Ngân hàng TW châu Âu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ?
Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng thấp nhất trong 25 năm qua
Xếp loại doanh nghiệp nhà nước theo 5 tiêu chí
Đón đầu TPP, nhà sản xuất nhãn mác lớn nhất thế giới vừa rót 30 triệu USD xây nhà máy tại Việt Nam
Hiệp định ATIGA: Năm 2018 xóa bỏ hàng rào thuế quan trong ASEAN
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-01-2016
- Cập nhật : 18/01/2016
Thị trường dược phẩm Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Ông Andrew Powrie-Smith - Giám đốc Truyền thông của Liên đoàn ngành công nghiệp và Hiệp hội Dược phẩm châu Âu (EFPIA) cho rằng nếu có chính sách ưu đãi phù hợp, các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển tại thị trường Việt Nam, với quy mô đầu tư sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng quốc gia và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Powrie-Smith cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo người dân trong nước được tiếp cận với các loại thuốc mới phát minh có chất lượng cao và an toàn.
- Thưa ông, tại sao thị trường dược phẩm Việt Nam lại trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài?
- Ông Andrew Powrie-Smith: Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng GDP xếp hạng trên trung bình, có dân số đông thứ 3 trong khu vực ASEAN, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Nhận thức của người dân Việt Nam về các loại dịch bệnh cũng được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. Một nửa dân số trong độ tuổi dưới 30 và sẽ bước vào giai đoạn già hóa trong 15 năm tới.
Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh các hoạt động về giáo dục sức khỏe và triển khai các kế hoạch chiến lược nhằm đảm bảo người dân Việt Nam đã và đang tiếp cận với các loại thuốc mới phát minh có chất lượng cao và an toàn.
- Làm cách nào để cải thiện chất lượng của thuốc sản xuất tại Việt Nam trong khi chúng ta đang phụ thuộc vào các loại thuốc nhập khẩu?
- Ông Andrew Powrie-Smith: Hiện nay, mỗi quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức khác nhau trong việc đảm bảo chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Sự cân bằng giữa các loại thuốc phát minh và thuốc generics đóng vai trò quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu điều trị y tế trong điều kiện hạn chế về tài chính, trong khi đem đến sự lựa chọn cho các bác sỹ và bệnh nhân trong điều trị.
Tại Việt Nam, thị phần của các công ty dược trong nước đã đạt gần mức trung bình về mặt giá trị và cao hơn mức trung bình về mặt số lượng so với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, Pharma Group (Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu) đại diện cho 22 công ty dược phẩm đa quốc gia với mục tiêu chung nhằm đảm bảo người dân Việt Nam được tiếp cận nhanh chóng và bền vững với các loại thuốc mới phát minh có chất lượng cao và an toàn.
Pharma Group cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm áp dụng kinh nghiệm toàn cầu và sự am hiểu thị trường địa phương giúp tìm ra giải pháp cho các vấn đề y tế phức tạp và tạo nền tảng xây dựng một quốc gia khỏe mạnh.
- Ông có suy nghĩ gì về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc giải quyết các rào cản liên quan đến quy định về nhập khẩu và phân phối thuốc tại Việt Nam?
- Ông Andrew Powrie-Smith: Bộ Y tế và các doanh nghiệp dược tuy ở vị thế khác nhau nhưng vẫn có chung tầm nhìn và mục tiêu là đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với thuốc an toàn và chất lượng.
Như tôi đã từng đề cập, chính phủ cần cả các công ty dược phát minh cũng như công ty dược generics nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, trong khi mang đến sự lựa chọn cho các bác sỹ và bệnh nhân trong việc điều trị.
Do đó, Pharma Group rất hoan nghênh những phát triển về chính sách trong lĩnh vực y tế thời gian gần đây, từ đó có thể thấy Việt Nam đã khởi tạo một hành trình đầy tham vọng trong việc phát triển ngành công nghiệp dược phẩm trong nước, đồng thời khuyến khích sự hợp tác với các công ty dược đa quốc gia.
- Pharma Group có thể mang đến những gì để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm trong nước?
Ông Andrew Powrie-Smith: Pharma Group giữ vững cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này, và tin rằng kinh nghiệm của chúng tôi từ các quốc gia khác có thể được vận dụng như một sự định hướng hữu ích trong việc thiết kế các giải pháp toàn diện “đôi bên cùng có lợi,” với mục tiêu bao quát là phát triển ngành y tế và ngành dược tiêu chuẩn cao, lấy người bệnh làm trọng tâm.
Nếu có chính sách ưu đãi phù hợp, các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển tại thị trường Việt Nam, với quy mô đầu tư sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng quốc gia và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi tin rằng Việt Nam là điểm đến phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nếu như có một tín hiệu khuyến khích đầu tư rõ ràng hơn cho các công ty dược đa quốc gia, đó chắc chắn là động lực cho sự gia tăng đáng kể đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới./.
Giữ quan điểm về thẩm quyền điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu
Việc quy định ngay trong luật về danh mục và mức thuế suất thuế nhập khẩu là thiếu khả thi...
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Theo dự thảo báo cáo giải trình thì việc ban hành danh mục hàng hóa và khung thuế suất thuế xuất khẩu cho từng nhóm hàng ngay trong luật là cần thiết.
Tuy nhiên, việc ban hành quá chi tiết sẽ không đảm bảo phù hợp với các biến động của nền kinh tế và khó khăn cho việc điều hành các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, dự thảo luật giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung khi Chính phủ trình.
Mặt khác, đối với hàng hóa nhập khẩu, các quy định về thuế suất thuế nhập khẩu được thực hiện theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết và được Quốc hội phê chuẩn, dự kiến trong vòng 10 năm tới mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97-98% dòng thuế. Do vậy, về cơ bản mức thuế suất vẫn do Quốc hội quyết định.
Đồng thời, trong thực tế danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu là rất lớn (trên 10.400 dòng thuế), chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu thì việc quy định ngay trong luật về danh mục và mức thuế suất thuế nhập khẩu là thiếu khả thi và không thực sự cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiên trì quan điểm đã được thể hiện tại dự thảo luật.
Liên quan tới nội dung khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét quy định các trường hợp tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đúng số thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế, trường hợp người bảo lãnh không thực hiện thì xử lý như thế nào? Nếu thực hiện cưỡng chế thì nằm trong văn bản nào?
Thường trực Uỷ ban và cơ quan soạn thảo thống nhất giải trình: theo quy định của dự thảo luật, trường hợp người nộp thuế được tổ chức tín dụng bảo lãnh mà không thực hiện nộp thuế đúng hạn thì tổ chức bảo lãnh phải nộp thay. Trường hợp người bảo lãnh không nộp khoản tiền thuế, tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế thì sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế đã được quy định tại Điều 93 của Luật Quản lý thuế và các pháp luật có liên quan.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị thời gian có hiệu lực của luật từ ngày 1/9/2016 thay vì từ ngày 1/7/2016.
Trước đó, thảo luận tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn trong luật biểu thuế và thuế suất, hạn chế giao Chính phủ quy định. Ý kiến khác cho rằng, việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh biểu thuế suất là trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng có vị đề nghị nên giao Chính phủ chủ động điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu vì đây là nguồn thu lớn và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đến lượt ngân hàng lớn tăng lãi suất huy động
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang tăng
Lần đầu tiên trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm phát hành thành công dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm đang thể hiện lòng tin và cam kết mạnh mẽ của nhà đầu tư.
Ngày 13/1/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 4.000 tỷ đồng gồm 2 loại kỳ hạn: 3 năm (2.000 tỷ đồng) và 5 năm (2.000 tỷ đồng). Kết quả, KBNN chỉ huy động được 1.160 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 29%.
Ngay cả TPCP kỳ hạn 3 năm vốn rất hút hàng trong năm 2015 thì phiên này cũng chỉ huy động được 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trúng thầu là 50%, lãi suất trúng thầu là 5,78%/năm, cao hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 6/1/2016).
Giới chuyên gia nhận định, các NHTM (là các nhà đầu tư chủ yếu và lớn nhất đối với TPCP) đang phải dồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng đang tăng cao và mang lại lợi nhuận lớn hơn so với đầu tư TPCP nên không còn dư dả thanh khoản để đầu tư vào TPCP.
Như vậy, kể từ đầu năm 2016 đến nay, KBNN mới chỉ huy động thành công 3.553 tỷ đồng TPCP trong tổng số 11.000 tỷ đồng gọi thầu. Với diễn biến tài chính, tiền tệ nêu trên, nhiều khả năng lãi suất TPCP sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới và KBNN vẫn gặp khó khăn trong huy động vốn trong dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Trái lại, TPCP kỳ hạn dài lại có thêm bước tiến mới khi lần đầu tiên phát hành kỳ hạn 30 năm thành công cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Bảo Việt nhân thọ và Prudential (Bảo Việt nhân thọ mua 3.000 tỷ đồng và Prudential mua 500 tỷ đồng).
Cùng với đợt phát hành thành công 6.230 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm vào tháng 10 năm ngoái, kết quả này không chỉ góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu nợ công và ổn định kinh tế vĩ mỗ mà còn thể hiện lòng tin và cam kết mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài.
Thăng trầm cổ phiếu ngân hàng
Hiện nay rất nhiều cổ phiếu ngân hàng, bao gồm cả 2 ngân hàng đã niêm yết và hầu hết các ngân hàng chưa niêm yết, đang thấp hơn mệnh giá phổ thông 10.000 đồng/cp.
Đã một thời, cổ phiếu ngân hàng được các nhà đầu tư phong cho cái tên mỹ miều - "cổ phiếu vua". Vào những năm 2006-2007, ngành ngân hàng cùng với các doanh nghiệp lớn, quy mô vốn lớn hầu hết lại chưa được niêm yết đã trở thành điểm đến của dòng tiền đầu cơ. Nhiều ngân hàng nhỏ chưa niêm yết đã tận dụng cơ hội phát hành gấp 3, 4 lần quy mô trong thời gian ngắn vẫn được thị trường mua hết với giá gấp nhiều lần mệnh giá.
Thời thế đổi thay, cổ phần ngân hàng nay đã trở nên kém hấp dẫn, để đấu giá thành công cũng chẳng dễ dàng gì, thậm chí có những trường hợp không có nhà đầu tư nào ngó ngàng đến.
Theo thống kê của chúng tôi, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng bao gồm 2 ngân hàng đã niêm yết (SHB, NCB) và hầu hết các ngân hàng chưa niêm yết hiện đang thấp hơn mệnh giá phổ thông 10.000 đồng/cp.
Mặc dù tình hình kinh doanh đạt kết quả tốt, giá cổ phiếu SHB thời gian gần đây vẫn liên tục rớt mạnh, hiện đã lùi về mức dưới 6.000 đồng/cp. Đây cũng là nỗi bức xúc của hàng loạt cổ đông tại ĐHCĐ bất thường diễn ra cách đây vài tháng khi chứng kiến quá trình sa sút của cổ phiếu này và nóng lòng muốn ban điều hành ngân hàng đưa giá cổ phiếu ngân hàng lên. Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cũng đã hứa với cổ đông sẽ làm tất cả sức mình để ngân hàng hoạt động tốt, hiệu quả, nhưng không thể đưa ra lộ trình tăng giá cho cổ phiếu.
Gần đây, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) chào bán cổ phiếu của ngân hàng OCB và SCB với giá thấp bất ngờ dưới 5.000 đồng/cp nhưng vẫn ế toàn bộ.
Một số ngân hàng khác chật vật trong hành trình tăng vốn nhiều năm. NamABank chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ phân phối được 2,12% tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của Nam A Bank tăng lên 3.021 tỷ đồng. Hiện trên thị trường OTC, cổ phiếu này được giao dịch với giá khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá NamABank chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo kế hoạch năm 2014, SaigonBank dự kiến tăng thêm 920 tỷ đồng vốn điều lệ, nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng, đồng thời nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 15 - 16%. Tuy nhiên 2 năm trôi qua, kế hoạch tăng vốn của nhà băng này vẫn chưa triển khai được.
Vừa qua, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) muốn bán đấu giá 10,75 triệu cổ phiếu Saigonbank với giá khởi điểm 9.756 đồng/cp. Tuy nhiên cũng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá. Cổ phiếu của SaigonBank gần đây được chào bán trên thị trường tự do ở mức khoảng 7.000- 8.000 đồng.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện kế hoạch đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phiếu MaritimeBank, tương đương tỷ lệ 6,09% vốn với giá khởi điểm là 11.700 đồng/cp, trong khi giá của cổ phiếu ngân hàng này trên thị trường giao dịch thấp. Song đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá nên cuộc đấu giá đã không đủ điều kiện để tổ chức.
Tuy nhiên, vẫn có những “người may mắn” khi chào bán được với giá cao hơn giá trị thực. Giá cổ phiếu ABBank chỉ giao dịch trong khoảng 4.000-5.500 đồng/cổ phiếu trong khi tại phiên đấu giá của EVN thoái vốn tại ngân hàng này, 5 nhà đầu tư cá nhân đã mua 40 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng 400 tỷ đồng. Cổ đông tổ chức trúng thầu tại mức giá 10.100 đồng/cổ phần.
Mới đây, VPBank đã gửi thông báo xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho nhà đầu tư với giá chào bán dự kiến 27.584 đồng/cp.
Trên thị trường tự do (OTC), giá cổ phiếu của VPBank dao động ở khoảng 9.000 - 10.000 đồng/cp. Như vậy, giá mà VPBank dự kiến chào bán ở mức hơn 27.500 đồng, đang gấp 3 lần so với giá trị thực của cổ phiếu. Với mức giá rất cao này, nhiều nhận định cho rằng ngân hàng có khả năng thực hiện phương án chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài - Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore rút vốn từ cuối năm 2013, VPBank không có nhà đầu tư nước ngoài nào. Trong 2 năm gần đây, VPBank cũng đã tìm hiểu, tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoại để bán cổ phần.
Trước đó, VPBank thông báo về phương án chào bán, ngân hàng sẽ chào bán tối đa theo quy định là 30% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 20% vốn sau khi tăng vốn. Thời điểm thực hiện vào quý 4/2015 và 2016 tùy vào việc xin chấp thuận của các cơ quan nhà nước và/hoặc việc đàm phán chi tiết với các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, áp lực về nguồn cung là khá lớn đối với cổ phiều ngân hàng và vẫn chịu tác động từ tình hình tài chính chung như tỷ giá và biến động từ thị trường thế giới, vì vậy việc tăng vốn ở thời điểm này là điều không hề dễ dàng. Cũng không ít nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu từng một thời được xem như “cổ phiếu vua” sẽ còn đi xuống nữa trong thời gian tới.