Sự thật giản đơn về chứng khoán Trung Quốc
186 ha sân bay Nha Trang sẽ thành khu thương mại
Tập đoàn Bảo Việt ước đạt 1.187 tỷ đồng LNST 2015, lên kế hoạch tỷ đô doanh thu năm 2016
HDBank báo lãi 836 tỷ đồng trong năm 2015
Lại một thương vụ đình đám có giá lên tới 5,4 tỷ USD vừa diễn ra ở Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh 18-01-2016
- Cập nhật : 18/01/2016
Kinh tế Trung Quốc "cảm cúm", ngành nào của Việt Nam bị "hắt xì"?
Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, gây ra những xáo trộn cho nền kinh tế và các thị trường trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khiến các nhà đầu tư phải tìm cách giảm thiểu mọi tác động có thể.
"Cuốn theo chiều gió" Trung Quốc
Đầu năm 2016 đã chứng kiến sự giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc mà châm ngòi cho tình trạng bán tháo trên thị trường nước này là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc giảm xuống còn 48,2 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất nước này tiếp tục suy giảm trong tháng thứ 10 liên tiếp.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt Shanghai Composite Index ngày 13/1 đã rớt khỏi ngưỡng 3.000 điểm và có lúc xuống tận mức 2.899,58 điểm, thấp hơn cả mức đáy 2.927,29 điểm ghi nhận vào tháng 8/2015 khi đợt bán tháo hồi đó đã quét bay 5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường và khiến chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.
Sau khi hồi phục trong quý IV/2015, thị trường cổ phiếu Trung Quốclại giảm trở lại, và chỉ số Shanghai Composite Indexlại mất khoảng gần 20% kể từ mốc cao đạt được vào tháng 12/2015, trở thành chỉ số hoạt động kém nhất trong số 93 chỉ số chủ chốt của thế giới mà hãng tin Bloomberg theo dõi.
Tác động từ chứng khoán Trung Quốc khiến các thị trường khác phải “quay vòng vòng”. Tính từ đầu năm đến ngày 14/1, nếu như chỉ số Shanghai Composite Index giảm hơn 15%, thì chỉ số chủ chốt S&P 500 của Mỹ đã giảm suýt soát 6%, còn chỉ số STOXX 600 của Châu Âu giảm 7,2%.
Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, nhưng chịu tác động nhẹ hơn, khi chỉ số VN-Index mới giảm 4,5%.
Việc thị trường cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh được cho là do lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại nước này cũng như đồng Nhân dân tệ đang yếu đi.
Trong dự báo mới nhất của mình, Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,7% trong năm nay từ mức ước tính 6,9% đạt được vào năm 2015.Một khảo sát của hãng tin Bloomberg còn đưa ra dự báo ảm đạm hơn, đó là GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,5% năm nay.
Vậy những lĩnh vực nào tại Việt Nam chịu tác động từ Trung Quốc?
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tác động bất lợi cho một số ngành liên quan đến hàng hóa như khai thác mỏ, nông sản, nhưng lại tác động tích cực tới các ngành phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), tình trạng kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại sẽ tác động đến nhiều ngành nghề tại Việt Nam.
Các ngành liên quan đến hàng hóa như như khai thác mỏ, cao su, đường, và phân phối khí sẽ chịu tác động tiêu cực do giá hàng hóa thế giới dự kiến sẽ giảm trong cả ngắn hạn lẫn trung hạn.
Ngành thép được dự báo cũng có thể bị ảnh hưởng xấu, nhưng do nhu cầu mạnh gần đây nên các nhà sản xuất thép trong nước vẫn giữ được giá bán, bất chấp giá quặng sắt thế giới giảm.
Các ngành liên quan đến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, mà chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng sẽ chịu tác động tiêu cực do nhu cầu từ nước này giảm bớt.
Trong năm 2015, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Mỹ và ASEAN, với kim ngạch ước đạt 17 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như rau quả, thủy sản, gạo, sắn, cao su, than đá…
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng đang khiến đồng Nhân dân tệ mất giá trong bối cảnh đồng tiền này đang được thả nổi hơn, theo đó cũng tác động bất lợi đến những ngành khác của Việt Nam.
Một đồng Nhân dân tệ yếu đi có thể khiến các ngành như sản xuất thép và phân bón của Việt Nam phải cạnh tranh gắt gao hơn ở thị trường trong nước trước những hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn từ Trung Quốc. Các mặt hàng máy móc và phương tiện vận tải có thể cũng chịu tình cảnh tương tự.
Các ngành như nông sản, thực phẩm, xi măng và gia công phần mềm của Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc khi xuất khẩu ra thị trường thế giới do đồng Nhân dân tệ giảm giá.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng đem lại lợi ích cho một số lĩnh vực. Các công ty được hưởng lợi là doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và bán các sản phẩm ở trong nước do giá đầu vào giảm sẽ bù đắp cho chi phí cao hơn từ tỷ giá. Một số doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán có thể được hưởng lợi là Vinamilk (VNM), Nhựa Bình Mình (BMP), Pinaco (PAC), Dây cáp điện Việt Nam (CAV). Các doanh nghiệp khác cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giá hàng hóa giảm là Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Miền Nam (CSM), Đạm Phú Mỹ (DPM).
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng, nguyên liệu và xuất khẩu các sản phẩm cuối cùng cũng sẽ được hưởng lợi khi vô hiệu hóa được hiệu ứng tỷ giá.
Đồng Nhân dân tệ yếu cũng sẽ làm lợi cho ngành mà Việt Nam không thể sản xuất và phải nhập khẩu từ Trung Quốc như máy móc, thiết bị.
Khó có thể đưa ra một đánh giá toàn diện về tác động của việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc đến các lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đó là một số ngành nhà đầu tư có thể cần chú ý.
Theo một đánh giá mới đây của ngân hàng ANZ, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á chịu tác động ít nhất từ việc kinh tế Trung Quốc mất đà.
ANZ ước tính, nếu tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và Philippin đều sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm, Indonesia giảm 0,3 điểm, Thái Lan giảm 0,4 điểm, Malaysia giảm 0,5 điểm và Singapore giảm nhiều nhất là 1,4 điểm phần trăm.
Ba ‘ông lớn’ ngân hàng lãi khủng
TPHCM: Tín dụng đổ vào bất động sản tăng đột biến
Tính đến 31/12/2015, dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đạt gần 3.900 tỉ đồng, gấp 3,58 lần so với cuối năm 2014.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Tp.HCM về hoạt động ngân hàng trên địa bàn Tp.HCM, trong năm 2015, tín dụng trung và dài hạn tăng cao, và chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng ngắn hạn. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn cuối năm 2015 đạt trên 711.000 tỉ đồng, tăng 28,7% và chiếm 57,6% trong tổng dư nợ tín dụng.
Về lĩnh vực bất động sản, tính đến 31/12/2015, dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đạt gần 3.900 tỉ đồng, gấp 3,58 lần so với cuối năm 2014. Trong đó, dự nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp đạt gần 1.000 tỉ đồng (với 7 khách hàng doanh nghiệp), và dư nợ đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đạt 2.900 tỉ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2015 trên địa bàn Tp.HCM đạt trên 1,23 triệu tỉ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Tốc độ tăng trưởng tín dụng này là cao nhất trong 5 năm qua.
Tính đến ngày 30/11/2015, nợ xấu trên địa bàn TPp.HCM chiếm 4,03% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Như vậy, so với cuối năm 2014, nợ xấu trên địa bàn giảm 15,6%, tương ứng giảm 8.835 tỉ đồng. Nếu loại trừ các ngân hàng thương mại cổ phần được NHNN mua lại với giá 0 đồng, nợ xấu trên địa bàn Tp.HCM chỉ còn chiếm 2,3% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Đất sân bay Nha Trang được định giá khoảng 12.000 tỷ đồng
Giá trị quyền sử dụng diện tích 186,86 ha đất sân bay Nha Trang (SBNT) cũ sơ bộ được xác định là khoảng 12.000 tỷ đồng. Ông Trần Hòa Nam, GĐ Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Khu đất SBNT cũ đã được quy hoạch là Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang sau khi di dời trường Sĩ quan Không quân.
Trả lời phóng viên báo Tiền Phong trong buổi họp báo do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 15/1, ông Trần Hòa Nam nói, khoảng 79 ha đất tại SBNT cũ đã được giao cho một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Giá trị quyền sử dụng đất 79ha này khoảng 6.000 tỷ đồng, là nguồn vốn đối ứng để các doanh nghiệp đó thực hiện dự án xây dựng sân bay quân sự Phan Thiết (Bình Thuận) thay thế SBNT và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm huấn luyện của Trung đoàn Không quân 920, trường Sĩ quan Không quân (tổng vốn đầu tư 2 dự án khoảng 5.500 tỷ đồng).
UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương dùng giá trị quyền sử dụng đất của khoảng 108 ha đất còn lại làm nguồn vốn đối ứng của các dự án BT lớn trên địa bàn tỉnh.
Việt Nam - điểm đến của công nghiệp điện tử
Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục hướng về.
Một trong những dự án FDI đầu tiên được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2016 là dự án về công nghiệp điện tử của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia).
Với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD, nhà đầu tư này dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và TV LED có độ chính xác cao.
United More đang nhắm đến việc trở thành nhà cung cấp cho tổ hợp Samsung SEHC (vốn đầu tư 2 tỉ USD), dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2/2016 tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).
Thực tế thì sau khi Samsung đầu tư dự án tại SHTP, đã có 4 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là những dự án vệ tinh cho dự án lõi của Samsung, và điều đó báo hiệu một xu thế mới: Sẽ có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực này tìm đến TPHCM cũng như các địa phương lân cận để đón đầu cơ hội từ dự án SEHC.
Điều này giống như thực tế đã và đang diễn ra ở khu vực phía Bắc, sau khi Samsung rồi Microsoft và LG không ngừng đổ vốn đầu tư vào Việt Nam.
Cũng trong ngày cuối của năm 2015, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử. Đó là các dự án “Halla Vina” của nhà đầu tư Hallacast Co., Ltd, vốn đầu tư 30 triệu USD; HKT Electronics Việt Nam của HKT Co., Ltd.(Hàn Quốc), vốn đầu tư 16 triệu USD, và dự án của Woosung Molding & Plastics Co., Ltd, vốn đầu tư 34 triệu USD.
Cả 3 dự án trên đều do nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai và đều nhắm đến mục tiêu sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động (như khung máy điện thoại thông minh, khay đựng sim, vỏ máy và giá đỡ, tấm bảo vệ linh kiện, vỏ điện thoại di động...). Các dự án này đặt mục tiêu đưa nhà máy vào hoạt động ngay trong năm 2016 để kịp cung ứng linh phụ kiện cho các tổ hợp sản xuất đồ điện tử, thiết bị di động của Samsung, Microsoft, LG...
Nhiều chuyên gia có chung nhận định, Việt Nam đang trở thành công xưởng lớn của thế giới trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng Samsung, hai tổ hợp công nghệ ở Thái Nguyên và Bắc Ninh hàng năm đã cung ứng khoảng 33% tổng lượng điện thoại Samsung bán ra trên toàn cầu. Năm 2015, riêng Samsung đã xuất khẩu 32,8 tỉ USD các sản phẩm điện thoại, đồ điện tử và linh kiện.
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam với tổng giá trị hàng năm đã vượt ngưỡng 30 tỉ USD.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần xuất khẩu điện tử lớn nhất khu vực ASEAN. Việt Nam vươn lên trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN năm 2014.
Trong thời gian tới, sản lượng hàng điện tử của Việt Nam dự kiến tăng mạnh, đặc biệt là điện thoại di động và điện tử dân dụng nhờ các ưu đãi thuế suất trong các hiệp định thương mại tự do mà tăng khả năng cạnh tranh về giá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng khi AEC đã hình thành và TPP được ký kết.
ASEAN, TPP và EU là những thị trường xuất khẩu hàng điện tử quan trọng của Việt Nam.