “Trước mắt tỉnh sẽ cho phép các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát, sau đó tùy theo quy mô đề nghị của nhà đầu tư, tỉnh sẽ xử lý hoặc đề xuất Thủ tưởng Chính phủ xử lý chủ trương đầu tư các dự án này”, Sở Công Thương Bạc Liêu khẳng định.

Tại Bến Tre, nhằm chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác muối kém hiệu quả (gần 1.000ha), tỉnh Bến Tre có chủ trương cho các nhà đầu tư điện mặt trời đến tìm hiểu, khảo sát thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, tiến hành đầu tư các dự án điện mặt trời nối lưới điện có quy mô khá lớn trên địa bàn.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho hay, UBND tỉnh Bến Tre đã cấp chủ trương đầu tư cho 9 nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió với quy mô công suất 470 MW, vốn cam kết trên 940 triệu USD và có 4 dự án điện mặt trời đang trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Với quy mô công suất nêu trên từ nguồn năng lượng tái tạo, nếu đuợc triển khai sẽ là cơ hội để tỉnh Bến Tre có điều kiện phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện với nguồn năng lượng sạch, không ô nhiễm môi trường.

Tương tự, tỉnh Sóc Trăng được Bộ Công Thương phê duyệt 22 vị trí về điện gió, với diện tích khảo sát 35.740ha, quy mô công suất 1.470 MW. Tính đến nay, đã có 19 nhà đầu tư đăng ký, tiếp nhận, khảo sát và lập dự án tại các vị trí quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh. Trong đó, có 2 nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Hiện tỉnh đang xúc tiến và hoàn thành quy hoạch tổng thể về điện mặt trời.

Ông Võ Văn Chiêu- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng- chia sẻ, Sóc Trăng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh và hàng tuần đều có nhà đầu tư đến khảo sát đất, khí hậu và môi trường để tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chọn nhà đầu tư có năng lực cao nhất nhằm phát huy hiệu quả của các dự án.

Mặc dù được các nhà đầu tư tìm hiểu, quan tâm đầu tư nhưng các Sở Công Thương cho rằng, các dự án năng lượng tái tạo hiện triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Nguyên nhân được Sở Công Thương Bến Tre chỉ ra là suất đầu tư dự án điện gió quá lớn so với khả năng tài chính của doanh nghiệp trong nước (bình quân 2 triệu USD/MW). Do vậy cần có sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài mới có khả năng triển khai được dự án.

Ngoài yếu tố trên, theo các Sở Công Thương, hiện giá bán điện theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg tương đối thấp, chưa được điều chỉnh làm hiệu quả dự án thiếu khả thi, chưa hấp dẫn nhà đầu tư nên các tổ chức tín dụng còn e ngại khi hợp tác thực hiện dự án. Vì vậy, các Sở Công Thương kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành chính sách điều chỉnh giá mua điện gió tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư để dự án được triển khai nhanh. (Báo Công Thương)
----------------------

Ngân hàng nhà nước yêu cầu chấn chỉnh cho vay tiêu dùng

Để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm quy định về cho vay tiêu dùng, ngày 15-5, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng.

Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là các tổ chức tín dụng), Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc rà soát các quy định nội bộ, thực hiện nghiêm quy định về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt là các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải minh bạch hóa hoạt động cho vay như niêm yết hợp đồng theo mẫu, cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí trước khi xác lập thỏa thuận cho vay.

Riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng nhà nước chỉ đạo phải ban hành đầy đủ quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng mức cao nhất và thấp nhất cho từng sản phẩm, áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, để cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật về cho vay, Ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.(Tuoitre)
----------------------------

Siết van bất động sản, ngân hàng bơm vốn mạnh cho sản xuất kinh doanh

Các ngân hàng đang đưa ra hàng loạt chương trình cho vay lãi suất “mềm” với lĩnh vực sản xuất kinh doanh sau khi siết lại kênh bất động sản bị do lo ngại rủi ro.

Siết van bất động sản, ngân hàng bơm vốn mạnh cho sản xuất kinh doanh - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang đẩy vốn cho kênh sản xuất kinh doanh sau khi siết dần cho vay bất động sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) triển khai gói sản phẩm ưu đãi lãi suất 6%/năm cố định trong 2 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu.

Gói sản phẩm này áp dụng đối với các khoản vay bổ sung vốn sản xuất kinh doanh, gồm cả sản phẩm cho vay nông nghiệp, có tài sản bảo đảm 100% là bất động sản và không thuộc mục đích vay kinh doanh cầm đồ, góp vốn.

Ngoài ra, khách hàng còn được ngân hàng cấp thẻ tín dụng với hạn mức tối thiểu là 50 triệu đồng và tối đa là 500 triệu đồng.

Điều kiện để hưởng ưu đãi là khoản vay được phê duyệt từ nay đến hết ngày 30-6 và giải ngân chậm nhất đến 31-7.

 

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) triển khai sản phẩm tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây lắp trên toàn quốc.

Tỉ lệ cấp tín dụng tối đa lên tới 100% giá trị tài sản đảm bảo, tỉ lệ cho vay tối đa từng công trình lên tới 80% giá trị hợp đồng thi công xây lắp.

Mục đích đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong việc quản lý nguồn thanh toán đi vào đúng hạng mục công trình và phù hợp với đặc thù của ngành thi công xây lắp.

VPBank thì ra mắt gói sản phẩm cho vay theo hình thức thế chấp hóa đơn VAT - là sản phẩm "lai" giữa hình thức vay vốn có tài sản đảm bảo và không tài sản đảm bảo.

Để vay vốn theo hình thức này, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần có hợp đồng kinh tế với đối tác uy tín và hóa đơn bán hàng VAT làm tài sản thế chấp.

Sau khi thẩm định, doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức tín dụng lên tới 90% giá trị hóa đơn VAT và với thời hạn cho vay lên tới 6 tháng, giải ngân tối đa trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi hồ sơ được phê duyệt.

Theo ngân hàng này, trong thực tế sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lo nguồn vốn ban đầu tương đối lớn, trong khi đó đối tác chỉ tạm ứng một phần nhỏ hợp đồng, thường không đủ để chi trả nguyên vật liệu đầu vào.

Chưa kể, sau khi hoàn tất bàn giao đơn hàng thì cần phải chờ tối thiểu 30 ngày mới được thanh toán nốt.

Tình trạng bị "gối đầu vốn" ít nhiều làm ảnh hưởng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp. Gói cho vay trên giúp doanh nghiệp không phải chờ đợi và bị động trong các khâu sản xuất kinh doanh kế tiếp.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau hàng loạt đợt sốt đất, đặc biệt ở các quận vùng ven, các ngân hàng đã siết vốn vào lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế rủi ro, tránh phát sinh thêm nợ xấu.

Ngoài việc quản lý hạn mức, ngân hàng buộc khách hàng phải tăng nguồn vốn tự có. Lãi suất cho vay bất động sản cũng điều chỉnh tăng vì rủi ro tăng lên. Việc thẩm định giá cũng hết sức thận trọng.

Do không dám đẩy mạnh cho vay bất động sản như trước do vậy các ngân hàng đã tìm các kênh khác, đặc biệt là kênh sản xuất kinh doanh để bơm vốn do thời gian gần đây tín dụng đang có xu hướng tăng chậm lại.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục