tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-07-2017

  • Cập nhật : 08/07/2017

Samsung đạt lợi nhuận quý kỷ lục

Samsung Electronics vừa thông báo mức lợi nhuận quý lớn nhất từ trước tới nay, nhờ Galaxy S8 và nhu cầu chip nhớ trên toàn cầu.Theo đó, lợi nhuận quý II năm nay của đại gia công nghệ Hàn Quốc đạt 14.000 tỷ won (12 tỷ USD), tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ sức tiêu thụ mạnh mẽ của Galaxy S8, doanh thu của hãng công nghệ này đã tăng 18%, lên mức 60.000 tỷ won.

samsung dat loi nhuan quy ky luc nho su thanh cong cua galaxy s8. 

Samsung đạt lợi nhuận quý kỷ lục nhờ sự thành công của Galaxy S8. 

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang dựa vào Galaxy S8 để phục hồi danh tiếng, lấy lại những gì đã mất vào tay Apple và các đối thủ Trung Quốc sau sự cố thu hồi Note 7 trên toàn cầu hồi năm ngoái. Đồng thời, theo báo cáo của Samsung, hãng tiếp tục hưởng lợi nhờ chip nhớ trên điện thoại và máy tính có giá cao.

"Samsung đã thành công trong việc cắt giảm chi phí sản xuất chip nhớ, trong khi doanh số màn hình cũng góp phần tích cực làm tăng lợi nhuận của hãng. Giá chip nhớ sẽ vẫn tăng và Samsung có thể đạt mức lợi nhuận kỷ lục mới trong quý III", nhà phân tích Greg Roh tại HMC Investment Securities nhận định.

Ông Roh dự đoán Samsung có thể đạt lợi nhuận 15.200 tỷ won trong quý sau nhờ doanh thu từ Galaxy S8 và lợi nhuận cả năm là 54.000 tỷ won.

Nhà phân tích Lee Seung tại Eugene Investment and Securites nhận định Samsung có thể thay thế Intel để trở thành nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới về doanh số trong năm nay. Trong quý I năm nay, hãng công nghệ Hàn Quốc cũng đã lấy lại vị thế nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.(Vnexpress)
-----------------------

Pháp muốn ngưng dùng ô tô chạy bằng xăng và diesel từ năm 2040

Theo CNN, chính phủ Pháp muốn chấm dứt việc bán phương tiện chạy bằng xăng và diesel vào năm 2040 để chống lại biến đổi khí hậu. Sau năm này, các nhà sản xuất ô tô chỉ được phép bán xe hơi hybrid, chạy bằng điện hoặc các nguồn năng lượng sạch khác.

Ông Nicolas Hulot, quan chức chính phủ phụ trách quá trình chuyển đổi cho biết mục tiêu trên sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô Pháp “đổi mới và trở thành những nhà lãnh đạo thị trường”. Ông Hulot cho hay một cuộc cách mạng trong cuộc sống thường nhật đang chờ đợi nước này.

Chính phủ Pháp vừa phác thảo một loạt sáng kiến để giúp nước này đạt mục tiêu, trong đó có việc hỗ trợ phát triển nhiên liệu thay thế như điện và hydro. Nước này cũng lên kế hoạch tài trợ cơ sở hạ tầng mới để sạc ô tô điện.

Ngoài ra, chính phủ cũng hứa hẹn chương trình đổi tiền mặt cho những người muốn bỏ dùng ô tô cũ, gây ô nhiễm môi trường để mua ô tô sạch hơn. Dù vậy, kế hoạch chi tiết chưa được công bố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện rõ kế hoạch thúc đẩy các chính sách để bảo vệ môi trường của ông. Trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 6, ông Macron chỉ trích quyết định của Mỹ khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và kêu gọi mọi người “làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại”. Ông Macron cũng chào đón các nhà khoa học, kỹ sư và công dân Mỹ, những người bất mãn vì động thái của ông Trump.

Tổng thống Pháp nói: “Họ sẽ tìm thấy ở Pháp một quê hương thứ hai. Tôi kêu gọi họ đến và làm việc ở đây với chúng tôi, để cùng nhau giải quyết các vấn đề cụ thể về khí hậu”.

Động thái loại bỏ các phương tiện chỉ chạy bằng động cơ đốt trong của Pháp được đưa ra chỉ một ngày sau khi hãng xe Volvo tuyên bố rằng từ năm 2019, hãng chỉ sản xuất ô tô động cơ điện. Volvo là nhà sản xuất ô tô truyền thống đầu tiên đi theo hướng sản xuất xe hơi điện và hybrid.

Dân Pháp mua hơn hai triệu chiếc ô tô hồi năm ngoái và tỷ lệ ô tô chạy bằng điện, xe hybrid và ô tô chạy bằng các loại nhiên liệt thay thế chiếm chỉ 4%. Dù vậy, tỷ lệ này đang tăng nhanh. Doanh thu của ô tô chạy bằng nhiên liệu sạch hơn tăng 25% trong quý 1/2017.

Có nhiều yếu tố đang thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô chuyển hướng sang xe điện, trong đó có quy định môi trường khó khăn hơn và kỳ vọng về loại ô tô tự hành. Tuy nhiên, bỏ hẳn ô tô chạy bằng xăng là việc khó khăn. Một trong những lý do chính là lợi nhuận. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang kiếm được hàng tỉ USD mỗi năm bằng cách bán hàng triệu ô tô chạy bằng xăng. Hiện chưa có hãng xe nào, kể cả Tesla, tìm ra cách tạo lợi nhuận từ việc bán ô tô chỉ chạy bằng điện.(Thanhnien)
----------------------

Sản lượng Ôtô Trường Hải giảm hơn 5.200 xe

Thị trường ôtô giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2017 và Trường Hải là nhà sản xuất có số giảm tuyệt đối lớn nhất, hơn 5.200 xe.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), nhà sản xuất Trường Hải bán được hơn 47.800 xe trong 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ 2016, doanh số giảm 10%, tương đương với hơn 5.200 xe. Đây là mức giảm cao nhất trong các nhà sản xuất ôtô nửa đầu năm nay do Trường Hải cũng là đơn vị có sản lượng đứng đầu thị trường.

Tất cả các thương hiệu mà Trường Hải lắp ráp đều ghi nhận doanh số giảm. Trong đó, Kia giảm 12%, tương đương hơn 1.600 xe; Mazda giảm 8%, tương đương gần 1.200 xe. Riêng tiêu thụ của Peugeot giảm đến 61%, tương đương hơn 200 xe.

Tình hình kinh doanh của Trường Hải suy giảm diễn ra trong bối cảnh thị trường ôtô Việt Nam nửa đầu năm không có tăng trưởng, thậm chí là giảm nhẹ. VAMA cho hay, tiêu thụ xe toàn thị trường sáu tháng qua đạt khoảng 134.200 chiếc, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

san-luong-oto-truong-hai-giam-hon-5200-xe

Tiêu thụ ôtô toàn thị trường giảm 1% trong nửa đầu năm.

Đây không phải là kết quả bất ngờ khi thị trường liên tục ghi nhận những dấu hiệu không mấy sáng sủa trong vài tháng gần đây. Hồi tháng 4/2016, sản lượng xe bán ra bỗng dưng lao dốc kỳ lạ, giảm đến 15% so với tháng 4/2016. Tháng 6 vừa rồi, tiêu thụ ôtô có phần ổn định hơn nhưng cũng giảm 0,2% so với tháng 6/2016.

Theo nhiều lý giải, tiêu thụ ôtô đang có chiều hướng sụt giảm một phần do nhiều người đang có tâm lý đợi đến đầu năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0% so với mức 30% như hiện nay. Tuy nhiên, trong một dự báo đưa ra cuối tháng rồi, chủ tịch VAMA Toru Kinoshita cho rằng, thị trường nửa cuối năm vẫn sẽ tăng trưởng. Do đó, VAMA giữ nguyên dự báo tiêu thụ ôtô tăng 10% trong năm 2017 đã được đưa ra đầu năm.

Xét kỹ hơn, thị trường 6 tháng qua suy giảm sản lượng ở mảng xe lắp ráp trong nước, với mức 6%. Trong khi đó, sản lượng xe nhập khẩu bán ra vẫn tăng 15%. Khác với Trường Hải, hàng loạt đơn vị vừa sản xuất vừa nhập khẩu đều báo cáo sản lượng tiêu thụ tăng.

So với nửa đầu năm ngoái, Toyota bán được nhiều hơn gần 4.800 xe, tương đương tăng trưởng 19%. Mercedes-Benz cũng bán thêm được hơn 900 chiếc, tăng trưởng đến 37%. GM Việt Nam và Mitsubishi cũng tăng ở mức hai con số. Sản lượng xe tiêu thụ của Ford tăng nhưng khiêm tốn ở mức 4%.

Liên tục những tháng qua, để thu hút người mua, nhiều hãng liên doanh lắp ráp ôtô trong nước không ngần ngại đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến gần trăm triệu đồng mỗi xe, một động thái chưa có tiền lệ trong ngành kinh doanh ôtô vài năm trước đây.

Tuy nhiên, chủ tịch VAMA cũng nhận định, các hãng và đại lý sẽ khó lòng giảm thêm trong 6 tháng còn lại vì các mức giá hiện nay đã gần như "chạm đáy" đối với các nhà lắp ráp trong nước.(Vnexpress)
-----------------------

Việt - Đức ký các hợp đồng trị giá 1,5 tỷ euro

Hơn 700 doanh nghiệp hai nước đã thúc đẩy hợp tác tại diễn đàn được tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Đức.

Chiều 6/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao 28 văn bản hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước với tổng giá trị trên 1,5 tỷ euro tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức tại Berlin.

Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 doanh nghiệp Đức và trên 100 doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng đến nước này.

Thủ tướng đã giới thiệu về tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cho biết môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện theo chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đang mở cửa thị trường, với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam đang phát triển, Thủ tướng mong Đức sẽ hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ông đề xuất khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng muốn các công ty Đức liên doanh với doanh nghiệp địa phương trong ngành năng lượng.

Đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, ông kỳ vọng “sau diễn đàn này, nhất định làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước”.

Trong cuộc gặp trước đó, Bộ trưởng Kinh tế - Năng lượng Đức Brigitte Zypries cũng khẳng định sẽ nỗ lực khuyến khích doanh nghiệp Đức đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Bà muốn đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 15-20 tỷ euro vào năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sắp ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).

Trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Đức hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 9 tỷ USD, chiếm 20% thương mại giữa Việt Nam và EU. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức cũng đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hiện lên đến 1,8 tỷ USD.

Tại chuyến thăm Đức lần này, Thủ tướng cũng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ 7 đến 8/7 ở thành phố Hamburg. Lãnh đạo Việt Nam tham dự với tư cách nước chủ nhà APEC 2017. Việt Nam được mời tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị G20 và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung.(Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục