HAGL Agrico: Mía đường rời vị trí quán quân, lợi nhuận quý 2 tăng gấp đôi nhờ bán bò
Cao su mang lại doanh thu khiêm tốn cho HNG
Hoạt động bán bò không mang lại cho HAGL Agrico một đồng doanh thu nào vào quý 2 năm ngoái, sang quý 2 năm nay, doanh thu đạt tới 766 tỷ đồng, chiếm 48,9% doanh thu thuần cả quý.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai Agrico - mã HNG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2015.
Doanh thu thuần quý 2 của HNG tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, đạt 1.566 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ ở mức 544 tỷ đồng). Với sự tăng trưởng này, không bất ngờ khi quý 2 công ty này báo lãi tới 481,8 tỷ đồng, bằng 2,1 lần con số cùng kỳ 2014.
Lũy kế 6 tháng, HNG đạt 587,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,3% so với 6 tháng đầu năm 2014.
Kết quả kinh doanh vượt trội trong quý 2 của HNG không gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai trước đó đã công bố kêt quả kinh doanh vượt trội nhờ mảng hoạt động bán bò.
Quan sát cơ cấu doanh thu quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm trước, có thể thấy rõ sự biến động. Trong khi hoạt động bán bò không mang lại cho HAGL Agrico một đồng doanh thu nào vào quý 2 năm ngoái, sang quý 2 năm nay, doanh thu đạt tới 766 tỷ đồng, chiếm 48,9% doanh thu thuần cả quý. Mía đường rời "ngôi vương" cùng với sự sụt giảm mạnh mẽ cả về giá trị lẫn tỷ trọng (295,7 tỷ đồng xuống còn 203 tỷ đồng).
Doanh thu tăng trưởng mạnh, số dư phải thu khách hàng cuối quý 2 của HNG tương đối lớn với 2.568 tỷ đồng, vượt quá doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của công ty.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc “nhòm ngó” Nhiệt điện Nam Định 1
Đại diện của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) bày tỏ mong muốn được tham gia vào tổ hợp đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam định 1.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đại diện của KEXIM cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà máy nhiệt điện Việt Nam.
Trước đó, Ngân hàng KEXIM đã tham gia vào 03 dự án điện bao gồm: Dự án Nhiệt điện Thái Bình, Dự án Nhiệt điện Mông Dương, Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Trong đó, cùng với Ngân hàng KSURE thì KEXIM tài trợ 85% vốn của dự án là vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; cung cấp hợp đồng tín dụng xuất khẩu trị giá 330 triệu USD cho Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; đối với dự án Nhiệt điện Mông Dương, KEXIM vừa là bên cho vay lớn nhất, vừa là đơn vị bảo lãnh rủi ro thương mại và chính trị tổng thể.
Với dự án Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1, đại diện ngân hàng này cho biết muốn đầu tư theo hình thức BOT cùng với Công ty Taekwang Power, Hàn Quốc và Công ty Acwa Power của Ả rập xê út.
Do đó, Ngân hàng KEXIM cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn các thủ tục đăng ký tham gia chủ đầu tư dự án BOT.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định có tổng công suất 2.400 MW, gồm 4 tổ máy, mỗi tổ máy 600 MW, vận hành theo phương thức BOT trong vòng 25 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, dự kiến phát điện vào năm 2020.
Đại diện nhà đầu tư cho biết đang đẩy nhanh tiến độ cố gắng động thổ dự án vào cuối năm 2015 hoặc muộn nhất vào năm 2016.
Nhiều rủi ro khi xuất khẩu cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc
Nhiều rủi ro khi xuất khẩu cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không thông qua các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch nên yêu cầu về chất lượng không nghiêm ngặt.
Đây cũng là rủi ro đối với xuất khẩu cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung sang thị trường Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có bước tăng trưởng đột biến, đạt 70,15 triệu USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó nổi lên là nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu để sản xuất và xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng.
Tuy nhiên, theo VASEP, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không thông qua các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch nên yêu cầu về chất lượng không nghiêm ngặt. Đây cũng là rủi ro đối với xuất khẩu cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung sang thị trường Trung Quốc.
Dù cho rằng, từ nay cuối năm còn khá nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, VASEP vẫn nhận định, đây chưa hẳn là thị trường xuất khẩu bền vững trong tương lai.
Xi măng tiêu thụ hơn 40 triệu tấn trong 7 tháng
Xi măng tiêu thụ hơn 40 triệu tấn trong 7 tháng
7 tháng đầu năm 2015, sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ ước đạt 40,98 triệu tấn, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 57% kế hoạch năm 2015.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, riêng tháng 7, ước sản lượng tiêu thụ 6,50 triệu tấn, bằng 108% so tháng 6/2015, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2014. Lượng xi măng tiêu thụ trong nước ước đạt 5,15 triệu tấn, bằng 109% so tháng 6/2015 và bằng 122% so tháng 7/2014.
Xuất khẩu xi măng tháng 7/2015 ước đạt 1,35 triệu tấn, bằng 105% so với tháng 6/2015, bằng 137% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 9,77 triệu tấn, bằng 113% so cùng kỳ năm 2014.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng, mặc dù giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng không ngừng tăng nhưng giá bán xi măng thời gian qua nhìn chung khá ổn định. Trong các mặt hàng vật liệu xây dựng, xi măng hiện vẫn là mặt hàng bình ổn giá tốt, giá cả ổn định nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nhật Bản xúc tiến thu mua, chế biến cá ngừ đại dương tại Phú Yên
Nhật Bản xúc tiến thu mua, chế biến cá ngừ đại dương tại Phú Yên
Công ty TNHH Hokugan đang thực hiện các công việc để sớm triển khai dự án thu mua, chế biến cá ngừ đại dương tại một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng cá ngừ.
Ngay từ tháng 9/2014, Công ty Hokugan, Nhật Bản đã tìm hiểu đầu tư dự án thu mua, chế biến cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Mong muốn của nhà đầu tư là xây dựng một nhà máy chế biến cá ngừ đại dương tại cảng cá Đông Tác, quy mô sử dụng đất hơn khoảng 16.000 m2, công suất chế biến khoảng 1.800 tấn nguyên liệu/tháng, đồng thời đầu tư một nhà máy sản xuất nước đá đạt chất lượng cao để bảo quản thủy sản.
Tuy nhiên, do những vướng mắc về mặt bằng triển khai nhà máy nên đến nay, Công ty Hokugan chưa thể lập các thủ tục xin chủ trương đầu tư theo quy định. Những vướng mắc này đang tiếp tục được tỉnh Phú Yên tháo gỡ với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xúc tiến triển khai dự án.
Tại Nhật Bản, Công ty Hokugan đã thành lập quỹ hỗ trợ có tên “Quỹ Anmar” để thiết lập mạng lưới hợp tác hỗ trợ ngư dân và mong muốn sử dụng quỹ này để hỗ trợ ngư dân miền Trung Việt Nam.
(
Tinkinhte
tổng hợp)