Ngân sách An Giang sẽ 'bội thu' nếu bán đấu giá hàng lậu; Chỉ một cấp có quyền quyết mua sắm tài sản công; Cục trồng trọt lên tiếng về việc gom rễ tiêu bán sang Trung Quốc; Điều chỉnh quy hoạch TP Hải Phòng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-05-2018
- Cập nhật : 16/05/2018
Xuất khẩu thép khả quan
Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động XK thép trong các năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Ngành thép đang dần đạt được những chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra những lợi thế so với những nhà sản xuất thép hàng đầu.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động XK thép đã đạt được sự phát triển nhất định, khi tỷ lệ NK (tính trên tổng sản lượng tiêu thụ) luôn ghi nhận mức tăng trưởng liên tục. Nếu như trong năm 2012, XK thép trong nước chiếm 15,9% tổng sản lượng tiêu thụ (SLTT), thì năm 2017, hoạt động XK đã chiếm 20,8% và đạt mức tăng trưởng 23,9% trong quý I/2018.
Số liệu thống kê về tổng sản lượng thép XK trong 5 năm gần đây cũng cho thấy sản lượng thép XK đã có sự tăng trưởng từ mức 1,17 triệu tấn trong năm 2012 lên 3,76 triệu tấn thép trong năm 2017, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm ở mức 26,3%, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của SLTT trong nước (chỉ ở mức 19,8%).
Tại thị trường Việt Nam, hai nhóm sản phẩm chiếm vị trí chủ chốt bao gồm thép xây dựng và tôn mạ. Trong đó, mặt hàng tôn mạ đang dẫn đầu về XK, với tỉ lệ XK duy trì ở mức 40% trong vòng 4 năm qua. Cùng với mức tăng kỉ lục 50,8% trong quý I/2018, tôn mạ trở thành mặt hàng XK chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, thép xây dựng đang là động lực thúc đẩy hoạt động XK của cả ngành thép trong thời gian gần đây với mức tăng trưởng XK 11,2% trong năm 2017 và 14,4% trong quý I/2018.
Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch XK thép đã vượt mốc 1 tỷ USD và đang có xu hướng tăng cao.
Theo nhận định của ông Nguyễn Trí Cường, chuyên gia phân tích của ABCS, tuy những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang tăng cao nhưng hoạt động XK thép Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng liên tục trong các tháng đầu năm 2018. Theo ông Cường, mức thuế quan do Mỹ áp đặt không ảnh hưởng quá lớn đến ngành thép khi đã có nhiều thị trường XK thay thế tiềm năng cho các DN XK thép của Việt Nam bao gồm khu EU, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, EU, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật đã có mức tăng đáng kể về tỷ trọng, từ dưới 2,5% trong năm 2016 lên 18,2% tổng lượng thép XK Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018. Thêm vào đó, với mức chi phối đáng kể, khu vực Đông Nam Á vẫn đang liên tục duy trì vị thế dẫn đầu trong hoạt động XK thép cả nước nhiều năm gần đây. Do đó, sự sụt giảm trong XK vào thị trường Mỹ hoàn toàn có khả năng thay thế bởi những thị trường tiềm năng trên.
Một lựa chọn thay thế khác chính là thị trường nội địa, khi nguồn cầu trong nước được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng 20%/năm trong thời gian tới do “chất xúc tác” từ sự tăng trưởng của phân khúc nhà ở giá rẻ và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm Cao tốc Bắc Nam, Tuyến đường sắt kết nối vùng Đông Nam Bộ, dự án tàu điện ngầm nội đô, và dự án mở rộng các cảng hàng không (như Cảng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài – giai đoạn 3, và càng hàng không quốc tế Long Thành).
Bên cạnh hoạt động XK, theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, lượng sản xuất và tiêu thụ thép trong 4 tháng vừa qua tương đối tốt vì thời tiết thuận lợi, ngành xây dựng nước ta vào mùa. Theo đó, lượng sản xuất thép tháng 4 đã đạt 850.000 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng đầu năm đạt 3,21 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ tháng 4 đạt 830.000 tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian tới, ngành thép chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới. Hầu hết các thị trường NK lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước nên gây nhiều khó khăn cho DN XK. Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và hoạt động đầu tư được chú ý triển khai ngay từ đầu năm. Do đó, để đảm bảo tăng trưởng tiêu thụ thép, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục có những những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thép NK để bảo vệ các DN trong nước. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin đối với DN.(Báo Hải QUan)
-------------------
Đất nền tỉnh lẻ đang bị đánh lên tạo sốt ảo, nhà đầu tư cần cảnh tỉnh
Đây là cảnh báo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) trong báo cáo mới đây.
Cụ thể, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết một số khu vực của các địa phương như: Hà Đông- Hà Nội, Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Nha Trang - Khánh Hòa... diễn ra sôi động.
Giá đất nền tăng cao tại các đô thị đang phát triển có các công trình hạ tầng đồng bộ; các khu vực đã hình thành hoặc có quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng... Tình trạng này do một số nhóm đầu cơ tạo ra cơn sốt ảo.
Phương thức đầu cơ cũng được Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng chỉ rõ. Cụ thể, giới đầu cơ thường là một nhóm các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM có tiềm lực tài chính mạnh sẽ đẩy giá đất tăng cao bằng cách mua một số lô đất với giá thấp lúc thị trường chưa sôi động.
Tiếp đó, nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại chính các ô đất đã mua trước đó với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường, đồng thời tung thông tin thị trường khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư khác.
Lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng "đám đông", nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, nhóm này đã tạo lên những cơn sốt ảo đẩy giá lên cao để trục lợi.
Sau nhóm các nhà đầu cơ này sẽ rút đi, tạo nên làn sóng bán ra ồ ạt và hệ quả là nhiều nhà đầu tư sau mua đất với giá cao của nhà đầu tư trước phải bán đi để cắt lỗ, nhiều nhà đầu tư không bán kịp sẽ bị mắc kẹt.
Hậu quả để lại cho thị trường rất nặng nề, người có nhu cầu thực không thể có đủ tiền để mua do giá đất bị đẩy lên cao, người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được, vì nếu bán thì lỗ nặng. Dẫn đến tình trạng nhiều nhà, đất sẽ để hoang hóa không sử dụng, lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã soạn thảo công văn trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương tiến hành: Tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường.
Tiến hành thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thổi giá, tạo nên các giao dịch ảo để kiếm lời.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng đề xuất các biện pháp để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực nêu trên, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và dẫn đến hiện tượng "Bong bóng bất động sản"
Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường đất nền đã sốt nóng liên tục. Bắt đầu là TPHCM rồi lan sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Cần Thơ, Long An...Cơn sốt đất tiếp tục lan rộng sang các thị trường đất nền vệ tinh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh.(Chinhphu)
----------------------
Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4.000 ha khu du lịch Tam Chúc
Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, đến năm 2030.
Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, khu du lịch quốc gia Tam Chúc sẽ có diện tích vùng lõi là 4.000 ha.
Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 3 thôn Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Một góc khu du lịch Tam Chúc. Ảnh: Báo Hà Nam.
Mục tiêu chung đến năm 2025, khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia.
Đến năm 2030, khu du lịch Tam Chúc trở thành khu du lịch cấp quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch. Quy hoạch của chính phủ cũng kỳ vọng khu Tam Chúc sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Đông Bắc và cả nước.
Cụ thể, đến năm 2025 khu du lịch Tam Chúc cần đón khoảng 3.700 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 470 nghìn lượt. Đến năm 2030, toàn khu đón khoảng 6.000 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 750 nghìn lượt.
Với vấn đề tạo công ăn việc làm, quy hoạch của chính phủ yêu cầu đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.400 lao động, trong đó có khoảng 900 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, khu Tam Chúc tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, trong đó có khoảng 1.800 lao động trực tiếp.
Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) đạt khoảng 1.100 tỷ đồng vào năm 2025, trên 1.700 tỷ đồng vào năm 2030.
Khu du lịch Tam Chúc sẽ phát triển 6 khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ bắc hồ Tam Chúc), khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc), khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.(NDH)
-------------------------
Fitch: Cấu trúc ngân hàng kém là yếu tố 'ghìm' thứ hạng quốc gia của Việt Nam
Theo Fitch, vẫn tồn tại những khoản cho vay không hiệu quả chưa được báo cáo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và chất lượng tài sản có thể yếu hơn so với quy định.
Theo đánh giá của Fitch, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn yếu về cấu trúc và đây là gánh nặng kéo giảm xếp hạng tín dụng quốc gia. Fitch tin rằng vẫn còn những khoản vay không hiệu quả trong hệ thống ngân hàng chưa được báo cáo và chất lượng tài sản thực có thể yếu hơn so với quy định. Vấn đề này trông đợi sẽ được giải quyết triệt để hơn trong thời gian dài.
Fitch cũng cho rằng nhu cầu tái cấp vốn của ngành ngân hàng là một rủi ro. Ngoài ra, còn một số điểm yếu trong cấu trúc hệ thống ngân hàng như: phần vốn ở vùng đệm chống rủi ro còn mỏng và khả năng sinh lời thấp.
Mặt khác, trong khi nền kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ hỗ trợ việc xử lý các khoản nợ xấu còn tồn tại thì việc tăng trưởng tín dụng nóng có thể sẽ tạo ra rủi ro tài chính trong trung hạn.
Tăng trưởng tín dụng chung vào cuối năm 2017 của Việt Nam khoảng 18%, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2018 là 17%.
Mặc dù chỉ tiêu tín dụng Chính phủ đặt ra thấp hơn so với năm trước, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, phát sinh từ tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn là một điểm yếu đối với tài chính công của Việt Nam do vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế vẫn còn rất lớn.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp Nhà nước (SOEs) đã giảm theo đề án cổ phần hoá, nhưng con số này vẫn ở mức cao khoảng 505 đơn vị vào cuối năm 2017. Chính phủ sở hữu nhiều doanh nghiệp và chi phí tái cấp vốn ngân hàng sẽ vẫn là những điểm cần phải xem xét về tài chính công của Việt Nam.
Chỉ số bền vững nợ vay nước ngoài vẫn ổn định. Tỷ lệ nợ ưu đãi cao trong tổng nợ nước ngoài là một thế mạnh của nguồn tài chính nước ngoài của Việt Nam.
Tỷ lệ dịch vụ nợ nước ngoài trên biên nhận bên ngoài hiện tại (CXR) là 4,7% thấp hơn so với mức 12,1% của trung bình của hạng 'BB'. Tuy nhiên, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đã đủ điều kiện nhận tài trợ ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới trong năm 2017.
Tỷ lệ thanh khoản của Việt Nam là 214% cao hơn nhiều so với mức trung bình hạng BB là 164,8%, phản ánh yếu tố ưu đãi của khoản nợ nước ngoài. Điều này giúp bù đắp mức dự trữ ngoại hối thấp so với mức trung bình hạng 'BB'.(NDH)